Nhớ rừng - Thế Lữ Ngữ văn 8

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được tâm trạng của các nhà thơ lãng mạn đầu thế kỉ XX. Đồng thời. bài học này còn giúp các em trau dồi thêm vốn từ phong phú cho bản thân. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Nhớ rừng - Thế Lữ Ngữ văn 8

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Tác giả: Thế Lữ (1907 - 1989). Tên thật là Nguyễn Thứ Lễ.

- Quê: Bắc Ninh.

- Là nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào thơ mới (1932 - 1945).

- Với hồn thơ dồi dào, lãng mạn góp phần quan trọng vào việc đổi mới thơ ca và đem lại chiến thắng cho thơ mới.

1.2. Tác phẩm

- Tác phẩm: Nhớ rừng là bài thơ tiêu biểu, đặc sắc của nhà thơ Thế Lữ, bài thơ được sáng tác thời kì đầu của ptrào Thơ Mới.

- Thể loại: Thể thơ 8 chữ (Thơ Mới): Thơ Mới là một trào lưu thơ đầu thế kỉ XX, các bài thơ không phụ thuộc vào quy tắc thơ ca truyền thống không hạn định về số câu số chữ trong bài, không bị gò ép bởi niêm, đối của luật thơ. Cách trình bày nội dung tự do không phụ thuộc vào thi pháp thi ca cổ điển.

- Bố cục có thể chia thành ba nội dung như sau:

+ Tâm trạng của hổ trong cảnh tù hãm ở vườn Bách Thú.

+ Hình ảnh giang sơn hùng vĩ trở về trong nỗi nhớ của chúa sơn lâm.

+ Nỗi khao khát của hổ.

2. Đọc hiểu văn bản

2.1. Tâm trạng của hổ trong cảnh tù hãm ở vườn Bách Thú

"Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt"

- Câu thơ đầu vang lên rất đột ngột, trực tiếp diễn tả hành động, tâm trạng, tư thế của con hổ trong cũi sắt. Hai từ đáng lưu ý: Gậm và khối.

- Gậm: dùng răng, miệng ăn dần, cắn dần, chậm chạp, kiên trì -> động từ diễn tả hành động bứt phá nhưng chủ yếu thể hiện sự gặm nhấm đầy uất ức vì bị mất tự do.

=> Câu thơ khiến người đọc cảm nhận được một cách rõ nét về sự bất lực hoàn toàn, con hổ đã thật sự buông xuôi, ngày đêm gậm nhấm khối căm hờn mà theo thời gian cứ rắn thêm, lớn thêm như một khối u sầu, nhức nhối, nó khinh bỉ lũ người bên ngoài,nó cảm thấy nhục nhã vì phải hạ mình ngang hàng với bọn gấu, báo. Hổ thấm thía thân phận "Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn".

- Có thể nhận thấy hình ảnh con hổ thân thể thì bị giam hổ trong tù ngột ngạt nhưng hồn thì ở ngoài giang sơn, khao khát tung hoành khắp nơi. Qua tâm linh của loài hổ, rừng núi hiện lên trong vẻ kì vĩ đắm say. Kì vĩ vì thâm nghiêm bóng cây già; kì vĩ vì dữ dội oai hùng với từ gào, hét, thét, dữ dội; kì vĩ vì hoang vu bí ẩn: hang tối, thảo hoa không tên tuổi, riêng phần bí mật.

- Nghệ thuật: Nhân hoá, gợi tả nhấn mạnh tâm trạng của hổ.

- Đoạn văn đã tái hiện được sự nhàm chán, giả dối một cách bịp bợm ở vườn Bách thú, nơi mà con hổ đang bị tù hãm. Những điều ấy thực chất là do chính bàn tay con người tạo nên. Đó chính là hình ảnh tượng trưng cho thực tại xã hội đương thời, được cảm nhận bởi những tâm hồn yêu nước lãng mạn.

2.2. Hình ảnh giang sơn hùng vĩ trở về trong nỗi nhớ của chúa sơn lâm

- Cảnh núi rừng:

Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,

Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,

Với khi thét khúc trường ca dữ dội,

Ta bước chân lên dõng dạc, đường hoàng,

Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,

Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc

Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,

Là khiến cho mọi vật đều im hơi

Ta biết ta chúa tể cả muôn loài

Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.

- Cảnh núi rừng được Thế Lữ miêu tả thật hùng vĩ và nên thơ khiến người ta phải say mê ngắm nhìn bức tranh núi rừng tươi đẹp ấy. Đó là cảnh "bóng cả cây ngà", "tiếng gió gào ngàn", "giọng nguồn hét núi".

- Chúa sơn lâm cứ say sưa nhớ lại những kỉ niệm rực lửa, huy hoàng, tự hào và kiêu hãnh khi ấy.

- Để khắc họa thành công những động tác dũng mãnh, khỏe khoắn vị chúa tể rừng xanh, Thế Lữ đã sử dụng những động từ miêu tả động tác như "bước, vờn, lượn, quắc" kết hợp với hệ thống những từ láy giàu tính chất tạo hình "nhịp nhàng, dõng dạc, âm thầm" đã tạo nên một vị chúa tể rừng xanh vừa mềm mại, uyển chuyển, vừa tự tin, đàng hoàng, lại vừa oai phong lẫm liệt, dũng mãnh phi thường. Và thời gian đó là những ngày tháng đẹp nhất.

- Chúng ta thấy giữa bức tranh hùng vĩ của núi rừng ấy hiện lên một vị chúa tể vô cùng oai linh và hùng vĩ, thể hiện sức mạnh to lớn. Trọng tâm của bức tranh rừng này là con hổ. Nhưng trước khi để hổ hiện ra, Thế Lữ đã dựng cảnh để gợi không khí oai hùng, kinh sợ. Vèo đúng lúc tiếng gào thét của thiên nhiên đang ở đỉnh cao dữ dội, chúa sơn lâm xuất hiện. Đầu tiên để thấy bàn chân, một bước chân dõng dạc, đường hoàng.

-> Tác giả đã khắc họa hình ảnh con hổ một cách chi tiết và tỉ mỉ, khiến người đọc cảm nhận được hình ảnh vị chúa tể sơn lâm oai hùng ra sao. Sau bàn chân là tấm thân, xuất hiện rất từ tốn nên càng oai hùng, to lớn. Chiều dài của tấm lưng trải ra theo câu thơ, một sự mềm mại tích chứa sức mạnh.

2.3. Nỗi khao khát của hổ

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt

Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

-Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

- Nghệ thuật:

+ Những câu hỏi tu từ lặp liên tiếp.

+ Nhịp thơ ngắn, thay đổi.

+ Đại từ, câu hỏi tu từ , điệp từ.

-> Gợi tả sự tiếc nuối quá khứ oai hùng của con hổ.

+ Kết thúc là từ cảm thán: Than ôi! diễn tả sự đau đớn tuyệt vọng, niềm khát khao cháy bỏng cuộc đời tự do.

- Con hổ mang trong mình nỗi nhớ da diết về một thời vàng son trong quá khứ, con hổ muốn trở về cái thời vang bóng ấy. Cụ thể đó là những đêm trăng vàng bên bờ suối tận hưởng, thả hồn uống ánh trăng đêm; những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn, lặng lẽ ngắm mưa rừng dữ dội; những ngày yên bình, thanh thản trong ánh nắng bình minh ngập tràn sắc nắng hay là lúc hả hê, vui thích trong những chiếm lợi phẩm và đợi mặt trời lặn xuống để làm chủ đêm đen. 

- Tâm sự của nhà thơ:

+ Bài thơ "Nhớ rừng" đã mượn lời con hổ ở vườn bách thảo để thể hiện kín đáo tâm sự con người thời kì đó. 

+ Lời đề từ của bài thơ là "Lời con hổ ở vườn bách thú" nhưng nếu chúng ta ngẫm kĩ ra thì đó chính là lời tâm sự tha thiết cùng với khát vọng tự do mạnh mẽ của thế hệ thanh niên sống trong hoàn cảnh mất nước. Đó là "niềm uất hận ngàn thâu" đối với hiện thực xã hội tù túng, ngột ngạt - một hiện thức khiến con người thấy chán ghét, muốn từ bỏ, thoát ly. 

+ Đi liền với sự chối bỏ là niềm khát khao mạnh mẽ được đổi thay, được khẳng định giá trị bản thân mình trong một xã hội bình yên, phẳng lặng. Vì thế, bài thơ không chỉ dừng lại ở việc xây dựng hình tượng con hổ bị giam cầm, nhớ về thời vàng son của mình mà còn gửi gắm trong đó sự lên tiếng của cá nhân, đòi giải phóng cái tôi người nghệ sĩ và mong ước đất nước được hòa bình, tự do, thoát khỏi cảnh nô lệ, ngục tù. Cho nên, có thể nói, bài thơ đã bộc lộ kín đáo, thấm thía tình yêu quê hương, đất nước của nhà thơ Thế Lữ.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Nói về con hổ nhưng cũng nói về con người nhắc ta nhớ cảnh tù túng, nô lệ. Bài thơ là tâm trạng của một thế hệ các nhà thơ lãng mạn đầu thế kỉ XX.

- Về nghệ thuật:

+ Sự so sánh đối lập giữa hiện tại và qúa khứ, con hổ và con người.

+ Nghệ thuật miêu tả tâm trạng, sử dụng câu hỏi tu từ.

4. Luyện tập

Câu 1: Em có nhận xét gì về câu thơ đầu tiên "Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt"?

Gợi ý trả lời:

- Câu thơ đầu tiên "Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt" mang đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về sự bất lực trong lòng của con hổ. Ở câu thơ đầu, những thanh trắc đi liền nhau kết hợp với nhịp thơ chậm, ngắt quãng gợi ta liên tưởng đến một mối hờn căm kết tụ thành khối đè nặng trong lòng.

- Con hổ muốn hất tung tảng đá vô hình ấy nhưng bất lực, đành nằm dài trông ngày tháng dần qua. Những thanh bằng kéo dài ở câu hai phản ánh tình cảnh bó buộc và tâm trạng chán ngán tột cùng của chúa sơn lâm.

Câu 2: Em hãy viết đoạn văn cảm nhận về văn bản "Nhớ rừng" của Thế Lữ.

Gợi ý trả lời:

Văn bản "Nhớ rừng" mang đến cho người đọc một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ nơi núi rừng, cùng với bức tranh thiên nhiên ấy chính là khao khát trở về quá khứ vàng son của con hổ, bài thơ còn cho chúng ta thấy được sức sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Thế Lữ, góp phần khẳng định chỗ đứng vững chắc và sự toàn thắng của thơ mới trên văn đàn, đánh dấu một bước ngoặt lớn của thi ca Việt Nam đương đại. Bài thơ đã dựng lên thành công hình tượng chúa sơn lâm thật đẹp, thật bi tráng mang nỗi niềm tâm sự của con người. Vướt thoát khuôn khổ câu chữ trong thơ, bài thơ đã thể hiện sâu sắc thấm thía tình yêu quê hương đất nước của lớp thanh niên đương thời.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Học sinh hiểu sơ giản về phong trào thơ mới. Hiểu được chiều sâu tư tưởng yêu nước thầm kín của thế hê trí thức Tây học chán ghét thực tại, vươn tới cuộc sống tự do.

- Hiểu được hình tượng nghệ thuật độc đáo, có nhiều ý nghĩa của bài thơ Nhớ rừng.

- Rèn kĩ năng nhận biết tác phẩm thơ lãng mạn tám chữ.

- Đọc diễn cảm tác phẩm thơ hiện đại viết theo bút pháp lãng mạn.

- Phân tích được những chi tiết nghệ thuật tiêu biểu trong tác phẩm.

Ngày:14/12/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM