Một số qui định về hình thức trình bày đồ án ngành Đồ họa

Để trình bày đồ án ngành Đồ họa đúng quy định về hình thức như: Cấu trúc đồ án, nội dung đồ án, hình thức trình bày, hướng dẫn sắp xếp tài liệu tham khảo,....Mời các bạn cùng tham khảo nội dung bài viết dưới đây để tìm hiểu về qui định về hình thức trình bày đồ án ngành Đồ họa cho mình nhé!

Một số qui định về hình thức trình bày đồ án ngành Đồ họa

1. Cấu trúc của đồ án

Bìa chính đồ án (trình bày theo mẫu), đóng bìa cứng, in chữ nhũ vàng đủ dấu tiếng Việt trên bìa xanh nước biển (theo mẫu tại khoa).

Trang phụ bìa (theo mẫu).

Lời cám ơn.

Mục lục.

Bảng các ký hiệu, chữ viết tắt (nếu có) xếp theo thứ tự bảng chữ cái.

Bảng danh mục các bảng biểu.

Bảng danh mục các hình ảnh.

Tóm tắt của đồ án (Trình bày tóm tắt vấn đề nghiên cứu, các hướng tiếp cận, cách giải quyết vấn đề và một số kết quả đạt được).

Nội dung của đồ án (xem phần Nội dung của đồ án).

Kết luận.

Kiến nghị.

Tài liệu tham khảo.

Phụ lục.

2. Nội dung của đồ án

Nội dung đồ án trình bày tối thiểu 50 trang khổ A4 theo trình tự như sau:

Phần 1: Mở đầu

Trình bày lí do chọn đề tài, mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu.

Phần 2: Nội dung nghiên cứu

Chương 1: Tổng quan

Phân tích đánh giá các hướng nghiên cứu đã có của các tác giả trong và ngoài nước liên quan đến đề tài; nêu những vấn đề còn tồn tại; chỉ ra những vấn đề mà đề tài cần tập trung, nghiên cứu giải quyết.

Chương 2: Cơ sở khoa học và thực tiễn

Trình bày cơ sở lí thuyết, lí luận, giả thiết khoa học và phương pháp nghiên cứu đã được sử dụng trong đồ án.

Chương 3: Phân tích và trình bày phương án triển khai

Tìm hiểu thông tin liên quan đến đề tài.

Nhận định mục tiêu và giá trị thực tiển của đề tài

Ý tưởng thiết kế chung của đề tài

Bản phác thảo kế hoạch

Trình bày nguyên tắc chọn mẫu, quy trình hình thành mẫu từ những ý tưởng ban đầu.

Trình bày quá trình thiết kế từng sản phẩm, kèm theo phần lý luận dựa theo các yếu tố quan trọng và cụ thể như: ý tưởng, kích thước, màu sắc, bố cục… ( có phần đánh giá, nhận định kết quả sau mỗi sản phẩm thiết kế).

Phần 3: Đánh giá, kết luận và kiến nghị

Đánh giá: Mô tả ngắn gọn công việc nghiên cứu khoa học đã tiến hành, các kết quả nghiên cứu khoa học hoặc kết quả thực nghiệm. Đối với các đề tài ứng dụng có kết quả là sản phẩm phải có thực hiện trên bản vẽ

Kết luận: Trình bày những kết quả đạt được, những đóng góp mới và những đề xuất mới. Phần kết luận cần ngắn gọn, không có lời bàn và bình luận thêm.

Kiến nghị về những nghiên cứu tiếp theo:

- Trình bày những đề xuất cho việc phát triển đề tài.

- Phương hướng hoặc giải pháp cải tiến, phát triển đề tài lên một tầm cao mới.

Danh mục tài liệu tham khảo 

Chỉ bao gồm các tài liệu được trích dẫn, sử dụng và đề cập tới để bàn luận trong đồ án.

Phụ lục

Nội dung tùy theo yêu cầu của giảng viên hướng dẫn.

3. Hình thức trình bày

Đồ án phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, sạch sẽ, không được tẩy xóa, có đánh số trang, đánh số bảng biểu, hình vẽ, đồ thị.

Font chữ: Times New Roman, kích thước(size) 13. Hệ soạn thảo Unicode.

Giãn dòng (line spacing) đặt ở chế độ 1.5 lines. Định dạng khoảng cách lề trên là 2,5 cm, lề dưới là 2 cm, lề trái là 3,5 cm, lề phải là 2 cm. Đánh số trang ở góc phải bên dưới.

Các bảng biểu trình bày theo chiều ngang khổ giấy thì đầu bảng là lề trái của trang.

Số thứ tự của các chương, mục được đánh số bằng hệ thống số Ả-rập, không dùng số La mã. Các mục và tiểu mục được đánh số bằng các nhóm hai hoặc ba chữ số, cách nhau một dấu chấm: số thứ nhất chỉ số chương, chỉ số thứ hai chỉ số mục, số thứ ba chỉ số tiểu mục, nhiều nhất gồm bốn chữ số với số thứ nhất chỉ số chương (ví dụ 4.1.2.1 chỉ tiểu mục 1 nhóm tiểu mục 2 mục 1 chương 4).Tại mỗi nhóm tiểu mục phải có ít nhất hai tiểu mục, nghĩa là không thể có tiểu mục 2.1.1 mà không có tiểu mục 2.1.2 tiếp theo.

Ví dụ:

Chương 1 …

1.1. …

1.1.1. …

1.1.2. …

1.1.2.1 ….

1.2. …

Viết tắt: Không lạm dụng việc viết tắt trong đồ án. Chỉ viết tắt những từ, cụm từ hoặc thuật ngữ được sử dụng nhiều lần trong đồ án. Không viết tắt những cụm từ dài, những mệnh đề; không viết tắt những cụm từ ít xuất hiện trong đồ án. Nếu cần viết tắt những từ, thuật ngữ, tên các cơ quan, tổ chức … thì được viết tắt sau lần viết thứ nhất có kèm theo chữ viết tắt trong ngoặc đơn. Nếu đồ án có nhiều chữ viết tắt thì phải có bảng danh mục các chữ viết tắt (xếp theo thứ tự ABC) ở phần đầu đồ án.

4. Hướng dẫn sắp xếp tài liệu tham khảo

Tài liệu tham khảo được xếp riêng theo từng ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp, …). Các tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải giữ nguyên văn, không phiên âm, không dịch, kể cả bằng tiếng Trung Quốc, Nhật, … (Đối với những tài liệu bằng ngôn ngữ còn ít người biết có thể thêm phần dịch tiếng Việt đi kèm theo mỗi tài liệu).

Tài liệu tham khảo xếp theo thứ tự ABC họ tên tác giả đồ án theo thông lệ của từng nước:

- Tác giả là người nước ngoài: xếp thứ tự ABC theo họ.

- Tác giả là người Việt Nam: xếp thứ ABC theo tên nhưng vẫn giữ nguyên thứ tự thông thường của tên người Việt Nam, không đảo lên trước họ.

- Tài liệu không có tên tác giả thì xếp theo thứ tự ABC từ đầu của tên cơ quan ban hành báo hay các ấn phẩm, ví dụ: Tổng cục thống kê xếp vào vần T, Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp vào vần B, …

Tài liệu tham khảo là sách, đồ án, luận án, báo cáo phải ghi đầy đủ các thông tin sau:

- Tên tác giả hoặc cơ quan ban hành (Không có dấu ngăn cách)

- Năm xuất bản (Đặt trong ngoặc đơn, dấu phẩy sau ngoặc đơn)

- Tên sách, đồ án, luận án hoặc báo cáo (In nghiên, dấu phẩy cuối tên)

- Nhà xuất bản (Dấu phẩy cuối tên nhà xuất bản)

- Nơi xuất bản (Dấu chấm kết thúc tài liệu tham khảo).

VD:  Trần Giang Sơn, (2008), Đồ họa máy tính trong không gian hai chiều, NXB Khoa Học Và Kỹ Thuật.

5. Mẫu bìa đồ án ngành Đồ họa

Mẫu bìa đồ án ngành Đồ họa

Trên đây là các qui định về hình thức trình bày đồ án ngành Đồ họa được eLib chia sẽ đến các bạn, hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ có thêm được nhiều kiến thức cũng như áp dụng chúng vào đồ án tốt nghiệp của mình. Chúc bạn thành công!

Ngày:24/09/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM