Phân tích và cảm nhận những bài Ca dao hài hước

eLib xin gửi đến các em nội dung bài văn mẫu dưới đây, nhằm cung cấp cho các em kiến thức về thể loại ca dao hài hước. Đồng thời, tài liệu dưới đây còn giúp các em hiểu hơn về hình thức giải trí của những người lao động thời xưa. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Phân tích và cảm nhận những bài Ca dao hài hước

1. Dàn ý phân tích những bài Ca dao hài hước

a. Mở bài:

- Giới thiệu về ca dao: Là thể loại trữ tình dân gian kết hợp giữa lời và nhạc diễn tả đời sống nội tâm của con người.

- Giới thiệu về chùm ca dao hài hước: Tập trung những nét đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian Việt Nam nhằm tạo ra tiếng cười, phê phán những thói hư, tật xấu.

b. Thân bài:

- Tiếng cười tự trào, vui tươi hóm hỉnh (bài 1):

+ Lời dẫn cưới của chàng trai:

  • Sử dụng biện pháp liệt kê, chàng trai đưa ra một loạt vật dẫn cưới: voi, trâu bò, chuột béo.
  • Lối nói khoa trương, cường điệu, phóng đại: Chàng trai định dẫn cưới bằng những lễ vật rất có giá trị.

⇒ Chàng trai đang tưởng tượng về một lễ cưới linh đình, sang trọng. Đó là ước mơ của những chàng trai thôn quê về một ngày vu quy sung túc.

  • Cách nói giảm dần từ voi - trâu - bò và cuối cùng dừng lại ở con chuột béo: Tái hiện lại hành trình từ tưởng tượng đến trở về với hiện thực của chàng trai.
  • Thủ pháp tương phản đối lập được sử dụng tài tình, khéo léo để nói về hiện thực: Dẫn voi - quốc cấm, dẫn trâu - máu hàn, dẫn bò - co gân.

⇒ Lời giải thích hợp tình hợp lí, chính đáng vì lí do chấp hành pháp luật, lo cho sức khỏe họ hàng hai bên chứ không phải vì chàng trai không có.

⇒ Cách nói thể hiện sự hài hước, dí dỏm, đáng yêu, thông minh của chàng trai.

+ Chi tiết hài hước: “Miễn là có thú bốn chân/dẫn con chuột béo mời dân mời làng”.

  • Thú bốn chân gợi ra hình ảnh những con vật to lớn, có giá trị.
  • Con chuột béo: Loài vật nhỏ bé, có hại và bị người nông dân ghét bỏ.
  • Sự bất thường của chi tiết: Xưa nay chưa từng thấy ai mang chuột đi hỏi vợ và cũng không thể có một con chuột nào to lớn để có thể mời dân mời làng.

⇒ Chi tiết hài hước vừa đem lại tiếng cười sảng khoái, vừa thể hiện sự vui tươi, hóm hỉnh của chàng trai, một tâm hồn lạc quan, phóng khoáng, yêu đời.

+ Lời thách cưới của cô gái:

  • Thái độ của cô gái: Trước lời dẫn cưới của chàng trai cô gái “lấy làm sang”.

⇒ Đây là cô gái dí dỏm, vui tươi không kém bạn đời.

  • Lời nói “Nỡ nào em lại phá ngang”.

⇒ Ý nhị, khiêm tốn, thông cảm với hoàn cảnh của chàng trai.

  • Thủ pháp tương phản đối lập: người ta - nhà em, lợn gà - nhà khoai lang.

⇒ Sự độc đáo, bất thường trong lời thách cưới bởi những lễ vật ấy bình dị đến mức tầm thường. Chính điều này đã tạo nên tiếng cười đùa vui, hóm hỉnh.

  • Lời giải thích của cô gái về yêu cầu của mình: Cách nói giảm dần: To - nhỏ...

⇒ Cô gái sẵn sàng đón nhận những lễ vật tầm thường, không cần lựa chọn, sắp xếp gì.

  • Lễ vật được cô chia phần, sắp xếp hợp lí: Mời làng, mời họ, con trẻ, lợn gà.

-> Cô gái là người phụ nữ đảm đang, tháo vát, khéo léo, sống có trước có sau, coi trọng tình nghĩa.

=> Thông qua lời thách cưới và dẫn cưới bất bình thường của chàng trai và cô gái đã cho thấy tâm hồn lạc quan, yêu đời, hài hước của những chàng trai, cô gái thôn quê trong cảnh nghèo khó. Chàng trai tự ý thức được cái nghèo của mình mà tự trào, tự cười cợt, cô gái thấu hiểu cảnh ngộ của hai gia đình mà vui vẻ đón nhận vì cô là người coi trọng tình nghĩa hơn của cải.

- Tiếng cười phê phán, mỉa mai, châm biếm:

+ Bài 2: Câu ca dao mở đầu bằng chí “làm trai”:

  • Làm trai: Phải mạnh mẽ, cứng cỏi, khỏe khoắn, quyết đoán, là trụ cột của gia đình và xã hội.
  • Liên hệ với chí làm trai trong văn dân gian và văn học trung đại:

“Làm trai cho đáng lên trai

Xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài yên”

(Ca dao)

“Vũ trụ nội mạc phi phận sự”

(Cao Bá Quát)

  • Thủ pháp tương phản đối lập: “Khom lưng chống gối”: Gợi động tác mạnh mẽ, dứt khoát của một người làm công việc nặng nhọc, vất vả; “Gánh”: Hoạt động di chuyển những vật nặng; Hai hạt vừng”: Thứ vô cùng nhỏ bé.

⇒ Tiếng cười được cất lên. Tư thế khoa trương nhưng hành động tầm thường. Chế giễu người đàn ông yếu đuối, tầm thường không đáng làm trai. Tiếng cười không chỉ đả kích mà còn là lời nhắc nhở sâu cay về thói hư, tật xấu của con người.

+ Bài 3:

  • Cặp từ đối xứng chồng em - chồng người: Chứa đựng ngụ ý so sánh hơn thua.
  • Chồng người - Đi ngược về xuôi, tung hoành ngang dọc, thỏa chí tang bồng, tháo vát tài giỏi.

⇒ Thể hiện sự ngưỡng mộ, trân trọng.

  • Chồng em - quanh quẩn nơi xó bếp sờ đuôi con mèo, lười nhác, đoản chí, không đáng mặt trang nam nhi.

⇒ Thể hiện sự thất vọng, buồn bã. Qua sự đối lập, tương phản, bài ca dao đã nói lên lời tâm sự, niềm thất vọng, xấu hổ của cô vợ có anh chồng lười nhác, hèn kém. Phê phán, chế giễu loại đàn ông lười nhác, thấp hèn, không có ý chí. Là bài học cho những kẻ làm trai, làm chồng về lối sống và phẩm chất.

+ Bài 4:

  • Hình ảnh người vợ: Quan niệm về người phụ nữ xưa: Dịu dàng, khéo léo, đảm đang, tháo vát, biết chăm sóc cho bản thân, cho chồng con. Nhưng người vợ trong bài ca dao lại được khắc họa vô cùng đặc biệt. Ngoại hình: lỗ mũi mười tám gánh lông.

⇒ Hình ảnh phóng đại bất ngờ tạo ra tiếng cười sảng khoái. Bài ca dao sử dụng cách chơi chữ “gánh lông” để miêu tả về một chiếc mũi kinh dị, kì quái.

  • Những tật xấu: Đêm nằm gáy o o, đi chợ hay ăn quà, bẩn thỉu (trên đầu những rác cùng rơm).

⇒ Phép liệt kê tăng tiến những thói xấu của cô vợ không chỉ ở nhà mà còn ra ngoài cả xã hội, phóng đại làm nổi bật những tật xấu, sự vô ý tứ không thể chấp nhận ở một người phụ nữ. Chế giễu người phụ nữ xấu người xấu cả nết, vô duyên đỏng đảnh.

  • Hình ảnh người chồng: Trân trọng chiếc mũi kinh dị của vợ, xem đó là của hiếm “râu rồng trời cho”; Trước những tật xấu của vợ, anh chồng còn bao biện mà không góp ý: “gáy cho vui nhà”, “về nhà đỡ cơm”, “hoa thơm rắc đầu”.

=> Người chồng yêu thương, nâng đỡ, che chở cho vợ một cách mù quáng, bao biện cho vợ bằng những lí lẽ ngụy biện, phi lí.

  • Bài ca dao không chỉ đem lại tiếng cười đầy sảng khoái mà còn mỉa mai, chế giễu những thói hư, tật xấu của con người.
  • Khuyên người phụ nữ phải biết giữ gìn vẻ đẹp của mình, không nên sống buông thả, lôi thôi, luộm thuộm. Như vậy, vừa làm hạ thấp mình, vừa không tôn trọng người xung quanh.
  • Cảnh tỉnh những anh chồng yêu vợ một cách mù quáng, không có chính kiến, không biết góp ý chân thành để người mình yêu thương trở nên tốt hơn.

c. Kết bài:

- Khái quát lại đặc điểm chung của ca dao hài hước.

- Trình bày ấn tượng của mình về ca dao hài hước: ngắn gọn, súc tích, đem lại tiếng cười trực tiếp vừa ròn rã vừa sâu cay để châm biếm, nhắc nhở, thức tỉnh chứ không phải dán cách, ghét bỏ.

2. Phân tích những bài Ca dao hài hước

Ca dao, dân ca là những câu thơ, câu hát trữ tình dân gian. Bằng hệ thống chủ đề, hình thức diễn xướng, hình thức nghệ thuật độc đáo, ca dao dân ca phản ánh thế giới nội tâm của con người, những cảm xúc, tình cảm, tâm trạng của con người đối với thế giới khách quan. Tiếng cười là một trong những phương tiện để con người dãi bày tâm sự. Tiếng cười trong ca dao có nhiều cung bậc khác nhau: tiếng cười châm biếm, tiếng cười hài hước, tiếng cười mỉa mai,…

Trước tiên, đó là bài ca dao cười về việc thách cưới trong xã hội xưa. Tác giả dân gian đã lấy hình thức đối đáp nam nữ để đem tiếng cười cho nhiều người, giúp họ vượt lên cảnh sống nghèo khó với niềm vui. Trong xã hội xưa, người đàn ông muốn lấy vợ thường phải đem lễ vật đến rước. Nhà gái sẽ thách cưới có thể là tiền cưới và lễ vật. Đây cũng thể hiện công ơn sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ và giá trị của người con gái đó. Nhưng nhiều khi, thách cưới cũng trở thành một hủ tục khi nhiều nhà thách cưới quá cao. Nhân dân sáng tác bài ca dao này với lời chàng trai lên tiếng trước. Tiếng cười bật lên từ nghệ thuật đối lập từ dự định ban đầu đến thực tế. Anh chàng mang theo lễ vật quý hiếm bằng con vật bốn chân: Chàng "dẫn voi" đây là cách nói khoa trương để gây cười. Nhưng sau đó lại giảm dần lễ vật từ con voi xuống trâu, rồi xuống bò, cuối cùng chỉ là con chuột béo:

"- Cưới nàng, anh toan dẫn voi

Anh sợ quốc cấm, nên voi không bàn.

Dẫn trâu, sợ họ máu hàn,

Dẫn bò, sợ hò hàng co gân.

Miễn là có thú bốn chân,

Dẫn con chuột béo, mời dân, mời làng"

Cuối cùng chỉ là con chuột béo, thú nhỏ nhất mà lại được chàng nói phóng đại lên là khao được cả làng. Từ đó, tạo ra sự đối lập để gây tiếng cười. Tiếng cười sảng khoái này thể hiện tâm hồn lạc quan của người dân.

Sau lời của chàng trai bày tỏ thì cô gái cũng đáp lại bằng sự hài hước như sau:

"- Chàng dẫn thế, em lấy làm sang,

Nỡ nào em lại phá ngang như lá..."

Sau đấy cô gái trong bài ca dao trên đã bắt đầu thách cưới và tác giả dân gian cũng sử dụng nghệ thuật đối lập. Đối lập với "người ta thách lợn thách gà" đó là thách "một nhà khoai lang". Khoai lang chính là sản vật mà người nông dân có thể trồng được. Cô gái đã thách cả nhà khoai lang nhưng với sự giảm dần về chất lượng:

"Củ to thì để mời làng,

Còn như củ nhỏ, họ hàng ăn chơi"

Củ to thì để mời làng, mời các vị có chức sắc, lớn tuổi trong làng để thể hiện sự tôn trọng và trọn tình nghĩa làng xóm. Còn đến họ hàng thì sao "Còn như củ nhỏ, họ hàng ăn chơi". Họ hàng thì dù gì cũng có tình cảm máu mủ, nên họ dễ dàng cảm thông, lượng thứ. Trẻ con cũng được ăn những củ mẻ. Còn củ rím, củ hà thì cho con lợn, con ăn. Chỉ với tám dòng ca dao khiến cho chúng ta hình dung được không khí gia đình dù cho có nghèo đói đơn sơ nhưng lại rất cảm động, giàu tình cảm.

Bên cạnh những tiếng cười hài hước, tiếng cười còn có tác dụng châm biếm đả kích. Tiếng cười ở các bài 2, 3, 4 là tiếng cười đả kích, châm biến, phê phán xã hội. Tiếng cười ấy hướng vào những thói hư tật xấu của một bộ phận trong xã hội. Những tật xấu ở đây tuy không đến mức bị đả kích một cách quyết liệt nhưng trong khi nhẹ nhàng, thân tình nhắc nhở, thái độ của nhân dân ta cũng không kém phần sâu sắc. Hai đối tượng được dẫn ra để cười cợt ở đây là những người chồng lười nhác, vô dụng và những người vợ vô duyên xấu tính nhưng lại ưa nịnh hót.

“Làm trai cho đáng sức trai,

Khom lưng chống gối, gánh hai hạt vừng”

Tác giả dân gian đã sử dụng rất thành công thủ pháp đối lập kết hợp với lối nói khoa trương, phóng đại. “Khom lưng chống gối” là hành động dồn hết sức lực trong khi đó thứ cần phải gánh là “hai hạt vừng”- hai vật quá nhỏ bé. Từ việc nhận thấy được hai thủ pháp nghệ thuật nổi bật của câu ca dao trên đã so sánh một cách kín đáo để chế nhạo những kẻ lười nhác trong xã hội. Thông điệp mà bài ca dao muốn gửi gắm đó chính là con trai thì phải sống mạnh mẽ lên, đa là con trai thì phải làm việc xứng đáng với trai của mình, không được ỷ lại hay nhờ vả người khác khi mình có thể làm.

Tiếng cười trong ca dao còn chế giễu những người chồng lười biếng, không có ý chí:

"Chồng người đi ngược về xuôi

Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo"

Trong gia đình, người chồng luôn giữ vai trò trụ cột để làm chỗ dựa cho vợ, con, cha mẹ. Vậy nên, làm người đàn ông chắc chắn cần có sự nghiệp, trước đây còn có cả chí làm quan. Trong bài ca dao trên, thì nói đến hình ảnh người đàn ông lười biếng cũng được tác giả dân gian sử dụng phép đối lập. Đối lập so sánh giữa "chồng người" - "Chồng em". Chồng người thì đi ngược về xuôi để học hỏi, mở rộng tầm hiểu biết, có chí lớn, làm việc lớn. Còn chồng em thì ngồi bếp - một không gian hạn hẹp chỉ để làm sờ đuôi con mèo. Ý chỉ những ông chồng vô tích sự, không làm nên công trạng gì. Một cách cười hài hước, mỉa mai những kẻ lười biếng, không chịu lao động mở mang hiểu biết.

Ba bài ca dao, tiếng cười ở đây tập trung phê phán cái xấu, cái chưa hoàn thiện trong nội bộ nhân dân. Tiếng cười có ý nghĩa giải trí, đồng thời cũng là cuộc đấu tranh của nhân dân với cái xấu, cái lạc hậu, bảo thủ trong xã hội.

3. Cảm nhận những bài Ca dao hài hước

Ca dao là một sản phẩm của tác giả dân gian nhằm truyền đạt những tâm tư tình cảm của nhân dân lao động. Nội dung phản ánh của ca dao rất đa dạng từ tình cảm gia đình, quê hương, làng xóm đến tình cảm cá nhân, lứa đôi. Trong ca dao, còn có một loại phản ánh chính là ca dao hài hước. Đó chính là dùng tiếng cười trong những bài ca dao để châm biếm, phê phán và qua đó thể hiện tâm hồn lạc quan yêu đời và triết lí nhân sinh của nhân dân lao động.

Chúng ta có thể thấy bài ca dao đầu tiên tạo nên tiếng cười cho người đọc bởi vì nó mang ý vị hài hước, vui vẻ của người lao động trong cảnh nghèo. Lời đối đáp giữa chàng trai và cô gái trong việc thách cưới vô cùng lạ lùng, thú vị. Bài ca dao có lối kết cấu đối đáp, lượt lời đầu tiên là của chàng trai, bằng lối nói khoa trương, phóng đại, anh chàng đã nói về những lễ vật của mình. Nhưng cách nói lại sử dụng biện pháp đối lập: tự nêu ra nhưng chính anh chàng lại tự phủ định: Cưới chàng anh toan dẫn voi/ Anh sợ quốc cấm, nên voi không bàn/ Dẫn trâu, sợ họ máu hàn/ Dẫn bò sợ nhà nàng co gân/ Miễn là có thú bốn chân/ Dẫn con chuột béo mười dân, mời làng. Lí lẽ anh chàng đưa ra vô cùng hài hước: Dẫn voi thì sợ quốc cấm; Dẫn trâu thì sợ họ máu hàn; Dẫn bò thì sợ họ co gân. Và cuối cùng kết luận dùng con chuột béo mời dân mời làng, hi vọng con chuột béo ấy sẽ đủ để mời dân mời làng. Đáp lại lời chàng trai cô gái cũng hết sức ý nhị, dỉ dỏm, cô thách cưới một nhà khoai lang. Số khoai lang được phân phát theo trình tự hết sức hợp lí: cho dân, cho làng, cho trẻ con và cho cả những con vật trong nhà. Những lời đối đáp ấy đã cho thấy sự chu đáo, biết lo toan, đồng thời cũng rất hồn nhiên, yêu đời của cô gái. Bài ca dao thể hiện niềm lạc quan, yêu đời, ham sống của người lao động trong cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đồng thời thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của những chàng trai, cô gái xưa: Chàng trai mang trong mình sự hài hước, lạc quan, vui vẻ, tình cảm chân thành, còn cô gái là sự bằng lòng, vui vẻ, đảm đang, tháo vát, tình cảm và sự chu đáo dành cho làng xóm, họ hàng xung quanh.

Ngoài ra, có thể thấy trong những bài ca dao hài hước còn xuất hiện tiếng cười chế giễu những kẻ "làm trai" mà yếu đuối, hèn nhát không đáng mặt chí nam nhi:

"Làm trai cho đáng sức trai,

Khom lưng chống gối, gánh hai hạt vừng"

Câu ca dao đầu tiên như một lời khẳng định đầy trịnh trọng về chí làm trai. Làm trai nam nhi trong thiên hạ, sức dài vai rộng, mạnh mẽ phải có đáng sức trai. Tiếng cười chỉ bật lên với câu thứ hai với sự đối lập với sức trai chính là "Khom lưng, chống gối, gánh hai hạt vừng". Hình ảnh thể hiện sự yếu đuối, đớn hèn của nam nhi. Sức trai khỏe mạnh vậy mà lại phải "Khom lưng, chống gối" tưởng để gánh gì lớn lao, nhưng chỉ là gánh một thứ được cân bằng cân tiểu li "hai hạt vừng". Tư thế ấy khiến chàng trai hiện lên thật thảm hại, một cách phê phán đáng cười.

Cùng đề tài với bài ca dao này, một bài khác lại viết:

“Chồng người đi ngược về xuôi,

Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo”

Nổi bật trong bài ca dao này là biện pháp đối lập: Chồng người - chồng em, Đi ngược - về xuôi, Đi ngược về xuôi - sờ đuôi con mèo. Có thể thấy rằng bài ca dao tiêu biểu cho đối tựng đàn ông vừa lừơi nhác lại vừa không có chí hướng, không có sự nghiệp. Hình ảnh “ngồi bếp sờ đuôi con mèo” cho thấy người đàn ông này ở bếp mà đáng ra đây là công việc của người phụ nữ, đã vậy chỉ ngồi “sờ đuôi con mèo”. Người đàn ông vô tích sự, không dám ra ngoài mà chỉ ở nhà ăm bám, bám váy vợ để sống, không đáng làm một ngừi đàn ông che chở cho gia đình hay là trụ cột của gia đình.

Bài ca dao cuối cùng phê phán những người đàn bà lười biếng, cẩu thả, vô duyên. Trong truyện cười dân gian, các tác giả dân gian thường lấy đối tượng là nam để châm biếm, phê phán như tham lam, khoác lác, lười biếng nhưng người con gái lại rất ít khi trở thành đối tượng để châm biếm, đả kích. Ca dao đã hoàn thiện sự khuyết thiếu đó. Hình ảnh người phụ nữ ẩu đoảng, lười biếng hiện lên vô cùng rõ nét: Lỗ mũi mười tám gánh lông/ Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho. Trên đầu những rác cùng rơm/ Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu. Bài ca dao chế giễu những người đàn bà đỏng đảnh, vô duyên: Hình dáng thô kệch, xấu xí, có nhiều thói quen xấu: Luộm thuộm, bẩn thỉu. Tiếng cười cất lên phê phán những người đàn bà đoảng vị đồng thời cũng phê phán những người chồng mù quáng, vì quá yêu vợ mà không phân biệt tốt - xấu, thực - hư.

Ca dao hài hước châm biến thành công đều nhờ việc xây dựng tình huống gây cười, hàm chứa những mâu thuẫn gây cười. Biện pháp khoa trương, phóng đại được sự dụng thành công ở cả bốn bài ca dao. Ngoài ra biện pháp nâng cao ở phía trước hạ thấp ở phía sau cũng phát huy tác dụng để phê phán những cái xấu, cái tiêu cực trong xã hội.

  • Tham khảo thêm

Ngày:27/09/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM