Chữa lỗi diễn đạt Ngữ văn 8

eLib xin gửi đến các em nội dung bài soạn dưới đây nhằm giúp các em nhận diện được các lỗi diễn đạt và chữa lại được những lỗi đó một cách phù hợp. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Chữa lỗi diễn đạt Ngữ văn 8

1. Nội dung bài học

- Lỗi diễn đạt là lỗi sử dụng ngôn ngữ, tư duy của người nói.

- Lô-gic là trật tự chặt chẽ tất yếu giữa các hiện tượng lập luận, giữa các thành phần câu, các từ ngữ trong câu.

2. Luyện tập

Câu 1: Những câu văn sau đây sai lỗi gì và em hãy chữa lại cho đúng:

a. Buổi tối cuối tuần siêu thị thỉnh thoảng cũng có rất đông người đi mua sắm.

b. Các bạn ấy rất yêu văn nghệ và cả đi dã ngoại nữa.

c. Anh bộ đội bị thương hai lần: Một lần ở cánh tay, một lần ở Điện Biên Phủ.

d. Em thích mua xe hay xe đạp?

e. Tuy nhà rất xa trường nhưng hôm nào nó cũng đi học muộn.

f. Trong việc học tập nói chung và lao động nói riêng, bạn Nam đều rất gương mẫu.

h. Trời đã bắt đầu tối nên em nhìn rõ bạn Hoa đang vẫy em ở đầu phố.

Gợi ý trả lời:

a. Lỗi: Dùng từ "thỉnh thoảng" không phù hợp với nội dung của câu.

-> Chữa: Buổi tối cuối tuần siêu thị lúc nào cũng có rất đông người đi mua sắm.

b. Lỗi: văn nghệ và dã ngoại không thuộc cùng một trường từ vựng, không biểu thị những khái niệm thuộc cùng một phạm trù.

-> Chữa: Các bạn ấy rất yêu văn nghệ và cả thể thao nữa.

c. Lỗi: Cánh tay và Điện Biên Phủ không phù hợp.

-> Chữa: Anh bộ đội bị thương hai lần: Một lần ở cánh tay, một lần ở chân trái.

d. Lỗi: Vì xe bao hàm xe đạp.

-> Chữa: Em thích mua xe máy hay xe đạp?

e. Lỗi: dùng sai quan hệ từ.

-> Chữa: Vì nhà rất xa trường nên hôm nào nó cũng đi học muộn.

f. Lỗi: Học tập và lao động không có quan hệ chung - riêng.

-> Chữa: Trong việc học tập và lao động, bạn Nam đều rất gương mẫu.

h. Lỗi: Sai quan hệ từ.

-> Chữa: Mặc dù trời đã bắt đầu tối nhưng em vẫn nhìn rõ bạn Hoa đang vẫy em ở đầu phố.

Câu 2: Em hãy đọc đoạn văn sau đây và phát hiện lỗi sai về diễn đạt, sau đó chữa lại cho đúng:

Văn bản "Bức tranh của em gái tôi" mang đến cho người đọc những bài học vô cùng ý nghĩa, văn bản truyền tải đến người đọc như một lời tâm sự, thủ thỉ của tác giả với bạn đọc về thói đố kị trong cuộc sống. Câu chuyện sinh động một bức tranh và cách hành xử giữa hai đứa trẻ với những lời nhắn nhủ sâu sắc về tình yêu thương, lòng vị tha, sự ích kỷ đáng để chúng ta suy ngẫm. Câu chuyện khép lại, để lại nhiều tiếng vang trong lòng người đọc. Bằng nghệ thuật lựa chọn ngôi kể và miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, tác phẩm đã cho thấy tình cảm trong sáng, hồn nhiên, tấm lòng nhân hậu, vị tha của người em đã làm cho người anh nhận ra phần hạn chế trong tính cách và lối ứng xử của mình.

Gợi ý trả lời:

Đoạn văn trên có hai câu sai lỗi diễn đạt như sau:

- "Câu chuyện sinh động một bức tranh và cách hành xử giữa hai đứa trẻ với những lời nhắn nhủ sâu sắc về tình yêu thương".

-> Chữa lại là: "Câu chuyện thể hiện thái độ và cách hành xử giữa hai đứa trẻ với những lời nhắn nhủ sâu sắc về tình yêu thương".

- "Câu chuyện khép lại, để lại nhiều tiếng vang trong lòng người đọc".

-> Chữa lại là: "Câu chuyện khép lại, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc".

Câu 3: Những ngữ liệu sau sai về cách diễn đạt ở từ ngữ in đậm, em hãy chữa lại cho đúng:

a. Anh ấy ở rất gần cơ quan nhưng lúc nào anh ấy cũng đi làm sớm.

b. Trên sân ga chỉ còn lại hai người. Một người thì cao gầy, còn một người thì mặc áo ca rô.

c. Chị Dậu rất cần cù và chịu khó nên chị rất mực yêu thương chồng con.

Gợi ý trả lời:

a. Anh ấy ở rất gần cơ quan nhưng lúc nào anh ấy cũng đi làm sớm.

-> Sửa lại: Anh ấy ở rất gần cơ quan nên lúc nào anh ấy cũng đi làm sớm.

b. Trên sân ga chỉ còn lại hai người. Một người thì cao gầy, còn một người thì mặc áo ca rô.

-> Sửa lại: Trên sân ga chỉ còn lại hai người. Một người thì cao gầy, còn một người thì lùn và mập.

c. Chị Dậu rất cần cù và chịu khó nên chị rất mực yêu thương chồng con.

-> Sửa lại: Chị Dậu rất cần cù, chịu khó và rất mực yêu thương chồng con.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Học sinh hiểu được hiệu quả của việc diễn đạt.

- Rèn cho học sinh kĩ năng phát hiện và chữa được các lỗi diễn đạt.

- Có ý thức lựa chọn trật tự từ trong giao tiếp.

Ngày:07/01/2021 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM