Dự thảo tháng 04 2020 về luật dân số

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến dân số tại Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập có quy định khác. Mời các bạn cùng tham khảo 

Dự thảo tháng 04 2020 về luật dân số

QUỐC HỘI
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Luật số:      /2020/QH14  

DỰ THẢO
Tháng 4.2020

LUẬT

DÂN SỐ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Dân số.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Luật này quy định về quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân số, chất lượng dân số về thể chất và điều kiện bảo đảm thực hiện công tác dân số.

2. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến dân số tại Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập có quy định khác.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dân số là tập hợp người sinh sống trong một quốc gia, khu vực, vùng kinh tế - xã hội hoặc một đơn vị hành chính.

2. Quy mô dân số là tổng số người sinh sống trong một quốc gia, khu vực, vùng kinh tế - xã hội hoặc một đơn vị hành chính tại một thời điểm hoặc trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm.

3. Mức sinh là tình trạng sinh sản thực tế của dân số trong một thời gian nhất định, thường là một năm.

4. Mức sinh thay thế là mức sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời sinh đẻ của mình sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống hoặc là mức sinh tính bình quân trong toàn xã hội thì mỗi cặp vợ chồng có hai con.

5. Kế hoạch hoá gia đình là việc Nhà nước, xã hội, gia đình thực hiện các biện pháp, chính sách để mỗi cá nhân, cặp vợ chồng chủ động, tự nguyện quyết định có trách nhiệm để có được số con, thời gian sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp, nhằm bảo vệ sức khoẻ, nuôi dạy con tốt, tương thích với điều kiện sống của gia đình.

6. Sức khoẻ sinh sản là sự thể hiện các trạng thái về thể chất, tinh thần và xã hội liên quan đến hoạt động và chức năng sinh sản của mỗi người.

7. Sức khỏe tình dục là sự thể hiện các trạng thái về thể chất, tình cảm, tinh thần và quan hệ xã hội liên quan đến tình dục.

8. Phương tiện tránh thai là thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế được sử dụng với mục đích ngăn chặn sự thụ thai.

9. Tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai là hình thức phân phối trung gian giữa cung cấp miễn phí và thị trường, thúc đẩy sự chuyển đổi hành vi của khách hàng từ sử dụng phương tiện tránh thai miễn phí sang sử dụng phương tiện tránh thai thương mại để phòng, tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường sinh sản, HIV/AIDS, nhằm thực hiện mục tiêu, chính sách về dân số.

10. Cơ cấu dân số là sự phân chia tổng số dân của một quốc gia, khu vực, vùng kinh tế - xã hội hoặc một đơn vị hành chính thành các nhóm theo giới tính, độ tuổi, dân tộc và các đặc trưng khác.

11. Cơ cấu dân số vàng là cơ cấu dân số mà số người từ 15 tuổi đến 64 tuổi chiếm ít nhất hai phần ba tổng dân số.

12. Tỷ số giới tính khi sinh là số trẻ trai so với với 100 trẻ gái trong tổng số trẻ sinh ra sống trong một khoảng thời gian xác định (thường là một năm) của quốc gia, đơn vị hành chính cấp tỉnh.

13. Cân bằng giới tính khi sinh là khi số trẻ trai, trẻ gái được sinh ra còn sống theo quy luật tự nhiên nằm trong khoảng từ 103 - 107 trẻ trai so với 100 trẻ gái.

14. Lựa chọn giới tính thai nhi là việc can thiệp của con người để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.

15. Già hóa dân số là khi số người từ 60 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ từ 10% đến dưới 20% hoặc khi số người từ 65 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ từ 7% đến dưới 14% trong tổng dân số.

16. Cơ cấu dân số già là khi số người từ 60 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ từ 20% trở lên trong tổng dân số hoặc khi số người từ 65 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ từ 14% trở lên trong tổng dân số.

17. Phân bố dân số là sự phân chia dân số theo khu vực, vùng kinh tế - xã hội hoặc đơn vị hành chính.

18. Di cư là sự thay đổi nơi cư trú của con người từ  đơn vị hành chính này đến cư trú ở đơn vị hành chính khác hoặc từ quốc gia, vùng lãnh thổ này đến quốc gia, vùng lãnh thổ khác trong khoảng thời gian xác định.

19. Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số.

20. Tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân là việc cung cấp thông tin, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe cho nam, nữ trước khi kết hôn, góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững, nâng cao chất lượng giống nòi.

21. Tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh là việc cung cấp thông tin, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe nhằm phát hiện các bất thường, dị tật, bệnh tật để điều trị trước sinh cho phụ nữ mang thai hoặc trẻ sơ sinh.

 22. Phòng ngừa và điều trị vô sinh là việc tư vấn và sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị vô sinh cho các cặp vợ chồng, cá nhân.

23. Công tác dân số là việc quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động có liên quan đến quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân số, chất lượng dân số và lồng ghép các yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển.

24. Dịch vụ dân số là việc cung cấp thông tin, giáo dục, truyền thông, tư vấn về dân số, các biện pháp chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

25. Lồng ghép các yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển là việc đưa các yếu tố dân số vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của quốc gia, khu vực, vùng kinh tế - xã hội, ngành, địa phương và tổ chức thực hiện.

26. Dân số và phát triển là mối quan hệ tác động qua lại giữa các yếu tố dân số bao gồm quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, tài nguyên, môi trường, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện công tác dân số

1. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác dân số phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, chất lượng cuộc sống của cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

2. Bảo đảm việc chủ động, tự nguyện, bình đẳng và đề cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình trong chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và  thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dân số.

3. Kết hợp giữa quyền và lợi ích của cá nhân, gia đình với lợi ích của cộng đồng và toàn xã hội; trong việc thực hiện duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

Điều 4. Chính sách của Nhà nước về dân số

1. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, tỉnh, thành phố, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở vùng, tỉnh, thành phố, đối tượng đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ hai con ở vùng, tỉnh, thành phố, đối tượng có mức sinh thấp.

2. Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người. Giúp đỡ, hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho người dân tộc thiểu số rất ít người, người các dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng, người khuyết tật thực hiện chính sách dân số.

3. Hỗ trợ người dân sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thực hiện chính sách dân số. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân sinh sống ổn định, lâu dài tại vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, khu vực trọng yếu về an ninh, quốc phòng; người dân tái định cư được tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội cơ bản tại nơi ở mới, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương tiếp nhận tái định cư.

4. Khuyến khích nam, nữ thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; phụ nữ mang thai thực hiện tầm soát, chẩn đoán trước sinh; cha, mẹ hoặc thành viên khác trong gia đình chủ động, tự nguyện cho trẻ sơ sinh tham gia các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị các bệnh bẩm sinh; ngân sách nhà nước hỗ trợ ưu tiên cho một số đối tượng chính sách để thực hiện nâng cao chất lượng dân số.

5. Hỗ trợ, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội để thực hiện bình đẳng giới, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

6. Tạo việc làm, tạo điều kiện làm việc về phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất cho người cao tuổi đáp ứng về sức khỏe, khả năng chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và có nhu cầu làm việc.

7. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hợp tác và đóng góp về tài chính, kỹ thuật để thực hiện công tác dân số, tham gia các hoạt động về dân số; tham gia cung cấp các dịch vụ về dân số.

8. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước  tham gia cung cấp dịch vụ dân số được hưởng các chính sách khuyến khích xã hội hóa theo quy định của pháp luật về xã hội hóa.

9.  Đầu tư nguồn lực đáp ứng yêu cầu công tác dân số; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về dân số.

10. Khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách, pháp luật về dân số.

Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của công dân  về dân số

1. Công dân có các quyền sau đây:

a) Được cung cấp thông tin, giáo dục, truyền thông về dân số;

b) Được cung cấp các dịch vụ dân số có chất lượng, thuận tiện, an toàn và được giữ bí mật thông tin theo quy định của pháp luật;

c) Được lựa chọn các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số phù hợp với sức khỏe và điều kiện sống của gia đình;

d) Được thực hiện các quyền khác có liên quan về dân số theo quy định của pháp luật.

2. Công dân có các nghĩa vụ sau đây:

a) Cùng với Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

b) Thực hiện các biện pháp phù hợp để nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần của bản thân và các thành viên trong gia đình;

c) Tôn trọng lợi ích của Nhà nước, xã hội, cộng đồng trong việc điều chỉnh quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân số, nâng cao chất lượng dân số;

d) Thực hiện các quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến dân số.

Điều 6. Ngày Dân số Việt Nam

1. Ngày Dân số Việt Nam là ngày 26 tháng 12 hằng năm.

2. Ngày Dân số Việt Nam được tổ chức nhằm đẩy mạnh việc thông tin, giáo dục, truyền thông trong nhân dân về thực hiện công tác dân số; kết hợp cung cấp dịch vụ dân số an toàn, chất lượng, đa dạng, thuận tiện, phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin trái với chính sách, pháp luật về dân số, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc; cản trở việc thông tin, giáo dục, truyền thông, vận động và thực hiện chính sách, pháp luật về dân số.

2. Tuyên truyền, phổ biến, tư vấn phương pháp và cung cấp dịch vụ để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.

3. Lựa chọn giới tính thai nhi, loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính dưới mọi hình thức.

4. Chẩn đoán, xác định và cung cấp thông tin về giới tính thai nhi, trừ trường hợp khám, chẩn đoán, điều trị các bệnh có liên quan đến giới tính.

5. Kỳ thị, phân biệt đối xử đối với con trai, con gái trong gia đình và dòng tộc; xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sinh con một bề là gái hoặc trai.

6. Ép buộc, xúi giục người khác lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai vì giới tính của thai nhi.

7. Nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, nhập khẩu, cung cấp, lưu hành dụng cụ, phương tiện, các sản phẩm ứng dụng trong chẩn đoán, lựa chọn giới tính trước khi sinh.

8. Cung cấp dịch vụ, phương tiện, tư vấn, hướng dẫn phá thai không đúng quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

 9. Cản trở hoặc cưỡng bức việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

10. Mua, bán phương tiện tránh thai miễn phí.

11. Sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp phương tiện tránh thai giả, không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, quá hạn sử dụng, chưa được phép lưu hành.

Chương II

QUY MÔ DÂN SỐ

Điều 8. Điều chỉnh quy mô dân số

1. Điều chỉnh quy mô dân số bao gồm điều chỉnh mức sinh và phân bố dân số.

2. Việc điều chỉnh mức sinh được thực hiện khi có sự tăng hoặc giảm bất hợp lý về mức sinh tại các vùng, tỉnh, thành phố hay tại các vùng, tỉnh, thành phố chưa đạt mức sinh thay thế thông qua các chương trình, dự án về kế hoạch hóa gia đình, giảm vô sinh và đáp ứng nhu cầu về tránh thai.

3. Việc điều chỉnh mức sinh phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, tài nguyên, môi trường của đất nước trong từng thời kỳ;

b) Giảm sinh ở những vùng, tỉnh, thành phố có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế; duy trì kết quả đạt được ở những vùng, tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; sinh đủ hai con ở vùng, tỉnh, thành phố có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế. Tập trung thực hiện vào địa bàn có mức sinh cao hoặc thấp hơn mức sinh thay thế;

c) Có giải pháp phù hợp để bảo đảm việc phát triển bền vững các dân tộc thiểu số rất ít người.

4. Các biện pháp ưu tiên để điều chỉnh mức sinh:

a) Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn, tư vấn về dân số; cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình thông qua các chương trình, dự án, kế hoạch, hình thức phù hợp với tình hình, đặc điểm về mức sinh của từng khu vực, tỉnh, thành phố;

b) Xây dựng, thực hiện quy chế của cơ quan, điều lệ của tổ chức; quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật để vận động mỗi cặp vợ chồng, cá nhân nên có hai con;

c) Triển khai, lồng ghép các giải pháp để đạt được mức sinh thay thế thông qua các chiến lược, chính sách, chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

5. Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương  cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp điều chỉnh mức sinh thay thế.

6. Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tiêu chí để xác định địa bàn có mức sinh thấp hoặc mức sinh cao.

Điều 9. Thực hiện kế hoạch hóa gia đình

1. Biện pháp thực hiện kế hoạch hóa gia đình bao gồm:

a) Tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ cặp vợ chồng, cá nhân trong việc chủ động, tự nguyện, bình đẳng thực hiện kế hoạch hóa gia đình;

b) Cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình an toàn, chất lượng, đa dạng, thuận tiện và phù hợp, dễ tiếp cận  với đối tượng sử dụng.

2. Nam, nữ đã sinh đủ hai con khi thực hiện kỹ thuật y tế để kế hoạch hóa gia đình được bảo hiểm y tế chi trả chi phí thực hiện kỹ thuật kế hoạch hóa gia đình đối với người có thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

 3. Nhà nước có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thực hiện các chương trình, dự án về kế hoạch hóa gia đình; ưu tiên đối tượng chính sách, vùng có mức sinh cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo.

Điều 10. Quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình

PA1:

1. Quyền của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân không tách rời nghĩa vụ trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình.

2. Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền:

a) Quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động, thu nhập và cùng Nhà nước thực hiện duy trì mức sinh thay thế;

b) Bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

3. Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có trách nhiệm thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến kế hoạch hóa gia đình.

PA2:

1. Quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động, thu nhập và nuôi dạy con tốt.

2. Bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến kế hoạch hóa gia đình.

3. Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp sau đây:

a) Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

b) Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên;

c) Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên;

d) Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi;

đ) Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận;

e) Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ): Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ). Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ); quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống;

g) Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, định kỳ 5 năm, công bố tên dân tộc có số dân dưới 10.000 người, tên dân tộc có tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết (dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân).

5. Bộ Y tế ban hành danh mục dị tật, bệnh hiểm nghèo để xác định đối tượng theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật này.

Điều 11. Cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình

1. Các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình bao gồm:

a) Tư vấn về kế hoạch hóa gia đình;

b) Cung cấp phương tiện tránh thai dưới các hình thức miễn phí, tiếp thị xã hội và kinh doanh;

c) Cung cấp dịch vụ chuyên môn kỹ thuật về tránh thai lâm sàng, phi lâm sàng và các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình khác.

2. Yêu cầu đối với dịch vụ kế hoạch hóa gia đình

a) An toàn, chất lượng, đa dạng, thuận tiện, phù hợp, dễ tiếp cận.

b) Tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế.

3. Cơ sở, cá nhân cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Cơ sở cung cấp dịch vụ chuyên môn kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng về kế hoạch hóa gia đình phải thực hiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;

b) Cơ sở, cá nhân cung cấp dịch vụ phi lâm sàng về kế hoạch hóa gia đình bao gồm viên uống tránh thai, bao cao su và các dịch vụ phi lâm sàng khác phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

c) Cơ sở cung cấp phương tiện tránh thai phải đáp ứng điều kiện về nhân lực; đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật thương mại; đáp ứng các quy định liên quan đến pháp luật về dược và trang thiết bị y tế và quy định của pháp luật về kinh doanh, thương mại.

d) Cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn về kế hoạch hóa gia đình phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ Y tế.

đ) Người cung cấp dịch vụ phi lâm sàng về kế hoạch hóa gia đình bao gồm viên uống tránh thai, bao cao su và các dịch vụ phi lâm sàng khác phải được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ.

4. Tổ chức, cá nhân cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình có trách nhiệm bảo đảm chất lượng phương tiện, dịch vụ, kỹ thuật an toàn, thuận tiện; theo dõi, xử trí các tác dụng phụ, tai biến cho người sử dụng (nếu có) và thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

5. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định đối tượng được cấp miễn phí phương tiện tránh thai; danh mục phương tiện tránh thai được cấp miễn phí hoặc tiếp thị xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Điều 12. Quản lý chất lượng phương tiện tránh thai

1. Quản lý chất lượng phương tiện tránh thai theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quản lý trang thiết bị y tế.

2. Sản phẩm, hàng hóa có nhiều công dụng, trong đó có công dụng tránh thai được quản lý chất lượng như phương tiện tránh thai.

3. Việc quản lý chất lượng phương tiện tránh thai theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

4. Bộ Y tế quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phương tiện tránh thai; công khai các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng.

5. Chính phủ quy định thủ tục, hồ sơ đăng ký lưu hành phương tiện tránh thai.

Điều 13.  Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số

1. Hỗ trợ vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người bằng các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, lao động việc làm, đáp ứng cơ bản nhu cầu dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số.

2. Ưu tiên dành ngân sách và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để nâng cao chất lượng dân số đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người.

3. Chính phủ quy định chi tiết Khoản 1, Khoản 2 Điều này.

Chương III

CƠ CẤU DÂN SỐ

Điều 14. Điều chỉnh cơ cấu dân số

1. Việc điều chỉnh cơ cấu dân số nhằm bảo đảm cơ cấu dân số hợp lý về giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, ngành nghề và các đặc trưng khác; bảo đảm việc phát triển bền vững các dân tộc thiểu số.

2. Việc điều chỉnh cơ cấu dân số phải đảm bảo khắc phục sự bất hợp lý, tận dụng được lợi thế của cơ cấu dân số và thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu dân số.

3. Các biện pháp điều chỉnh cơ cấu dân số:

a) Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, vận động để người dân hưởng ứng các chính sách của Nhà nước về điều chỉnh và phát huy lợi thế của cơ cấu dân số và thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu dân số.

b) Nhà nước triển khai các chiến lược, chính sách, chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với định hướng điều chỉnh cơ cấu dân số.

Điều 15. Bảo đảm cơ cấu dân số hợp lý

1. Biện pháp bảo đảm cơ cấu dân số bao gồm:

a) Ban hành, thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - kỹ thuật, đào tạo ngành nghề, sử dụng lao động phù hợp với giới tính, độ tuổi, dân tộc và sự phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, của quốc gia.

b) Ngăn chặn việc lựa chọn giới tính thai nhi để cân bằng giới tính khi sinh.

2. Cơ quan, tổ chức theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm xây dựng chính sách và lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải bảo đảm sự cân đối về giới tính, độ tuổi, cơ cấu ngành nghề ở mỗi khu vực, vùng kinh tế - xã hội và từng đơn vị hành chính.

Điều 16. Biện pháp kiểm soát việc mất cân bằng giới tính khi sinh

1. Thông tin, giáo dục, truyền thông về việc không lựa chọn giới tính thai nhi, hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh.

2. Bổ sung, sửa đổi và thực hiện có hiệu quả pháp luật về bình đẳng giới.

3. Xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng, dòng tộc về bình đẳng giới, xóa bỏ tư tưởng trọng nam hơn nữ hoặc trọng nữ hơn nam.

4. Nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên y tế; không cung cấp thông tin về giới tính thai nhi, trừ trường hợp khám, chẩn đoán, điều trị các bệnh có liên quan đến giới tính.

5. Rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn, chẩn đoán giới tính thai nhi, lựa chọn giới tính trước khi sinh.

6. Giám sát việc thực thi pháp luật và tổ chức thực hiện nghiêm quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

Điều 17. Trách nhiệm thực hiện kiểm soát việc mất cân bằng giới tính khi sinh

 1. Cơ quan quản lý nhà nước về dân số, cơ quan, tổ chức khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm thực hiện các biện pháp kiểm soát việc mất cân bằng giới tính khi sinh, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trên địa bàn.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ tại cơ quan, đơn vị.

4. Nhân viên y tế có trách nhiệm tuân thủ quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, không cung cấp thông tin về giới tính thai nhi, trừ trường hợp khám, chẩn đoán, điều trị các bệnh có liên quan đến giới tính.

5. Các thành viên trong gia đình, tạo điều kiện để cặp vợ chồng, cá nhân sinh con thoải mái về tư tưởng; không đe dọa, uy hiếp tinh thần để ép buộc cặp vợ chồng, cá nhân sinh con trai, con gái hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi; không có lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sinh chỉ con trai hoặc sinh chỉ con gái.

6. Cặp vợ chồng, cá nhân có trách nhiệm thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; không thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.

7. Khuyến khích cộng đồng dân cư và dòng tộc xây dựng hương ước, quy ước về thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ tư tưởng trọng nam hơn nữ hoặc trọng nữ hơn nam.

Điều 18. Biện pháp phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng

1. Thông tin, giáo dục, truyền thông về lợi thế của cơ cấu dân số vàng.

2. Duy trì, kéo dài thời gian đạt được mức sinh thay thế để tận dụng thời gian cơ cấu dân số vàng.

3. Ưu tiên phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sử dụng nhiều lao động trẻ, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, gắn với việc tổ chức thực hiện pháp luật về việc làm;

4. Nâng cao sức khỏe cho nhóm dân số trong độ tuổi lao động.

5. Giáo dục, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với sự phát triển của khoa học, công nghệ.

6. Thực hiện chương trình tạo việc làm, giảm tỉ lệ thất nghiệp và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động theo các nhóm tuổi, trình độ chuyên môn, kỹ thuật.

7. Chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ nhằm tăng năng suất lao động, phát triển thị trường xuất khẩu lao động; thực hiện cơ cấu việc làm phù hợp với cơ cấu dân số về giới tính, độ tuổi, dân tộc, trình độ chuyên môn, kỹ thuật và các đặc trưng khác.

8.  Lồng ghép với các yếu tố dân số trong xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương.

9. Cung cấp chính xác, hiệu quả và kịp thời thông tin, số liệu nhân lực từng nghề, ngành, kết nối cung cầu thị trường lao động, phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo, triển khai chính sách.

10. Xây dựng, bổ sung, sửa đổi chính sách, pháp luật, chiến lược, chương trình để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng hiệu quả nguồn lao động thời kỳ dân số vàng.

Điều 19. Trách nhiệm phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng

1. Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện các biện pháp phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng quy định tại Điều 17 Luật này.

2. Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án để phát huy lợi thế dân số vàng.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp quy định tại Luật này và các văn bản quy định hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát huy lợi thế dân số vàng thuộc phạm vi quản lý; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, dự án ưu tiên phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khu vực, vùng kinh tế - xã hội và của địa phương.

4. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thực hiện pháp luật về lao động, việc làm; thực hiện chương trình, dự án ưu tiên phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khu vực, vùng kinh tế - xã hội, địa phương để thu hút nhiều lao động, đào tạo và sử dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động có kỹ năng, tay nghề, lao động trẻ.

5. Người trong độ tuổi lao động có trách nhiệm nâng cao trình độ kỹ năng, tay nghề, thích ứng với sự phát triển của khoa học, công nghệ.

Điều 20. Biện pháp thích ứng với già hóa dân số, dân số già

1. Thông tin, giáo dục, truyền thông về già hóa dân số, dân số già.

2. Xây dựng môi trường xã hội thân thiện, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, vai trò gia đình trong việc chăm sóc người cao tuổi.

3. Xây dựng mô hình, câu lạc bộ, mạng lưới tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

4. Cung cấp các loại hình dịch vụ xã hội phù hợp với nhu cầu người cao tuổi và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

5. Hướng dẫn thực hành nếp sống khoa học, dinh dưỡng hợp lý, rèn luyện sức khỏe để giảm thiểu bệnh cho người cao tuổi.

6. Củng cố, nâng cao năng lực cơ sở y tế để khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống các bệnh mạn tính cho người cao tuổi.

7. Phát triển hệ thống khám bệnh, chữa bệnh lão khoa đáp ứng nhu cầu điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ cho người cao tuổi.

8. Đào tạo, tập huấn chuyên môn cho nhân viên y tế, tình nguyện viên, cộng tác viên thực hiện khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

9. Hỗ trợ tạo việc làm, tạo điều kiện làm việc về phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất cho người cao tuổi. Khuyến khích người cao tuổi tiếp tục làm việc khi đáp ứng về sức khỏe và có nhu cầu làm việc,

10.  Xây dựng, bổ sung, sửa đổi chính sách, pháp luật để thích ứng với già hóa dân số, dân số già; xây dựng, thực hiện có hiệu quả chính sách về an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi theo pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

11. Huy động xã hội, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ giúp người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế.

Điều 21. Trách nhiệm thích ứng với già hóa dân số, dân số già

1. Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện các biện pháp thích ứng với già hóa dân số, dân số già quy định tại Luật này; có chính sách khuyến khích các cơ sở, đặc biệt là cơ sở ngoài nhà nước sử dụng lao động người cao tuổi; chính sách đào tạo chuyên môn, kỹ thuật cho người cao tuổi; phát triển dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng, cơ sở điều dưỡng và cơ sở y tế.

2. Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án để thích ứng với già hóa dân số.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp quy định tại Luật này và các văn bản quy định hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng với già hóa dân số thuộc phạm vi quản lý.

4. Khuyến khích người cao tuổi tiếp tục làm việc, các tổ chức, cá nhân tạo điều kiện làm việc cho người cao tuổi phù hợp với điều kiện, sức khỏe người cao tuổi.

5. Người trong độ tuổi lao động có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe bản thân, chuẩn bị nơi ăn, ở, sinh hoạt và đóng bảo hiểm xã hội.

6. Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng, vận hành các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được hưởng các chính sách khuyến khích xã hội hóa theo quy định của pháp luật về xã hội hóa.

6. Chính phủ báo cáo Quốc hội về quá trình già hóa dân số, tác động của già hóa dân số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, định kỳ 2,5 năm một lần.

--- Nhấn nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ nội dung của Dự thảo ----

Ngày:03/09/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM