Tiếng Việt lớp 5 bài 29A: Nam và nữ

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu được nội dung và ý nghĩa của văn bản "Một vụ đắm tàu". Đồng thời, bài học này còn giúp các em rèn luyện kĩ năng Nhớ - viết một văn bản. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 29A: Nam và nữ

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 114 SGK VNEN Tiếng Việt lớp 5

Câu 1: Quan sát tranh, trả lời câu hỏi:

a. Tranh vẽ cảnh gì?

b. Vẻ mặt, điệu bộ của những người trong tranh nói lên điều gì?

Hướng dẫn giải:

a. Tranh vẽ cảnh một vụ đắm tàu. Phía xa là con tàu dần dần chìm xuống, phía trước mặt là những con người trên chiếc thuyền được cứu sống.

b. Vẻ mặt, điệu bộ của những người trong tranh cho thấy sự đau đớn của họ trong giờ phút đứng giữa sự sống và cái chết. Những người trên con tàu đang chìm dần xuống vẫy vẫy đôi tay chào những người bên kia một lời chào cuối cùng. Những người ở trên con thuyền nhỏ được cứu sống vẻ mặt đầy đau đớn, hoảng loạn khi không biết làm gì để cứu những người thân yêu của mình.

1.2. Văn bản "Một vụ đắm tàu"

Một vụ đắm tàu

Trên chiếc tàu thủy rời cảng Li-vơ-pun hôm ấy có một cậu bé tên là Ma-ri-ô khoảng 12 tuổi. Tàu nhổ neo được một lúc thì Ma-ri-ô quen một bạn đồng hành. Cố bé là Giu-li-ét-ta, cao hơn Ma-ri-ô. Cô đang trên đường về nhà và rất vui vì sắp được gặp lại bố mẹ. Ma-ri-ô không kể gì về mình. Bố cậu mới mất nên cậu về quê sống với họ hàng.

Đêm xuống, lúc chia tay, Ma-ri-ô định chúc bạn ngủ ngon thì một ngọn sóng lớn ập tới, xô cậu ngã dúi. Giu-li-ét-ta hoảng hốt chạy lại. Cô quỳ xuống bên Ma-ri-ô, lau máu trên trán bạn, rồi dịu dàng gỡ chiếc khăn đỏ trên mái tóc băng cho bạn.

Cơn bão dữ dội bất ngờ nổi lên. Những đợt sóng khủng khiếp phá thủng thân tàu, nước phun vào khoang như vòi rồng. Hai tiếng đồng hồ trôi qua... Con tàu chìm dần, nước ngập các bao lơn. Quang cảnh thật hỗn loạn.

Ma-ri-ô và Giu-li-ét-ta, hai tay ôm chặt cột buồm, khiếp sợ nhìn mặt biển. Mặt biển đã yên hơn. Nhưng con tàu vẫn tiếp tục chìm.

Chiếc xuồng cuối cùng được thả xuống. AI đó kêu lên: "Còn chỗ cho một đứa bé." Hai đứa trẻ sực tỉnh, lao ra.

- Đứa nhỏ thôi! Nặng lắm rồi. - Một người nói.

Nghe thế, Giu-li-ét-ta sững sờ, buông thõng hai tay, đôi mắt thẫn thờ tuyệt vọng.

Một ý nghĩ vụt đến, Ma-ri-ô hét to: "Giu-li-ét-ta, xuống đi! Bạn còn bố mẹ..."

Nói rồi, cậu ôm ngang lưng Giu-li-ét-ta thả xuống nước. Người ta nắm tay cô lôi lên xuồng.

Chiếc xuồng bơi ra xa. Giu-li-ét-ta bàng hoàng nhìn Ma-ri-ô đang đứng bên mạn tàu, đầu ngửng cao, tóc bay trước gió. Cô bật khóc nức nở, giơ tay về phía cậu: "Vĩnh biệt Ma-ri-ô!"

Theo A-MI-XI

1.3. Nội dung chính của văn bản

Văn bản "Một vụ đắm tàu" mang đến cho người đọc một câu chuyện rất cảm động về sự hi sinh cao cả của cậu bé Ma-ri-ô, đó còn là một tình bạn đẹp giữa cậu bé Ma-ri-ô và cô bé Giu-li-ét-ta. Hai bạn quen nhau trên tàu, cô bé về với bố mẹ còn cậu bé vừa mất bố, về ở với người thân. Khi cậu Ma-ri-ô bị ngã, cô bé Giu-li-ét-ta đã chăm sóc cậu rất cẩn thận. Vậy nên khi bão biển làm chìm tàu, cậu đã không ngần ngại nhường sự sống cho cô bé, để cô xuống xuồng còn cậu chấp nhận hi sinh.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài

- Li-vơ-pun: Một cảng của nước anh.

- Bao-lơn: Ở đây chỉ phần sàn tàu có lan can bao quanh.

1.5. Thảo luận và trả lời các câu hỏi

Câu 1: Sắp xếp các sự việc theo đúng trình tự câu chuyện:

a. Cảm xúc của Giu-li-ét-ta trước hành động hi sinh của Ma-ri-ô.

b. Tàu gặp nạn, Ma-ri-ô nhường cho bạn xuống xuồng cứu nạn.

c. Ma-ri-ô và Giu-li-ét-ta gặp nhau trên chiếc tàu thủy rời cảng Li-vơ-pun.

d. Ma-ri-ô bị thương và Giu-li-ét-ta chăm sóc bạn.

Hướng dẫn giải:

Thứ tự sắp xếp đúng là:

c. Ma-ri-ô và Giu-li-ét-ta gặp nhau trên chiếc tàu thủy rời cảng Li-vơ-pun.

d. Ma-ri-ô bị thương và Giu-li-ét-ta chăm sóc bạn.

b. Tàu gặp nạn, Ma-ri-ô nhường cho bạn xuống xuồng cứu nạn.

a. Cảm xúc của Giu-li-ét-ta trước hành động hi sinh của Ma-ri-ô.

Câu 2: Nêu cảm nhận, suy nghĩ của mình về hành động nhường bạn xuống xuồng cứu nạn của Ma-ri-ô?

Hướng dẫn giải:

Quyết định nhường bạn xuống xuồng cứu nạn của Ma-ri-ô cho thấy: Ma-ri-ô có tâm hồn cao thượng, nhường sự sống cho bạn, hi sinh bản thân mình

Câu 3: Hãy nêu cảm nghĩ của em về hai nhân vật chính trong truyện.

Hướng dẫn giải:

Hai nhân vật Ma-ri-ô và Giu-li-ét-ta mang đến cho người đọc một câu chuyện vô cùng cảm động, đó là sự hi sinh cao cả mà không phải ai cũng làm được như thế. Ma-ri-ô là bạn trai rất kín đáo, giấu nỗi bất hạnh của mình không kể với bạn. Ma-ri-ô vô cùng cao thượng, đã nhường sự sống cho bạn. Giu-li-ét-ta là một cô bé vô cùng tốt bụng, giàu tình cảm: hoảng hốt, lo lắng khi thấy bạn bị thương; ân cần, dịu dàng chăm sóc bạn; khóc nức nở khi nhìn thấy Ma-ri-ô và con tàu chìm dần.

Câu 4: Cùng nói về ý nghĩa câu chuyện.

Hướng dẫn giải:

Ca ngợi tình bạn giữa Ma-ri-ô và Giu-li-ét-ta; sự ân cần, dịu dàng của Giu-li-ét-ta, đức hi sinh cao thượng của cậu bé Ma-ri-ô.

Câu 5: Mỗi em hãy tưởng tượng và nêu kết cục khác cho câu chuyện.

Hướng dẫn giải:

Trong lúc cả Giu-li-ét-ta và Ma-ri-ô cũng như những người xung quanh đều đang đau buồn và vô cùng tuyệt vọng vì sắp phải chia xa những người mà mình yêu quý thì phía xa xa có một tia sáng rọi tới. Một chiếc thuyền lớn từ đâu xuất hiện, người trên thuyền làm kí hiệu cho những người trên con tàu sắp đắm biết hướng nhảy xuống. Ma-ri-ô cùng những người khác trên con tàu thoát trên trong gang tấc. Giu-li-ét-ta nhìn về phía con thuyền cứu hộ rơi những giọt nước mắt hạnh phúc. Cuối cùng, chúng ta cũng không phải chia li nữa rồi.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1: Nhớ - viết: Đất nước (từ Mùa thu nay … đến hết). Chú ý cách trình bày khổ thơ.

Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

Gió thổi rừng tre phấp phới

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha

 

Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng bát ngát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa

 

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về

Hướng dẫn giải:

Khi viết các em cần chú ý:

- Viết đúng chính tả.

- Xuống dòng phù hợp.

- Đặt dấu câu thích hợp.

Câu 2:

a. Tìm những cụm từ chỉ các huân chương, danh hiệu và giải thưởng trong bài văn sau.

Gắn bó với miền Nam

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (1909 - 1968) quê ở Quảng Nam, là người đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo vệ sức khoẻ cho bộ đội, đặc biệt là trong lĩnh vực chống bệnh lao. Sinh thời, ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và các phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến, Huân chương Lao động. Sau khi mất, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

b. Thảo luận, nêu cách viết hoa các cụm từ đó.

Hướng dẫn giải:

a. Các cụm từ chỉ các huân chương, danh hiệu và giải thưởng trong bài văn:

- Chỉ huân chương: Huân chương Kháng chiến, Huân chương Lao động.

- Chỉ danh hiệu: Anh hùng Lao động.

- Chỉ giải thưởng: Giải thưởng Hồ Chí Minh.

b. Nhận xét về cách viết hoa các cụm từ:

- Mỗi cụm từ chỉ các huân chương, danh hiệu, giải thưởng trên đều có 2 bộ phận.

+ Huân chương Kháng chiến.

+ Huân chương Lao động.

+ Anh hùng Lao động.

+ Giải thưởng Hồ Chí Minh.

- Chữ cái đầu mỗi bộ phận tạo thành các tên này đều được viết hoa. Nếu trong cụm từ có tên riêng chỉ người (Hồ Chí Minh) thì viết hoa theo quy tắc viết hoa tên người. 

Câu 3: Viết lại tên các danh hiệu trong đoạn văn dưới đây cho đúng:

Với các thành tích xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) đã được Nhà nước tuyên dương đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Toàn huyện có 2 xã được tặng danh hiệu đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhàn dân, có 28 bà mẹ được tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Hướng dẫn giải:

- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

- Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Câu 4: Ôn luyện về dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than.

a. Tìm và nêu tác dụng của các dấu chấm, dấu chấm hỏi và dấu chấm than trong mẩu chuyện vui dưới đây:

Kỉ lục thế giới

Một vận động viên đang tích cực luyện tập để tham gia thế vận hội. Không may, anh bị cảm nặng. Bác sĩ bảo:

- Anh sốt cao lắm! Hãy nghỉ ngơi ít ngày đi đã!

Người bệnh hỏi:

- Thưa bác sĩ, tôi sốt bao nhiêu độ?

Bác sĩ đáp:

- Bốn mươi mốt độ.

Nghe thấy thế, anh chàng ngồi phắt dậy:

- Thế kỉ lục thế giới là bao nhiêu?

b. Viết tác dụng của mỗi dấu câu.

Hướng dẫn giải:

a. Các dấu chấm, dấu hỏi và dấu chấm than có trong mẩu chuyện vui đó là:

(1) Một vận động viên đang tích cực luyện tập để tham gia thế vận hội.

(2) Không may, anh bị cảm nặng.

(3) Bác sĩ bảo:

(4) - Anh sốt cao lắm!

(5) Hãy nghỉ ngơi ít ngày đã!

(6) Người bệnh hỏi:

(7) - Thưa bác sĩ, tôi sốt bao nhiêu độ?

(8) Bác sĩ đáp:

(9) - Bốn mươi một độ.

(10) Nghe thấy thế, anh chàng ngồi phắt dậy:

(11) - Thế kỉ lục thế giới là bao nhiêu?

b. Tác dụng của mỗi dấu câu:

- Dấu chấm: Dùng đế kết thúc câu kể.

- Dấu chấm hỏi: Dùng để kết thúc câu hỏi.

- Dấu chấm than: Dùng để kết thúc câu cảm, câu cầu khiến

Câu 5: Tìm chỗ thích hợp để đặt dấu chấm. Viết lại các chữ đầu câu cho đúng quy tắc viết hoa.

Thiên đường của phụ nữ

Thành phố Giu-chi-tan nằm ở phía nam Mê-hi-cô là thiên đường của phụ nữ ở đây, đàn ông có vẻ mảnh mai, còn đàn bà lại đẫy đà, mạnh mẽ trong mỗi gia đình, khi có một đứa bé sinh ra là phái đẹp thì cả nhà nhảy cẫng lên vui sướng, hết lời tạ ơn đấng tối cao.

Theo Tạp chí Thế giới mới

Hướng dẫn giải:

Thiên đường của phụ nữ

Thành phố Giu-chi-tan nằm ở phía nam Mê-hi-cô là thiên đường của phụ nữ. (1) Ở đây, đàn ông có vẻ mảnh mai, còn đàn bà lại đẫy đà, mạnh mẽ. (2) Trong mỗi gia đình, khi có một đứa bé sinh ra là phái đẹp thì cả nhà nhảy cẫng lên vui sướng, hết lời tạ ơn đấng tối cao.

3. Hoạt động ứng dụng

Câu hỏi: Nói cho người thân nghe cảm nghĩ của em về hành động hi sinh vì bạn nhân vật Ma-ri-ô trong bài Một vụ đắm tàu.

Hướng dẫn giải:

Văn bản "Một vụ đắm tàu" thể hiện một tình bạn đẹp giữa hai bạn nhỏ, chúng ta thấy trong văn bản nhân vật Ma-ri-ô mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng đã là một bạn trai giàu nam tính, kín đáo, giấu nỗi bất hạnh của mình, không kể cho bạn biết, quyết đoán, mạnh mẽ và cao thượng nhường bạn xuống xuồng cứu nạn để bạn được sống. Hành động hi sinh mình để bạn được sống cho thấy Ma-ri-ô vô cùng cao thượng, biết nghĩ tới bạn của mình. Mình thì đã là trẻ mồ côi, còn Giu-li-ét-ta vẫn còn gia đình, bạn đang trong tâm trạng vô cùng hạnh phúc vì sắp được gặp lại người thân. Ma-ri-ô đã nhường cả cơ hội sống dành cho bạn của mình.

4. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được nội dung và ý nghĩa của văn bản "Một vụ đắm tàu".

- Rèn luyện kĩ năng tập đọc một văn bản.

- Nâng cao kĩ năng Nhớ - viết một văn bản.

Ngày:25/11/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM