Giải bài tập SGK Địa lí 12 Bài 39: Vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam Bộ

Giải bài tập SGK Địa lí 12 Bài 39: Vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam Bộ được eLib tổng hợp lại, hy vọng là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các bạn học sinh lớp 12.

Giải bài tập SGK Địa lí 12 Bài 39: Vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam Bộ

1. Giải bài 1 trang 182 SGK Địa lí 12

Hãy nêu các thế mạnh của vùng Đông Nam Bộ trong việc phát triển tổng hợp nền kinh tế.

Phương pháp giải

Phân tích đặc điểm về vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, kinh tế- xã hội để chỉ ra các thế mạnh của vùng Đông Nam Bộ trong việc phát triển tổng hợp nền kinh tế.

Gợi ý trả lời

- Vị trí địa lí:

+ Giáp với đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên là những vùng nguyên liệu dồi dào cho phát triển công nghiệp chế biến.

+ Thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi kinh tế với Duyên hải Nam Trung Bộ và Campuchia.

+ Giáp biển Đông rộng lớn, phát triển tổng hợp kinh tế biển.

- Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

+ Đất xám bạc màu trên phù sa cổ, đất badan màu mỡ là điều kiện phát triển chuyên canh cây công nghiệp.

+ Khí hậu cận xích đạo, có hai mùa mưa khô rõ rệt tạo điều kiện phát triển các cây công nghiệp lâu năm (cao su, cà phê, điều, hồ tiêu), cây ăn quả và cả cây công nghiệp ngắn ngày (đậu tương, mía, thuốc lá...) trên quy mô lớn.

+ Tài nguyên biển: thuận lợi phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển, đặc biệt gần các ngư trường lớn Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu và Cà Mau - Kiên Giang.

+ Tài nguyên rừng: cung cấp gỗ, củi và nguyên liệu cho sản xuất giấy. Rừng thuận lợi để xây dựng vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển và phát triển du lịch. Rừng ngập mặn diện tích lớn thuận lợi để nuôi trồng thuỷ sản nước lợ.

+ Tài nguyên khoáng sản: tiềm năng dầu khí lớn trên vùng thềm lục địa. Đất sét cho công nghiệp vật liệu xây dựng và cao lanh cho công nghiệp gốm, sứ.

+ Hệ thống sông Đồng Nai có tiềm năng thuỷ điện lớn.

- Điều kiện kinh tế- xã hội

+ Dân cư và lao động: nguồn lao động đông, chuyên môn cao, thị trường tiêu thụ lớn.

+ Thành phố Hồ Chí Minh là một trong hai thành phố lớn, trung tâm văn hóa, chính trị lớn nhất cả nước, đồng thời cũng là trung tâm công nghiệp, giao thông vận tải và dịch vụ hiện tại, hoàn thiện nhất.

+ Là vùng tập trung lớn về vốn và kĩ thuật, thu hút đầu tư trong nước và quốc tế và được ứng dụng khoa học tiên tiến nhất.

+ Cơ sở hạ tầng phát triển, đặc biệt về giao thông vận tải và thông tin liên lạc.

2. Giải bài 2 trang 182 SGK Địa lí 12

Hãy trình bày một số phương hướng chính để khai thác lãnh thổ theo chiều sâu trong công nghiệp của vùng.

Phương pháp giải

Cần nêu ra phương hướng chính trong công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp – lâm nghiệp, phát triển tổng hợp kinh tế biển để khai thác lãnh thổ theo chiều sâu trong công nghiệp của vùng.

Gợi ý trả lời

- Trong công nghiệp:

+ Tăng cường phát triển cơ sở năng lượng để đáp ứng nguồn điện sử dụng và nhu cầu sản xuất công nghiệp của vùng.

+ Chính sách mở cửa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

+ Chú trọng phát triển ngành công nghiệp trọng điểm.

+ Chú trọng bảo vệ môi trường để hướng đến sự phát triển bền vững.

- Trong dịch vụ:

+ Hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

+ Tập trung khai thác thế mạnh về du lịch, thương mại, hàng hải,...

- Trong nông nghiệp – lâm nghiệp:

+ Quan tâm vấn đề thủy lợi và bảo vệ rừng đầu nguồn.

+ Thay đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư về vốn, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

- Phát triển tổng hợp kinh tế biển:

+ Tiếp tục đầu tư khai thác dầu khí theo kế hoạch, xây dựng các khu chế xuất, lọc hóa dầu nhằm tăng giá trị dầu mỏ, hạn chế xuất khẩu dầu thô, tăng nguồn thu ngoại tệ.

+ Phát triển du lịch, thủy hải sản, hàng hải trên cơ sở bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

3. Giải bài 3 trang 182 SGK Địa lí 12

Chứng minh rằng việc xây dựng các công trình thủy lợi có ý nghĩa hàng đầu trong việc sử dụng hợp lí tài nguyên nông nghiệp của vùng.

Phương pháp giải

Dựa vào lợi ích của việc xây dựng các công trình thủy lợi trong việc sử dụng hợp lí tài nguyên nông nghiệp của vùng để chứng minh.

Gợi ý trả lời

Đông Nam Bộ có một mùa khô kéo dài và sâu sắc, lại có các vùng thấp dọc sông Đồng Nai và sông La Ngà bị ngập úng trong mùa mưa. Do vậy, vấn đề thủy lợi ở đây có ý nghĩa hàng đầu.

- Nhiều công trình thuỷ lợi được xây dựng, trong đó công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) lớn nhất nước: rộng 270km2, chứa 1,5 tỷ m3, đảm bảo tưới tiêu cho 170.000 ha của Tây Ninh & Củ Chi. Dự án thuỷ lợi Phước Hòa (BD, BP) cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt.

- Nhờ giải quyết nước tưới cho các vùng khô hạn về mùa khô và tiêu nước cho các vùng thấp dọc sông Đồng Nai và sông La Ngà, diện tích đất trồng trọt tăng lên, hệ số sử dụng đất hằng năm cũng tăng và khả năng đảm bảo lương thực, thực phẩm của vùng cũng được đảm bảo.

4. Giải bài 4 trang 182 SGK Địa lí 12

Lấy ví dụ chứng minh rằng sự phát triển tổng hợp kinh tế biển có thể làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt kinh tế vùng. Thử nêu một số phương hướng khai thác tổng hợp tài nguyên biển và thềm lục địa.

Phương pháp giải

- Dựa vào lợi ích của việc phát triển tổng hợp kinh tế biển mang lại để lấy ví dụ chứng minh.

- Dựa vào tiềm năng của vùng và tầm quan trọng của việc phát triển tổng hợp kinh tế biển để chỉ ra hương hướng khai thác tổng hợp tài nguyên biển và thềm lục địa.

Gợi ý trả lời

- Sự phát triển tổng hợp kinh tế biển có thể làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt kinh tế của vùng:

+ Việc khai thác dầu khí với quy mô ngày càng lớn cùng với công nghiệp lọc hóa dầu, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế của vùng, đây được xem là ngành mũi nhọn của cả nước.

+ Phát triển du lịch biển trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của vùng và thu được nguồn ngoại tệ lớn.

+ Việc mở rộng và hoàn thiện các cụm cảng nước sâu: cụm cảng Sài Gòn, cụm cảng Vũng Tàu góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ hàng hải, cơ khí sữa chữa và đóng mới tàu…

+ Việc khai thác tài nguyên sinh vật biển phát triển ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh hoạt động của công nghiệp chế biến thủy sản.

- Một số phương hướng khai thác tổng hợp tài nguyên biển và thềm lục địa:

+ Đẩy mạnh khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng các nhà máy lọc dầu, hóa dầu, chế biến khí đốt. Phát triển tổ hợp khí – điện – đạm ở Phú Mĩ.

+ Đẩy mạnh đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, nhất là phát triển đánh bắt xa bờ.

+ Phát triển du lịch biển ở Vũng Tàu.

+ Phát triển các cụm cảng nước sâu: cụm cảng Sài Gòn, cụm cảng Vũng Tàu.

+ Cần đặc biệt chú ý vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác các ngành kinh tế biển.

Ngày:27/08/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM