Giải bài tập SGK Sinh 12 Nâng cao Bài 57: Mối quan hệ dinh dưỡng

Mời các em cùng tham khảo nội dung tài liệu hướng dẫn giải bài tập SGK Sinh 12 Nâng cao Bài 57 để củng cố các kiến thức về mối quan hệ dinh dưỡng. Đồng thời rèn luyện các kỹ năng làm bài Sinh học 12. Nội dung chi tiết tham khảo tại đây!

Giải bài tập SGK Sinh 12 Nâng cao Bài 57: Mối quan hệ dinh dưỡng

1. Giải bài 1 trang 239 SGK Sinh học 12 Nâng cao

Hãy cho biết khái niệm về chuỗi thức ăn và bậc dinh dưỡng. Cho ví dụ.

Phương pháp giải

  • Xem lại kiến thức về khái niệm chuỗi thức ăn.
  • Chuỗi thức ăn thể hiện mối quan hệ dinh dưỡng của các loài trong quần xã, trong đó loài này sử dụng một loài khác hay sản phẩm của nó làm thức ăn, về phía mình, nó lại làm thức ăn cho các loài kế tiếp. Những đơn vị cấu trúc nên chuỗi thức ăn là các bậc dinh dưỡng.

Hướng dẫn giải

- Chuỗi thức ăn thể hiện mối quan hệ dinh dưỡng của các loài trong quần xã, trong đó loài này ăn một loài khác, về phía mình, nó lại làm thức ăn cho các loài tiếp.

- Ví dụ:

  • Tảo → Giáp xác → Cá trích → Cá thu → Cá mập.
  • Cỏ → Châu chấu → Chim sâu → Rắn → Đại bàng.

- Các đơn vị cấu trúc nên chuỗi thức ăn ở trên chính là các bậc dinh dưỡng.

- Trong quần xã, mỗi bậc dinh dưỡng, gồm nhiều loài cùng đứng trong một mức năng lượng hay cùng sử dụng một dạng thức ăn.

2. Giải bài 2 trang 239 SGK Sinh học 12 Nâng cao

Trong thiên nhiên có mấy loại chuỗi thức ăn cơ bản? Chuỗi nào là hệ quả của chuỗi nào?

Phương pháp giải

  • Xem lại kiến thức về các loại chuỗi thức ăn.
  • Chuỗi thức ăn thể hiện mối quan hệ dinh dưỡng của các loài trong quần xã, trong đó loài này sử dụng một loài khác hay sản phẩm của nó làm thức ăn, về phía mình, nó lại làm thức ăn cho các loài kế tiếp. Những đơn vị cấu trúc nên chuỗi thức ăn là các bậc dinh dưỡng.

Hướng dẫn giải

- Trong thiên nhiên có 2 chuỗi thức ăn cơ bản: chuỗi thức ăn thực vật được khởi đầu bằng thực vật và chuỗi thức ăn phế liệu hay mùn bã hữu cơ (gọi là detrit) được khởi đầu bằng mùn bã (hay detrit):

  • Thực vật →  Động vật ăn thực vật → Động vật ăn thịt các cấp
  • Mùn bã hữu cơ → Động vật ăn mùn bã → Động vật ăn thịt các cấp

- Chuỗi thức ăn thứ hai là hệ quả của chuỗi thức ăn thứ nhất. Mùn bã hữu cỡ chính là những chất bài tiết của động vật và mảnh vụn xác động, thực vật đang trong trạng thái đang bị phân giải bởi vi sinh vật. Hai chuỗi thức ăn hoạt động đồng thời, song tuỳ nơi, tuỳ lúc mà một trong 2 chuỗi trở thành ưu thế.

3. Giải bài 3 trang 239 SGK Sinh học 12 Nâng cao

Hãy giải thích tại sao tháp sinh khối của thuỷ sinh vật trong tầng nước lại có dạng khác thường? Trong trường hợp nào tháp số lượng bị đảo ngược?

Phương pháp giải

  • Tháp sinh khối của thuỷ sinh vật trong tầng nước có sinh khối của thực vật phù du ở đầu chuỗi thức ăn thấp hơn so với nhóm giáp xác phía trên nó.

Hướng dẫn giải

- Trong tầng nước, tảo có kích thước nhỏ hơn giáp xác ăn nó rất nhiều lần. Do vậy, ở thời điểm thu mẫu, sinh khối của tảo cũng nhỏ hơn giáp xác rất nhiều lần, tạo nên đáy tháp thu lại rất nhỏ.

- Tháp số lượng bị đảo ngược trong trường hợp:

  • Vật chủ có số lượng ít, vật kí sinh đông.
  • Quần xã sinh vật ở môi trường nước.

4. Giải bài 4 trang 239 SGK Sinh học 12 Nâng cao

Cho biết, khi đi từ vùng cực đến vùng nhiệt đới thì lưới thức ăn phức tạp hơn hay đơn giản hơn? Hãy giải thích.

Phương pháp giải

  • Độ phức tạp của lưới thức ăn phụ thuộc vào sự đa dạng các loài trong đó.
  • Lưới thức ăn là tập hợp các chuỗi thức ăn, trong đó có một số loài sử dụng nhiều dạng thức ăn hoặc cung cấp thức ăn cho nhiều loài, trở thành điểm nối các chuỗi thức ăn với nhau.

Hướng dẫn giải

Khi đi từ vùng cực đến vùng nhiệt đới thì lưới thức ăn phức tạp hơn vì vùng nhiệt đới có số lượng loài đa dạng, thành phần các loài phong phú hơn, ổ sinh thái phân hóa ngày càng đa dạng, xuất hiện nhiều loài ăn nhiều loại thức ăn hơn.

5. Giải bài 5 trang 239 SGK Sinh học 12 Nâng cao

Hãy chọn phương án trả lời đúng. Mối quan hệ giữa tò vò và nhện được mô tả trong câu ca dao “Tò vò mà nuôi con nhện, về sau nó lớn nó quyện nhau đi; tò vò ngồi khóc tỉ ti, nhện ơi, nhện hỡi, nhện đi đằng nào” là

A. quan hệ kí sinh.

B. quan hệ hội sinh.

C. quan hệ con mồi - vật ăn thịt.

D. quan hệ ức chế - cảm nhiễm.

Phương pháp giải

  • Khi tò vò xây tổ xong nó sẽ đi kiếm nhện và đốt cho chúng sống dở chết dở.
  • Sau đó tò vò mang nhện về tổ rồi lấp đất lại. Không phải tò vò nuôi nhện mà nó bắt, nhốt nhện vào tổ, đẻ trứng trong đó chờ khi ấu trùng tò vò ra đời thì có sẵn nguồn thức ăn dự trữ.

Hướng dẫn giải

Đây là quan hệ con mồi - vật ăn thịt. Ấu trùng tò vò là vật ăn thịt còn nhện chỉ là con mồi.

Chọn C

Ngày:27/08/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM