Soạn bài Bài ca nhà tranh bị gió thu phá Ngữ văn 7 đầy đủ

eLib xin gửi đến các em nội dung bài soạn dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được tinh thần nhân đạo và lòng vị tha cao cả của nhà thơ Đỗ Phủ. Từ đó, các em có thái độ trân trọng, yêu mến nhà thơ hơn. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Soạn bài Bài ca nhà tranh bị gió thu phá Ngữ văn 7 đầy đủ

1. Soạn câu 1 trang 133 SGK Ngữ văn 7 đầy đủ

Nhận xét và phân tích bố cục bài thơ như sau:

- Bài thơ có bố cục đầy đủ nhằm diễn tả sự việc ngôi nhà bị gió cuốn của nhà thơ:

+ Đoạn 1: tác giả miêu tả cảnh nhà tranh bị gió thu thổi bay lớp tranh.

+ Đoạn 2: Những đứa trẻ lấy nốt những lớp tranh bị thổi tung.

+ Đoạn 3: Nỗi khổ mà gia đình tác giả đối mặt trong đêm mưa.

+ Đoạn 4: Ước mơ cao cả của tác giả.

- Bài thơ có 3 khổ thơ 5 câu: khổ 1, 2 và 4.

- Cách gieo vần:

+ Khổ thơ 2 và 3 gieo vần trắc: thể hiện sự khốn cùng đến đau xót, dằn vặt của tác giả.

+ Khổ thơ cuối chủ yếu là vần bằng thể hiện mơ ước của tác giả về cuộc sống ấm no hơn.

2. Soạn câu 2 trang 134 SGK Ngữ văn 7 đầy đủ

Nhận xét các phương thức biểu đạt mà nhà thơ sử dụng trong bài thơ:

- Ở khổ thơ 2, tác giả đã kết hợp nhuần nhuyễn hai phương thức biểu đạt là tự sự và miêu tả nhằm kể chuyện lũ trẻ xóm nghịch ngợm thừa gió bẻ măng, xô vào cướp giật, mang tranh đi mất. 

- Hình ảnh ông lão tượng trung cho lớp người nghèo khổ, hiền lành ở đáy xã hội lúc bấy giờ, luôn bị chà đạp, bóc lột nhưng không thể phản kháng được, chỉ biết cắn răng chịu đựng, nuốt ấm ức vào trong.

- Nhà thơ đã thể hiện nỗi đau buồn, bất lực, ấm ức của mình trước hoàn cảnh suy đồi của xã hội loạn lạc, cùng cực lúc bấy giờ. Khi mà con người vì tư lợi của bản thân mà làm những điều sai trái, đến cả những đứa trẻ cũng không nằm ngoài vòng xoáy ấy.

- Ở khổ thơ 4, tác giả đã sử dụng phương thức biểu đạt biểu cảm một cách trực tiếp thông qua ước nguyện của mình. Ước mơ của tác giả: Nhà rộng muôn ngàn gian. Mục đích che chở cho những kẻ nghèo hèn, để họ được vui vẻ, yên tâm.

=> Kết hợp nhuần nhuyễn giữa tự sự, miêu tả và biểu cảm.

3. Soạn câu 3 trang 134 SGK Ngữ văn 7 đầy đủ

- Những nỗi khổ nào của nhà thơ được đề cập trong bài thơ:

+ Nhà bị tốc mái chỉ còn bốn bức vách dột chẳng khác gì ngoài trời.

+ Tác giả đã thể hiện nỗi đau khổ và bất lực khi bản thân đã tuổi già, sức yếu, bệnh tật... lại phải ngồi dưới mưa, trong thâm tâm Đỗ Phủ thương mình thì ít nhưng thương cho vợ con, gia đình thì nhiều. Nỗi đau như dồn nén lại thành một khối, trút một con người bất hạnh, đau khổ gần cả cuộc đời. Nhà thơ như thấy mưa lâu hơn, nhiều hơn, đêm như dài hơn và nỗi buồn thương không dứt.

+ Cái nghèo đeo bám: cả nhà chỉ còn tấm chăn cũ nát, con dại nằm xấu nết đạp lót nát khiến Đỗ Phủ không chợp mắt được.

+ Lại thêm nỗ lo loạn lạc: từng trải cơn loạn ít ngủ nghê.

+ Tấm thân thì già yếu bệnh tật phải chịu cảnh màn trời chiếu đất.

+ Nỗi khổ phải nằm trong mưa lạnh: Mưa chẳng dứt, nhà bị tốc mái, chăn mền ướt sũng rách nát, còn bị con thơ đạp rách thêm, rét lạnh tựa sắt, cả nhà run cầm cập.

+ Nhà thơ thật bất lực khi không thể làm gì được chỉ biết đứng nhìn mà thôi. Thật là phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí. Tai hoạ với nhà thơ là một đêm thu trời mưa nhà dột. Thân già, sức yếu ngồi co ro trong mưa rét, nhìn vợ con đang nằm dưới mưa lòng sao không đau quặn. Cái nghèo nó đeo đẳng mãi, chăn cũ lâu năm con đạp rách, nhà dột... Sự cùng cực của một gia đình tàn tạ dưới thời loạn lạc, li tán.

+ Tác giả cảm thấy đau khổ và bất lực nhất chính là nỗi khổ vì chiến tranh loạn lạc: Đây mới là nỗi khổ lớn nhất và là nguyên nhân của ba nỗi khổ trên. Vì loạn lạc mà nhà thơ phải phiêu bạt, từ quan, vì loạn lạc mà những đứa trẻ khổ sở túng thiếu phải đi cướp giật của người khác. Và cũng vì loạn lạc mà nhà thơ phải đêm dài ít ngủ, chịu lạnh, chịu đói.

4. Soạn câu 4 trang 134 SGK Ngữ văn 7 đầy đủ

- Giá trị của bài thơ đã tăng lên nhiều lần nhờ ở đoạn kết:

“Ước được nhà rộng muôn ngàn gian,

Cho khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan,

Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch bản!

Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt

Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được!”

- Nhà thơ đã thể hiện lòng vị tha cùng đức hi sinh cao cả, thà mình chết rét để đổi lại cuộc sống tốt đẹp cho bao người dân khác.

- Vượt lên trên bất hạnh cá nhân, Đỗ Phủ bộc lộ khát vọng cao cả, tấm lòng vị tha vì muôn người, thấm thía sâu sắc nỗi thống khổ của người nghè và mơ ước về ngôi nhà rộng vững chắc che chở cho ngàn vạn người nghèo trong thiên hạ.

- Đỗ Phủ là con người có lòng nhân hậu cao cả, vượt lên trên mọi thứ tầm thường về vật chất, ông mang nặng tấm lòng nhân ái bao la của một con người trải qua nhiều bất hạnh giữa thời loạn lạc. Ông mong mỏi, và khao khát hạnh phúc cho muôn dân. Bài thơ chất chứa chất nhân văn cao cả của bậc vĩ nhân quên đi bản thân mình mà lo cho dân cho nước.

- Nhà thơ có một mong ước cao cả, mình chịu rét cũng được nhưng nhà thơ mong mơ ước ấy được thực hiện đó là mơ ước có được “nhà rộng muôn ngàn gian” vững chãi trước giông bão gió mưa để che cho những kẻ sĩ nghèo trong khắp thiên hạ. Bao giờ nhìn thấy nhà ấy sừng sững dựng trước mắt thì riêng lều của nhà thơ tan nát, tấm thân cửa nhà thơ dẫu có chết vì giá rét vẫn cam lòng.

5. Soạn câu luyện tập trang 134 SGK Ngữ văn 7 đầy đủ

Ý chính của đoạn văn trên là:

- Tinh thần hi sinh cao cả, nghĩ cho người khác, không quan tâm chính mình.

- Tình cảm yêu nước thương dân khao khát thay đổi thực tại đen tối qua bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá. Bài ca nhà tranh bị gió thu phá không chỉ thể hiện nỗi thống khổ của bản thân Đỗ Phủ mà còn là nỗi khổ của bao kẻ sĩ nghèo trong thiên hạ.

- Tấm lòng yêu nước thương dân và lí tưởng, khát vọng cao cả của tác giả sẽ mãi còn mãi trong tâm khảm và trái tim của độc giả.

Ngày:23/10/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM