Sinh học 6 Bài 9: Các loại rễ, các miền của rễ

Mời các em cùng tìm hiểu nội dung Bài 9 bao gồm các kiến thức như tìm hiểu về các cơ quan ở rễ: là cơ quan sinh dưỡng và vai trò của rễ đối với cây; các loại rễ chính, các miền của rễ, vị trí và chức năng của từng miền. Nội dung chi tiết xem tại đây!

Sinh học 6 Bài 9: Các loại rễ, các miền của rễ

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Các loại rễ

Các loại rễ

A) Rễ cọc  B) Rễ chùm

- Có 2 loại rễ chính: rễ chùm và rễ cọc.

+ Rễ cọc có rễ cái to và khỏe. Đâm sâu xuống đất và nhiều rễ con mọc xiên. Từ các rễ con lại mọc ra nhiều rễ bé hơn nữa.

+ Rễ chùm gồm nhiều rễ con dài gần bằng nhau, thường mọc tỏa ra từ gốc thân thành một chùm.

+ Ví dụ:

  • Cây có rễ cọc: su hào, bưởi, cải, hồng xiêm
  • Cây có rễ chùm: tỏi tây, lúa, cỏ mần trầu

Một số loại cây rễ cọc và rễ chùm

1.2. Các miền của rễ

  • Miền trưởng thành có các mạch dẫn: dẫn truyền
  • Miền hút (có các lông hút): hấp thụ nước và muối khoáng
  • Miền sinh trưởng (nơi tế bào phân chia): làm cho rễ dài ra
  • Miền chóp rễ: che chở cho đầu rễ

Các miền của rễ

2. Bài tập minh họa

Câu 1: Hãy kể tên từng miền phù hợp với chức năng sau đây:

a. Hấp thụ nước và muối khoáng?

b. Dẫn truyền?

c. Làm cho rễ dài ra?

d. Che chở cho đầu rễ?

Hướng dẫn giải

a. Hấp thụ nước và muối khoáng là Miền hút.

b. Dẫn truyền là miền trưởng thành

c. Làm cho rễ dài ra là miền sinh trưởng

d. Che chở cho đầu rễ là miền chóp rễ

Câu 2: Kể tên một số loại cây rễ cọc và rễ chùm?

Hướng dẫn giải

  • Loại cây rễ cọc như: Bồ công anh, su hào, Cây bàng...
  • Loại cây rễ chùm như: Rau cần tân, Dâu tây, cây dừa...

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Em hãy cho ví dụ và nêu đặc điểm của các loại rễ đã học? 

Câu 2: Nêu chức năng chính của từng bộ phận? 

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Rễ cọc có đặc điểm nào sau đây?

A. Bao gồm nhiều rễ cái lớn, từ rễ cái mọc ra nhiều rễ con đâm ngược lên trên mặt đất

B. Bao gồm một rễ cái lớn, từ rễ cái mọc ra nhiều rễ con đâm xiên xuống mặt đất

C. Bao gồm nhiều rễ con dài gần bằng nhau, mọc tỏa ra từ gốc thân tạo thành chùm

D. Bao gồm nhiều rễ con mọc nối tiếp nhau tạo thành chuỗi

Câu 2: Rễ thực vật được phân chia làm mấy loại chính?

A. 2 loại

B. 3 loại

C. 4 loại

D. 5 loại

Câu 3: Cây nào dưới đây có rễ cọc?

A. Rau dền

B. Hành hoa

C. Lúa

D. Chuối

Câu 4: Nhóm nào dưới đây gồm hai loài thực vật có cùng dạng rễ?

A. Tỏi và rau ngót

B. Bèo tấm và tre

C. Mít và riềng

D. Mía và chanh

Câu 5: Cây nào dưới đây có cấu tạo cấu tạo rễ có nhiều sai khác với những cây còn lại?

A. Bèo cái

B. Bèo Nhật Bản

C. Bèo tấm

D. Đậu xanh

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Nhận biết và phân biệt được hai loại rễ chính: rễ cọc và rễ chùm
  • Phân biệt được cấu tạo và chức năng của các miền của rễ
  • Rèn luyện kỹ năng quan sát, so sánh
  • Rèn kỹ năng hoạt động nhóm
  • Giáo dục ý thức bảo vệ thực vật
Ngày:05/08/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM