Ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình

Thông qua bài học ca dao dan ca than thân về tình cảm gia đình các em sẽ thấy được nội dung ca ngợi tình cảm gia đình, răn dạy mỗi người phải luôn ghi nhớ và báo đáp công ơn của cha mẹ. Với nghệ thuật thể thơ lục bát, lối nói ví von, so sánh, ẩn dụ, giọng điệu tâm tình, thủ thỉ. Mời các em cùng tham khảo nội dung bài học của eLib.

Ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình

1. Đôi nét về tác giả

- Ca dao, dân ca là những khái niệm tương đương, chỉ các thể loại trữ tình dân gian, kết hợp lời và nhạc, dùng để diễn tả đời sống nội tâm của con người.

- Để phân biệt ca dao và dân ca, hiện nay, người ta đưa ra hai khái niệm như sau:

  •  Dân ca là những sáng tác kết hợp lời và nhạc, tức là những câu hát dân gian trong diễn xướng

  • Ca dao là lời thơ của dân ca. Ca dao còn bao gồm cả những bài thơ dân gian mang phong cách nghệ thuật chung với lời thơ của dân ca. Khái niệm ca dao còn được dùng để chỉ một thể thơ dân gian – thể ca dao

2. Đôi nét về tác phẩm Những câu hát về tình cảm gia đình

2.1. Giá trị nội dung

- Tình cảm gia đình là một trong những chủ đề tiêu biểu của ca dao, dân ca. Những câu hát thuộc chủ đề này thường là lời ru của mẹ, lời của cha mẹ, ông bà nói với con cháu, lời của con cháu nói về cha mẹ, ông bà. Những câu hát này thường dùng để bày tỏ tâm tình, nhắc nhở về công ơn sinh thành, về tình mẫu tử, tình cảm anh em ruột thịt.

- Giáo dục con người về lòng biết ơn và tình cảm yêu thương trong gia đình

2.2. Giá trị nghệ thuật

- Sử dụng nhuần nhuyễn thể thơ lục bát

- Sử dụng biện pháp so sánh, ẩn dụ, nghệ thuật đối,…

- Giọng điệu ngọt ngào, tâm tình, thủ thỉ….

3. Phân tích tác phẩm Những câu hát về tình cảm gia đình

3.1 Giới thiệu

- Giới thiệu khái quát về thể loại ca dao, dân ca (khái niệm, đặc điểm nội dung và nghệ thuật,…)

- Giới thiệu về chùm ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình (khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,…)

3.2. Phân tích

3.2.1. Bài Lời mẹ hát ru con

- Biện pháp so sánh: công cha – núi ngất trời, nghĩa mẹ - nước ở ngoài biển Đông

⇒ Dùng cái rộng lớn, mênh mông của thiên nhiên để gợi nên công lao to lớn, không gì sánh bằng của cha mẹ

- “Cù lao chín chữ”: hình ảnh ẩn dụ quen thuộc, nói lên lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ, đồng thời làm tăng thêm âm điệu tôn kính, nhắn nhủ, tâm tình của câu hát

⇒ Với việc sử dụng biện pháp so sánh, hình ảnh ẩn dụ bài ca dao đã ngợi ca công lao to lớn của cha mẹ. Đồng thời, qua đó, răn dạy con cháu phải luôn ghi nhớ và báo đáp công ơn to lớn ấy

3.2.2. Bài Lời người con gái lấy chồng xa quê với mẹ

- Thời gian: chiều chiều –thời gian buổi chiều gợi cảm giác buồn, nhớ nhà và từ láy “chiều chiều” gợi cảm giác tuần hoàn, lặp đi lặp lại

- Không gian: ngõ sau – gợi sự vắng lặng, không gian rộng lớn, mênh mông, gợi sự cô đơn, buồn tẻ

- Nỗi niềm của người con gái:

   + Trông về quê mẹ: một cái nhìn đăm đăm, đầy thương nhớ

   + Ruột đau chín chiều: nỗi cô đơn làm dâu xứ lạ, nhớ thương cha mẹ, tê tái, đau buồn không giúp đỡ được cha mẹ.

⇒ Không gian và thời gian gợi nên nỗi buồn, cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi của cô gái lấy chồng xa, đây cũng chính là số phận của người phụ nữ trong xã hội trọng nam khinh nữ.

3.2.3. Bài Lời của con cháu với ông bà

- Ngó lên: hành động gợi sự trân trọng, tôn kính

- Hình ảnh “nuộc lạt mái nhà”: nhiều, gợi sự kết nối bền chặt, không tách rời của sự vật cũng như tình cảm huyết thống và công lao to lớn của ông bà trong việc xây dựng gia đình

- So sánh theo mức độ tăng tiến: bao nhiêu ... bấy nhiêu gợi nên nỗi nhớ trùng điệp, vô tận, không bao giờ nguôi, không bao giờ dứt

⇒ Câu ca dao nói lên một tình cảm cao đẹp, đáng trân trọng của con gnuwoif Việt Nam: luôn hiếu thảo, biết ơn đối với đấng sinh thành

3.2.4. Bài Tiếng hát về tình cảm anh em ruột thịt

- Sử dụng cặp từ “cùng chung”- “cùng thân”: khẳng định tình cảm anh em thân thương, mối quan hệ ruột thịt, sự gắn bó thân thiết

- Nghệ thuật so sánh “anh em” – “chân tay”: cách ví von giàu hình tượng gợi sự liên tưởng về mối quan hệ mật thiết, biết nương tựa lẫn nhau trong cuộc sống

⇒ Bài ca dao nhắc nhở anh em trong cùng gia đình phải biết yêu thương lẫn nhau, nương tựa và cùng hỗ trợ lẫn nhau. Làm được điều đó sẽ khiến cha mẹ vui lòng

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy giải thích câu ca dao sau (có liên hệ với cuộc sống thực của em). Phát biểu cảm nghĩ của em đối với công ơn của cha mẹ.

"Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra".

Gợi ý làm bài:

Mở bài

Ca dao có nhiều câu hay nói về tình cảm gia đình
Nói về công ơn của cha mẹ với con cái, câu ca dao sau đây tình ý thật thấm thía:

"Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".

Thân bài

- Ý nghĩa câu ca dao

"Công cha như núi Thái Sơn"

  • Thái Sơn là tên một ngọn núi bên Trung Quốc, là một trong năm ngọn núi lớn nhất, mà họ gọi nó là “Ngũ Nhạc”.

  • Ví công cha với núi Thái Sơn là ví công ơn sinh dưỡng của cha chồng chầt như núi non, sừng sững và bất diệt.

  • Công ơn của cha hiện hữu thực tế và bất biến trong đời thường, trong xương máu của từng đứa con.

"Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"

  • “Nước trong nguồn” khác với nước mưa, nước hồ ở chỗ nó tuôn chảy mãi mãi. Mưa có lúc tạnh, hồ có lúc khô. Nhưng dù dòng nước ấy nhỏ như một khe suối, nó vẫn tuôn chảy quanh năm. Đó chưa kể nếu đó là nguồn thác, nguồn sông, thì nước ấy mênh mông tuôn hòa vào biển cả.

  • Ví nghĩa mẹ với nước trong nguồn là ví tình mẹ bao la vô tận, không giới hạn, không đo đếm được.

Đúng như một câu ca dao:

“Chim trời ai dễ đếm lông

Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày”

  • “Đạo” là con đường.

  • “Đạo làm con” là con đường đúng nhất mà người làm con phải tuân theo cho đúng luân lí đạo đức xã hội. Con đường ấy là “thờ mẹ, kính cha”.

  • Người ta còn dùng chữ đạo để chỉ một tôn giáo.

  • Mỗi tôn giáo có một giáo chủ và những điều lệ, những lời răn về đạo đức.

  • Người theo tôn giáo nào thì tôn thờ vị giáo chủ đứng đầu tôn giáo ấy.

  • Nhiều người thờ Phật kính Chúa mà lại không thờ cha kính mẹ thì thật là lỗi đạo làm con.

- Làm thế nào để tròn chữ hiếu, tròn đạo con?

  • Ở đây, lời khuyên của ông bà là: hãy “thờ Mẹ, kính Cha”. Vậy thế nào là thờ mẹ kính cha?

  • Thờ Mẹ kính Cha không chỉ là chữ dành cho người đã khuất.

  • Khi cha mẹ còn sống, thờ kính có nghĩa là vâng lời cha mẹ răn dạy, sống đúng đạo nghĩa, làm tốt những bổn phận người con, người học sinh, người công dân xã hội, mang danh thơm tiếng tốt, mang sự thành đạt của mình về để làm mát lòng cha mẹ. Dù nụ cười của cha không làm mẹ trẻ lại. Dù niềm vui của mẹ không làm tóc trắng hóa tóc xanh, nhưng sự thành đạt của con cái luôn là niềm hạnh phúc của cha mẹ.

  • Khi cha mẹ đau ốm, miếng ăn, viên thuốc, bàn tay của con là nguồn an ủi cho cha mẹ đỡ đớn đau, đỡ buồn và hiu quạnh. Đó là nguồn sức mạnh tăng sinh lực, giúp cha mẹ chống chọi với cơn bệnh và vượt qua cơn bệnh.

  • Khi cha mẹ qua đời, con cái cần ma chay chu đáo, tuy không xa hoa, nhưng cần đầy đủ. Ngày thất, ngày giỗ không quên cúng kiến thành tâm.

  • Hơn thế, người con có hiếu là người biết sống theo đạo đức của mẹ, cha. Lấy mẹ, cha là tấm gương noi theo để sống một đời trong sạch và hữu ích.

- Phát biểu cảm nghĩ của em đối với công lao to lớn của cha mẹ

  • Tùy từng học sinh, phần này sẽ có nội dung khác nhau. Sau đây là một số câu gợi ý:

  • Qua sự phân tích trên, em thấy ngay từ khi còn nhỏ, bổn phận của em đối với cha mẹ phải như thế nào? Từ trước đến nay em có làm được như thế không? Vì sao?

  • Từ bây giờ về sau và sau này khi lớn lên, em sẽ làm gì để đền đáp công lao to lớn đó của cha mẹ?

Kết bài

  • Tình cảm và cách cư xử của bản thân mỗi người đối với cha mẹ là thước đo đầu tiên đánh giá tư cách đạo đức của mỗi người.

  • Cha mẹ có công lao to lớn đối với bản thân ta, chúng ta phải kính yêu cha mẹ, vâng lời cha mẹ, học tập và làm việc tốt để cha mẹ vui lòng, lớn lên phai trông nom săn sóc cha mẹ.

  • Nếu ta không chăm sóc cha mẹ chu đáo, thì sau này đừng trách sao con cháu bất hiếu với chúng ta.

Câu 2: Giải nghĩa các từ ngữ “công cha”, “nghĩa mẹ”, “cù lao chín chữ “ trong bài 1. Sưu tầm những bài ca dao so sánh công cha, nghĩa mẹ với những hình ảnh cao, lớn, sâu, rộng, vô hạn (như núi trời, biển, nước trong nguồn,...). Giải thích vì sao ca dao thường so sánh như vậy.

Gợi ý trả lời:

- Để giải thích nghĩa các từ ngữ “công cha”, “nghĩa mẹ”, “cù lao chín chữ”, em cần đọc kĩ phần Chú thích và Đọc thêm trong SGK.

- Để sưu tầm những bài ca dao so sánh công cha, nghĩa mẹ với những hình ảnh cao, lớn, sâu, rộng, vô hạn (như núi, trời, biển, nước trong nguồn,..) em có thể hỏi ông bà, cha mẹ, anh chị hoặc tìm đọc một số cuốn sách sau đây :

- Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971.

- Nguyễn Xuân Kính (Chủ biên), Kho tàng ca dao người Việt (trọn bộ bốn cuốn), NXB Văn hoá, Hà Nội, 1995.

- Để giải thích vì sao ca dao thường so sánh như vậy, cần chú ý mấy điểm sau :

- Đây là những hình ảnh chỉ các sự vật, hiện tượng to lớn, mênh mông, vô hạn và vĩnh hằng. Phải dùng những hình ảnh đó mới có thể diễn tả hết công lao, tình nghĩa của cha mẹ đối với con cái. Hơn nửa, núi ngất trời, núi Thái Sơn, biển mênh mông, nước trong nguồn,... là những sự vật, hiện tượng khó có thể đo đếm được, cũng như công lao, tình nghĩa của cha mẹ.

- Văn hoá Việt Nam và Trung Hoa thường so sánh người cha với trời hoặc với núi, người mẹ với đất hoặc với biển. Nói công cha sánh đôi với nghĩa mẹ và việc sử dụng các cặp hình ảnh biểu tượng tương ứng ( trời - đất, núi – biển ) cũng là cách nói, cách diễn đạt truyền thống.

5. Kết luận

- Nội dung: ca ngợi tình cảm gia đình, răn dạy mỗi người phải luôn ghi nhớ và báo đáp công ơn của cha mẹ

- Nghệ thuật: thể thơ lục bát, lối nói ví von, so sánh, ẩn dụ, giọng điệu tâm tình, thủ thỉ,...

- Cảm nhận của bản thân: tình cảm gia đình, anh em ruột thịt luôn là tình cảm thiêng liên và quý giá nhất. Mỗi người chúng ta phải luôn ghi nhớ và giữ gìn tình cảm ấy.

Ngày:28/07/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM