Tiếng Việt lớp 5 bài 24A: Giữ gìn trật tự an ninh

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về những luật lệ của người Ê-đê. Đồng thời, bài học này còn giúp các em trau dồi thêm một số từ ngữ phong phú. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 24A: Giữ gìn trật tự an ninh

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 61 SGK VNEN Tiếng Việt lớp 5

Câu hỏi: Kể tên một số luật mà em biết.

Hướng dẫn giải:

Một số luật của nước ta hiện nay đó là Luật giáo dục, bảo vệ môi trường, Luật an toàn giao thông, Luật doanh nghiệp, Luật di sản văn hóa,…

1.2. Văn bản "Luật tục xưa của người Ê-đê"

Luật tục xưa của người Ê-đê

Về cách xử phạt

Chuyện nhỏ thì xử nhẹ, chuyện lớn thì xử nặng; chuyện giữa những người bà con, anh em cũng xử như vậy.

Nếu là chuyện nhỏ thì phạt tiền một song, chuyện lớn thì phạt tiền một co. Nếu là chuyện quá sức con người, gánh không nổi, vác không kham thì người phạm tội phải chịu chết.

Về tang chứng và nhân chứng

Phải nhìn tận mặt, phải bắt tận tay kẻ phạm tội; phải lấy được, giữ được gùi, khăn, áo, dao,... của kẻ phạm tội. Phải khoanh một vòng tròn dưới đất, khắc một dấu trên cột nhà; nếu ở trong rừng phải bẻ nhánh cây, khắc dấu vào cây rừng để làm dấu nơi xảy ra sự việc.

Phải có bốn năm người hoặc vài ba người có mặt khi việc xảy ra. Mọi người tai đều đã nghe, mắt đều đã thấy. Có như vậy, các tang chứng mới chắc chắn.

Về các tội

- Tội không hỏi cha mẹ:

Có cây đa phải hỏi cây đa, có cây sung phải hỏi cây sung, có mẹ cha phải hỏi mẹ cha. Đi rừng lấy củi mà không hỏi cha, đi suối lấy nước mà chẳng nói với mẹ; bán cái này, mua cái nọ mà không hỏi ông già bà cả là sai; phải đưa ra xét xử.

- Tội ăn cắp:

Kẻ thò tay ra để đánh cắp của người khác là kẻ có tội. Kẻ đó phải trả lại đủ giá; ngoài ra phải bồi thường gấp đôi số của cải đã lấy cắp.

- Tội giúp kẻ có tội:

Kẻ đi cùng đi, bước cùng bước, nói cùng nói với kẻ có tội cũng là có tội.

- Tội dẫn đường cho địch đến đánh làng mình:

Kẻ mà địch không đi được thì cõng, địch không ăn được thì mớm, địch không biết thì nói cho biết, làm hàng trăm dân làng bị địch bắt, hàng nghìn dân làng bị địch giết là kẻ có tội lớn. Phải xử kẻ đó bằng dao sắc, gươm lớn và bỏ xác hắn cho diều tha quạ mổ.

Theo NGÔ ĐỨC THỊNH - CHU THÁI SƠN

1.3. Nội dung chính của văn bản

Bài đọc nói về luật lệ, tập tục cổ xưa của người Ê-đê. Các luật lệ rất công bằng, nghiêm khắc, xử phạt và răn đe nghiêm minh, quy định về các tội, các hình thức xử phạt, quy định về tang chứng vật chứng.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài

- Luật tục: những quy định, phép tắc phải tuân theo trong buôn làng, bộ tộc,…

- Ê-đê: tên một dân tộc thiểu số sống ở vùng Tây Nguyên.

- Song, co: các đơn vị tiền cổ của người Ê-đê; hai song bằng một co.

- Tang chứng: sự vật, sự việc chứng tỏ hành động phạm tội.

- Nhân chứng: người làm chứng.

- Trả lại đủ giá: trả lại đủ số lượng và giá trị.

1.5. Thảo luận và trả lời các câu hỏi

Câu 1: Người xưa đặt ra luật tục để làm gì?

Hướng dẫn giải:

Luật xưa của người Ê-đê được đặt ra nhằm duy trì và ổn định xã hội, có luật thì mọi người tuân theo mà sống cho đúng; nhằm giữ gìn và bảo vệ cuộc sống thanh bình cho cộng đồng.

Câu 2: Kể những việc mà người Ê- đê xem là có tội?

Hướng dẫn giải:

Những việc mà người Ê- đê xem là có tội: Tội không hỏi cha mẹ, tội ăn cắp, tội giúp kẻ có tội, tội dẫn đường cho giặc.

Câu 3: Tìm những chi tiết trong bài thơ cho thấy đồng bào Ê- đê quy định xử phạt rất công bằng.

Hướng dẫn giải:

Những chi tiết trong bài thơ cho thấy đồng bào Ê- đê quy định xử phạt rất công bằng:

- "Chuyện nhỏ thì xử nhỏ, phạt tiền một song".

- "Chuyện lớn thì xử nặng, phạt tiền một co".

- "Chuyện quá sức con người, gánh không nổi, vác không kham thì xử tội chết".

- "Chuyện nội bộ trong gia đình, dòng tộc cũng xử như vậy".

- "Tang chứng phải đầy đủ, chắc chắn, có nhiều người chứng kiến sự việc".

2. Hoạt động thực hành

Câu 1: Dòng nào dưới đây nêu đúng nghĩa của từ an ninh?

a. Yên ổn hẳn, tránh được tai nạn, tránh được thiệt hại.

b. Yên ổn về chính trị và trật tự xã hội.

c. Không có chiến tranh và thiên tai.

Hướng dẫn giải:

Đáp án đúng: b. Yên ổn về chính trị và trật tự xã hội.

Câu 2: Dựa vào hoạt động 1, viết vào vở phần trả lời cho câu hỏi: Thế nào là an ninh?

Hướng dẫn giải:

An ninh là trạng thái yên ổn về chính trị và trật tự xã hội.

Câu 3: Đọc thầm bản hướng dẫn sau và nêu ý nghĩa các số điện thoại:

a. Để bảo vệ an toàn cho mình, em cần nhớ số điện thoại của cha mẹ và địa chỉ, số điện thoại của ông bà, chú bác, người thân để báo tin.

b. Nếu bị kẻ khác đe doạ, hành hung hoặc thấy cháy nhà hay bị tai nạn, em cần phải:

- Khẩn cấp gọi số điện thoại 113 hoặc 114, 115 để báo tin.

- Kêu lớn để những người xung quanh biết.

- Nhanh chóng chạy đến nhà hàng xóm, bạn bè, nhà hàng, cửa hiệu, trường học, đồn công an.

c. Khi đi chơi, đi học, em cần:

- Đi theo nhóm, tránh đi chỗ tối, tránh nơi vắng vẻ, để ý nhìn xung quanh.

- Không mang theo đồ vật trang sức hoặc vật đắt tiền.

d. Khi ở một mình, em phải khoá cửa, không cho người lạ biết em chỉ có một mình và không để người lạ vào nhà.

Theo Gia Kính

Hướng dẫn giải:

- 113: số điện thoại của lực lượng công an thường trực chiến đấu.

- 114: số điện thoại của  lực lượng công an phòng cháy chữa cháy.

- 115: số điện thoại của đội thường trực cấp cứu y tế.

Câu 4: Viết vào ô trống trong bảng các từ ngữ chỉ việc làm, cơ quan, tổ chức và những người có thể giúp em tự bảo vệ khi cha mẹ không có ở bên.

Hướng dẫn giải:

Câu 5: Nghe thầy cô đọc và viết vào vở.

Núi non hùng vĩ

Vượt hai con sông hùng vĩ của miền Bắc, qua đất Tam Đường núi nhu nhú như chín mươi chín cái bánh bao tày đình, băng qua dãy Hoàng Liên Sơn hiểm trở, chọc thủng xong mấy dặm sương mù buốt óc thì lồ lộ bên phải là đỉnh Phan-xi-păng. Mây Ô Quy Hồ đang đội mũ cho Phan-xi-păng. Hết đèo Ô Quy Hồ là qua Sa Pa, thẳng ruổi về thành phố biên phòng Lào Cai.

Theo Nguyễn Tuân

Hướng dẫn giải:

Khi viết các em cần chú ý:

- Viết đúng chính tả.

- Viết đúng tên địa lí: Hoàng Liên Sơn, Phan-xi-păng, Ô Quy Hồ, Sa Pa, Lào Cai.

Câu 6: Tìm các tên riêng trong đoạn thơ sau và viết vào vở:

Tại đây, các con

Tại đất Tây Nguyên ông bà mình này

Nơi mẹ đã đẻ ra ta và cắt rốn ta bằng cây nứa

Chỗ tuổi nhỏ ta nằm nước bò qua bụng đỏ

Và gió cao nguyên thổi nhột lỗ tai non.

Chính nơi đây các con

Xưa Đăm Săn, Y Sun, ông nội ta và lũ làng

Đã rèn dao và mài gươm dưới trăng trong suốt

Trong rừng già Mơ-nông, mặt trời không xuống đất

Vẫn thanh đoản kiếm xưa Đăm Săn đuổi giặc

Nơ Trang Lơng, A-ma Dơ-hao, cha ta và lũ làng mài gấp

Hai mươi năm cạn nước sông Ba

Theo Prê-ki-ma-la-mác

Hướng dẫn giải:

- Tên người tên dân tộc: Đăm Săn, Y Sun, Nơ Trang Lowng, A-ma Dơ-hao, Mơ-nông.

- Tên địa lí: Tây Nguyên, (sông) Ba.

Câu 7: Thi giải câu đố.

Giải câu đố và viết đúng tên các nhân vật lịch sử trong câu đố sau:

- Ai từng đóng cọc trên sông

Đánh tan thuyền giặc, nhuộm hồng sóng xanh?

- Vua nào thần tốc quân hành

Mùa xuân đại phá quân Thanh tơi bời?

- Vua nào tập trận đùa chơi

Cờ lau phất trận một thời ấu thơ?

- Vua nào thảo Chiếu dời đô?

- Vua nào chủ xướng Hội thơ Tao Đàn?

Theo TRẦN LIÊN NGUYỄN

Hướng dẫn giải:

- Câu đố 1: Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo.

- Câu đố 2: Vua Quang Trung (Nguyễn Huệ).

- Câu đố 3: Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh).

- Câu đố 4: Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn).

- Câu đố 5: Lê Thánh Tông (Lê Tư Thành).

Câu 8: Viết tên 5 nhân vật lịch sử đã tìm được ở bài tập 7 vào vở

Hướng dẫn giải:

Ngô Quyền, Quang Trung, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông.

3. Hoạt động ứng dụng

Câu 1: Hỏi người thân về một số thông tin cần thiết (số điện thoại, địa chỉ)

Hướng dẫn giải:

- Khi hỏi các em ghi lại chính xác số điện thoại và địa chỉ.

- Tô đậm những nội dung quan trọng.

Câu 2: Quan sát hình dáng hoặc công dụng của một đồ vật gần gũi với em, ghi lại các chi tiết quan sát được.

Hướng dẫn giải:

Quan sát chiếc đồng hồ báo thức:

1. Miêu tả bao quát về chiếc đồng hồ:

- Chiếc đồng hồ có hình tròn, dáng nhỏ nhắn, xinh xắn.

- Bao quanh là một màu xanh mát mắt và láng bóng.

2. Miêu tả chi tiết chiếc đồng hồ: Chiếc đồng hồ gồm có bốn phần: tay cầm, vỏ ngoài, mặt đồng hồ và bộ phận máy móc phía bên trong.

- Mặt đồng hồ:

+ Được che bởi một tấm kính.

+ Phía bên trong có kim ngắn, kim giờ, kim giây màu đen và kim báo thức màu vàng cùng với 12 con số.

+ Đồng hồ chạy miệt mài ngày đêm, âm thanh tích tắc nghe rất vui tai.

- Vỏ ngoài:

+ Mặt đồng hồ được một lớp vỏ ngoài màu xanh lam bao quanh.

+ Trên đầu còn có hai chiếc chuông xanh nhỏ nhắn và vô cùng xinh xắn.

+ Ở giữa hai chiếc chuông nhỏ là chốt báo thức.

- Tay cầm và chân:

+ Tay cầm là một vòng tròn cuốn cong.

+ Vô cùng thuận tiện để có thể đem đi mọi nơi.

+ Phía cuối có hai chiếc chân nhỏ chìa ra để giữ cho đồng hồ đứng được.

- Bộ phận máy móc bên trong:

+ Để chiếc đồng hồ có thể hoạt động thì bên trong còn có một bộ phận máy móc.

+ Các nút điều kiển gồm có nút chỉnh thời gian, nút hẹn báo thức, nút chỉnh báo thức. Rất tiện lợi và dễ sử dụng.

+ Đồng hồ được chạy bằng pin.

3. Công dụng của đồng hồ

- Đồng hồ luôn nhắc nhở em đi học đúng giờ, thực hiện mọi việc theo kế hoạch

- Nhắc nhở em phải biết quý trọng, không được lãng phí thời gian

4. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được nội dung và ý nghĩa của văn bản "Luật tục xưa của người Ê-đê".

- Rèn luyện kĩ năng tập đọc một văn bản.

- Mở rộng vốn từ về cơ quan, tổ chức nhà nước.

Ngày:24/11/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM