Tiếng Việt lớp 5 bài 34B: Trẻ em sáng tạo tương lai

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về trí tưởng tượng vô biên của các em nhỏ. Đồng thời, bài học này còn giúp các em trau dồi thêm một số từ ngữ phong phú. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 34B: Trẻ em sáng tạo tương lai

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 169 SGK VNEN Tiếng Việt lớp 5

Câu hỏi: Quan sát tranh học sinh vẽ và ảnh chụp, nói điều em nghĩ về các bạn nhỏ.

Hướng dẫn giải:

Các bạn nhỏ vô cùng hồn nhiên, trong sáng. Thế giới của các bạn ấy tràn ngập những ước mơ, những điều lí thú và tươi đẹp trong cuộc sống.

1.2. Văn bản "Nếu trái đất thiếu trẻ con"

Nếu trái đất thiếu trẻ con

(Trích)

Tôi và Anh vào Cung Thiếu nhi

Gặp các em

Và xem tranh vẽ

Thành phố Hồ Chí Minh rất nhiều gương mặt trẻ

Trẻ nhất là các em.

 

Pô-pốp bảo tôi:

“Anh hãy nhìn xem:

Có ở đâu đầu tôi đo được thế?

Anh hãy nhìn xem!

Và thế này thì “ghê gớm” thật:

Trong đôi mắt chiếm nửa già khuôn mặt

Các em tô lên một nửa số sao trời!”

Pô-pốp vừa xem vừa sung sướng mỉm cười

Nụ cười trẻ nhỏ

 

Những chú ngựa xanh lại nằm trên cỏ

Những chú ngựa hồng lại phi trong lửa

Qua tấm lòng các em

Cả thế giới quàng khăn đỏ

Các anh hùng là những - đứa - trẻ - lớn - hơn.

 

Ngộ nghĩnh là các em

Sáng suốt là các em

Tôi lặng người sau lời Pô-pốp:

“Nếu trên trái đất này, trẻ con biến mất

Thì bay hay bò

Cũng vô nghĩa như nhau”.

Đỗ Trung Lai

1.3. Nội dung chính của văn bản

Văn bản "Nếu trái đất thiếu trẻ con" nói đến những bức tranh của các bạn nhỏ vẽ và được tái hiện khi nhân vật Pô-pốp khi vào cung thiếu nhi xem tranh của các em nhỏ. Những bức tranh thể hiện sự sáng tại và sự ngây thơ, trí tưởng tượng vô biên của các em nhỏ. Nếu trái đất không có trẻ con thì sẽ rất vô nghĩa.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài

- Pô-pốp: phi công vũ trụ, hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

- Sáng suốt: có nhận thức rõ ràng và cách giải quyết đúng đắn.

- Lặng người: không nói năng, cử động gì được do vui, buồn đột ngột hoặc khám phá bất ngờ.

- Vô nghĩa: không có ý nghĩa hay giá trị gì.

1.5. Thảo luận và trả lời các câu hỏi

Câu 1:

a. Nhân vật tôi và nhân vật Anh trong bài thơ là ai?

b. Cảm giác thích thú của vị khách về phòng tranh được bộc lộ qua những chi tiết nào?

c. Tranh vẽ của các bạn nhỏ có gì ngộ nghĩnh?

Hướng dẫn giải:

a. Nhân vật tôi là nhà thơ Đỗ Trung Lai còn nhân vật Anh là anh phi công vũ trụ Pô-pốp.

b. Cảm giác thích thú của vị khách về phòng tranh được bộc lộ qua những chi tiết:

- Cảm giác vô cùng thích thú khi xem tranh của vị khách đặc biệt được thể hiện qua lời mời xem tranh rất nhiệt thành của khách được nhắc lại vội vàng, háo hức “Anh hãy nhìn xem”, “Anh hãy nhìn xem!”.

- Qua các từ ngữ biểu lộ thái độ ngạc nhiên, vui sướng: "Có ở đâu đầu tôi to được thế? Và  thế này thì ghê gớm thật. Trong đôi mắt chiếm nửa già khuôn mặt - các em tô lên một nửa số sao trời!”.

- Qua vẻ mặt: vừa xem vừa sung sướng mỉm cười.

c. Tranh vẽ của các bạn nhỏ có những nét ngộ nghĩnh là:

- Có ở đâu đầu tôi to được thế?

- Trong đôi mắt chiếm nửa già khuôn mặt.

- Các em tô lên một nửa số sao trời.

- Cả thế giới quàng khăn quàng đỏ.

- Các anh hùng là những - đứa - trẻ - lớn - hơn.

-> Các bạn nhỏ đã vẽ nên những bức tranh bằng những nét vẽ sinh động, có cả sự đáng yêu và ngộ nghĩnh. Vẽ nhà du hành vũ trụ đầu rất to, các bạn có ý nói anh rất thông minh. Vẽ đôi mắt to chiếm nửa già khuôn mặt, trong đôi mắt chứa đựng một nửa số sao trời, các bạn muốn nói ước mơ chinh phục các vì sao của anh rất lớn. Vẽ cả thế giới khăn quàng đỏ, các anh hùng chỉ là những đứa trẻ lớn hơn, các bạn thể hiện mong muốn người lớn gần gũi với trẻ em, hoặc người lớn như trẻ em…

Câu 2: Chọn ý kiến đúng trong những ý kiến sau:

a. Nét vẽ của các em nhỏ chứa đựng những điều sâu sắc:

- Vẽ Pô-pốp đầu rất to, các bạn có ý nói đầu phải to Pô-pốp mới đội được chiếc mũ của nhà du hành.

- Vẽ đôi mắt to chứa nhiều sao trời, các bạn muốn nói ước mơ chinh phục các vì sao của Pô-pốp rất lớn.

- Vẽ cả thế giới quàng khăn đỏ, các anh hùng chỉ là những đứa trẻ lớn hơn, các bạn thể hiện mong muốn người lớn cũng giống trẻ con, gần gũi và hiểu trẻ con, cùng vui chơi với trẻ con.

b. Ba dòng thơ cuối muốn nói: Mọi hoạt động của người lớn có ý nghĩa là vì có trẻ em.

c. Bài thơ ca ngợi trẻ em ngộ nghĩnh, sáng suốt, là tương lai của nhân loại. Có trẻ em hoạt động của người lớn mới có ý nghĩa.

Hướng dẫn giải:

Các ý kiến đúng là:

a. Nét vẽ của các em nhỏ chứa đựng những điều sâu sắc:

- Vẽ đôi mắt to chứa nhiều sao trời, các bạn muốn nói ước mơ chinh phục các vì sao của Pô-pốp rất lớn.

- Vẽ cả thế giới quàng khăn đỏ, các anh hùng chỉ là những đứa trẻ lớn hơn, các bạn thể hiện mong muốn người lớn cũng giống trẻ con, gần gũi và hiểu trẻ con, cùng vui chơi với trẻ con.

b. Ba dòng thơ cuối muốn nói: Mọi hoạt động của người lớn có ý nghĩa là vì có trẻ em.

c. Bài thơ ca ngợi trẻ em ngộ nghĩnh, sáng suốt, là tương lai của nhân loại. Có trẻ em hoạt động của người lớn mới có ý nghĩa.

Câu 3: Thi đọc bài thơ.

Hướng dẫn giải:

- Từng tốp 3 học sinh nối tiếp nhau đọc 3 khổ thơ.

- Giọng đọc vui, cảm hứng ca ngợi trẻ em.

- Chú ý từ ngữ sao cho thể hiện đúng lời của nhân vật, cụ thể ở đây chính là nhân vật phi công vũ trụ Pô-pốp: nhanh hơn, ngạc nhiên, thích thú lúc ngắm những bức tranh trẻ em vẽ mình; chậm lại từ câu Pô-pốp vừa xem vừa sung sướng mỉm cười; trầm hơn ở ba dòng kết.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia theo một trong hai đề sau:

a. Kể một câu chuyện mà em biết về việc gia đình, nhà trường hoặc xã hội chăm sóc, bảo vệ thiếu nhi.

b. Kể về việc em cùng các bạn trong lớp hoặc trong chi đội tham gia công tác xã hội.

Hướng dẫn giải:

a. Kể một câu chuyện mà em biết về việc gia đình, nhà trường hoặc xã hội chăm sóc, bảo vệ thiếu nhi:

Đồn Biên phòng 234 là đơn vị kết nghĩa của trường em. Từ đồn trưởng đến sĩ quan, chiến sĩ đều coi thầy cô giáo và học sinh trường Tiểu học Bảo Lạc như người thân trong gia đình, luôn luôn dành cho bao sự săn sóc, giúp đỡ quý báu.

Khi vào lớp Một, em đã nhìn thấy vườn trường xanh tốt với hàng nghìn cây gỗ quý. Sau này, em mới biết vườn cây ấy và 5 gốc phượng tỏa bóng mát, nở hoa đỏ rực giữa sân trường là do của các chú bộ đội Biên phòng 234. Vườn hoa, vườn thuốc nam có nhiều cây quý làm vị thuốc cũng do các bạn sĩ quan quân y Đồn Biên phòng gây dựng nên. Cô Lý, cô Nga, cô Tâm… thứ năm tuần nào cũng đến chăm sóc vườn thuốc và khám bệnh cho thầy trò chúng em.

Câu chuyện bạn Lợi lớp em được bác sĩ Nga cứu sống thật cảm động. Lợi đau bụng đã hai ngày đêm rồi, nhưng bố mẹ vẫn ngỡ là đau bụng giun. Lợi học giỏi nên vẫn cố gắng đi học. Buổi sáng hôm ấy, khi Lợi gục xuống trên ghế thì bác sĩ Nga từ vườn cây thuốc hốt hoảng chạy vào. Chỉ khám qua, cô đã biết Lợi bị đau ruột thừa cấp tính, rất nguy kịch. Phải mổ ngay mới cứu sống được! – Cô đã nói với thầy Hiệu trưởng như thế. Chỉ độ mười phút sau, xe cứu thương Đồn Biên phòng đã tới mang theo công cụ y tế, bông băng, thuốc men. Văn phòng nhà trường trở thành phòng mổ. Cả trường xôn xao. Chiều hôm đó, bạn Lợi mới được đưa về trạm Quân y để điều trị. Chỉ hơn một tuần sau Lợi đã đến lớp đi học bình thường. Nó vạch áo cho bạn bè xem vết mổ đã lên da non. Lớp em đã mang hoa đến tặng Đồn Biên phòng. Bố mẹ Lợi đã tặng bác sĩ Nga và trạm Quân y hai con rùa núi bé xíu làm cảnh và một củ khoai mài gọi là “chút quà tình nghĩa quân dân”.

Mỗi lần nhìn thấy các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng đến thăm trường, nhìn thấy các thầy thuốc mặc quân phục đi lại trong vườn thuốc, chúng em cảm giác quý mến, yêu thương, gần gũi vô cùng. Hạnh phúc nhất là bạn Lợi đã được bác sĩ Nga nhận làm “con nuôi”.

Sưu tầm

b. Kể về một lần em cùng các bạn trong lớp hoặc trong chi đội tham gia công tác xã hội:

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người". Lời dặn của Bác đến tận ngày ngay vẫn được các thể hệ con cháu ghi nhớ và làm theo. Trường của em cũng như thế. Ngôi trường mới được xây dựng trên một nền đất rộng. Dãy nhà ba tầng đẹp đẽ nhưng lại chưa có cây xanh. Chính vì thế mà mùa xuân trước, trong trường em đã tổ chức một buổi lao động trồng cây nhằm tạo cảnh quan xanh sạch đẹp cho trường. Buổi lao động đầy ý nghĩa với khí thế vui tươi đã để lại trong em ấn tượng khó phai.

Theo kế hoạch của nhà trường, mỗi lớp chúng em được giao trách nhiệm trồng và chăm sóc một chục cây xanh. Bồn cây của lớp nào xanh và tốt nhất sau một năm sẽ được nhà trường khen tặng và gắn biển để kỷ niệm. Lớp em hưởng ứng ngày tết trồng cây hào hứng, sôi nổi vô cùng. Bạn Hoài Anh vui vẻ đứng lên xin phép cô chủ nhiệm rồi phân công nhiệm vụ cho từng tổ, tổ lại phân công đến các bạn đội viên. Bạn thì xin được mang cây, bạn mang dụng cụ, người thì mang bình nước tưới, bạn mang phân bón.

Sáng hôm nhà trường tổ chức lễ ra quân, lớp em cùng hai mươi lớp khác xếp hàng thẳng tắp nghe thầy hiệu trưởng nói về ý nghĩa của việc trồng cây. Sau khi nhận nhiệm vụ, chúng em tỏa đi những khu vực được giao. Hoài Anh nhanh nhảu, nhiệt tình và gương mẫu ra tay trước. Bạn cuốc liền một mạch để tạo hình cho hố cây thứ nhất. Thế là, cứ như vậy, cả lớp chia nhau cuốc đủ mười hố trồng cây. Vừa cuốc đất, các bạn còn vui vẻ trêu nhau. Có bạn còn hào hứng đọc bài ca vỡ đất. Đến lượt các bạn nữ nhanh tay tra phân bón lót cho cây. Các bạn chu đáo thật. Trước đó một ngày các bạn còn cử nhau đi hỏi cô giáo dạy sinh để chọn lượng phân vừa đủ tránh cho cây khỏi chết.

Khâu chuẩn bị đã xong, bạn lớp trưởng mời cô chủ nhiệm đặt trồng cây trước nhất. Cô chọn một cây bàng rất nhỏ, đặt xuống hố cây rồi nói:

- Hôm nay cô trò mình trồng cây bàng này, có lẽ phải đến lúc các em ra trường nó mới cho tán được. Lúc ấy, trong những ngày hè, thế hệ sau của các em sẽ được hưởng những tán bàng mát rượi. Các em biết không, đó chính là cái lợi ích mười năm mà Bác kính yêu của chúng ta ngày xưa đã dạy.

Rồi cô vón đất thật nhỏ, vun vào gốc cây. Chẳng mấy chốc, hàng câu của lớp em đã được trồng xong, một hàng dài đủ loại, bàng, sấu, bằng lăng, hoa sữa. Các gốc cây tưới nước cẩn thận cho đủ ngấm rồi các bạn mới ra về. Trong lòng các bạn hôm ấy ai cũng vui tươi phấn khởi.

Mới đó mà một năm học đã đi qua, hàng cây lớp em trồng đã tốt và xanh mướt. Lớp em rất tự hào khi được nhà trường chọn một cây hoa sữa để gắn biển kỷ niệm. Thời gian trôi qua, hàng cây trước lớp đã trở thành một kỷ niệm không phai với mỗi bạn lớp em. Bây giờ em đã hiểu rõ hơn lời dạy của Bác ngày xưa có ý nghĩa biết nhường nào.

Sưu tầm

Câu 2: Nghe thầy cô nhận xét chung và hướng dẫn sửa bài trong giờ bài văn tả cảnh.

Hướng dẫn giải:

- Tham gia chữa những lỗi chung của lớp dưới sự hướng dẫn của thầy cô.

- Nghe đọc một số đoạn hoặc bài làm tốt của các bạn. Thảo luận để tìm ra cái hay của đoạn văn, bài văn được giới thiệu.

Câu 3: Tự sửa lỗi trong bài làm của em.

Hướng dẫn giải:

- Sửa các lỗi trong bài (lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu).

- Đổi bài cho bạn để soát và sửa lỗi.

3. Hoạt động ứng dụng

Câu 1: Đọc lại cho người thân nghe bài thơ "Nếu trái đất thiếu trẻ con". Nêu ý nghĩa của bài thơ.

Hướng dẫn giải:

Ý nghĩa của bài thơ Nếu trái đất thiếu trẻ con: Tình cảm yêu mến và trân trọng của người lớn đối với thế giới tâm hồn ngộ nghĩnh của trẻ thơ.

Câu 2: Kể lại câu chuyện em vừa kể ở lớp cho người thân nghe. Nói điều em biết về quyền trẻ em, về trách nhiệm của trẻ em với xã hội và cộng đồng.

Hướng dẫn giải:

Đồn Biên phòng 234 là đơn vị kết nghĩa của trường em. Từ đồn trưởng đến sĩ quan, chiến sĩ đều coi thầy cô giáo và học sinh trường Tiểu học Bảo Lạc như người thân trong gia đình, luôn luôn dành cho bao sự săn sóc, giúp đỡ quý báu.

Khi vào lớp Một, em đã nhìn thấy vườn trường xanh tốt với hàng nghìn cây gỗ quý. Sau này, em mới biết vườn cây ấy và 5 gốc phượng tỏa bóng mát, nở hoa đỏ rực giữa sân trường là do của các chú bộ đội Biên phòng 234. Vườn hoa, vườn thuốc nam có nhiều cây quý làm vị thuốc cũng do các bạn sĩ quan quân y Đồn Biên phòng gây dựng nên. Cô Lý, cô Nga, cô Tâm… thứ năm tuần nào cũng đến chăm sóc vườn thuốc và khám bệnh cho thầy trò chúng em.

Câu chuyện bạn Lợi lớp em được bác sĩ Nga cứu sống thật cảm động. Lợi đau bụng đã hai ngày đêm rồi, nhưng bố mẹ vẫn ngỡ là đau bụng giun. Lợi học giỏi nên vẫn cố gắng đi học. Buổi sáng hôm ấy, khi Lợi gục xuống trên ghế thì bác sĩ Nga từ vườn cây thuốc hốt hoảng chạy vào. Chỉ khám qua, cô đã biết Lợi bị đau ruột thừa cấp tính, rất nguy kịch. Phải mổ ngay mới cứu sống được! – Cô đã nói với thầy Hiệu trưởng như thế. Chỉ độ mười phút sau, xe cứu thương Đồn Biên phòng đã tới mang theo công cụ y tế, bông băng, thuốc men. Văn phòng nhà trường trở thành phòng mổ. Cả trường xôn xao. Chiều hôm đó, bạn Lợi mới được đưa về trạm Quân y để điều trị. Chỉ hơn một tuần sau Lợi đã đến lớp đi học bình thường. Nó vạch áo cho bạn bè xem vết mổ đã lên da non. Lớp em đã mang hoa đến tặng Đồn Biên phòng. Bố mẹ Lợi đã tặng bác sĩ Nga và trạm Quân y hai con rùa núi bé xíu làm cảnh và một củ khoai mài gọi là “chút quà tình nghĩa quân dân”.

Mỗi lần nhìn thấy các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng đến thăm trường, nhìn thấy các thầy thuốc mặc quân phục đi lại trong vườn thuốc, chúng em cảm giác quý mến, yêu thương, gần gũi vô cùng. Hạnh phúc nhất là bạn Lợi đã được bác sĩ Nga nhận làm “con nuôi”.

4. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được nội dung và ý nghĩa của bài thơ "Nếu trái đất thiếu trẻ con".

- Rèn luyện kĩ năng tập đọc một văn bản.

- Trau dồi thêm một số từ ngữ phong phú.

- Kể lại được một câu chuyện đã nghe hoặc đã đọc.

Ngày:26/11/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM