Phương pháp thuyết minh Ngữ văn 10

Nhằm giúp các em ôn tập các phương pháp thuyết minh đã học, đồng thời tìm hiểu thêm một số phương pháp thuyết minh mới. eLib đã biên soạn bài học Phương pháp thuyết minh một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Phương pháp thuyết minh Ngữ văn 10

1. Tầm quan trọng của phương pháp thuyết minh

- Muốn viết được văn bản thuyết minh cần phải có tri thức và nhu cầu.

- Phương pháp thuyết minh có vai trò quan trọng, chúng hiện thực hóa tri thức và nhu cầu thành bài văn.

- Mục đích thuyết minh và phương pháp thuyết minh có mối quan hệ chặt chẽ.

2. Một số phương pháp thuyết minh

2.1. Ôn tập các phương pháp thuyết minh đã học

- Phương pháp nêu định nghĩa

- Phương pháp liệt kê

- Phương pháp nêu ví dụ

- Phương pháp dùng số liệu

- Phương pháp so sánh

- Phương pháp phân loại, phân tích

2.2. Tìm hiểu thêm một số phương pháp thuyết minh

a) Thuyết minh bằng cách chú thích

- Phương pháp định nghĩa

+ Phải xác định được đối tượng thuộc loại sự vật hiện tượng gì.

+ Chỉ ra được những thuộc tính cơ bản, đặc điểm riêng nổi bật của đối tượng.

+ Có tính chuẩn xác cao

+ Mô hình : A là B

- Phương pháp chú thích

+ Nêu ra một tên gọi khác hoặc một cách nhận biết khác, có thể chưa phản ánh đầy đủ những thuộc tính cơ bản của đối tượng.

+ Không đòi hỏi tính chuẩn xác cao bằng PP định nghĩa

+ Có tính linh hoạt, mềm dẻo, dễ sử dụng

+ Mô hình: A là B

b) Thuyết minh bằng cách giảng giải nguyên nhân kết quả

- Phương pháp thuyết minh bằng cách giảng giải nguyên nhân – kết quả mang tính quy nạp, từ hiện tượng mang nguyên nhân mà dẫn đến kết luận, kết quả.

- Tác dụng của phương pháp này là làm cho đối tượng thuyết minh được thể hiện cụ thể, sinh động hấp dẫn và tăng thêm những hiểu biết mới mẻ thú vị cho người đọc

3. Yêu cầu đối với việc vận dụng phương pháp thuyết minh

- Không xa rời mục đích thuyết minh.

- Làm nổi bật bản chất và đặc trưng của sự vật hiện tượng.

- Làm cho người đọc (người nghe) tiếp nhận dễ dàng và hứng thú.

4. Luyện tập

Câu 1. Anh (chị) hãy cho biết trong mỗi ví dụ nêu dưới đây, tác giả đã sử dụng phương pháp thuyết minh cụ thể nào.

a) Còn tức là cầu : quả cầu làm bằng vải màu, trong độn rơm hoặc trấu. Hai bên trai gái xếp hàng chữ nhất, đứng cách nhau chừng vài mươi bước, một bên tung lên, bên kia bắt lấy, rồi lại tung trở lại. Bên nào không bắt được, bị coi là thua và thua là phải tháo gỡ một vật gì mang trong người để đưa cho bên thắng. […] Nhưng sau chót, định đoạt xong được thua rồi, người được cũng trả lại đồ cho bên thua và cả hai bên cùng uống rượu say sưa trong một tình thương yêu bát ngát.

(Vũ Bằng, Thương nhớ mười hai, Sđd)

b) Ít ai trong chúng ta nghĩ rằng hoa cũng có thể là một thứ lịch, hay một thứ đồng hồ. Nhưng sự thực là như thế. Có nhiều loài hoa chỉ nở vào một giờ nhất định trong ngày. Hoa mười giờ nở vào lúc 10 giờ sáng ; hoa thổ nhân sâm nở vào lúc 5 giờ chiều ; hoa phấn yên chỉ nở vào lúc hoàng hôn ; hoa dạ hương nở vào lúc 10 giờ đêm ; hoa quỳnh nở vào 12 giờ đêm…

Ngoài những loài hoa chỉ thị giờ, ta còn thấy nhiều loài hoa chỉ thị cho mùa nữa. Ở Việt Nam, hoa chỉ thị cho mùa xuân là hoa đào, hoa mai ; hoa chỉ thị cho mùa hè là hoa phượng ; hoa chỉ thị cho mùa thu là hầu hết các loài cúc, đặc biệt là cúc mọc hoang dại như cúc trắng dại, ngải cứu… Riêng mùa đông, cây cối thu mình lại để chuẩn bị cho sự sinh sản vào những mùa thuận lợi của năm sau nên các loài hoa chỉ thị cho mùa này hiếm hơn – tiêu biểu là hoa ban mọc ở vùng núi Tây Bắc cứa nước ta.

(Theo Đỗ Mạnh Hùng, Các loài hoa kì lạ, trong Sách lịch kiến thức phổ thông, NXB Khoa học và kĩ thuật, 1995)

Gợi ý làm bài:

- Đoạn trích (a) có sử dụng phương pháp định nghĩa.

- Đoạn trích (b) có sử dụng phương pháp phân loại và phương pháp liệt kê.

Câu 2. Hãy vận dụng các phương pháp thuyết minh đã học để viết một bài văn nhằm giới thiệu về một hiện tượng mà anh (chị) thấy là lạ kì hay thú vị và rất muốn nói rõ cho bạn bè cùng biết.

Gợi ý làm bài:

Hiện nay, từ thành thị đến nông thôn, ở đâu ta cũng gặp tượng của ba cụ Phúc, Lộc, Thọ. Các cụ thường được đặt ở những nơi trang trọng nhất trong phòng khách, trên nóc tủ chè. Có nhà còn làm cả bàn thờ rõ đẹp để thờ ba cụ cầu mong được phúc, được lộc, được thọ. Người sang thì có cả ba cụ bằng gốm Tàu rõ to và sặc sỡ. Tại nhà người tầm tầm thì tượng các cụ làm bằng gỗ pơ-mu hoặc sứ Bát Tràng…

Vậy Phúc, Lộc, Thọ, các cụ là ai?

Xin thưa, theo truyền thuyết, ba cụ đều là người Hán, và dĩ nhiên đều sinh ở Trung Hoa. Và ba cụ đều làm quan to ở ba triều đại.

Hãy bắt đầu kể từ cụ Phúc. Tên thật của cụ là Quách Tứ Nghi, Thừa tướng đời Đường. Cụ xuất thân quý tộc, nhưng suốt cả thời tham gia triều chính, cụ sống rất liêm khiết, thẳng ngay, chứ không vì vinh hoa, phú quý mà để mất đi nhân cách.

Cụ bà và cụ ông rất tâm đầu, ý hợp. 83 tuổi, hai cụ đã có cháu năm đời. Cụ Phúc thường bế đứa trẻ trên tay là vậy. Theo phong tục của người Hoa cổ đại, sống đến lúc có cháu năm đời là sung sướng lắm lắm, phúc to dày lắm lắm ! Bởi thế cụ mới bế thằng cháu đứng giữa trời, nói lớn :

- Nhờ giời, nhờ phúc ấm tổ tiên, ta được thế này, còn mong gì hơn nữa !

Rồi cụ cười một hơi mà thác, về thanh thản nhàn du nơi tiên cảnh.

Cụ bà ra ôm lấy thi thể cụ ông than rằng:

- Tôi cùng tuổi với chồng tôi. Phúc cũng đủ dày sâu, sao giời chắng cho đi cùng ?

Ai ngờ, nói dứt lời, cụ bà cũng đi luôn về nơi chín suối. Hai cụ được con cháu hợp táng. Vậy là sống bên nhau, có nhau, chết cũng ở bên nhau, có nhau, hỏi còn phúc nào bằng ?

Cụ thứ hai là cụ Lộc. Cụ tên thật là Đậu Từ Quân, làm quan Thừa tướng đời nhà Tấn. Nhưng cụ Đậu Từ Quân là một quan tham. Tham lắm. Cụ hưởng không biết bao nhiêu là vàng bạc, châu báu, là của đút lót của những kẻ nịnh thần, mua quan, bán tước, chạy tội cho họ, và cho con cháu, thân tộc họ.

Tưởng được như cụ Đậu Từ Quân đã là sung sướng, giàu sang tột đỉnh. Hiềm một nỗi, năm 80 tuổi, cụ vẫn chưa có đích tôn. Do vậy, cụ buồn rầu sinh bệnh. Cụ ốm lâu lắm, nằm đến nát thịt, nát da, hôi thối đến mức con cái cũng không dám đến gần. Đến khi chết, cụ cũng không nhắm được mắt. Cụ than rằng :

- Lộc ta để cho ai đây ? Ai giữ ấm chân nhang cho tổ tiên, cho bản thân ta ?

Còn cụ thứ ba, cụ Thọ. Cụ có tên là Đông Phương Sóc, làm Thừa tướng đời Hán. Triết lí làm quan của cụ là quan thì phải lấy lộc. Nhưng cụ chỉ thích loại lộc vua ban. Được bao nhiêu cụ lại đem mua gái đẹp về làm thê thiếp. Người thời đó đồn rằng, trong dinh cụ, gái đẹp nhiều đến mức chẳng kém gì cung nữ ở cung vua.

Do cụ Đông Phưong Sóc muốn có nhiều tiền để mua gái trẻ làm liều thuốc dưỡng dương, cho nên suốt đời, cụ chỉ tìm lời nói thật đẹp để lấy lòng vua. Có người bạn thân khuyên:

- Ông làm quan đầu triều mà không biết tìm lời phải, ý hay can gián nhà vua, mà chỉ biết nịnh vua để lấy thưởng thì làm quan để làm gì ?

Cụ Đông Phương Sóc vuốt chòm râu bạc, cười khà khà bảo :

- Không lấy thưởng thì tội gì mà làm quan ? Mà can gián vua, nhỡ vua phật ý, tức giận, chém đầu cả ba họ thì sao ?

Cụ Đông Phương Sóc 125 tuổi mới chịu từ giã cõi đời. Khi cụ chết thì con không còn, cháu cũng đã hết. Vậy làm quan như cụ, thọ như cụ phỏng có ích gì ?

Qua ba bức tượng Phúc, Lộc, Thọ, có thể thấy người Trung Hoa thời xưa thật thâm thúy. Họ đã khéo xếp ba vị thừa tướng, ba tính cách khác nhau ở ba triều đại khác nhau để răn đời.

(Theo Dương Duy Ngữ, Chút lưu lại)

5. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Tầm quan trọng của các phương pháp thuyết minh trong văn bản thuyết minh.

- Các phương pháp được sử dụng trong văn bản thuyết minh.

- Các yêu cầu và nguyên tắc lựa chọn, vận dụng và phối hợp các phương pháp thuyết minh.

Ngày:15/12/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM