Lịch sử 11 Bài 22: Xã hội Việt Nam trong cuộc khai thác lần thứ nhất của thực dân Pháp

Thông qua bài học 22 SGK Lịch Sử 11, chúng ta sẽ biết được: Sau khi đã cơ bản bình định được Việt Nam bằng quân sự, thực dân Pháp bắt đầu tiến hành khai thác trên đất nước ta. Dưới tác động của cuộc khai thác, xã hội Việt Nam có những biến động đáng kể, từ xã hội phong kiến chuyển thành xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Mời các em cùng tham khảo.

Lịch sử 11 Bài 22: Xã hội Việt Nam trong cuộc khai thác lần thứ nhất của thực dân Pháp

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Những chuyển biến về kinh tế Việt Nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất

a) Chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp

- Năm 1897, sau khi cơ bản bình định được Việt Nam bằng quân sự, thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Việt Nam (1897 - 1914).

* Về kinh tế:

- Nông nghiệp: nổi bật là chính sách ruộng đất của Pháp.

+ Năm 1897, Pháp ép triều Nguyễn kí điều ước “nhượng” quyền “khai khẩn đất hoang” cho chúng.

+ Năm 1915, địa chủ người Pháp chiếm 470.000 ha để lập đồn điền ở Bắc và Trung Kì.

- Công nghiệp:

+ Chú trọng khai thác mỏ than và kim loại.

+ Ngành công nghiệp phục vụ đời sống như điện, nước, bưu điện cũng lần lượt ra đời.

- Giao thông vận tải:  xây dựng hệ thống đường giao thông hiện đại, vừa phục vụ làm ăn lâu dài, vừa nhằm mục đích quân sự.

Ga Hàng Cỏ (Hà Nội - 1900)

- Thương nghiệp: Việt Nam trở thành thị trường độc chiếm của tư bản Pháp, Pháp độc quyền thu thuế xuất nhập khẩu.

* Về chính trị: Thi hành chính sách “chia để trị”: chia Việt Nam thành ba kì (Bắc Kì, Trung Kì và Nam Kì) với ba chế độ cai trị khác nhau.

* Về văn hóa: thực hiện chính sách văn hóa nô dịch, cổ súy cho các hủ tục, tệ nạn xã hội (cờ bạc, thuốc phiện, mại dâm…),...

b) Những chuyển biến

- Tác động tiêu cực:

+ Tài nguyên vơi cạn.

+ Nông nghiệp dẫm chân tại chỗ, không có sự phát triển.

+ Công nghiệp phát triển nhỏ giọt, thiếu hẳn công nghiệp nặng.

+ Việt Nam trở thành thị trường cung cấp nguyên - nhiên liệu và thị trường độc chiếm của Pháp.

- Tác động tích cực: Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa bước đầu được du nhập vào Việt Nam, nó mang lại nhiều tiến bộ hơn so với phương thức sản xuất phong kiến, đưa tới sự chuyển biến cơ bản về bộ mặt kinh tế tại một số khu vực (ví dụ: Hà Nội, Sài Gòn,...).

1.2. Những chuyển biến về xã hội Việt Nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất

a. Những chuyển biến về xã hội

Với những chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, tình hình xã hội Việt Nam có nhiều chuyển biến: lực lượng xã hội cũ bị phân hóa, những lực lượng xã hội mới ra đời.

* Giai cấp địa chủ:

- Một bộ phận địa chủ trở nên giàu có, dựa vào Pháp chiếm đoạt ruộng đất của nông dân.

- Số địa chủ vừa và nhỏ bị đế quốc chèn ép nên vẫn có tinh thần chống Pháp.

* Giai cấp nông dân:

- Nông dân Việt Nam vốn đã khốn khổ vì thuế khóa, địa tô, phu phen tạp dịch, nạn cướp đất lập đồn điền, dựng nhà máy của Pháp.

- Bị cướp mất đất, họ đến các công trường, hầm mỏ và đồn điền xin việc => trở thành giai cấp công nhân.

- Nông dân Việt Nam là động lực cách mạng to lớn.

* Giai cấp công nhân:

- Nền công nghiệp thuộc địa làm nảy sinh ra tầng lớp công nhân Việt Nam, họ làm việc trong các hầm mỏ, đồn điền, các xí nghiệp,... số lượng ngày càng đông đảo, khá tập trung.

- Lực lượng công nhân Việt Nam đầu thế kỉ XX còn non trẻ, đang ở trình độ “tự phát”, chủ yếu đấu tranh kinh tế, ngoài ra còn hưởng ứng các phong trào chống Pháp do các tầng lớp khác lãnh đạo.

Công nhân cạo mủ cao su thời Pháp

* Tầng lớp tư sản: Là những người làm trung gian, đại lý, chủ thầu, chủ xưởng, số sĩ phu yêu nước chịu ảnh hưởng tư tưởng tư sản,... đây là những lớp người đầu tiên của tư sản Việt Nam.

* Tầng lớp tiểu tư sản: gồm tiểu thương, tiểu chủ, viên chức, thầy giáo, nhà báo, học sinh, sinh viên,... có ý thức dân tộc, tích cực tham gia vào vận động cứu nước.

→ Như vậy, cuộc khai thác thuộc địa của Pháp đã làm nảy sinh những lực lượng xã hội mới như công nhân, tư sản và tiểu tư sản, đã tạo ra những điều kiện bên trong cho một cuộc vận động giải phóng dân tộc theo xu hướng mới.

2. Luyện tập

Câu 1: Nêu những chuyển biến của xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX?

Gợi ý trả lời:

Đầu thế kỉ XX, xã hội Việt Nam biến đổi sâu sắc. Bên cạnh sự tồn tồn tại của giai cấp cũ vẫn thì một số giai cấp, tầng lớp mới ra đời.

- Giai cấp cũ:

+ Địa chủ phong kiến

  • Đại địa chủ: Rất giàu có, câu kết bới Pháp làm tay sai cho Pháp
  • Trung, tiểu địa chủ: ít nhiều có tinh thần chống Pháp

+ Nông dân: Số lượng đông đảo, bị đế quốc phong kiến bóc lột, đời sống vô cùng khổ cực, mộ số bị phá sản trở thành công nhân.

- Giai cấp mới:

  • Công nhân: Họ vừa ra đời, còn non trẻ, số lượng ít. Họ bị ba tàng áp bức bóc lột. Họ sớm có tinh thần đấu tranh.
  • Tầng lớp tư sản: Xuất thân từ những người buôn bán, sĩ phu yêu nước tiến bộ. Họ bị thực dân Pháp cạnh tranh, chèn ép, thế lực yếu. Họ có ý thức dân tộc, là cơ sở để tiếp thu khuynh hướng dân chủ tư sản từ bên ngoài.
  • Tầng lớp tiểu tư sản: Họ là những tiểu chủ, tiểu thương, viên chức, học sinh, sinh viên…Họ bị bạc đãi, đời sống bấp bênh. Họ có ý thức dân tộc, dễ tiếp thu tư tưởng tiến bộ từ bên ngoài.

Câu 2: Dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, nền kinh tế Việt Nam có những chuyển biến như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Năm 1897, chính phủ Pháp cử Pôn Đu-me sang làm toàn quyền Đông Dương để hoàn thiện bộ máy thống trị và tiến hành cuộc khai thác lần thứ nhất.

Dước tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, nền kinh tế nước ta đã có những chuyển biến tích cực và tiêu cực.

  • Về tích cực: Những yếu tố nền sản xuất Tư bản chủ nghĩa du nhập vào nước ta. So với nền kinh tế Phong kiến có nhiều tiến bộ, của cải vật chất sản xuất được nhiều hơn.
  • Về tiêu cực: Tài nguyên thiên nhiên bị vơ vét cạn kiệt,Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ hàng hoá cho Pháp…

→ Nền kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ là nền sản xuất nhỏ, lac hậu và lệ thuộc, cơ sở hạ tầng do Pháp xây dựng chỉ phục vụ cho quyền lợi của Pháp.

3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Xã hội Việt Nam trong cuộc khai thác lần 1 của Pháp Lịch sử 11 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Sau bài học các em cần nắm được:

  • Chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp và những chuyển biến tích cực, tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam.
  • Dưới tác động của cuộc khai thác, xã hội Việt Nam có những biến động đáng kể từ xã hội phong kiến trở thành xã hội thuộc địa nửa phong kiến.
Ngày:03/08/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM