Viếng lăng Bác Ngữ văn 9

Bài thơ "Viếng lăng Bác" dưới dây nhằm giúp các em cảm nhận được tình cảm chân thành, tha thiết của nhà thơ Viễn Phương dành cho Bác Hồ kính yêu của dân tộc. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Viếng lăng Bác Ngữ văn 9

1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả:

- Viễn Phương tên khai sinh: Phan Thanh Viễn (1928 - 2005).

- Tên khai sinh: Phan Thanh Viễn.

- Quê: An Giang.

- Là nhà thơ có mặt sớm nhất của lực lượng Việt Nam giải phóng ở miền Nam thời kì chống Mĩ.

b. Tác phẩm:

- Năm 1976 - nước nhà thống nhất, lăng chủ tịch Hồ Chí Minh vừa khánh thành. Nhà thơ ra thăm Bắc vào viếng lăng Bác Hồ. Bài thơ “Viếng lăng Bác ra đời trong hoàn cảnh ấy và được in trong tập “Như mấy mùa xuân” (1978).

- Bố cục bài thơ được chia thành ba phần theo mạch cảm xúc của nhà thơ như sau:

+ Khổ thơ đầu.

+ Khổ thơ thứ 2 và 3.

+ Khổ thơ cuối.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Tìm hiểu khổ thơ đầu

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác,

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát,

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam,

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng

- Tác giả đã mở đầu bằng câu thơ tự sự: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”:

+ Cách xưng hô của nhà thơ trong khổ thơ đầu tiên cũng hết sức đặc biệt, tác giả đã chủ động xưng hô rằng "con" và gọi "Bác". Cách xưng hô này nghe thật ngọt ngào và thân thương rất Nam Bộ. Nó thể hiện sự gần gũi, kính yêu đối với Bác. Con ở miền Nam xa xôi nghìn trùng, ra đây mong được gặp Bác. Nào ngờ đất nước đã thống nhất, Nam Bắc đã sum họp một nhà, vậy mà Bác không còn nữa.

+ Nhà thơ đã cố tình thay từ viếng bằng từ thăm để giảm nhẹ nỗi đau thương mà vẫn không che giấu được nỗi xúc động của cảnh từ biệt sinh li. 

-> Đoạn thơ còn thể hiện những cảm xúc mãnh liệt của nhà thơ khi lần đầu tiên ra thăm lăng Bác sau bao lần mong mỏi.

- Từ xa, nhà thơ đã nhìn thấy hàng tre ẩn hiện trong sương khói trên quảng trường Ba Đình lịch sử. Màn sương trong câu thơ gợi lên một không khí thiêng liêng, huyền thoại.

- "Ôi" là từ cảm, biểu thị niềm xúc động tự hào. Hình ảnh hàng tre xanh mang tính chất tượng trưng, giàu ý nghĩa liên tưởng sâu sắc. 

=> Đoạn thơ là lời bày tỏ xúc động của nhà thơ khi được ra thăm lăng Bác. Đây cũng là cảm xúc của một số đông người Việt Nam. Miêu tả cảnh quan (phía ngoài) lăng Bác, nhà thơ tạo nên những suy nghĩ sâu sắc về phẩm chất tốt đẹp của nhân dân ta.

2.2. Tìm hiểu khổ thơ thứ 2 và 3

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân

- Hai câu thơ sóng nhau, hô ứng nhau với hai hình ảnh mặt trời:

+ Một mặt trời thiên nhiên, rực rỡ, vĩnh hằng "Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng".

+ "Một mặt trời trong lăng rất đỏ" - hình ảnh Bác Hồ vĩ đại.

+ Màu sắc "rất đỏ" làm cho câu thơ có hình ảnh đẹp gây ấn tượng sâu xa hơn, nói lên tư tưởng cách mạng và lòng yêu nước nồng nàn của Bác.

- Chúng ta nhận thấy sự đặc biệt của chữ "dâng" mà tác giả thể hiện, đó chính là bay tỏ sự thành kính tuyệt đối với Bác Hồ. Nhà thơ không nói "bảy chín tuổi" mà nói: “bảy mươi chín mùa xuân” - một cách nói rất thơ: cuộc đời Bác đẹp như những mùa xuân. Qua đó, ta thấy nghệ thuật lựa chọn ngôn từ của Viễn Phương rất tinh tế, biểu cảm và hình tượng.

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim

- Bác nằm thanh thản như đang ngủ - một giấc ngủ rất đỗi bình yên trong ánh sáng dịu như vầng trăng trong lăng.

-> Nhà thơ đã khắc họa thành công không gian trong và ngoài lăng Bác một cách hài hòa, bên cạnh đó tác giả đã diễn tả chính xác, tinh tế sự yên tĩnh, trang nghiêm dưới ánh sáng dịu nhẹ, trong trẻo của không gian trong lăng Bác. Hình ảnh trăng gợi nghĩ đến tâm hồn thanh cao đẹp đẽ, sáng trong của Bác và những vần thơ tràn đầy ánh trăng của Người.

=> Đối với nhà thơ Viễn Phương, mặc dù Bác đã ra đi mãi mãi nhưng hình ảnh Bác Hồ vẫn luôn ngời sáng và còn sống mãi với non sông đất nước, như trời xanh còn mãi trên đầu. Người đã hóa thành thiên nhiên, đất nước, dân tộc.

2.3. Tìm hiểu khổ thơ cuối

- Niềm xúc động trào dâng, xót thương không muốn rời xa.

- Muốn làm con chim hót... đóa hoa tỏa hương, cây tre trung hiếu được bên Bác canh giấc ngủ cho Người.

-> Điệp ngữ, ẩn dụ thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ.

=> Nhà thơ Viễn Phương đã chuyển tải được những khao khát, sự lưu luyến của bản thân mình cùng với những tình cảm thành kính, thiêng liêng của một người con miền Nam đối với Bác - Người cha già kính yêu của dân tộc.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Bài thơ thể hiện niềm thành kính, niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và của mọi người với Bác.

- Về nghệ thuật:

+ Cách gieo vần linh hoạt, tạo nên một giọng điệu phù hợp với nội dung tình cảm, cảm xúc của nhà thơ.

+ Giọng thơ vừa trang nghiêm, sâu lắng, vừa thiết tha, đau xót, tự hào.

+ Hình ảnh thơ sáng tạo, kết hợp cả hình ảnh thực, hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng.

4. Luyện tập

Câu 1: Em có nhận xét gì về câu thơ đầu tiên "Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác"?

Gợi ý trả lời:

- Câu thơ đầu tiên như một lời thông báo, giới thiệu của nhà thơ về việc ra thăm lăng Bác. Chúng ta thấy câu thơ vô cùng ngắn gọn nhưng nó lại là một lời tâm sự chân tình của nhà thơ cũng như hàng triệu người con miền Nam.

- Một tiếng “con” thật ấm áp, gần gũi, thể hiện lòng kính yêu to lớn đối với Bác. Bác thật gần gũi với người dân, như là một vị cha già của dân tộc. “Con ở miền Nam” - mấy tiếng ấy bao hàm một nỗi đau và một niềm tự hào.

- Miền Nam gian khổ và anh hùng, miền Nam đi trước về sau, miền Nam thành đồng Tổ quốc, miền Nam vừa chiến thắng kẻ thù hung bạo trở về trong đại gia đình Việt Nam đây Bác ơi! Nhà thơ mong nhìn thấy Bác một lần sau khi đất nước đã giải phóng nhưng thật đau xót, Bác đã không còn.

-> Tác giả đã giảm bớt đi sự đau xót, nỗi đau bằng cách sử dụng từ "thăm" để thay cho từ "viếng". Từ "thăm" không những được dùng để giảm nhẹ nỗi đau mà còn bày tỏ niềm tin rằng Bác vẫn sống mãi.

Câu 2: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về bài thơ "Viếng lăng Bác".

Gợi ý trả lời:

Bài thơ "Viếng lăng Bác" nhằm giúp người đọc cảm nhận được tình cảm chân thành, tha thiết, yêu quý của nhà thơ Viễn Phương dành cho Bác Hồ. Qua đó, em rất yêu quý và tự hào về Bác em hứa sẽ cố gắng học tập, thực hiện tốt năm điều Bác Hồ dạy để trở thành người công dân tốt. Nỗi mong chờ và ao ước của đồng bào đã được Bác đưa vào thăm không còn nữa! Người đã ra đi mãi mãi để lại bao niềm nuối tiếc trong lòng mỗi người dân Nam Bộ. Viễn Phương - nhà thơ trẻ miền Nam - được vinh dự ra thăm lăng Bác. Tác giả đã thay mặt nhân dân miền nam bày tỏ tình cảm của mình khi đứng trước người cha già dân tộc. Xúc động đến tận đáy lòng, Viễn Phương viết bài “Viếng lăng Bác”. Đây là bài thơ đầu tiên gợi cho em niềm cảm xúc sâu xa nhất.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Cảm nhận được niềm xúc động thiêng liêng, tấm lòng thiết tha, thành kính, vừa tự hào, vừa đau xót của tác giả.

- Thấy được đặc điểm nghê thuật của bài thơ: giọng điệu trang trọng, mà thiết tha, lời thơ dung dị mà cô đúc, giàu hình ảnh mà vẫn lắng đọng.

- Rèn luyện kĩ năng cảm thụ và phân tích thơ.

Ngày:16/12/2020 Chia sẻ bởi:ngan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM