Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc (Tuần 17) Tiếng Việt 5

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em biết cách kể một câu chuyện đã nghe, đã đọc về những người biết sống đẹp, biết mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc (Tuần 17) Tiếng Việt 5

1. Nội dung bài học

- Kể một câu chuyện em đã nghe hay đã đọc về những người biết sống đẹp, biết mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác.

- Kể chuyện dựa trên dàn ý đã lập trước đó.

2. Câu hỏi và hướng dẫn giải

a. Câu hỏi: Hãy kể một câu chuyện em đã nghe hay đã đọc về những người biết sống đẹp, biết mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác.

b. Hướng dẫn giải:

- Gợi ý:

+ Mở bài:: Giới thiệu câu chuyện về người biết sống đẹp, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác mà em muốn kể:

  • Người đó là ai?
  • Câu chuyện đó là gì?

+ Thân bài: Kể chi tiết câu chuyện:

  • Đó là câu chuyện như thế nào?
  • Diễn biến của câu chuyện ra sao?
  • Kết thúc của câu chuyện như thế nào?

+ Kết bài: Cảm nghĩ câu chuyện của em về câu chuyện được nghe hay được đọc đó.

- Bài văn tham khảo:

+ Bài văn tham khảo số 1:

Người mẹ của em

Như bao buổi tối khác, hôm đó khi đã học xong bài, em nằm trong vòng tay mẹ để nghe mẹ kể chuyện. Mỗi ngày mẹ đều kể chuyện cho em nghe trước khi đi ngủ. Hôm ấy, mẹ không kể chuyện cổ tích, ngụ ngôn hay truyện cười. Mẹ kể chuyện của mẹ – một người trung thực.

Năm em học lớp 2, để có tiền nuôi em và các chị đi học, ngoài việc đồng áng mẹ còn tranh thủ đi mua sắt vụn nữa. Những buổi trưa, khi chuẩn bị cho 3 chị em bữa ăn sau giờ học, dặn dò từng đứa công việc buổi chiều, mẹ lại đạp xe đi đến từng nhà để mua giấy, nhựa, sắt… tất cả những gì có thể bán được không kể nắng mưa.

Mẹ kể: Có những hôm may mắn, vào gia đình người ta vừa có tiệc, mẹ mua được rất nhiều thứ, mẹ vui lắm vì lại có được thêm tiền cho các con mua thêm sách, vở. Nhưng cũng có những hôm, mẹ đến khi người ta ngủ trưa, có người tỏ ra cáu gắt, mẹ luôn bình tĩnh, nói lời xin lỗi và đi ra. Từ khi có nghề tay trái, mặc dù là buôn bán nhưng mẹ chưa để ai mất lòng.

Mẹ nhắc lại lần mẹ nhớ nhất: Hôm đó, trời cũng nắng chang chang, mẹ đang đi, có tiếng gọi: Sắt vụn, vào đây nhặt ít đồ, mẹ quay xe và vào nhặt những vỏ lon, sách cũ. Người phụ nữ bán đồ cho mẹ đã đi vào nhà, để cho mẹ tự phân loại rồi cân. Đang miệt mài phân loại giấy viết, giấy in, báo thì mẹ phát hiện một chiếc phong bì đã mở, bên ngoài có dòng chữ: Gửi con gái. Mẹ thấy bên trong vẫn có thư và hai tờ 200 nghìn. Mẹ đã biết đó là thư bố gửi cho con gái khi ông đi làm xa cùng với tiền chắc là cũng cho con mua sách vở hoặc nộp tiền học như trách nhiệm của mẹ với các con mình. Mặc dù số tiền đó bằng cả tháng mẹ đi gom sắt vụn nhưng mẹ hiểu tấm lòng của những người cha cũng đoán rằng người con vẫn dành dụm nên mẹ gọi người phụ nữ ra và trao lại cho bà.

Người phụ nữ ra nhận trong sự vui mừng và ngạc nhiên: Con gái tôi học Đại học, mỗi lần viết thư về, bố nó vẫn cho tiền để đóng học. Chắc nó để dành, lần sau về lấy, cảm ơn chị quá! Chị thật tốt bụng, cảm ơn chị rất nhiều.

Mẹ em cũng vui vẻ nói chuyện, kể về chúng tôi rồi trả tiền cho bà mặc dù bà không lấy coi như lời cảm ơn. Trước khi mẹ đi tiếp chặng đường, người phụ nữ ấy vẫn nói với theo: Cảm ơn chị, lần sau chị lại đến nhé, có gì bán được tôi sẽ để phần chị.

Mẹ kể lại câu chuyện về nghề sắt vụn của mình trong niềm vui, mẹ không nói với em bài học nhưng em biết mẹ muốn khuyên rằng: Sống phải giữ cho mình tấm lòng trong sạch, sự trung thực, không tham lam, dối trá. Em cũng đã ghi lại câu chuyện ấy vào sổ nhật ký của mình. Em rất ngưỡng mộ mẹ em.

(Sưu tầm)

+ Bài văn tham khảo số 2:

Cô bạn Na lớp em

Em đã được nghe, được đọc rất nhiều câu chuyện về những người biết sống đẹp, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác nhưng ấn tượng với em nhất có lẽ là câu chuyện Phần thưởng mà em đã được học hồi lớp 2.

Câu chuyện kể về một bạn nữ tên là Na, Na Là một cô bé rất tốt bụng hay giúp đỡ các bạn trong lớp. Khi thì Na gọt bút chì hộ Lan, cho bạn Minh mượn tẩy, thỉnh thoảng Na còn trực nhật giúp những bạn bị mệt,… Na chỉ buồn một chuyện đó là mình học chưa giỏi. Năm học kết thúc các bạn trong lớp thi nhau bàn luận xem mình sẽ được danh hiệu gì, chỉ có Na là ngồi im một góc buồn vì biết mình chỉ được học lực trung bình. Vào giờ ra chơi các bạn trong lớp xúm vào bàn bạc một chuyện bí mật rồi kéo nhau đến gặp cô giáo. Cô mỉm cười khen ý kiến của các bạn rất hay.

Lễ tổng kết năm học đến, các bạn học sinh giỏi vui vẻ bước lên bục giảng để nhận phần thưởng. Bất ngờ cô giáo nói: “Bây giờ, cô sẽ trao cho bạn Na một phần thưởng đặc biệt mà cả lớp đề nghị tặng cho bạn Na. Bạn Na tuy học chưa giỏi nhưng có một tấm lòng rất đáng biểu dương.”. Lúc đó Na đã hết sức ngạc nhiên, hai má đỏ bừng, mắt sáng long lanh vì cảm động và bước lên bục giảng nhận phần thưởng giữa tiếng hoan hô vang dội.

Câu chuyện này đã giúp em hiểu được chúng ta cần phải đề cao lòng tốt, khuyến khích các bạn học sinh và tất cả mọi người cần phải sống đẹp, thường xuyên làm điều tốt.

(Sưu tầm)

3. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Biết cách kể một câu chuyện đã nghe hay đã đọc.

- Trau dồi thêm một số từ ngữ phong phú.

Ngày:16/11/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM