Toán 3 Chương 5 Bài: Ôn tập về hình học

Nội dung bài học Ôn tập về hình học dưới đây đã được eLib biên soạn cụ thể và chi tiết, đồng thời có các bài tập minh họa có hướng dẫn giải chi tiết giúp các em dễ dàng ôn luyện kiến thức và vận dụng vào giải bài tập.

Toán 3 Chương 5 Bài: Ôn tập về hình học

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Đường gấp khúc

- Định nghĩa: Đường gấp khúc là đường gồm nhiều đoạn thẳng kế tiếp nhau và không thẳng hàng.

- Cách tính độ dài đường gấp khúc: Muốn tính độ dài đường gấp khúc ta tính tổng độ dài các đoạn thẳng của đường gấp khúc đó (độ dài các đoạn thẳng cùng đơn vị đo).

Ví dụ: Tính độ dài đường gấp khúc ABCD

Hướng dẫn giải

Độ dài đường gấp khúc ABCD là: AB + BC + CD

8 + 10 + 10 = 28 (cm)

Vậy độ dài đường gấp khúc ABCD là 28cm

1.2. Hình tam giác

- Định nghĩa: Hình tam giác là hình có 3 đỉnh không thẳng hàng và 3 cạnh là 3 đoạn thẳng nối các đỉnh với nhau.

- Hình ảnh tam giác thực tế về hình tam giác:

Hình mái nhà

Hình miếng phô mai

- Các yếu tố của hình tam giác

  • Đỉnh là điểm chung của hai cạnh trong một hình tam giác

  • Cạnh là một đoạn thẳng nối hai đỉnh hoặc hai điểm trong không gian

- Cách tính chu vi hình tam giác: Chu vi hình tam giác là tổng độ dài các cạnh của hình tam giác (độ dài các cạnh phải cùng đơn vị đo)

Ví dụ: Tính chu vi hình tam giác ABC

Hướng dẫn giải

Chu vi hình tam giác ABC là: AB + BC + AC

4 + 8 + 6 = 18 (cm)

Vậy chu vi tam giác ABC là 18cm

1.3. Hình tứ giác

- Định nghĩa:Tứ giác là 1 hình gồm 4 cạnh và 4 đỉnh

Ví dụ: hình vuông, hình chữ nhật, hình thang, hình bình hành cũng là tứ giác

- Cách đọc tên tứ giác: Đọc tên tứ giác có 2 cách đọc là chọn bất kỳ 1 điểm trên hình làm mốc rồi đọc theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược chiều kim đồng hồ.

- Cách tính chu vi hình tứ giác: Chu vi hình tứ giác là tổng độ dài các cạnh trong tứ giác đó (độ dài các cạnh phải cùng đơn vị đo)

Ví dụ: Tính chu vi hình tứ giác MNPQ sau

Chu vi hình tứ giác MNPQ là: MN + NP + QP + MQ

5 + 6 + 8 + 4 = 23 (cm)

Vậy chu vi tứ giác MNPQ là 23cm

1.2. Các dạng toán

a) Dạng 1: Tính độ dài đường gấp khúc

Bước 1: Đọc đề và xác định yêu cầu của đề bài

Bước 2: Độ dài đường gấp khúc là tổng độ dài các đoạn thẳng trong đường gấp khúc (độ dài đoạn thẳng cùng đơn vị đo)

Bước 3: Trình bày lời giải, kiểm tra kết quả và kết luận

b) Dạng 2: Xác định trung điểm của một đoạn thẳng

- Kiểm tra một điểm có ở giữa hai điểm đã cho hay chưa?

- Kiểm tra độ dài các đoạn thẳng có bằng nhau hay không.

c) Dạng 3: Cách tính chu vi của hình chữ nhật và hình vuông

- Muốn tính chu vi hình chữ nhật ta lấy chiều dài cộng chiều rộng (cùng đơn vị đo) rồi nhân với 2.

- Muốn tính chu vi hình vuông ta lấy độ dài một cạnh nhân với 4.

d) Dạng 4: Tính diện tích của hình chữ nhật

- Tìm chiều dài và chiều rộng.

- Muốn tính diện tích hình chữ nhật ta lấy chiều dài nhân với chiều rộng (cùng đơn vị đo)

e) Dạng 5: Tìm diện tích của hình vuông.

Muốn tính diện tích hình vuông ta lấy độ dài một cạnh nhân với chính nó.

f) Dạng 6: Tính chu vi hình tam giác

Bước 1: Đọc và xác định rõ yêu cầu đề bài

Bước 2: Chu vi hình tam giác là tổng độ dài các cạnh trong tam giác đó (độ dài các cạnh phải cùng đơn vị đo)

Bước 3: Trình bày lời giải, kiểm tra kết quả và kết luận

​Ví dụ: Cho hình tam giác ABC có độ dài cạnh AB = 400mm, AC = 45cm, BC = 78cm

Hướng dẫn giải

Đổi 400mm = 40cm

Chu vi hình tam giác ABC là: AB + AC + BC

40 + 45 + 78 = 163 (cm)

Vậy chu vi hình tam giác ABC là 163cm

2. Bài tập minh họa

Câu 1: Tính độ dài đường gấp khúc sau

Hướng dẫn giải

Độ dài đường gấp khúc ABCMNP là: AB + BC + CM + MN + NP

34 + 34 + 17 + 13 + 20 = 118 (cm)

Vậy độ dài đường gấp khúc ABCMNP là 118cm

Câu 2: Chỉ ra trung điểm của đoạn thẳng sau:

Hướng dẫn giải

Ta có: M là điểm nằm giữa hai điểm A và B.

Độ dài đoạn thẳng AM bằng độ dài đoạn thẳng MB: AM = MB = 4 cm.

Vậy M được gọi là trung điểm của đoạn thẳng AB.

Câu 3: Tính chu vi một mảnh đất hình chữ nhật có chiều dài 125m, chiều rộng 68m.

Hướng dẫn giải

Chu vi mảnh đất hình chữ nhật là :

(125 + 68) x 2 = 386 (m)

Đáp số: 386 m.

Câu 4: Tính diện tích của một hình chữ nhật có chiều dài 9 cm và chiều rộng 4 cm.

Hướng dẫn giải

Diện tích của hình chữ nhật đó là:

9 x 4 = 36 cm2

Đáp số: 36 cm2

Câu 5: Một hình vuông có chu vi 20cm. Tính diện tích hình vuông đó.

Hướng dẫn giải

Cạnh hình vuông dài là:

20 : 4 = 5 (cm)

Diện tích của hình vuông là:

5 x 5 = 25(cm2)

Đáp số: 25 cm2

3. Kết luận

Qua nội dung bài học trên, giúp các em học sinh:

  • Hệ thống lại kiến thức về hình học một cách dễ dàng.
  • Vận dụng vào giải bài tập SGK và các bài tập tương tự.
Ngày:22/09/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM