Hoá học 8 Bài 13: Phản ứng hóa học

Phản ứng hoá học là quá trình biến đổi chất này thành chất khác. Để xảy ra phản ứng hoá học, các chất phản ứng phải tiếp xúc với nhau, hoặc cần thêm nhiệt độ cao, áp suất cao hay chất xúc tác. Để nhận biết có phản ứng hoá học xảy ra, dựa vào một số dấu hiệu có chất mới tạo thành mà ta quan sát được như thay đổi màu sắc, tạo kết tủa, khí thoát ra… Cụ thể ta tìm hiểu trong bài giảng sau về Phản ứng hóa học.

Hoá học 8 Bài 13: Phản ứng hóa học

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Định nghĩa

Phản ứng hóa học là quá trình biến đổi từ chất này thành chất khác.

- Chất ban đầu bị biến đổi trong phản ứng gọi là chất tham gia hay chất phản ứng.

- Chất mới sinh ra trong phản ứng gọi là sản phẩm.

Phương trình chữ: Tên các chất phản ứng → Tên các sản phẩm

1.2. Diễn biến của phản ứng hóa học

Hình 1: Sơ đồ tượng trưng cho phản ứng hóa học giữa khí Hidro và khí Oxi tạo thành nước

Số phân tử:

+ Trước phản ứng: Một phân tử Oxi, hai phân tử Hiđrô.

+ Trong quá trình phản ứng: Không có phân tử nào.

+ Sau phản ứng: Hai phân tử nước.

Liên kết giữa các nguyên tử:

+ Trước phản ứng: 2 nguyên tử H liên kết với nhau, 2 nguyên tử O liên kết với nhau.

+ Trong quá trình phản ứng: Không có sự liên kết giữa các nguyên tử.

+ Sau phản ứng: 2 nguyên tử H liên kết với 1 nguyên tử O.

- Số nguyên tử H, số nguyên tử O:

+ Trước phản ứng: 4 nguyên tử H, 2 nguyên tử O.

+ Trong quá trình phản ứng: 4 nguyên tử H, 2 nguyên tử O.

+ Sau phản ứng: 4 nguyên tử H, 2 nguyên tử O.

Kết luận: Trong các phản ứng hóa học, chỉ có liên kết giữa các nguyên tử thay đổi làm cho phân tử này biến đổi thành phân tử khác.

1.3. Khi nào phản ứng hóa học xảy ra?

- Quan sát thí nghiệm sau:

Video 1: Phản ứng giữa kẽm và dung dịch axit clohodric HCl

- Muốn phản ứng hóa học xảy ra: Các chất tham gia phản ứng phải tiếp xúc với nhau.

1.4. Làm thế nào để nhận biết có phản ứng hóa học xảy ra?

- Dựa vào dấu hiệu có chất mới tạo thành, có tính chất khác chất phản ứng để nhận biết có phản ứng hóa học xảy ra hay không.

- Dựa vào: màu sắc, trạng thái, tính tan, …

Ví dụ: Đường bị cháy đen, tạo thành Cacbon

Video 2: Axit sunfuric H2SO4 tác dụng với đường

- Ngoài ra, sự toả nhiệt và phát sáng cũng có thể là dấu hiệu để xảy ra phản ứng hóa học. 

2. Bài tập minh họa

2.1. Dạng 1: Dấu hiệu phản ứng hóa học

Phương pháp

Có chất mới tạo thành dựa vào dấu hiệu:

- Thay đổi màu sắc.

- Tạo chất bay hơi.

- Tạo chất kết tủa.

- Tỏa nhiệt hoặc phát sáng.

Bài 1: Hãy cho biết trong các quá trình biến đổi sau đây, hiện tượng nào là hiện tượng vật lí? Hiện tượng hoá học? Viết các phương trình chữ của các phản ứng hoá học

a) Đốt cồn (rượu etylic) trong kk, tạo ra khí cacbonic và nước.

b) Chế biến gỗ thành giấy, bàn ghế…

c) Đốt bột nhôm trong không khí, tạo ra nhôm oxit

d) Điện phân nước, ta thu được khí hiđrô và khí oxi

Hướng dẫn giải

a) Rượu etylic + Oxi Nước +cacbonic

c) Nhôm + Oxi nhôm oxit

d) Nước  Hidro + Oxi

Bài 2: Bỏ quả trứng  vào dung dịch axit clo hidric thấy sủi bọt ở vỏ trứng. Biết rằng axit clohidric đã tác dụng với canxi cacbonat (chất này trong vỏ trứng) tạo ra canxi clorua (chất này tan), nước và khí cacbon dioxit thoát ra. Hãy chỉ ra dấu hiệu để nhận biết có phản ứng xảy ra. Ghi lại phương trình chữ của phản ứng?

Hướng dẫn giải

Dấu hiệu để nhận biết phản ứng xảy ra là quả trứng sủi bọt, do khí cacbon dioxit thoát ra ngoài.

Phương trình phản ứng:

Axit clohidric  + canxi cacbonat  -> canxi clorua + cacbon dioxit + nước

Chất phản ứng: axit clohidric và canxi cacbonat.

Sản phẩm: canxi clorua, khí cacbon dioxit và nước.

Bài 3: Hãy chỉ ra dấu hiệu nhận biết các phản ứng hóa học sau:

a) Đun nóng thuốc tím kali pemanganat (màu tím) sau một thời gian chuyển thành màu đen là mangan đioxit.

b) Thổi hơi vào dung dịch nước vôi trong chứa canxi hidroxit, thì trên bề mặt xuất hiện một ván trắng là canxi cacbonat.

c) Khi cho bồ tạt vào lọ mực xanh chứa  đồng sunfat, thì màu của lọ mực nhạt dần đến trong suốt đồng thời có chất rắn lắng xuống đáy lọ.

d) Cây nến đang cháy, cây nến càng lúc càng ngắn lại.

e) Sao chổi là một hành tinh mà khi di chuyển, kéo theo vô vàn những hạt bụi vũ trụ. Khi tiến gần đến Mặt trời, các hạt bụi này bốc cháy, sáng rực và ánh sáng này có thể nhìn thấy từ Trái đất.

Hướng dẫn giải

a) Dấu hiệu: từ màu tím chuyển sang màu đen.

b) Dấu hiệu: xuất hiện ván trắng.

c) Dấu hiệu: xanh → trong suốt, có chất rắn lắng xuống.

d)  Dấu hiệu: hình dạng ngắn lại.

e) Dấu hiệu: bốc cháy, sáng rực.

2.2. Dạng 2: Bài tập về phản ứng hóa học

Viết phương trình phản ứng từ các hiện tượng sau:

a. Thả một mảnh kẽm vào dung dịch axit clohiđric thấy sinh ra khí hiđro và muối kẽm clorua.

b. Đốt khí hiđro trong oxi thu được nước.

c. Nung đá vôi ta được vôi sống và khí cacbonic.

Hướng dẫn giải:

a. Kẽm + axit clohiđric → kẽm clorua + hiđro

b. Hiđro + oxi → nước.

c. Canxi cacbonat → canxi oxit + khí cacbon đioxit

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Viết phương trình chữ cho phản ứng hóa học sau: Đốt bột nhôm trong không khí, tạo ra nhôm oxit.

Xác định chất tham gia và sản phẩm tạo thành?

Câu 2: Đâu là hiện tượng hoá học, đâu là hiện tượng vật lí. Viết phương trình chữ của phản ứng hoá học ?

- Dây sắt cắt nhỏ tán thành đinh sắt

- Đốt bột sắt trong oxi tạo ra oxit sắt từ

- Điện phân nước ta thu được khí hiđro và khí oxi

Câu 3: Hình dưới đây là sơ đồ tượng trưng cho phản ứng giữa khí Hiđrô H2 và khí Clo Cl2 tạo ra Axítclohiđríc HCl

Hãy cho biết.

a) Liên kết giữa những nguyên tử trong phân tử nào bị tách rời?

b) Phân tử nào được tạo ra?

Câu 4: Khi để ngọn lửa đến gần là cồn (rượu etylic) đã bắt cháy?

Biết rằng cồn cháy được là có sự tham gia của khí oxi, tao ra hơi nước và khí cacbonic. Viết phương trình chữ của phản ứng trên.

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Cho phản ứng giữa khí nito và khí hidro trong điều kiện nhiệt độ thích hợp sinh ra khí ammoniac. Chọn đáp án đúng

A. Tỉ lệ giữa khí nito và hidro là 1:3

B. Tỉ lệ giữa khí hidro và nito là 1:2

C. Tỉ lệ của nito và ammoniac là 1:2

D. Không có đáp án đúng

Câu 2: Chọn đáp án đúng

Thả một mảnh sắt vào dung dịch axit clohidric thấy sinh ra khí

A. Khí đó là khí clo

B.  Khí cần tìm là khí hidro

C.Thấy có nhiều hơn một khí

D.Không xác định

Câu 3: Chọn đáp án sai

A. Hidro + oxi → nước

B. Canxi cacbonat→ canxi oxit + khí cacbonic

C. Natri + clo → natri clorua

D. Đồng + nước → đồng hidroxit

Câu 4: Khẳng định đúng

Trong 1 phản ứng hóa học, các chất phản ứng và sản phẩn phải chứa

A. Số nguyên tử trong mỗi chất

B. Số nguyên tử mỗi nguyên tố

C. Số nguyên tố tạo ra chất

D. Số phân tử của mỗi chất

Câu 5: Chọn câu trả lời đúng

A. Sắt + lưu huỳnh thành sắt (II) sunfua

B. Sắt + Clo thành sắt(II) clorua

C. Sắt + lưu huỳnh thành sắt (III) sunfat

D. Sắt + axit clohidric thành sắt (III) clorua

4. Kết luận

Sau bài học cần nắm:

  • Kĩ năng quan sát thí nghiệm, hình vẽ hoặc hình ảnh cụ thể, rút ra được nhận xét về phản ứng hoá học, điều kiện và dấu hiệu để nhận biết có phản ứng hoá học xảy ra
  • Viết được phương trình hoá học bằng chữ để biểu diễn phản ứng hoá học
  • Xác định được chất phản ứng (chất tham gia, chất ban đầu) và sản phẩm
Ngày:24/07/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM