Thuốc Histodil® - Điều trị viêm loét dạ dày

Thuốc Histodil® được dùng trong các trường hợp như loét dạ dày-tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, tăng tiết axit. Để nắm được tác dụng, liều dùng, cách dùng,.. mời các bạn cùng tham khảo thông tin dưới đây.

Thuốc Histodil® - Điều trị viêm loét dạ dày

Tên gốc: cimetidine

Tên biệt dược: Histodil®

Phân nhóm: thuốc kháng axit, chống trào ngược & chống loét

1. Tác dụng

1.1. Tác dụng của thuốc Histodil® là gì?

Cimetidine là thuốc kháng thụ thể histamine H2. Thuốc gây ức chế cạnh tranh với histamine, làm giảm dịch tiết axit dạ dày.

1.2 Thuốc Histodil® thường được dùng trong các trường hợp sau:

Điều trị và phòng ngừa viêm loét dạ dày – tá tràng; Điều trị chứng trào ngược dạ dày thực quản, viêm thực quản gây ra do trào ngược axit; Điều trị các tình trạng bệnh lý gây tăng tiết axit khác (ví dụ như hội chứng Zollinger-Ellison).

Thuốc còn có thể được sử dụng cho các trường hợp khác dưới chỉ định của bác sĩ.

2. Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

2.1 Liều dùng thuốc Histodil® cho người lớn như thế nào?

Liều thông thường cho người bị loét dạ dày-tá tràng:

Bạn dùng liều duy nhất 800 mg mỗi ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ hoặc 400 mg/lần, mỗi 12 giờ hay 300 mg/lần mỗi 6 giờ.

Liều thông thường cho người bị trào ngược dạ dày – thực quản:

 Bạn dùng 800 mg mỗi ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ hoặc 400 mg/lần, mỗi 12 giờ

Liều thông thường đối với người bị ợ nóng:

Để giảm nhẹ triệu chứng: bạn uống 200mg thuốc, mỗi 12 giờ; Để ngăn ngừa ợ nóng: bạn uống 200mg với 1 cốc nước trước khi ăn thức ăn hoặc đồ uống gây ợ nóng 30 phút.

Liều thông thường đối với người bị bệnh lý tăng tiết axit quá mức:

Bạn dùng 300 mg/lần mỗi 6 giờ, dùng thuốc trong khi ăn và trước khi đi ngủ.

Liều thông thường với bệnh nhân suy giảm chức năng thận:

Nếu độ thanh thải creatinin <30 ml/phút, bạn sẽ được tiêm tĩnh mạch 300 mg mỗi 12 giờ

Liều thông thường cho người phòng ngừa xuất huyết tiêu hóa trên:

 Bạn sẽ được tiêm truyền tĩnh mạch 25mg/giờ.

2.2 Liều dùng thuốc Histodil® cho trẻ em như thế nào?

Bạn chỉ sử dụng sau khi cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích trước khi chỉ định cho trẻ em dưới 16 tuổi để điều trị loét tá tràng. Trẻ sẽ được tiêm tĩnh mạch hoặc uống 20-40mg/kg/ngày, chia làm mỗi 6 giờ.

Với trẻ dưới 28 ngày tuổi: bạn cho trẻ dùng từ 5-20mg/kg/ngày, chia làm mỗi 8-12 giờ. Đối với trẻ sơ sinh: bạn cho trẻ dùng 10-20 mg/kg/ngày chia làm mỗi 6-12 giờ.

3. Cách dùng

3.1 Bạn nên dùng thuốc Histodil® như thế nào?

Bạn dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc:

Có thể dùng thuốc cùng hoặc không cùng với thức ăn; Không dùng thêm các thuốc kháng axit khác trong vòng 1 giờ trước hoặc sau khi uống cimetidine; Nếu bạn cũng đang sử dụng thuốc cephalosporin (cephalexin), itraconazole hoặc ketoconazole, hãy uống những thuốc này trước khi uống cimetidine ít nhất 2 tiếng.

Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có bất kì thắc mắc nào khác.

3.2 Bạn nên làm gì trong trường hơ dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

3.3 Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng 2 liều cùng một lúc.

4. Tác dụng phụ

4.1 Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Histodil®?

Các tác dụng phụ thường gặp gồm: tiêu chảy, chóng mặt, buồn ngủ đau đầu. Bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ nếu xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng sau: dị ứng quá mức (ngứa, phát ban, khó thở, tức ngực, sưng viêm vùng môi, mặt, lưỡi), chứng vú to, rối loạn lo âu, mệt mỏi, ảo giác, rụng tóc, đau cơ, đau khớp, nhịp tim tăng/ giảm mạnh, v.v.

Ngoài ra còn có thể xuất hiện những tác dụng phụ khác không nằm trong danh sách trên. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

5. Thận trọng/Cảnh báo

5.1 Trước khi dùng thuốc Histodil® bạn nên lưu ý những gì?

Cimetidine có thể gây chóng mặt, buồn ngủ nên bạn cần thận trọng khi sử dụng nếu phải lái xe hoặc làm các hoạt động yêu cầu sự tỉnh táo. Các triệu chứng này có thể tăng nặng nếu dùng rượu bia hoặc các loại thuốc khác trong quá trình điều trị.

Việc thay đổi lối sống có thể giúp hỗ trợ trong việc điều trị và phòng ngừa viêm loét đường tiêu hóa.

Bạn hãy kiểm tra với bác sĩ nếu các triệu chứng bệnh không thuyên giảm hoặc thậm chí tăng nặng sau vài ngày sử dụng thuốc.

Thông báo với bác sĩ nếu bạn đi tiêu ra phân đen như hắc ín hoặc nôn ra chất lỏng có màu như cà phê. Đặc biệt, bạn không tự ý sử dụng thuốc và không sử dụng rượu bia, thuốc lá trong quá trình điều trị.

Bạn cũng cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho người già và đặc biệt thận trọng với trẻ em dưới 16 tuổi. Phụ nữ có thai hoặc cho con bú cần biết rõ các yếu tố nguy cơ khi sử dụng thuốc. Cimetidine có thể lây qua sữa mẹ, vì vậy bạn không nên sử dụng thuốc này trong thời gian cho con bú.

Bạn không sử dụng thuốc trong các trường hợp: dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc, đang dùng thuốc điều trị ung thư, thuốc cisapride, dofetilide hoặc nitrosoureas.

5.2 Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc cho những trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật…)

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.

6. Tương tác thuốc

6.1 Thuốc Histodil® có thể tương tác với thuốc nào?

Tương tác giữa Histodil® và các thuốc khác có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của các thuốc mà bạn đang dùng và làm tăng nguy cơ bị các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ nếu bạn đang dùng bất cứ thuốc nào khác cùng với cimetidine, đặc biệt là các loại thuốc kê đơn dùng trong điều trị viêm họng, hen suyễn, rối loạn nhịp tim, ung thư, rối loạn cương dương, thuốc hạ huyết áp, kháng sinh, giảm đau, thuốc tâm thần…

Còn nhiều những tương tác thuốc có thể xảy ra nằm ngoài danh sách kể trên. Vì vậy, để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ khi bắt đầu dùng thuốc hoặc khi có sự thay đổi liều dùng của bất kì loại thuốc nào khác.

6.2 Thuốc Histodil® có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Histodil® có thể tương tác với một số loại thức ăn và đồ uống có cồn. Vì vậy hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.

6.3 Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Histodil®?

Tình trạng sức khỏe có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng Histodil®. Một số tương tác có thể làm tình trạng sức khỏe trở nên tồi tệ hơn hoặc làm giảm tác dụng của thuốc. Hãy báo với bác sĩ nếu bạn:

Là phụ nữ có thai, dự định có thai hoặc đang cho con bú; Dị ứng với một số loại thuốc hoặc thức ăn; Có vấn đề về gan, thận; Đang sử dụng một loại thuốc nào khác.

7. Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc Histodil® như thế nào?

Bảo quản ở nhiệt độ phòng (15-300C), tránh ẩm, ánh sáng và nhiệt độ cao. Bạn không nên bảo quản thuốc trong phòng tắm và giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

8. Dạng bào chế

Thuốc Histodil® có những dạng và hàm lượng nào?

Thuốc Histodil® có dạng dung dịch tiêm với hàm lượng 100mg/ml: ống 2ml.

Trên đây là một vài chia sẻ về tác dụng, liều dùng và cách dùng và một số lưu ý của thuốc Histodil®, các bạn có thể tham khảo qua, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Bạn có thể liên hệ trực tiếp với Bác sĩ để biết thêm chi tiết. 

Ngày:11/08/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM