Tam đại con gà (truyện cười) Ngữ văn 10

Nội dung bài học dưới đây sẽ giúp các em hiểu hơn về thể loại truyện cười. Truyện "Tam đại con gà" thể hiện sự phê phán đối với thói xấu giấu dốt của một bộ phận người trong xã hội. Đồng thời, tài liệu này sẽ giúp các em thấy được cái hay của nghệ thuật nhân vật tự bộc lộ. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tam đại con gà (truyện cười) Ngữ văn 10

1. Tìm hiểu chung

1.1. Khái quát về truyện cười

- Khái niệm: Truyện cười là tác phẩm tự sự dân gian ngắn, có kết cấu chặt chẽ, kết thúc bất ngờ, kể về những thói hư, tật xấu, những sự việc trái tự nhiên trong cuộc sống. Có tác dụng gây cười nhằm giải trí, phê phán.

- Phân loại: Truyện cười có hai loại:

+ Truyện khôi hài: nhằm mục đích giải trí, mua vui ít nhiều có tính giáo dục.

+ Truyện trào phúng: mục đích châm biếm, đả kích.

- Đặc trưng:

+ Yếu tố gây cười: Những mâu thuẫn trái tự nhiên.

+ Kết cấu: Vào truyện tự nhiên, kết truyện bất ngờ, ít nhân vật, ngắn gọn.

1.2. Tác phẩm

- Thể loại: Truyện trào phúng.

- Nội dung: Cười những người có tật xấu, tham lam.

- Bố cục: Có thể chia thành 3 phần:

+ Mở truyện: Giới thiệu mâu thuẫn.

+ Thân truyện: Dẫn dắt để tạo tiếng cười.

+ Kết truyện: Câu cuối cùng, bật ra tiếng cười.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Mâu thuẫn trái tự nhiên ở nhân vật thầy đồ

- Tình huống 1: Dạy học trò đọc chữ.

+ Gặp chữ “kê” trong sách Tam thiên tự mà không biết là chữ gì.

→ Dốt đến mức một chữ trong sách vỡ lòng cũng không biết.

+ Khi học trò hỏi gấp: Thầy nói liều “Dủ dỉ là con dù dì”.

→ Liều lĩnh, sĩ diện giấu dốt.

+ Thầy cũng khôn, sợ sai bảo học trò đọc khẽ.

→ Sợ người khác biết cái sai của mình.

+ Muốn biết đúng sai: Tìm đến thổ công, xin ba đài âm dương, được cả ba, đắc ý bệ vệ ngồi lên giường bảo trẻ đọc to.

→ Dốt nhưng tự cho là giỏi, cái dốt đã khuếch đại và nâng lên.

- Tình huống 2: Đối mặt với ông chủ nhà hay chữ:

+ Khi ông chủ nhà nghe đọc sai nên trách thầy đồ.

+ Vô tình thầy biết đó là chữ kê.

- Suy nghĩ của thầy: “Mình đã dốt mà thổ công nhà nó cũng dốt nữa”.

→ Tự nhận thức sự dốt nát của mình.

+ Tiếp tục chống chế để giấu dốt: Muốn dạy đến Tam đại con gà, giải thích: “Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà”.

→ Giải thích vô lí: Gỡ bí một cách liều lĩnh để giấu dốt.

⇒ Mâu thuẫn trái tự nhiên: Dốt >< giấu dốt và càng che đậy thì bản chất càng lộ tẩy. Phê phán thói giấu dốt. Truyện ngầm ý khuyên răn mọi người không nên giấu dốt, hãy mạnh dạn học hỏi không ngừng.

2.2. Ý nghĩa 

- Truyện phê phán một đối tượng cụ thể là ông thầy đồ, cùng một thói hư, tật xấu trong xã hội. Đó là việc giấu dốt mà người ta hay mắc phải.

- Khuyên răn con người cần phải học hỏi.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Không chỉ nhằm vào một con người cụ thể, truyện "Tam đại con gà" còn phê phán thói dốt hay nói chữ, dốt học làm sang, dốt lại bảo thủ, qua đó nhắn nhủ đến mọi người phải luôn học hỏi, không nên che giấu cái dốt của mình.

- Về nghệ thuật:

+ Truyện ngắn gọn, kết cấu chặt chẽ, chỉ xoay quanh một mâu thuẫn gây cười là dốt - giấu dốt, mọi chi tiết đều hướng vào mục đích gây cười.

+ Cách vào truyện tự nhiên, cách kết thúc truyện rất bất ngờ.

+ Thủ pháp "nhân vật tự bộc lộ": cái dốt của nhân vật tự hiện ra, tăng dần theo mạch phát triển của truyện cho đến đỉnh điểm là lúc kết thúc.

+ Ngôn ngữ truyện giản dị nhưng rất tinh, nhất là ở phần kết, sử dụng yếu tố vần điệu để tăng tính bất ngờ và yếu tố gây cười.

4. Luyện tập

Câu 1: Viết đoạn văn ngắn nhận xét về nhân vật thầy đồ trong truyện "Tam Đại con gà".

Gợi ý trả lời:

Nhân vật "thầy" trong truyện "Tam đại con gà" chí ít nhưng giấu dốt. Dạy sai học sinh đọc chữ rồi khi bị phát hiện thì lại kiếm cớ chữa lỗi của mình. Đã thế, kiến thức không có thì phải đi tìm hiểu học tập thêm thì người thầy này lại đi hỏi tế bái tổ tiên, mê tín.Thầy biết mình không giỏi, nhưng không tìm cách phấn đấu học tập thêm mà lại đi truyền đạt những tri thức sai lệch đến với học sinh. Từ những hình ảnh này, người viết muốn phê phán những kẻ giấu dốt và phần nào đó nêu lên bộ mặt của một số người thầy không truyền đạt những kiến thức chân thật đến với tầng lớp học trò.

Câu 2: Em hãy viết đoạn văn dẫn dắt, giới thiệu về truyện cười "Tam đại con gà".

Gợi ý trả lời:

Chúng ta thấy truyện cười "Tam đại con gà" được tác giả dân gian sáng tác nên nhằm châm biếm một anh học trò lười, đó là loại người "dài lưng tốn vải ăn no lại nằm". Anh ta học hành dốt nát nhưng lại có tính khoe khoang đi đâu cũng ra vẻ cũng lên mặt "văn hay chữ tốt". Nhưng vì không biết được bộ mặt thật của anh ta mà có nhiều người tưởng anh ta là hay chữ là học rộng tài cao mới mời anh ta về làm thầy dạy dỗ bọn trẻ. Và từ đó những câu chuyện bi hài liên tiếp xảy ra thể hiện tài năng kém cỏi của "ông thầy" nhưng lại luôn ra oai phản ánh một lớp người trong xã hội thời bấy giờ.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu được thực chất của mâu thuẫn trái tự nhiên trong nhân vật thày đồ.

- Nắm được nghệ thuật tự bộc lộ của nhân vật.

- Cái dốt không được che đậy, càng giấu càng lộ ra, làm trò cười cho thiên hạ.

Ngày:22/09/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM