Danh từ (tiếp theo) Ngữ văn 6

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được những loại danh từ. Từ đó, các em sẽ biết cách phân loại danh từ và sử dụng danh từ thật hợp lí, tránh nhầm lẫn giữa danh từ chung và danh từ riêng. Chúc các em học tập thật tốt!

Danh từ (tiếp theo) Ngữ văn 6

1. Danh từ chung và danh từ riêng

- Ví dụ:

+ Danh từ chung: Dùng để gọi chung tên của các sự vật. Danh từ chung gồm danh từ cụ thể và danh từ trừu tượng.

  • Danh từ chỉ người: bố, mẹ, học sinh, bộ đội,...
  • Danh từ chỉ vật: bàn ghế, sách vở, sông, suối, cây cối,...
  • Danh từ chỉ hiện tượng: nắng, mưa, gió, bão, động đất,...
  • Danh từ chỉ đơn vị: (ghép được với số đếm).

+ Danh từ riêng: Dùng chỉ các tên riêng của người hoặc địa danh.

  • Chỉ tên người: Phạm Đức Hải Huy, Thu Hiền,...
  • Từ dùng với ý nghĩa đặc biệt: Người, Bác Hồ,...
  • Từ chỉ sự vật được nhân hoá: Cún, Dế Mèn, Lúa,...
  • Từ chỉ tên địa phương: Hà Nội,SaPa, Vũng Tàu,...
  • Từ chỉ địa danh: Hồ Tây, Nhà Thờ Lớn, Suối Tiên,...
  • Từ chỉ tên sông, núi, cầu, cống: sông Hồng, núi Ba Vì, cầu Rào, cống Trắng, đường Hồ Chí Minh, ngã tư Môi,...

- Kết luận:

+ Danh từ chỉ sự vật gồm danh từ chung và danh từ riêng. Danh từ chung là tên gọi một loại sự vật. Danh từ riêng là tên riêng của từng người, từng vật, từng địa phương,...

+ Khi viết danh từ riêng, ta phải viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi bộ phận tạo thành tên riêng đó. Cụ thể:

  • Đối với tên người, tên địa lí Việt Nam và tên người, tên địa lí nước ngoài phiên âm qua âm Hán Việt: viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi tiếng.
  • Đối với tên người, tên địa lí nước ngoài phiên âm trực tiếp (không qua âm Hán Việt): viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi bộ phận tạo thành tên riêng đó, nếu bộ phận gồm nhiều tiếng thì giữa các tiếng cần có gạch nối.

+ Tên riêng của các cơ quan, tổ chức, các giải thưởng, danh hiệu, huân chương,... thường là một cụm từ. Chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành cụm từ này đều được viết hoa.

2. Luyện tập

Câu 1: Đặt 3 câu có sử dụng danh từ riêng và danh từ chung.

Gợi ý trả lời:

- Câu sử dụng danh từ riêng:

+ Tôi rất thích đi Đà Lạt. Vì nơi đây có những kỉ niệm đáng nhớ.

+ Chị ấy học tại trường trung học phổ thông Hồ Thị Kỷ.

+ Bạn đã đi Vịnh Hạ Long bao giờ chưa?

- Câu sử dụng danh từ chung:

+ Sách vở là người bạn thân thiết của học trò.

+ Nhà em ở cạnh một con suối rất dài.

+ Nhà bạn cách nhà tôi chỉ có 200 mét thôi.

Câu 2: Em hãy chỉ ra những danh từ được sử dụng trong bài thơ sau:

"Tuổi thơ chở đầy cổ tích

Dòng sông lời mẹ ngọt ngào

Đưa con đi cùng đất nước

Chòng chành nhịp võng ca dao.

Con gặp trong lời mẹ hát

Cánh cò trắng, dải đồng xanh

Con yêu màu vàng hoa mướp

"Con gà cục tác lá chanh".

Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến nôn nao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao.

Mẹ ơi, trong lời mẹ hát

Có cả cuộc đời hiện ra

Lời ru chắp con đôi cánh

Lớn rồi con sẽ bay xa"

(Trong lời mẹ hát - Trương Nam Hương)

Gợi ý trả lời:

Những danh từ được sử dụng trong bài thơ là: tuổi thơ, cổ tích, lời mẹ, nhịp võng, ca dao, màu, thời gian, cuộc đời, lời ru.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được định nghĩa của danh từ.

- Các tiểu loại danh từ chỉ sự vật: danh từ chung và danh từ riêng.

- Quy tắc viết hoa danh từ riêng.

- Nhận biết danh từ chung và danh từ riêng.

- Viết hoa danh từ riêng đúng quy tắc.

- Tự xác định và có thái độ nghiêm túc, tích cực khi tìm hiểu về danh từ chung và danh từ riêng.

Ngày:02/10/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM