Giải bài tập SGK Lịch sử 7 Bài 9: Nước Đại Cồ Việt thời Đinh - Tiền Lê

Để đạt được kết quả cao trong học tập, các em có thể dùng tài liệu giải bài tập Nước Đại Cồ Việt thời Đinh - Tiền Lê SGK môn Lịch sử 7 trang 31 do eLib tổng hợp dưới đây để làm tư liệu tham khảo cũng như rèn luyện và nâng cao kỹ năng giải bài tập, tổng hợp kiến thức và trau dồi kinh nghiệm làm bài. Với nội dung biên soạn bám sát chương trình SGK hiện hành, hy vọng rằng đây sẽ là 1 tài liệu bổ ích trong quá trình ôn luyện của các em. Mời các em cùng tham khảo!

Giải bài tập SGK Lịch sử 7 Bài 9: Nước Đại Cồ Việt thời Đinh - Tiền Lê

1. Giải bài 1 trang 31 SGK Lịch sử 7

Nhà Đinh đã làm những gì để xây dựng đất nước?

Phương pháp giải

Dựa vào nội dung chính được trình bày ở mục 1 SGK trang 28, 29 để trả lời.

- Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư

- Năm 970, vua đặt niên hiệu là Thái Bình

- Phong vương cho con, các tướng lĩnh nắm giữ chức vụ chủ chốt.

- Xây dựng cung điện, đúc tiền.

- Đưa ra những hình phạt để xử những kẻ phạm tội.

Hướng dẫn giải

Những việc làm để xây dựng đất nước của nhà Đinh:

- Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng), đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư (Ninh Bình).

- Năm 970, vua Đinh đặt niên hiệu là Thái Bình, sai sứ sang giao hảo với nhà Tống.

- Phong vương cho các con, cử các tướng lĩnh thân cận nắm giữ các chức vụ chủ chốt.

- Xây dựng cung điện, đúc tiền để tiêu dùng trong nước. Đưa ra những hình phạt khắc nghiệt (ném vào vạc dầu, vứt vào chuồng hổ,…) để xử phạt những kẻ phạm tội.

2. Giải bài 2 trang 31 SGK Lịch sử 7

Hãy mô tả bộ máy chính quyền trung ương và địa phương thời Tiền Lê.

Phương pháp giải

Từ các kiến thức đã học và vào nội dung chính được trình bày ở mục 3 SGK trang 30 để trả lời.

Bộ máy nhà nước thời Tiền Lê

Hướng dẫn giải

* Bộ máy chính quyền trung ương:

- Vua đứng đầu, nắm mọi quyền hành về quân sự và dân sự.

- Giúp Lê Hoàn bàn việc nước có thái sư (quan đầu triều) và đại sư (nhà sư có danh tiếng).

- Dưới vua là các chức quan văn, quan võ.

- Các con vua được phong vương và trấn giữ các nơi quan trọng.

* Chính quyền địa phương:

- Cả nước chia thành 10 lộ, dưới lộ có phủ và châu. Hầu hết quan lại đều là võ tướng.

* Xây dựng quân đội: 10 đạo quân, chia làm hai bộ phận cấm quân và quân địa phương.

3. Giải bài 3 trang 31 SGK Lịch sử 7

Hãy trình bày diễn biến của cuộc kháng chiến chống Tống do Lê Hoàn chỉ huy.

Phương pháp giải

Từ các kiến thức đã học và vào nội dung chính được trình bày ở mục 3 SGK trang 30 để trả lời.

- Năm 981 quân Tống tiến vào nước ta.

- Về phía Đại Cồ Việt:

+ Lê Hoàn chỉ huy cuộc kháng chiến.

+ Quân thủy của địch bị thất bại trên sông Bạch Đằng

- Quân ta truy kích và tiêu diệt → Quân Tống đại bại.

Hướng dẫn giải

* Về phía quân Tống:

- Năm 981, quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy theo hai đường thủy, bộ tiến vào nước ta.

+ Quân bộ theo đường Lạng Sơn

+ Quân thủy theo đường sông Bạch Đằng.

* Về phía quân Đại Cồ Việt:

- Lê Hoàn trực tiếp chỉ huy cuộc kháng chiến.

- Ông cho quân đóng cọc ở trên sông Bạch Đằng để ngăn chặn chiến thuyền địch. Quân thủy của địch bị thất bại trên sông Bạch Đằng sau nhiều trận chiến ác liệt.

- Trên bộ, do không thể kết hợp được với quân thủy và bị quân ta chặn đánh quyết liệt nên buộc phải rút quân về nước. Thừa thắng, quân ta truy kích và tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Quân Tống đại bại.

4. Giải bài 1 trang 34 SGK Lịch sử 7

Nguyên nhân nào làm cho nền kinh tế thời Đinh - Tiền Lê có bước phát triển?

Phương pháp giải

Dựa vào nội dung mục II SGK trang 32, 33 để trả lời.

Do các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế:

- Trong nông nghiệp: mở rộng diện tích đất trồng trọt, các công việc trị thủy, bảo vệ sức kéo,…

- Trong thủ công nghiệp: mở một số xưởng thủ công nhà nước

- Thương nghiệp: mở mang đường xá, thống nhất tiền tệ,...

Hướng dẫn giải

Nền kinh tế thời Đinh - Tiền Lê có bước phát triển là do các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế của nhà nước như:

- Trong nông nghiệp: tổ chức lễ cày “tịch điền”, khuyến khích nhân dân khai khẩn đất hoang, mở rộng diện tích đất trồng trọt, các công việc trị thủy, bảo vệ sức kéo,…

- Trong thủ công nghiệp: mở một số xưởng thủ công nhà nước, tập trung thợ giỏi trong nước về. Khuyến khích các nghề thủ công cổ truyền phát triển. Do đó, sản phẩm không những tăn về số lượng mà còn tăng cả về chất lượng.

- Thương nghiệp: tạo điều kiện cho thuyền buôn các nước vào nước ta trao đổi buôn bán, đặc biệt là biên giới Việt - Tống, mở mang đường xá, thống nhất tiền tệ,...

5. Giải bài 2 trang 34 SGK Lịch sử 7

Đời sống xã hội và văn hóa nước Đại Cồ Việt có gì thay đổi?

Phương pháp giải

Dựa vào các kiến thức đã học và nội dung mục 2 SGK trang 33, 34 để trả lời.

- Trọng dụng các nhà sư, xây dựng chùa chiền

- Mở các lò luyện võ, trai gái đều chuộng võ, ca hát, nhảy múa phát triển...

Hướng dẫn giải

Đời sống xã hội và văn hóa nước Đại Cồ Việt có nhiều thay đổi, tiêu biểu là:

- Các nhà sư được nhà nước trọng dụng, nhân dân kính trọng, chùa chiền được xây dựng ở nhiều nơi, thể hiện sự phát triển thịnh trị của đạo Phật.

- Vùng nào cũng có lò luyện võ, trai gái đều chuộng võ, ca hát, nhảy múa phát triển, các lễ hội được tiếp tục phát huy.

Đây là bước tiến quan trọng trong đời sống xã hội và văn hóa Đại Cồ Việt.

Ngày:20/09/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM