GDCD 10 Bài 3: Sự vận động và phát triển của thế giới vật chất

Bài học dưới đây giúp các em làm quen với các khía cạnh của thế giới vật chất. Qua đó giúp các em tránh được quan niệm cứng nhắc, thái độ thành kiến, bảo thủ trong cuộc sống. Các em hãy tham khảo nhé!

GDCD 10 Bài 3: Sự vận động và phát triển của thế giới vật chất

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Thế giới vật chất luôn luôn vận động

a. Thế nào là vận động?

Theo Triết học Mác - Lê-nin vận động là mọi sự biến đổi (biến hóa) nói chung của các sự vật và hiện tượng trong giới tự nhiên và đời sống xã hội.

b. Vận động là phương thức tồn tại của thế giới vật chất

Vận động là thuộc tính vốn có, là phương thức tồn tại của các sự vật và hiện tượng

c. Các hình thức vận động cơ bản của thế giới vật chất

- 5 hình thức vận động cơ bản

  • Vận động cơ học: Sự di chuyển vị trí của các vật thể trong không gian. Ví dụ : Chơi đá bóng, đi bộ…
  • Vận động vật lý: Sự vận động của các phân tử, hạt cơ bản, các quá trình nhiệt, điện. Ví dụ : Bóng điện phát sáng.
  • Vận động hóa học: Quá trình hóa hợp và phân giải các chất. Ví dụ : Sắt để lâu ở ngoài bị oxi hoán dẫn đến hiện tượng han rỉ.
  • Vận động sinh học: Sự trao đổi chất giữa cơ thể sống với môi trường. Ví dụ : Hiện tượng cây hoa đâm trồi nảy lộc, nở hoa.
  • Vận động xã hội: sự biến đổi, thay thế của các xã hội trong lịch sử. Ví dụ: Từ Cộng sản nguyên thủy → Chiếm hữu nô lệ → Phong kiến → Tư bản chủ nghĩa → Cộng sản chủ nghĩa.

⇒ Các hình thức vận động có hình thức đặc trưng riêng. Các hình thức vận động có mối quan hệ hữu cơ với nhau và vận động theo trình tự từ thấp đến cao. Giữa 5 hình thái vận động này có mối quan hệ hữu cơ với nhau.

  • Vận động xã hội là hình thức vận động cao nhất.
  • Trong những điều kiện nhất định chúng có thể chuyển hóa lẫn nhau.

1.2. Thế giới vật chất luôn luôn phát triển

a. Thế nào là phát triển

Phát triển là khái niệm dùng để khái quát những vận động theo chiều hướng tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện. Cái mới ra đời thay thế cái cũ, cái tiến bộ ra đời thay thế cái lạc hậu. Ví dụ : Sự phát triển của chiếc điện thoại từ chiếc điện thoại đen trắng đến chiếc điện thoại màu với nhiều chức năng : nghe nhặc, xem phim, lướt web…

b. Phát triển là khuynh hướng tất yếu của thế giới vật chất

Khuynh hướng tất yếu của quá trình phát triển là cái mới ra đời thay thế cái cũ, cái tiến bộ thay thế cái lạc hậu.

2. Luyện tập

Câu 1: Theo quan điểm triết học Mác – Lê-nin, thế nào là vận động?

Gợi ý trả lời

Triết học Mác - Lê-nin cho rằng: Vận động là mọi sự biến đổi (biến hóa) nói chung của các sự vật và hiện tượng trong giới tự nhiên và đời sống xã hội .

Câu 2: Theo quan điểm triết học Mác – Lê-nin, thế nào là phát triển?

Gợi ý trả lời

Phát triển là khái niệm dùng để khái quát những vận động theo chiều hướng tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn. Cái mới ra đời thay thế cái cũ, cái tiến bộ ra đời thay thế cái lạc hậu.

Câu 3: Hãy chứng minh rằng, vận động là phương thức tồn tại của thế giới vật chất.

Gợi ý trả lời

- Vận động là mọi sự biến đổi (biến hoá) nói chung của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và trong đời sống xã hội.

- Mọi sự vật, hiện tượng luôn luôn vận động. Bằng sự vận động và thông qua sự vận động mà các sự vật, hiện tượng tồn tại và thể hiện đặc tính của mình. Không thể có vật chất mà không có vận động và ngược lại. 

  • Theo quan điểm duy vật biện chứng, vận động của vật chất là tự thân vận động; bởi vì tất cả các dạng vật chất đều là một kết cấu vật chất bao gồm các yếu tố, các mặt, các quá trình liên hệ, tác động qua lại với nhau. Chính sự tác động đó đã dẫn đến sự biến đổi nói chung, tức là vận động. Quan điểm này đối lập với quan điểm duy tâm, siêu hình về vận động đi tìm nguồn gốc của vận động ở thần linh hoặc ở chủ thể nhận thức.
  • Vận động là hình thức tồn tại của vật chất nên các dạng vật chất được nhận thức thông qua sự vận động của chúng. 
  • Vận động là một thuộc tính cố hữu của vật chất nên nó không do ai sáng tạo ra và cũng không thể tiêu diệt được. Nguyên lý này được chứng minh bằng định luật bảo toàn và chuyển hoá năng lượng. 

Ví dụ: Người giáo viên → vận động: dạy học

Câu 4: Một học sinh chuyển cấp từ Trung học cơ sở lên cấp Trung học phổ thông có được coi là bước phát triển không? Vì sao?

Gợi ý trả lời

Trong phép biện chứng duy vật, khái niệm phát triển dùng để chỉ quá trình vận động theo chiều hướng đi lên của sự vật: từ trình độ thấp lên trình độ cao hơn.

Vậy nên, một học sinh đi từ cấp trung học cơ sở lên cấp trung học phổ thông có được coi là bước phát triển. Đây thể hiện trình độ học tập của học sinh đã tăng lên nên mới được tăng cấp bậc đi học.

Câu 5: Em hãy nêu một vài ví dụ về sự phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, đời sống nhân dân… của nước ta hiện nay. Trong mỗi ví dụ ấy, cần nói rõ nội dung sự phát triển là gì.

Gợi ý trả lời

- Trong lĩnh vực nông nghiệp: có sự xuất hiện của các công cụ mới (máy cày, máy gặt, máy đập- tuốt lúa,...) trợ giúp và thay thế dần việc lao động bằng sức người => Phát triển về khoa học kỹ thuật

- Trong lĩnh vực công nghiệp:

  • Tự động hóa dây chuyền sản xuất
  • Xuất hiện những ngành mới như: công nghệ thông tin, ...
  • Công nghiệp hóa dầu: VN đã có nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể tự sản xuất ra các sản phẩm như xăng, dầu hỏa,... để phục vụ cho nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu

⇒ Phát triển từ cơ giới hóa sang tự động hóa, đa dạng hóa ngành nghề, nguyên liệu.

- Trong đời sống nhân dân:

  • Cuộc sống ngày càng được cải thiện và nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần (trước đây người dân mong ước ăn no mặc ấm, nay là ăn ngon mặc đẹp, nhà cao cửa rộngrộng,...)
  • Trình độ dân trí được nâng cao (Vd: ngày càng có nhiều tri thức trẻ & tài năng như Ngô Bảo Châu,...)
  • Ý thức người dân cũng thay đổi (Vd: tỉ lệ sinh con giảm,...)

Câu 6: Hãy sắp xếp các hiện tượng sau đây theo các hình thức vận động cơ bản của thế giới vật chất từ thấp đến cao.

a. Sự dao động của con lắc

b. Sự biến đổi của công cụ lao động từ đồ đá đến kim loại

c. Ma sát sinh ra nhiệt

d. Chim bay

e. Sự chuyển hóa của các chất hóa học

f. Cây cối ra hoa kết quả

g. Nước bay hơi

h. Sự trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường

i. Sự thay đổi của các chế độ xã hội từ cộng sản nguyên thủy đến nay

Gợi ý trả lời

Sắp xếp các hiện tượng sau đây theo các hình thức vận động cơ bản của thế giới vật chất từ thấp đến cao:

  • Vận động cơ học: (a) và (d)
  • Vận động vật lí: (c) và (g)
  • Vận động hóa học: (e)
  • Vận động sinh học: (h) và (f) 
  • Vận động xã hội: (b) và (i)

3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Sự vận động và phát triển của thế giới vật chất GDCD 10 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Kết thúc bài học này, các em cần nắm các nội dung chính sau

  • Hiểu được khái niệm vận động
  • Biết được vận động là phương thức tồn tại của vật chất và các hình thức vận động cơ bản của thế giới vật chất
  • Hiểu được khái niệm phát triển theo quan điểm của CNDVBC
  • Biết được phát triển là khuynh hướng chung của quá trình vận động của sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan
Ngày:24/07/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM