Địa lí 10 Bài 31: Vai trò, đặc điểm và nhân tố ảnh hưởng tới phát triển và phân bố công nghiệp

Nhằm giúp các bạn ôn tập thật tốt kiến thức về vai trò và đặc điểm của công nghiệp, các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển và phân bố công nghiệp trong chương trình Địa lí 10, eLib.vn xin gửi đến các em đọc nội dung bài 31 Địa lí 10. Nội dung chi tiết mời các em tham khảo tại đây!

Địa lí 10 Bài 31: Vai trò, đặc điểm và nhân tố ảnh hưởng tới phát triển và phân bố công nghiệp

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Vai trò và đặc điểm của công nghiệp

a. Vai trò

Đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân vì:

  • Sản xuất ra một khối lượng của cải vật chất rất lớn.
  • Cung cấp hầu hết các tư liệu sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật cho tất cả các ngành kinh tế.
  • Tạo ra sản phẩm tiêu dùng nhằm nâng cao đời sống  xã hội.
  • Thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, tạo điều kiện khai thác có hiệu quả  nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo khả năng mở rộng sản xuất, thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, củng cố an ninh quốc phòng.
  • Chỉ tiêu để đánh giá trình độ phát triển của một nước.

b. Đặc điểm

- Sản xuất công nghiệp bao gồm hai giai đoạn

  • Giai đoạn 1: Tác động vào đối tượng lao động nguyên liệu.
  • Giai đoạn 2: Chế biến nguyên liệu   tư liệu sản xuất và vật phẩm tiêu dùng.
  • Cả hai giai đoạn đều sử dụng máy móc.

- Sản xuất công nghiệp có tính chất tập trung cao độ: Đòi hỏi nhiều kĩ thuật và lao động trên một diện tích nhất định để tạo ra khối lượng sản phẩm.

- Sản xuất công nghiệp bao gồm nhiều ngành phức tạp, được phân công tỉ mỉ và có sự phối hợp giữa nhiều ngành để tạo ra sản phẩm cuối cùng.

  • Công nghiệp nặng (nhóm A) sản phẩm phục vụ cho sản xuất
  • Công nghiệp nhẹ (nhóm B)  sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng và đời sống của con người.

Điểm khác nhau giữa nông nghiệp và công nghiệp:

- Nông nghiệp: 

  • Đối tượng lao động: Cây trồng, vật nuôi
  • Đặc điểm sản xuất: Phân tán theo không gian; chịu ảnh hưởng sâu sắc của điều kiện tự nhiên; các giai đoạn phải theo trình tự bắt buộc.

- Công nghiệp:

  • Đối tượng lao động: Khoáng sản, tư liệu sản xuất.
  • Đặc điểm sản xuất: Tập trung cao độ; ít chịu ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên; các giai đoạn có thể tiến hành đồng thời, có thể tách xa nhau về mặt không gian.

1.2. Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố công nghiệp

a. Vị trí địa lí

  • Tự nhiên, kinh tế, chính trị: gần biển,sông, đầu mối giao thông vận tải, đô thị,... lựa chọn các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ cấu ngành công nghiệp.

b. Nhân tố tự nhiên

  • Đây là nhân tố quan trọng, tạo điều kiện hay trở ngại.
  • Khoáng sản: Trữ lượng, chất lượng, chủng loại, phân bố chi phối quy mô, cơ cấu, tổ chức các xí nghiệp công nghiệp:các nhà máy xi măng tập trung nơi có nguồn đá vôi phong phú (Bỉm Sơn-Thanh Hóa).
  • Khí hậu, nước: Phân bố, phát triển công nghiệp: luyện kim màu, dệt, nhuộm, thực phẩm,...
  • Đất, rừng, biển: Xây dựng xí nghiệp công nghiệp.

c. Nhân tố kinh tế - xã hội

  • Dân cư, lao động: ngành cần nhiều lao động (dệt may) phân bố ở khu vực đông dân, các ngành kĩ thuật cao (điện tử) nơi có đội ngũ lành nghề.
  • Tiến bộ khoa học kĩ thuật: thay đổi quy luật phân bố xí nghiệp, việc khai thác và sử dụng tài nguyên.
  • Thị trường (trong nước và ngoài nước): Lựa chọn vị trí các xí nghiệp, hướng chuyên môn hóa.
  • Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật: Đường giao thông, thông tin, điện nước.
  • Đường lối, chính sách: ảnh hưởng quá trình công nghiệp hóa phân bố công nghiệp hợp lí, thúc đẩy công nghiệp phát triển.

2. Luyện tập

Câu 1: Tại sao tỉ trọng của ngành công nghiệp trong cơ cấu GDP là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá trình độ phát triển kinh tế?

Gợi ý làm bài

Tỉ trọng của ngành công nghiệp trong cơ cấu GDP là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá trình độ phát triển kinh tế, vì:

- Công nghiệp là ngành sản xuất ra một khối lượng của cải vật chất rất lớn cho xã hội, có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.

- Công nghiệp có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác như nông nghiệp, giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ, an ninh quốc phòng.

- Ví dụ như các nước phát triển: Anh, Mỹ, LB Nga, Đức,... đều là những nước có tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ cao và các nước đang phát triển: Ê-ti-ô-pi-a, Ấn Độ,... có tỉ trọng ngành công nghiệp thấp, tỉ trọng nông - lâm - ngư nghiệp cao, nền kinh tế chậm phát triển.⟶ Tỉ trọng của ngành công nghiệp biểu thị trình độ phát triển và sự vững mạnh của nền kinh tế nước đó.

Câu 2: Em hãy cho biết sự khác biệt của sản xuất công nghiệp so với đặc điểm của sản xuất nông nghiệp?

Gợi ý làm bài

  • Đặc điểm sản xuất nông nghiệp: Phân tán theo không gian; chịu ảnh hưởng sâu sắc của điều kiện tự nhiên; các giai đoạn phải theo trình tự bắt buộc.
  • Đặc điểm sản xuất công nghiệp: Tập trung cao độ; ít chịu ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên; các giai đoạn có thể tiến hành đồng thời, có thể tách xa nhau về mặt không gian.

Câu 3: Hãy phân tích và cho ví dụ về ảnh hưởng của từng nhân tố đối với sự phân bố công nghiệp?

Gợi ý làm bài

Phân tích và cho ví dụ về ảnh hưởng của các nhân tố đối với sự phân bố công nghiệp:

  • Vị trí địa lí:

- Vị trí về tự nhiên và kinh tế chính trị có tác động rất lớn đến việc lựa chọn các nhà máy, các khu công nghiệp, khu chế xuất ở trên thế giới và Việt Nam. )

- Vùng có vị trí địa lí thuận lợi (giáp biển, gần vùng nguyên liệu, giao thông đô thị phát triển..) hoạt động công nghiệp phát triển mạnh mẽ; ngược lại vùng miền núi xa xôi có hoạt động công nghiệp

Ví dụ:

TP. Hồ Chí Minh là nơi có nền công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhờ có vị trí địa lí thuận lợi: là đầu mối giao thông của nước ta, đô thị phát triển, giáp biển Đông với cảng Sài Gòn với công suất lớn, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, gần các vùng nguyên, nhiên liệu giàu có (nông sản Tây Nguyên và các tỉnh Đông Nam Bô; dầu mỏ).

  • Nhân tố tự nhiên:

- Khoáng sản: là nguyên, nhiên liệu quan trọng cho phát triển công nghiệp; trữ lượng, chất lượng và chủng loại khoáng sản trên lãnh thổ sẽ chi phối sự phân bố, quy mô, cơ cấu và tổ chức các xí nghiệp công nghiệp.

Ví dụ: ngành công nghiệp khai thác và tuyển than của nước ta lập trung ở Quảng Ninh, nơi chiếm 94% trữ lượng than cả nước, hay các nhà máy xi măng lớn của nước ta đều được xây dựng ở những nơi có nguồn đá vôi phong phú như Hoàng Thạch (Hải Dương), Bỉm Sơn (Thanh Hóa), Hà Tiên I (Kiên Giang).

- Nguồn nước: là điều kiện quan trọng cho việc phân bố các xí nghiệp của nhiều ngành công nghiệp như luyện kim (đen và màu), dệt, nhuộm, giấy, hóa chất, chế biến thực phẩm,... Ớ những vùng có mạng lưới sông ngòi dày đặc, lại chảy trên những địa hình khác nhau tạo nên nhiều tiềm năng cho công nghiệp thủy điện.

Ví dụ: Trung du miền núi Bắc Bộ và Tây Nguyên là hai vùng có tiềm năng thủy điện lớn nhất nước ta, góp phần cung cấp điện cho hoạt động sản xuất kinh tế, đặc biệt là công nghiệp cả nước.

- Khí hậu: đặc điểm khí hậu và thời tiết tác động không nhỏ đến hoạt động của các ngành công nghiệp khai khoáng. Trong một số trường hợp, nó chi phối và việc lựa chọn kĩ thuật và công nghệ sản xuất. Chẳng nạn, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa làm cho máy móc dễ bị hư hỏng. Điều đó đòi hỏi phải nhiệt đới hóa trang thiết bị sản xuất. Ngoài ra, khí hậu đa dạng và phức tạp làm xuất hiện những tập đoàn cây trồng vật nuôi đặc thù. Đó là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm.

Ví dụ: Nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa giúp phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới với các sản phẩm nông sản của miền nhiệt đới. -> Sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến nước ta: cà phê, cao su, chè,...

  • Các nhân tố tự nhiên khác:

+ Đất đai - địa chất công trình để xây dựng nhà máy.

Ví dụ: Các trung tâm công nghiệp nước ta phân bố chủ yếu ở vùng thị trấn, đô thị, thành phố lớn..đây là những khu vực địa hình bằng phẳng, địa chất ổn định và giao thông dễ dàng.

+ Tài nguyên rừng: là cơ sở cung cấp vật liệu xây dựng (gổ, tre, nứa,..), nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến giấy, gỗ và các ngành tiểu thủ công nghiệp (tre, song, mây, giang, trúc,...), dược liệu cho công nghiệp dược phẩm.

+ Tài nguyên biển (cá. dầu khí, cảng nước sâu,...), tác động tới việc hình thành các xí nghiệp chế biến thủy sản, khai thác, lọc dầu, xí nghiệp đóng và sửa chữa tàu,...

Ví dụ: Công nghiệp chế biến là ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta nhờ nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú (nguồn thủy hải sản, nông sản...);  các tỉnh giáp biển hình thành các khu kinh tế ven biển phát huy thế mạnh tổng hợp kinh tế biển (Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu,..).

  • Nhân tố kinh tế - xã hội:

- Dân cư và nguồn lao động:

+ Nơi có nguồn lao động dồi dào cho phép phát triển và phân bố các ngành công nghiệp cần nhiều lao động như dệt - may, giày - da, công nghiệp thực phẩm. Đây là những ngành không đòi hỏi trình độ công nghệ và chuyên môn cao.

+ Nơi có đội ngũ lao động kĩ thuật cao, công nhân lành nghề gắn với các ngành công nghiệp hiện đại, đòi hỏi hàm lượng công nghệ và “chất xám” cao trong sản phẩm như kĩ thuật điện, điện tử - tin học, cơ khí chính xác,...

+ Dân cư đông còn tạo nên thị trường tiêu thụ rộng lớn, thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển.

Ví dụ: Nước ta có nguồn lao động trẻ, dồi dào, năng động và giá rẻ=> thu hút nhiều vốn FDI từ nước ngoài (Hàn Quốc, Đài Loan, Singapo...). Lao động đông cũng tạo nên thế mạnh các ngành kinh tế trọng điểm ở nước ta như: công nghiệp chế biến, dệt -may, sản xuất hàng tiêu dùng, cơ khí...

-  Tiến bộ khoa học kĩ thuật:

+  Làm thay đổi hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và sự phân bố hợp lí các xí nghiệp công nghiệp.

Ví dụ:

+ Phương pháp khí hóa than ngay trong lòng đất không những làm thay đổi hẳn điều kiện lao động mà còn cho phép khai thác những mỏ than ở sâu trong lòng đất mà trước đây chưa thể khai thác được.

+ Các xí nghiệp luyện kim đen trước đây thường gắn với mỏ than và quặng sắt. Nhờ phương pháp điện luyện hay lò thổi ôxi mà sự phân bố các xí nghiệp luyện kim đã thay đổi.

- Thị trường: có tác động mạnh mẽ tới quá trình lựa chọn vị trí xí nghiệp, hướng chuyên môn hóa sản xuất; đẩy mạnh sản xuất, tăng sức cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phâm, tạo nên thị hiếu tiêu dùng mới.

Ví dụ:  Hiện nay, nhờ cơ chế thông thoáng mở rộng thị trường, nước ta đã có nhiều sản phẩm có vị trí nhất định ở cả thị trường trong nước lẫn quốc tế như Hoa Kì, EU,.. (dệt may, chế biến thực phẩm thủy hải sản, da giày,...). Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất -kĩ thuật: giao thông và thông tin liên lạc, điện nước là những hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản và quan trọng nhất để phát triển kinh tế ở một khu vực. Nơi có hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện sẽ thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.

Ví dụ:

+ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là hai đô thị có hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện và đồng bộ nhất nước ta. Vì vậy, đây là nơi thu hút mạnh nhất các nguồn vốn đầu tư, là hai trung tâm công nghiệp phát triển nhất cả nước.

+ Ngược lại, Trung du miền núi Bắc Bộ mặc dù có nguồn tài nguyên giàu có nhất cả nước nhưng cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nên chưa thu hút đầu tư phát triển kinh tế.

- Đường lối chính sách: chính sách mở cửa  hội nhập trong xu thế hiện nay sẽ giúp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, mở rộng thị trường và thu hút vốn đầu tư.

Ví dụ: Nhờ chính sách đôi mới kinh tế năm 1986, phát triển nền kinh tế thị trường, duy trì nhều thành phần kinh tế ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài, gia nhập các tổ chức kinh tế (WTO, ASEAN...) đã giúp nền kinh tế Việt Nam thoát sự trì trệ sau chiến tranh và tăng trưởng kinh tế khá cao.

3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Vai trò, đặc điểm và nhân tố ảnh hưởng tới phát triển và phân bố công nghiệp Địa lý 10 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Sau bài học cần nắm nội dung sau:

- Trình bày được vai trò và đặc điểm của sản xuất công nghiệp.

- Phân tích được các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố công nghiệp.

- Có kĩ năng phân tích và nhận xét những đặc điểm phát triển, sơ đồ về ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên và KTXH đối với sự phát triển và phân bố công nghiệp.

Ngày:06/08/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM