GDCD 10 Bài 10: Quan niệm về đạo đức

Bài học dưới đây giúp các em biết khái niệm đạo đức và vai trò to lớn của nó trong đời sống xã hội. Qua bài học này các em sẽ nâng cao nhận thức, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức bản thân phù hợp với các chuẩn mực của xã hội.

GDCD 10 Bài 10: Quan niệm về đạo đức

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Quan niệm về đạo đức

a. Khái niệm đạo đức: Đạo đức là hệ thống các quy tắc chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự điều chỉnh hành vi của minh cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, của xã hội.

b. Phân biệt đạo đức với pháp luật và phong tục tập quán trong sự điều chỉnh hành vi của con người.

  • Đạo đức: Thực hiện các chuẩn mực đạo đức mà xã hội đề ra tự giác, nếu không thực hiện sẽ bị dư luận xã hội lên án hoặc lương tâm cắn rứt.
  • Pháp luật.Thực hiện các quy tắc xử sự do Nhà nước quy định mang tính bắt buộc (cưỡng chế). Không thực hiện sẽ bị xử lý bằng sức mạnh của Nhà nước.
  • Phong tục tập quán: Con người tuân theo những thói quen, tục lệ, trật tự nề nếp đã ổn định từ lâu đời, là thuần phong mỹ tục cấn kế thừa và phát huy, những hủ tục cần loại bỏ.

1.2. Vai trò của đạo đức trong sự phát triển của cá nhân, gia đình và xã hội

a. Đối với cá nhân

  • Hoàn thiện nhân cách con người
  • Giúp con ngưòi có năng lực sống thiện, sống có ích
  • "Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó " (Bác Hồ)
  • Giáo dục lòng nhân ái, vị tha

b. Đối với gia đình

  • Tạo ra sự ổn định và phát triển vững chắc
  • Nền tảng của hạnh phúc gia đình

c. Đối với xã hội

  • Trật tự xã hội được củng cố.
  • Xã hội phát triển cao.

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy phân biệt đạo đức với pháp luật và phong tục tập quán trong sự điều chỉnh hành vi của con người

Gợi ý trả lời

  • Đạo đức là một phương thức điều chỉnh hành vi con người mang tính tự nguyện, tự ý thức về hành vi của mình.
  • Sự điều chỉnh hành vi của pháp luật mang tính bắt buộc, cưỡng chế; được quy định bằng văn bản luật của nhà nước, buộc các cá nhân và tổ chức phải tuân theo.
  • Phong tục tập quán là những thói quen, nề nếp đã ổn định từ lâu đời. Có những phong tục tập quán không còn phù hợp, trái với đạo đức cần phải loại bỏ. Có những phong tục phát huy truyền thống trở thành nét đẹp văn hóa, cần duy trì và phát huy. 

Câu 2: Ngày xưa, một người lấy việc chặt củi, đốn than trên rừng làm nghề sinh sống được coi là người lương thiện. Ngày nay, nếu chặt củi, đốn than thì bị dư luận phê phán, cho rằng đó là kẻ phá hoại rừng, là người thiếu ý thức bảo vệ môi trường và cộng đồng.

Em giải thích thế nào về việc này?

Gợi ý trả lời

Ngày xưa việc chặt củi, đốt than được xem là việc làm lương thiện. Khi ấy, cây trên rừng không thuộc về ai, việc khai thác không liên quan đến ai, công cụ khai thác giản đơn, số lượng không đáng kể, đủ sống hàng ngày. Việc làm này góp phần nuôi sống bản thân, đồng thời đem lại nguồn chất đốt phục vụ cho xã hội.

Tuy nhiên ngày nay thì việc làm đó được coi là hành động tàn phá rừng, gây ô nhiễm môi trường và thiếu ý thức. Vì rừng là tài sản quốc gia, có lợi cho con người về mặt kinh tế và điều hòa môi trường. Khi con người khai thác bừa bãi, không hợp lý, không có kế hoạch, hủy hoại rừng gây hậu quả mất cân bằng hệ sinh thái và nhiều hậu quả nghiêm trọng khác, không tốt cho con người và xã hội. Vì vậy, họ là người vi phạm đạo đức và pháp luật, bị dư luận phê phán. 

Câu 3: Hãy lấy một vài ví dụ về hành vi của cá nhân tuy không vi phạm pháp luật nhưng lại trái với những chuẩn mực đạo đức xã hội. Qua những ví dụ này em có thể rút ra được những điều gì?

Gợi ý trả lời

- Ví dụ về hành vi của cá nhân tuy không vi phạm pháp luật nhưng lại trái với những chuẩn mực đạo đức xã hội:

  • Con cái không nghe lời khuyên của cha mẹ, có hành vi vô lễ 
  • Học trò vô lễ với thầy cô 

- Bài học:

  • Sự điều chỉnh hành vi của pháp luật là sự điều chỉnh mang tính bắt buộc, tính cưỡng chế. Đó là sự điều chỉnh thông qua những yêu cầu tối thiểu, được điều chỉnh bằng văn bản của nhà nước, buộc các cá nhân, tổ chức phải tuân theo để đảm bảo lợi ích chung cho xã hội.
  • Sự điều chỉnh hành vi của đạo đức lại mang tính tự nguyện và thường là yêu cầu cao của xã hội đối với con người. Trong thực tế, có những trường hợp hành vi của cá nhân tuy không vi phạm về pháp luật nhưng có thể vẫn bị phê phán về mặt đạo đức.

Câu 4: Em hãy kể về một tấm gương đạo đức của một cá nhân mà em biết.

Gợi ý trả lời

Tấm gương đạo đức của Bác Hồ đã luôn được nhân dân Việt Nam ghi nhớ, học tập theo:

Bác Hồ là một người có lòng yêu thương bao la. Bác quan tâm lo lắng cho tất cả mọi người từ cụ già, em nhỏ, các đồng chí bộ đội đến từng người dân. Bác san sẻ việc mang đồ đạc với các đồng chí khi đi công tác, chia đôi bát chè với anh liên lạc viên; Bác là người vào hầm trú ẩn sau cùng khi máy bay địch ném bom trên đầu; Bác dạy các chiến sĩ sự hòa nhã, cẩn thận, biết nghĩ đến người sau; Bác đem hết số tiền tiết kiệm mua nước ngọt cho các đồng chí pháo binh; Bác nhường máy lạnh cho các đồng chí thương binh nặng;... Tấm gương đạo đức của Bác mãi sáng ngời để chúng ta noi theo.

Câu 5: Gia đình Việt Nam hiện nay chịu ảnh hưởng của nhân tố nào sau đây:

a. Đạo đức

b. Phong tục tập quán

c. Pháp luật

d. Cả ba yếu tố trên

Gợi ý trả lời

Chọn đáp án d. Cả ba yếu tố trên

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Quan niệm về đạo đức GDCD 10 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Kết thúc bài học này, các em cần nắm các nội dung chính sau

  •  Hiểu rõ đạo đức là gì? Nắm được quan niệm về đạo đức luôn biến đổi cùng với lịch sử
  • Hiểu rõ mối quan hệ giữa đạo đức, pháp luật và phong tục tập quán
  • Nhận biết được vai trò của đạo đức trong đời sống xã hội
Ngày:27/07/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM