Quê hương - Tế Hanh Ngữ văn 8

Tài liệu dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được tình yêu quê hương thắm thiết của Tế Hanh. Từ đó, các em có thái độ yêu quý, trân trọng những vẻ đẹp bình dị của quê hương, đất nước mình. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Quê hương - Tế Hanh Ngữ văn 8

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Tác giả Tế Hanh sinh năm 1921 tên khai sinh Trần Tế Hanh.

- Quê: Quảng Ngãi.

- Là nhà thơ góp mặt ở chặng cuối của phong trào thơ mới với những bài thơ mang nặng nỗi buồn và tình yêu quê hương thắm thiết.

- Sau năm 1975 ông chuyển sang sáng tác phuch vụ cách mạng. Những bài thơ của ông thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết và khao khát Tổ quốc được thống nhất.

- Năm 1996, ông được nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học Nghệ thuật.

1.2. Tác phẩm

- Bài thơ sáng tác năm 1939, là bài thơ mở đầu cho nguồn cảm hứng viết về quê hương của nhà thơ Tế Hanh.

- Bố cục: Bài thơ có thể chia thành ba phần:

+ Phần 1: 8 câu thơ đầu: Cảnh thuyền ra khơi đánh cá.

+ Phần 2: 8 câu tiếp: Đoàn thuyền đánh cá trở về bến.

+ Phần 3: 4 câu còn lại: Nỗi nhớ quê hương của nhà thơ.

2. Đọc hiểu văn bản

2.1. Cảnh thuyền ra khơi đánh cá

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông

- Hai câu thơ đầu bằng từ ngữ mộc mạc, bình dị, tự nhiên, ngắn gọn, đầy đủ, tác giả cung cấp thông tin về quê hương ven biển của mình về nghề và đặc điểm địa lí của nghề chài lưới, như hòn đào nhỏ bị nước bao vây, cách biển nửa ngày sông.

Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá

- Để khắc họa thành ông hình ảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi đầy hứng khởi để đón một ngày mới đầy cá tôm thì tác giả đã sử dụng một loạt từ ngữ mang tính chất liệt kê khung cảnh, không gian thanh bình, tươi đẹp của cảnh biển vào buổi sáng. "Gió nhẹ", "sớm mai hồng" là những gì còn neo giữ trong lòng của tác giả khi nhớ về quê hương. Và một hoạt động vẫn diễn ra đầu ngày là "bơi thuyền đi đánh cá" được tác giả vẽ nên rất nhẹ nhàng nhưng khỏe khoắn.

Chiếc thuyền hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang

- Nghệ thuật: So sánh, dùng động từ, tính từ mạnh (hăng, phăng vượt để miêu tả hoạt động của con thuyền).

- Miêu tả khí thế dũng mãnh của con thuyền ra khơi sức sống mãnh mẽ, vẻ đẹp hùng tráng đầy hấp dẫn.

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió

- Một hình ảnh bình dị, thân quen như cánh buồm nhưng trong thơ của Tế Hanh lại có hồn, đậm chất thơ.

- Ngoài những biện pháp liệt kê, sử dụng động từ mạnh để khắc họa đoàn thuyền đánh cá ra khơi thì Tế Hanh còn sử dụng kết hợp thủ pháp nghệ thuật so sánh cánh buồm "như mảnh hồn làng" có sức gợi rất sâu sắc, bởi rằng đối với những người làm nghề chài lưới thì cánh buồm chính là biểu tượng cho cuộc sống của họ.

-> Chính sự so sánh của Tế Hanh đã mang đến cho người đọc một khung cảnh đầm ấm, khung cảnh ấy chở theo hi vọng của người dân làng chài. Một sự so sánh hữu hình và vô hình đã làm nên sự sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời. Con thuyền đã mang theo cả tin yêu, hạnh phúc và hi vọng của những người dân nơi đây.

2.2. Đoàn thuyền đánh cá trở về bến

Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về

Nhờ ơn giời biển lặng cá đầy ghe

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng

- Từ láy tượng hình tượng thanh,tả không khí náo nhiệt đầy ắp niềm vui đón nhận thành quả lao động to lớn.

- Lời cảm tạ trời yên biển lặng cho dân làng trở về an toàn, thắng lợi "cá đầy ghe".

=> Chúng ta có thể nhận thấy khi đoàn thuyền đánh cá ra khơi và đã trở về trong niềm hi vọng là cá đầy thuyền của dân làng. Tế Hanh đã khắc họa nên hình ảnh dân làng "ồn ào", "tấp nập" đã phần nào tái hiện được không khí vui tươi và phấn khởi của người dân chài sau một ngày hoạt động hết công suất. Những con cá "tươi ngon" nằm im lìm là những thành quả mà họ đạt được.

2.3. Nỗi nhớ quê hương của nhà thơ

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

Màu nước xanh, cá bạc, chiếc thuyền vôi

Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi

Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá

- Nhớ những hình ảnh quen thuộc của làng quê (Màu nước, cá bạc, chiếc buồm vôi, nhớ mùi nồng mặn của biển...).

- Nghệ thuật: Câu cảm thán, phép liệt kê.

- Màu của quê hương là những màu tươi sáng nhất, gần gũi nhất. Tế Hanh yêu nhất những hương vị đặc trưng quê hương đầy sức quyến rũ và ngọt ngào.

=> Bằng nỗi nhớ quê hương da diết cùng tình yêu quê hương sâu đậm Tế Hanh đã tái hiện nên những hình ảnh bình dị của quê hương. Chất thơ của Tế Hanh bình dị như con người ông, bình dị như những người dân quê ông, khoẻ khoắn và sâu lắng. Từ đó toát lên bức tranh thiên nhiên tươi sáng, thơ mộng và hùng tráng từ đời sống lao động hàng ngày của người dân.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Thiên nhiên, lao động, sinh hoạt toát lên vẻ đẹp trong sáng, khoẻ khoắn vừa chân thực, vừa lãng mạn.

- Về nghệ thuật:

+ Thơ trữ tình biểu cảm kết hợp miêu tả.

+ Hình ảnh thơ sáng tạo.

+ Biện pháp so sánh, nhân hóa.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy sưu tầm những bài thơ viết về quê hương của những nhà thơ khác.

Gợi ý trả lời:

a. Bài 1:

Quê hương là một tiếng ve

Lời ru của mẹ trưa hè à ơi

Dòng sông con nước đầy vơi

Quê hương là một góc trời tuổi thơ

Quê hương ngày ấy như mơ

Tôi là cậu bé dại khờ đáng yêu

Quê hương là tiếng sáo diều

Là cánh cò trắng chiều chiều chân đê

Quê hương là phiên chợ quê

Chợ trưa mong mẹ mang về bánh đa

Quê hương là một tiếng gà

Bình minh gáy sáng ngân nga xóm làng

Quê hương là cánh đồng vàng

Hương thơm lúa chín mênh mang trời chiều

Quê hương là dáng mẹ yêu

Áo nâu nón lá liêu siêu đi về

Quê hương nhắc tới nhớ ghê

Ai đi xa cũng mong về chốn xưa

Quê hương là những cơn mưa

Quê hương là những hàng dừa ven kinh

Quê hương mang nặng nghĩa tình

Quê hương tôi đó đẹp xinh tuyệt vời

Quê hương ta đó là nơi

Chôn rau cắt rốn người ơi nhớ về.

Nguyễn Đình Huân

b. Bài 2:

Tôi thầm nhớ một miền quê

Ước mơ thăm lại trở về tuổi thơ

Đồng xanh bay lả cánh cò

Hương sen tỏa ngát mộng mơ những chiều

Vi vu gió thổi sáo diều

Bóng ai như bóng mẹ yêu đang chờ?

Dòng sông, bến nước, con đò

Có người lữ khách bên bờ dừng chân

Xa xa vẳng tiếng chuông ngân

Bờ tre cuối xóm trong ngần tiếng chim

Tuổi thơ thích chạy trốn tìm

Cây đa giếng nước còn in trăng thề

Xa rồi nhớ mãi miền quê

Trong tim luôn nhắc trở về ngày xưa…

Đức Trung

c. Bài 3:

Trở về tìm mái nhà quê

Tìm hình bóng mẹ bộn bề nắng mưa

Tìm nắng xuyên ngọn cây dừa

Tìm hương mạ mới gió lùa thơm tho

Tìm đàn trâu với con đò

Áo bà ba mẹ câu hò trên sông

Nón lá nghiêng nắng nước ròng

Miền quê khó nhọc con còng con cua

Lục bình tim tím mùa mưa

Bồng bềnh một khúc sông khua mái chèo

Khói lên cháy bếp nhà nghèo

Con gà cục tác con mèo quẫy đuôi

Heo gà chạy ngược chạy xuôi

Chân bùn tay lấm nụ cười chân quê

Cánh cò trắng xóa vọng về

Ngân nga vọng cổ bốn bề thiên nhiên

Đậm đà ký ức giao duyên

Xương cha máu mẹ dịu hiền ca dao

Con dù biền biệt phương nào

Quê hương một dạ dạt dào khó phai.

Hoàng Thanh Tâm

Câu 2: Em hãy viết đoạn văn nêu cảm nhận của bản thân về bài thơ "Quê hương" của Tế Hanh.

Gợi ý trả lời:

Bài thơ "Quê hương" của Tế Hanh mang đến cho người đọc một bức tranh bình dị về quê hương, ẩn sâu trong bức tranh ấy chính là một tình yêu sâu nặng với quê hương. Với tâm hồn bình dị, Tế Hanh xuất hiện trong phong trào Thơ mới nhưng lại không có những tư tưởng chán đời, thoát li với thực tại, chìm đắm trong cái tôi riêng tư như nhiều nhà thơ thời ấy. Thơ Tế Hanh là hồn thi sĩ đã hoà quyện cùng với hồn nhân dân, hồn dân tộc, hoà vào “cánh buồm giương to như mảnh hồn làng”.“Quê hương” - hai tiếng thân thương, quê hương - niềm tin và nỗi nhơ,ù trong tâm tưởng người con đất Quảng Ngãi thân yêu - Tế Hanh - đó là những gì thiêng liêng nhất, tươi sáng nhất. Bài thơ với âm điệu khoẻ khoắn, hình ảnh sinh động tạo cho người đọc cảm giác hứng khởi, ngôn ngữ giàu sức gợi vẽ lên một khung cảnh quê hương “rất Tế Hanh”.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Học sinh cảm nhận được nguồn cảm hứng lớn trong thơ Tế Hanh nói chung và ở bài thơ Quê hương nói riêng: tình quê hương đằm thắm.

- Hình ảnh khoẻ khoắn, đầy sức sống của con ngừi và sinh hoạt lao động ; lời thơ bình dị , gợi cảm xúc trong sáng tha thiết.

- Học sinh nhận biết tác phẩm thơ lãng mạn.

- Đọc diễn cảm tác phẩm thơ.

- Phân tích được những chi tiết miêu tả, biểu cảm đặc sắc trong bài thơ.

- Giáo dục cho học sinh tình yêu quê hương đất nước, trân trọng những vẻ đẹp bình dị của quê hương.

Ngày:15/12/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM