Tập làm văn: Luyện tập tả cảnh (tuần 6) Tiếng Việt 5

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em biết cách lập dàn ý cho bài văn tả cảnh. Từ đó, các em có thể tiến hành viết một bài văn tả cảnh có bố cục đầy đủ và sáng tạo. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tập làm văn: Luyện tập tả cảnh (tuần 6) Tiếng Việt 5

1. Nội dung bài học

- Bài văn tả cảnh được cấu tạo gồm ba phần: Mở bài, thân bài và kết bài.

- Trong bài văn tả cảnh có sử dụng những hình ảnh tả cảnh hoặc sự thay đổi của cảnh vật theo thời gian.

2. Câu hỏi và hướng dẫn giải

2.1. Giải câu 1 trang 62 SGK Tiếng Việt lớp 5

a. Câu hỏi: Đọc các đoạn văn dưới đây và trả lời câu hỏi:

(1) Biển luôn thay đổi màu tùy theo sắc mây trời. Trời xanh thẳm, biển cũng xanh thẳm, như dâng cao lên, chắc nịch. Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương. Trời âm u mây mưa, biển xám xịt, nặng nề. Trời ầm ầm dông gió, biển đục ngầu, giận dữ… Như một con người biết buồn vui, biển lúc tẻ nhạt, lạnh lùng, lúc sôi nổi, hả hê, lúc đăm chiêu, gắt gỏng.

Theo VŨ TÚ NAM

- Đoạn văn trên tả đặc điểm gì của biển?

- Để tả đặc điểm đó, tác giả đã quan sát những gì và vào những thời điểm nào?

- Khi quan sát biển, tác giả đã có  những liên tưởng thú vị như thế nào?

(2) Con kênh này có tên là kênh Mặt Trời. Nơi đây, suốt ngày, ánh nắng rừng rực đổ lửa xuống mặt đất. Bốn phía chân trời trống huếch trống hoác. Từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn không kiếm đâu ra một bóng cây để tránh nắng. Buổi sáng, con kênh còn phơn phớt màu đào, giữa trưa bỗng hóa ra một dòng thủy ngân cuồn cuộn lóa mắt, rồi dần dần biến thành một con suối lửa lúc trời chiều. Có lẽ bởi vậy mà nó được gọi là kênh Mặt Trời.

Theo ĐOÀN GIỎI

- Con kênh được quan sát vào những thời điểm nào trong ngày?

- Tác giả nhận ra đặc điểm của con kênh chủ yếu bằng giác quan nào?

- Nêu tác dụng của những liên tưởng khi quan sát và miêu tả con kênh?

b. Hướng dẫn giải:

(1) Nhận xét đoạn văn:

- Đoạn văn tả sự thay đổi màu sắc của biển theo sắc của mây trời.

- Để tả đặc điểm đó, tác giả đã quan sát mặt trời và mặt biển vào những thời điểm khác nhau:

+ Khi bầu trời xanh thẳm, khi bầu trời rải mây trắng nhạt, khi bầu trời âm u, khi bầu trời ầm ầm dông gió.

+ Khi quan sát biển, tác giả đã có liên tưởng thú vị: biển như con người, cũng biết buồn vui, lúc tẻ nhạt, lạnh lùng, lúc sôi nổi hả hê, lúc đăm chiêu, gắt gỏng.

(2) Nhận xét đoạn văn:

- Con kênh được quan sát vào mọi thời điểm trong ngày: Suốt ngày, từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, buổi sáng, giữa trưa, lúc trời chiều.

- Tác giả nhận ra đặc điểm của con kênh:

+ Chủ yếu bằng thị giác: thấy nắng rừng rực như lửa xuống đất, bốn bề trống huếch, trống hoác; sắc màu con kênh biến đổi vào các thời điểm trong ngày: buổi sáng phơn phớt màu đào, giữa trưa hóa thành dòng thủy ngân cuồn cuộn lóa mắt, về chiều biến thành con suối lửa.

+ Ngoài ra, tác giả còn quan sát bằng xúc giác để thấy nắng nóng như đổ lửa.

- Tác dụng của những liên tưởng trên là: giúp người đọc hình dung được cái nắng nóng dữ dội, làm cho cảnh vật hiện ra sinh động hơn, gây ấn tượng hơn với người đọc.

2.2. Giải câu 2 trang 62 SGK Tiếng Việt lớp 5

a. Câu hỏi: Dựa vào kết quả quan sát của mình, em hãy lập dàn ý bài văn miêu tả một cảnh sông nước (một vùng biển, một dòng sông, một con suối hay một hồ nước).

b. Hướng dẫn giải:

- Mở bài: Giới thiệu con suối mà em định tả ở đâu? Em đến đó vào lúc nào?

- Thân bài:

+ Tả cảnh bao quát: Nhìn từ xa, con suối chảy thành dòng, trắng xoá một vệt trên vùng núi cao tưởng như thác, đó chính là suối Song Lũy.

+ Tả cảnh chi tiết:

  • Dòng suối rộng độ hai mươi mét, chảy giữa những khe đá lô nhô và dưới vòm cây cổ thụ toả bóng mát rượi.
  • Nước suối thế nào? (trong vắt, mát lạnh).
  • Cảnh hai bên bờ suối thế nào? (Rừng già có nhiều cây cao, to, vòm lá dày, che mát rợp).
  • Nhìn về xuôi, xa xa là những mái nhà của đồng bào dân tộc Thượng.
  • Tiếng chim hót ríu ran trên vòm cây, thỉnh thoảng có tiếng một con hoẵng hay nai kêu lên thảng thốt.
  • Tiếng lá cây sột soạt tưởng như thú rừng ra suối uống nước.
  • Gió rừng thổi mát, dễ chịu,

+ Nêu ích lợi của dòng suối:

  • Cung cấp nước cho bản làng dân tộc sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt.
  • Điều hoà thời tiết.

- Kết bài: Nêu tình cảm, suy nghĩ của em trước cảnh đẹp của con suối đã tả.

3. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được bố cục của một bài văn tả cảnh.

- Biết cách viết một bài văn tả cảnh sáng tạo và đặc sắc.

Ngày:07/11/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM