Phân tích và cảm nhận nhân vật Đan Thiềm trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (trích Vũ Như Tô) - Nguyễn Huy Tưởng

eLib xin gửi đến các em nội dung bài văn mẫu dưới đây nhằm giúp các em có thể hiểu hơn về nhân vật Đan Thiềm trong đoạn trích "Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài", đây là nhân vật phụ nhưng cũng góp phần tạo kịch tính và ý nghĩa cho đoạn trích. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Phân tích và cảm nhận nhân vật Đan Thiềm trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (trích Vũ Như Tô) - Nguyễn Huy Tưởng

1. Dàn ý phân tích nhân vật Đan Thiềm trong đoạn trích "Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài" (trích Vũ Như Tô) - Nguyễn Huy Tưởng

a. Mở bài:

- Giới thiệu, dẫn dắt vào phân tích nhân vật Đan Thiềm.

- Vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng ra đời như góp thêm một tiếng nói bênh vực cho quan điểm "nghệ thuật vị nhân sinh".

- Trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, ngoài nhân vật chính là Vũ Như Tô người ta còn thấy xuất hiện một nhân vật khác, đại diện cho những con người yêu nghệ thuật, nhưng chỉ thuần túy "nghệ thuật vị nghệ thuật", vì nó mà hy sinh tất cả, cuối cùng lại vỡ mộng, đó là bi kịch của những con người sống tách biệt giữa cuộc đời và nghệ thuật.

- Vị trí: Tuy là nhân vật phụ nhưng góp phần tô đậm nhân vật Vũ Như Tô và làm rõ tư tưởng chủ đạo của tác phẩm.

- Đây là người cung nữ say mê cái đẹp, trân trọng người tài; thấu hiểu lẽ đời nhưng gặp phải bi kịch.

b. Thân bài:

- Hoàn cảnh cuộc đời của Đan Thiềm:

+ Đan Thiềm là người duy nhất đồng hành cùng với lý tưởng của Vũ Như Tô.

+ Là một nhân vật bi kịch, bi kịch từ chính cuộc đời "cung nữ bị bỏ quên" của mình.

- Đan Thiềm là người có tấm lòng "biệt nhỡn liên tài":

+ Khuyên Vũ Như Tô đừng chạy trốn mà hãy ở lại lợi dụng uy quyền và tiền bạc của Lê Tương Dực để có cơ hội bộc lộ tài năng, để xây dựng một kiệt tác nghệ thuật.

+ Kết kịch phần nằm trong trích đoạn Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, Đan Thiềm lại ra sức khuyên Vũ Như Tô trốn đi, phải có đến hai mươi lần bà giục ông chạy trốn.

=> Bảo vệ Vũ Như Tô khỏi cái chết, bảo vệ tài năng của ông khỏi sự tận diệt, tấm lòng quý trọng nhân tài và trí tuệ của Đan Thiềm thực khiến người ta cảm động.

+ Cam lòng chịu chết để bảo vệ Vũ Như Tô và Cửu Trùng Đài.

- Là người phải chịu chung bi kịch vỡ mộng với Vũ Như Tô:

+ Có lý tưởng về một công trình kiến trúc hoàn hảo, là niềm tự hào của nhân dân mãi muôn nghìn sau, thế nhưng bà không biết được rằng cái nghệ thuật trong mắt bà đã trở thành bi kịch cho vô số con người, vô số gia đình trong đó có cả bà và Vũ Như Tô.

+ Bị rơi vào cái vòng thị phi, bị thiên hạ phỉ nhổ đánh giá là "gian phu dâm phụ", là người phụ nữ không đoan chính, trên mê hoặc vua dưới thì gian díu với Vũ Như Tô.

=> Phải chịu chết oan ức, phải tận mắt chứng kiến Cửu Trùng Đài bị đốt phát tan tành và Vũ Như Tô, tài năng mà bà hết lòng bảo vệ cũng bị đưa ra pháp trường.

c. Kết bài:

- Nhận xét và nêu ý nghĩa về nhân vật Đan Thiềm.

- Cảm nhận của em về nhân vật Đan Thiềm.

2. Phân tích nhân vật Đan Thiềm trong đoạn trích "Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài" (trích Vũ Như Tô) - Nguyễn Huy Tưởng

So sánh một chút để thấy được những tấm lòng yêu nghệ thuật, vì nghệ thuật trong văn học Việt Nam. Nếu như viên quản ngục trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân say mê cái đẹp là nét chữ ông Huấn và biết trân trọng người tài thì Đan Thiềm nữ nhân vật phụ trong vở kịch “Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng cũng là một con người như vậy. Dù chỉ là một cung nữ hầu hạ vua nhưng cô có trái tim khao khát cái đẹp, biết quý trọng người tài đáng tiếc lại gặp phải bi kịch trong đời. Sự xuất hiện của cô có ý nghĩa với Vũ Như Tô cũng như cả câu chuyện đặc biệt là trong đoạn trích “Vĩnh biệt cửu trùng đài”.

Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng thành công nhân vật Đan Thiềm, đây là người duy nhất đồng hành cùng với lý tưởng của Vũ Như Tô, lý tưởng xây dựng một tòa lâu đài vĩ đại "bền như trăng sao", có thể "tranh tinh xảo với hóa công" cho "dân ta nghìn thu còn hãnh diện". Bà cũng có thể được coi là một nhân vật bi kịch, bi kịch từ chính cuộc đời "cung nữ bị bỏ quên" của mình, vốn là người phụ nữ có nhan sắc, có trí tuệ, nhưng dưới thời vua Lê Tương Dực - vị vua nổi tiếng hoang dâm, trác táng, bấy nhiêu sự ưu tú ấy vẫn chẳng thể níu lấy quân tâm dài lâu. Thất sủng, đối với phụ nữ chốn thâm cung chính là bi kịch vô cùng đau khổ, bởi suốt quãng đời còn lại phải chịu héo mòn, cô độc trong bốn bức tường son lạnh lẽo khôn cùng. Đang trong lúc tuyệt vọng, chán chường thì cơ duyên khiến Đan Thiềm bắt gặp Vũ Như Tô một nhà kiến trúc tài năng bậc nhất, thế nhưng vẫn chưa có cơ hội để bộc lộ tài và trí tuệ của mình. Với tấm lòng "biệt nhỡn liên tài", Đan Thiềm có tấm lòng kính trọng đặc biệt với Vũ Như Tô, tương tự như cái cách mà Viên quản ngục đối đãi với Huấn Cao vậy. Điều ấy trước hết thể hiện ở việc bà khuyên Vũ Như Tô đừng chạy trốn mà hãy ở lại lợi dụng uy quyền và tiền bạc của Lê Tương Dực để có cơ hội bộc lộ tài năng, để xây dựng một kiệt tác nghệ thuật, vì nhân dân vì đất nước mãi nghìn sau, đồng thời lời khuyên ấy cũng là để bảo vệ Vũ Như Tô bởi việc trốn đi ấy chắc chắn là không thành mà chỉ có cái chết đang trực chờ, một con người tài hoa mà lại phải chết khi tên tuổi còn chưa được tỏa sáng, đối với Đan Thiềm và với cả Vũ Như Tô đều là bi kịch. Trái ngược với lời khuyên lúc bắt đầu vở kịch thì kết kịch phần nằm trong trích đoạn Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, Đan Thiềm lại ra sức khuyên Vũ Như Tô trốn đi, phải có đến hai mươi lần bà giục ông chạy trốn như vậy. Nhưng tóm lại rằng, dù là lời khuyên đi hay ở mục đích cuối cùng của Đan Thiềm là bảo vệ Vũ Như Tô khỏi cái chết, bảo vệ tài năng của ông khỏi sự tận diệt, tấm lòng quý trọng nhân tài và trí tuệ của Đan Thiềm thực khiến người ta cảm động.

Khi đám thợ thuyền cùng đám tạo phản làm loạn, truy tìm Vũ Như Tô đến cùng thì cô là người hoảng loạn “hớt hơ hớt hải, mặt bà cắt không còn hột máu” nhanh chóng báo tin và khẩn khoản khuyên Vũ Như Tô hãy bỏ trốn bởi lo cho tài năng của ông sẽ bị bỏ phí, với tấm lòng chân thành chân thật Đan Thiềm hết lời khuyên nhủ, chắp tay van xin , van nài và có khi là hoảng hốt thúc giục Vũ Như Tô chỉ xin ông hãy trốn đi nếu không bọn chúng bắt được thì nguy. Bị bắt cô sẵn sàng quỳ gối cầu xin bọn chúng tha chết cho ông, sẵn sàng đem thân mình để chết thay cho Vũ Như Tô. Hiếm có người cung nữ nào lại sẵn lòng làm được điều đó chỉ vì yêu quý cái đẹp và mến mộ nhân tài. Tình yêu của nàng đối với cái đẹp và người tài xuất phát từ tấm lòng yêu mến của một người con yêu nước có tinh thần tự tôn dân tộc, cô muốn mình có thể giúp nhà kiến trúc ấy hoàn thành công trình điểm tô đất nước.

Đan thiềm còn là một người khéo léo, có suy nghĩ thấu đáo và nhận thức rõ được thời thế lúc bấy giờ. Ngay từ chi tiết nàng thuyết phục được nhà kiến trúc họ Tô xây dựng cửu trùng đài cho thấy tài năng của cô cung nữ có tầm nhìn xa trông rộng. Vũ Như Tô từ chối quyết không xây Cửu Trùng Đài thì sớm muộn cũng bị vua ép vào tội làm phản và bị giết chết vậy sao không nhân cơ hội khuyên ông Tô xây dựng công trình kiến trúc tuyệt mĩ “xây cho nòi giống một tòa đài hoa lệ, thách thức cả công trình trước sau, tranh tinh xảo với hóa công”. Chính cô cũng là người lí giải nguyên nhân cho Vũ Như Tô hiểu tại sao nhân dân căm ghét ông và cửu trùng đài là bởi “ai ai cũng cho ông là thủ phạm. Vua xa xỉ là vì ông, công khố hao hụt là vì ông, dân gian lầm than là vì ông, man di oán hận là vì ông, thần nhân trách móc là vì ông” Đan Thiềm thật sáng suốt khi nhận thức rõ mâu thuẫn của nhân dân với Vũ Như Tô. Vậy mà ông Tô quyết một lòng sống chết cùng cửu trùng đài đứng ở một góc độ nào đó ta thấy ông là người có bản lĩnh quân tử nhưng xét trên hoàn cảnh thực tại Vũ Như Tô thật ngang ngược, bảo thủ và mù quáng vô cùng.

Đan Thiềm đã “giúp”, đã “thương" Vũ Như Tô, bà ta đã quý trọng tài năng người thợ giỏi, bà ta muốn bảo vệ Cửu Trùng Đài, nhưng bà ta có biết hay không vì Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài mà công khố hao hụt, dân gian lầm than! Xét cho cùng, Đan Thiềm cũng là một “đồng thủ phạm” với Vũ Như Tô, là kẻ đã “gây mầm tai họa”.

Kết thúc tác phẩm người ta muốn nhấn mạnh rằng nghệ thuật không phải là sự lừa dối. Nghệ thuật cũng không chỉ để thỏa mãn cuộc sống xa hoa, ăn chơi trụy lạc của những vua quỷ, vua lợn, của bọn cường quyền, của một thiểu số người trong xã hội. Nghệ thuật không phải là cái bánh vẽ. Nghệ thuật càng không thể gây đau khổ cho dân chúng. Và những chuyện đại sự quốc gia không phải ai cũng có thể can dự vào. Đó là bài học, không chỉ cho những Đan Thiềm xưa nay mà còn là những điều cần suy nghĩ nghiêm túc cho bất cứ ai trong xã hội. Bởi vậy, Đan Thiềm là một nhân vật đáng thương.

Có thể thấy nhân vật Đan Thiềm là người phụ nữ có những đức tính rất đáng trân trọng, trước hết ta quý trọng bà về lòng yêu và trân trọng cái đẹp, trân trọng nhân tài Vũ Như Tô, thế nhưng kết cục của bà, bi kịch vỡ mộng của bà chính là một kết cục mang tính tất yếu. Nói như vậy bởi vì Đan Thiềm mến mộ, trân trọng vô cùng cái tài của Vũ Như Tô, nhưng đáng tiếc rằng ông chỉ là thiên tài chứ không phải hiền tài, thứ nghệ thuật ông theo đuổi không hề gắn liền với nhân dân, vì nhân dân mà thậm chí là chà đạp lên tính mạng của con người, Cửu Trùng Đài càng cao, càng đẹp thì càng xa rời cuộc sống, càng chất chồng tội lỗi của Vũ Như Tô. Cả Đan Thiềm và Vũ Như Tô đều đắm chìm vào lý tưởng tuyệt mỹ, nhưng bỏ quên mất cái tuyệt thiện thế nên lý tưởng ấy dẫu có đẹp cũng chính là con đường dẫn tới bi kịch cuối cùng.

3. Cảm nhận về nhân vật Đan Thiềm trong đoạn trích "Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài" (trích Vũ Như Tô) - Nguyễn Huy Tưởng

Để xây dựng thành công nên đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài cần phải có cả tuyến nhân vật chính và nhân vật phụ, ngoài nhân vật chính là Vũ Như Tô ta còn phải nhắc đến Đan Thiềm, một người say mê và tôn thờ cái tài mãnh liệt. Dù Đan Thiềm chỉ là nhân vật phụ nhưng đã góp phần tô đậm nhân vật trung tâm và làm nổi bật tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.

Nhân vật Vũ Như Tô được biết đến là con người vì nghệ thuật mà quên đi tất cả, kể cả bản thân mình, Vũ Như Tô có niềm đam mê, khao khát cái đẹp, sẵn sàng chết vì nghệ thuật, thì Đan Thiềm lại là người khao khát, say mê và trân trọng cái tài “mê đắm người có năng lực siêu việt”. Ban đầu, Vũ Như Tô không đồng ý xây dựng Cửu Trùng Đài, bởi đó là trốn ăn chơi sa hoa của vua Lê Tương Dực. Nhưng bằng lời khuyên chân thành của Đan Thiềm, hãy lợi dụng tiền bạc của Lê Tương Dực xây dựng Cửu Trùng Đài để dân tộc có một tuyệt tác tranh tinh xảo với hóa công. Cái đẹp mà nàng ta tôn thờ là cái đẹp có thể lưu giữ đến muôn đời, đó là lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Vì quá đam mê cái tài, cái đẹp mà Vũ Như Tô sáng tạo ra, người cung nữ ấy đã không ngại những hiểm nguy, thị phi, điều tiếng mà hết lòng giúp đỡ, bảo vệ Vũ Như Tô. Nếu như Vũ Như Tô chìm đắm trong giấc mộng nghệ thuật mà quên đi thực tại khắc nghiệt thì Đan Thiềm lại là một con người thức thời, tỉnh táo có khả năng nhận thức thời thế, hiểu đời , hiểu người.

Đan Thiềm là người phụ nữ xinh đẹp, thức thời nhưng lại mang số phận “hồng nhan bạc phận”, đến cuối cuộc đời mình bà lại một lần nữa rơi vào bi kịch lớn nhất cuộc đời mình vì cái tài, cái đẹp. Để bảo vệ cho Vũ Như Tô, Đan Thiềm đã không màng đến tự trọng, an nguy của bản thân mà van lơn đám quân khởi loạn nhưng đau đớn thay, trước những lời van xin của nàng, đám quân khởi loạn càng trở nên hung bạo, mắng chửi nàng bằng những lời lẽ tàn nhẫn nhất. Tuy nhiên, đau khổ nhất trong trái tim Đan Thiềm không phải bị xỉ nhục mà chính là nỗi tuyệt vọng bởi dù nàng có cầu xin như thế nào Vũ Như Tô vẫn một mực cố chấp không chịu bỏ trốn. Cái đẹp, cái tài mà nàng trân trọng cuối cùng đã bị tiêu diệt, giấc mộng bản thân tan vỡ. Tiếng than cuối cùng của nàng thật đau đớn, tuyệt vọng “Ông Cả…Vĩnh biệt”.

Đan Thiềm quá thương Vũ Như Tô, quá quý trọng cái tài của Vũ Như Tô mới có ngôn từ và cách hành xử ấy. Nhưng tình cảnh đất nước loạn lạc, vua thì xa xỉ, hoang dâm, nhân dân lầm than đau khổ, một trong những "thủ phạm” làm cho dân chúng oán hận là Vũ Như Tô, kẻ đã xây Cửu Trùng Đài, bà ta có biết hay không? Trước dư luận, trước những lời khen chê của đồng loại (dù đó là lời thị phi) thì cũng phải biết lắng tai nghe mà suy ngẫm. Nhưng Đan Thiềm vẫn bỏ ngoài tai tất cả, Thậm chí cho đến lúc đầu sắp lìa cổ vẫn lẩn thẩn, u mê!

Để khắc họa rõ nét nội dung đoạn trích, thành công về mặt nghệ thuật, tác giả đi sâu vào miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật hết sức sinh động và đầy xúc động của nhân vật Đan Thiềm. Đặt nhân vật vào tình huống kịch đẩy lên cao trào, căng thẳng đến tột độ, đã góp phần bộc lộ tính cách của nhân vật đó là con người “biệt nhỡn liên tài” sẵn sàng dùng cái chết để bảo vệ người tài. Ngôn ngữ nhân vật mang tính tổng hợp cao, đặt nhân vật vào nhiều mối quan hệ, khiến nhân vật đa dạng trong tính cách, tâm trạng. Nhân vật đã góp phần đẩy xung đột kịch lên cao trào, góp phần làm nổi bật tài năng, bi kịch của nhân vật chính - Vũ Như Tô và giúp tác giả làm nổi bật chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.

Dường như nhân vật Đan Thiềm chính là nhân vật đáng thương nhất trong đoạn trích, Nguyễn Huy Tưởng đã bày tỏ niềm tiếc thương cũng như trân trọng sâu sắc trước tài năng cũng như số phận của nhân vật. Đồng thời qua nhân vật này ông cũng làm sâu sắc thêm quan điểm nghệ thuật của mình, nghệ thuật phải gắn với cuộc sống mới có thể tồn tại lâu bền.

Ngày:02/10/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM