Phân tích hai câu luận và hai câu kết bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương

Trong bài thơ Tự tình 2, nữ sĩ Hồ Xuân Hương không chỉ thể hiện cái xót xa cho số phận hẩm hiu, tình duyên không trọn vẹn mà còn mạnh mẽ thể hiện khát vọng muốn vượt thoát khỏi hoàn cảnh éo le thực tại. Bài văn mẫu Tự tình 2 sẽ giúp các bạn hiểu hơn về khát vọng chính đáng nhưng cũng rất táo bạo này. Mời các em cùng tham khảo.

Phân tích hai câu luận và hai câu kết bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương

1. Dàn ý phân tích hai câu luận và hai câu kết bài Tự tình 2

Mở bài

  • Giới thiệu tác giả, tác phẩm bài thơ Tự tình 2.
  • Giới thiệu vị trí của đoạn trích (2 câu luận và 2 câu kết bài Tự tình).

Thân bài

- Hai câu luận

“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám.

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.”

  • Thể hiện cảnh thiên nhiên sôi động, tươi đẹp.
  • Thể hiện sự kháng cự dữ dội, mãnh liệt của tác giả.

- Hai câu kết

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con!”

  • Ngán ngẩm trước sự trở lại của mùa xuân, khi mùa xuân đến cũng là lúc tuổi xuân ra đi.
  • Chán chường trước sự chia sẻ tình yêu.

Kết bài

Nêu cảm nhận của em về bài thơ Tự tình 2 nói chung và hai câu luận, hai câu kết bài thơ Tự tình 2 nói riêng.

2. Phân tích hai câu luận và hai câu kết bài Tự tình 2

Trong hệ thống những bài thơ mang chứa tâm sự của Hồ Xuân Hương, “Tự tình 2” là một trong những bài thơ hay nhất. Bài thơ thể hiện nỗi buồn, nỗi cô đơn thấm thía của người yêu đời, tràn đầy sức sống nhưng gặp cảnh ngộ éo le, một con người luôn khao khát tình yêu nhưng chỉ gặp toàn dang dở, bất hạnh. Đó còn là sự bất hạnh của một mơ ước không thành.

Hai câu luận là hình ảnh của tâm tư dậy sóng:

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

Tác giả đã dùng động từ mạnh: xiên ngang, đâm toạc để miêu tả một thiên nhiên đầy sức sống. Biện pháp đảo ngừ đã nhấn mạnh hành động dữ dội trong nỗi bi phẫn sâu xa. Đó cũng là hình ảnh ẩn dụ cho cái tôi khao khát bứt phá cái giới hạn của người phụ nữ và muôn xé toạc cái thành kiến đóng váng cả ngàn năm phong kiến để tự khẳng định mình, để tìm đến chân trời dân chủ và hạnh phúc. Cái “tôi” không chịu an phận, chủ động đi tìm hạnh phúc thật là mới mẻ. Tính cách này còn được thể hiện ở bài thơ khác:

Giơ tay với thử trời cao thấp,

Xoạc cẳng do xem đất vắn dài.

Khát khao cũng chỉ là khao khát, nhà thơ quay về thực tại để đối diện với thân phận:

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con.

Những người có ý thức về giá trị sự sống thường rất sợ thời gian. Thời gian qua mau mà cuộc đời mãi quạnh hiu chẳng có thay đổi gì, cơ hội tìm kiếm hạnh phúc càng khó. Từ xuân có hai nghĩa: mùa xuân và tuổi xuân. Mùa xuân của đất trời tuần hoàn lặp lại còn tuổi xuân sẽ mãi ra đi. Trong tình cảnh này, lòng người càng thêm chán ngán:

Ngày xuân tuổi hạc càng cao

Non xanh nước biếc càng ngao ngán lòng

(Nguyễn Khuyến)

Từ ngán đặt ở đầu câu với trọng âm của nó có ý nghĩa nhấn mạnh tâm trạng chán chường. Từ lại thứ nhất là trợ từ có nghĩa là thêm lần nữa, từ lại thứ hai là động từ. nghĩa là trở về. Cụm từ xuân lại lại mang ý nghĩa biểu cảm tâm trạng đang bị dày vò, day rứt. Trong khi ấy mảnh tình đã nhỏ mà cũng phải san sẻ nên chi còn tí con con. Từ láy cỏn con là quá nhỏ còn điệp từ con con là nhỏ dần, đến lúc sẽ chẳng còn thấy nữa. Nên biện pháp tăng tiến trong câu thơ cho thấy thân phận làm lẽ thật tội nghiệp, hạnh phúc đang hao mòn dần và dự báo sẽ chẳng còn.

Qua bài thơ này, ta càng thấy rõ Hồ Xuân Hương đã đưa ngôn ngữ dân gian, tiếng nói đời thường vào lời ca, bình dị hoá và Việt hoá thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Bà xứng đáng là "Bà chúa thơ Nôm" của nền thi ca dân tộc.

3. Em hãy viết đoạn văn ngắn cảm nhận về hai câu luận và hai câu kết của bài Tự tình 2 

Cặp câu thứ ba của bài đã bộc bạch niềm khát khao mãnh liệt của con người. Những sinh vật bé mọn như “rêu”, “đá” phải mọc “xiên ngang mặt đất” và “đâm toạc chân mây” như một cách để phản kháng lại ngoại cảnh mà sinh tồn. Dường như tác giả đã mượn hình ảnh ấy để nói thay tâm trạng của mình.

Cặp câu có sử dụng những hình ảnh mạnh mẽ, từ ngữ độc đáo đã gián tiếp thể hiện một tâm hồn tràn đầy sức sống và niềm khao khát mãnh liệt của nữ sĩ họ Hồ. Dù trong nghịch cảnh, dù chịu sự đè nén, vùi dập nhưng vẫn kiên cường, bản lĩnh.

Hai câu thơ cuối chính là điểm nhấn của việc cảm nhận bài thơ Tự tình một sự thể hiện rõ rệt tâm trạng chán ngán, sầu tủi trước cuộc đời. Trong khi “xuân đi” rồi “xuân lại lại”, tạo hóa vẫn xoay vần như ngàn đời vẫn thế nhưng tuổi xuân với con người một khi đã qua thì không bao giờ trở lại nữa.

Câu thơ cuối cùng giúp người đọc dễ hình dung là bài thơ mang tâm trạng của một thân phận làm lẽ. Nói thế là bởi vì “mảnh tình” đã bé lại còn phải “san sẻ” rồi trở thành “tí con con” thì thật chua cay, đáng thương. Câu thơ kết lại khiến người đọc cảm thấy xót xa, mủi lòng của những “cái hồng nhan” trong xã hội phong kiến xưa khi phải chịu cảnh chồng chung. Đối với họ, có lẽ hạnh phúc thật hẹp, người này đủ đầy thì kẻ khác lại lạc lõng, bơ vơ.

Ngày:09/08/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM