Lịch Sử 6 Bài 25: Ôn tập chương III

Ở bài ôn tập chương ngày hôm nay, các em sẽ được ôn lại ba vấn đề cơ bản. Đó là ách thống trị triều đại phong kiến Trung Quốc đối với nhân dân ta, cuộc đấu tranh của nhân dân ta thời Bắc thuộc và sự chuyển biến về kinh tế xã hội ở nước ta. Đó chính là những phần kiến thức mà các em cần nắm vững trong chương III.

Lịch Sử 6 Bài 25: Ôn tập chương III

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Ách thống trị của các triều đại phong kiến Trung Quốc đối với nhân dân ta.

- Từ năm 179 TCN đến thế  kỷ X, dân tộc ta liên tiếp chịu sự thống trị, ách đô hộ của triều đại phong kiến Phương Bắc.

- Trong thời kỳ bị Bắc thuộc, nước ta bị mất tên, chia ra nhập vào với các quận, huyện của Trung Quốc, với những tên gọi khác nhau như sau:

+ Năm 179 TCN, tên là Nam Việt, Triệu Đà chia Âu Lạc thành hai quận: Giao Chỉ và Cửu Chân

+ Năm 111 TCN, tên là Châu Giao, nhà Hán chia Âu Lạc thành 3 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam

+ Đầu thế kỷ III, tên là Giao Châu, nhà Ngô tách Châu Giao thành Quảng Châu (Trung Quốc) và Giao Châu (Au Lạc cũ)

+ Đầu thế kỷ VI, tên là Giao Châu, nhà Lương chia Âu Lạc thành 6 châu

+ Năm 679 – thế kỷ X, tên là An Nam đô hộ phủ Nhà Đường đổi Giao Châu thành An Nam đô hộ phủ và chia Giao Châu thành 12 châu.

- Chính sách cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc đối với nhân dân ta rất tàn bạo, thâm độc đẩy nhân dân ta vào cảnh cùng quẩn về mọi mặt.

+ Về chính trị:

  • Thiết lập bộ máy cai trị do người Hán nắm giữ đến tận các huyện.
  • Dùng mọi thủ đoạn: lực lượng quân sự, mua chuộc, chia rẽ…

+ Về kinh tế:

  • Đặt nặng nhiều thứ thuế
  • Cống nạp sản vật quý, lao dịch nặng nề.

+ Về văn hóa:

  • Du nhập những phong tục, luật lệ của người Hán vào nước ta
  • Mở trường dạy chữ Hán
  • Đưa người Hán sang ở lẫn với dân ta

+ Chính sách thâm hiểm nhất là chính sách đồng hóa, vì muốn biến nước ta thành một phần của lãnh thổ Trung Quốc, dân ta thành dân Trung Quốc.

1.2. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong thời kỳ Bắc thuộc.

- Năm 40, Hai Bà Trưng chống nhà Hán

+ Lãnh đạo: Trưng Trắc, Trưng Nhị

+ Diễn biến: Mùa Xuân năm 40, Hai Bà phát động khởi nghĩa ở Mê Linh, nghĩa quân nhanh chóng chiếm toàn bộ Châu Giao.

+ Ý nghĩa: Tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất của dân tộc ta.

- Năm 42 – 43, kháng chiến chống nhà Hán

+ Lãnh đạo: Trưng Trắc, Trưng Nhị

+ Diễn biến: Tháng 4/42, Mã Viện mang quân đánh vào nước ta.Hai Bà Trưng kéo quân từ Mê Linh đến vùng Lãng Bạc để nghênh chiến. Do yếu thế, quân ta lui về giữ Cổ Loa và Mê Linh. Mã Viện truy đuổi, Hai Bà lui về Cấm Khê (Ba Vì – Hà Tây) chiến đấu giữ từng tấc đất, xóm làng. Tháng 3/43, Hai Bà hy sinh trên đất Cấm Khê.

- Năm 248, Bà Triệu chống nhà Ngô

+ Lãnh đạo: Triệu Thị Trinh

+ Diễn biến: Năm 248, khởi nghĩa bùng nổ ở Phú Điền (Hậu Lộc – Thanh Hóa) rồi lan khắp Giao Châu.

- 542 – 548, Lý Bí chống nhà Lương

+ Lãnh đạo: Lý Bí

+ Diễn biến: Năm 542, Lý Bí phất cờ khởi nghĩa. Năm 542 và 543, quân Lương 2 lần phản công nhưng thất bại. Mùa Xuân năm 544, Lý Bí lên ngôi hoàng đế (Lý Nam Đế), lập ra nước Vạn Xuân.

- 548 – 602, kháng chiến chống quân Lương Triệu Quang Phục,

+ Lãnh đạo: Lý Phật Tử

+ Diễn biến: Chọn Dạ Trách làm căn cứ, ban ngày tắt hết khói lửa, im hơi lặng tiếng. Đêm đến, nghĩa quân chèo thuyền đánh úp trại giặc, cướp vũ khí, lương thực. Năm 550, Trung Quốc có loạn, Trần Bá Tiên về nước. Chớp thời cơ đó, nghĩa quân phản công, cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi.

- Năm 722, Mai Thúc Loan chống nhà Đường

+ Lãnh đạo: Mai Thúc Loan

+ Diễn biến: Mai Thúc Loan kêu gọi nhân dân khởi nghĩa, nghĩa quân nhanh chóng chiếm được Hoan Châu. Ông liên kết với nhân dân khắp Giao Châu, Chăm-pa, chiếm được thành Tống Bình.

- 776-791, Phùng Hưng chống nhà Đường

+ Lãnh đạo: Phùng Hưng

+ Diễn biến: Khoảng năm 776, Phùng Hưng cùng em là Phùng Hải phất cờ khởi nghĩa ở Đường Lâm. Nghĩa quân nhanh chóng chiếm được thành Tống Bình.

1.3. Sự chuyển biến về kinh tế và văn hóa, xã hội

- Về kinh tế:

+ Trồng lúa 2 vụ/năm, biết làm thủy lợi, dùng sức kéo trâu bò, công cụ sắt phát triển.

+ Các nghề thủ công cổ truyền vẫn được duy trì và phát triển: nghề gốm, dệt vải.

+ Giao lưu buôn bán trong và ngoài nước.

- Về văn hóa:

Chữ Hán truyền vào nước ta cùng với Nho, Đạo, Phật giáo và luật lệ, phong tục tập quán của người Hán.

- Về xã hội: Xã hội phân hóa sâu sắc. Từ thế kỷ I đến thế kỷ VI, người Hán thâu tóm quyền lực, trực tiếp cai quản đến các huyện, từ huyện trở xuống do người Việt cai quản.

=> Nhân dân vẫn sử dụng tiếng nói của tổ tiên, vẫn giữ phong tục tập quán người Việt, học chữ Hán nhưng vận dụng theo cách đọc riêng của mình.. . nhờ vào lòng yêu nước, tinh thần sáng tạo trong lao động, ý thức vươn lên, ý thức bảo vệ nền văn hóa dân tộc.

- Tổ tiên đã để lại cho chúng ta: Lòng yêu nước, tấm gương những anh hùng dân tộc, tinh thần đấu tranh bền bỉ vì độc lập của đất nước, ý thức vươn lên, bảo vệ nền văn hóa dân tộc.

2. Luyện tập

Câu 1: Các triều đại phong kiến Trung Quốc đều bóc lột nhân dân ta bằng các biện pháp chủ yếu: Đánh thuế, lao dịch, cống nạp. Theo em thì biện pháp nào là nặng nề và tàn bạo nhất? Vì sao?

Gợi ý trả lời

- Theo em biện pháp cống nạp là nặng lề và tàn bạo nhất.

- Vì những thứ chúng bắt ta cống đều là những sản vật quý hiếm. Nhân dân ta phải lên rừng, xuống biển để tìm những thứ đó. Biết bao người đã phải bỏ mạng nơi rừng thiêng, nước độc.

Câu 2: Chính quyền đô hộ phong kiến Trung Quốc thường dùng thủ đoạn bóc lột về kinh tế cùng với âm mưu đồng hóa về văn hóa. Trải qua hơn 10 thế kỉ, chúng đã không thực hiện được ý đồ đen tối đó. Đời sống kinh tế văn hóa của nhân dân ta vẫn từng bước tiến lên. Lấy dẫn chứng điều đó.

Gợi ý trả lời

a. Kinh tế

- Nông nghiệp: nhân dân đã biết sử dụng sức kéo của trâu bò, biết làm thủy lợi, trồng lúa một năm hai vụ.

- Thủ công nghiệp: Các nghề thủ công cổ truyền vẫn được duy trì, phát triển. Nghề gốm, dệt vải, rèn sắt tiếp tục phát triển.

b. Văn hóa

- Tiếng nói: Tiếng nói của dân tộc vẫn được bảo tồn.

- Phong tục tập quán: Nhiều phong tục cổ truyền như xăm mình, nhuộm rang, ăn trầu, làm bánh chưng, bánh giầy,… vẫn được gìn giữ.

=>Trải qua nghìn năm Bắc thuộc, nhiều giá trị văn hóa vẫn được nhân dân ta giữ gìn, điều đó chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nền văn hóa Việt Nam, cũng nhưng ý chí kiên cường bảo vệ bản sắc dân tộc của người Việt.

3. Kết luận

Kết thúc bài học, các em cần ghi nhớ các ý chính trong chương III, bao gồm: ách thống trị của các triều đại phong kiến Trung Quốc, cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống phong kiến phương Bắc và những chuyển biến trong kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta thời kì này.

Ngày:09/08/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM