Vi hành (trích) Ngữ văn 11

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc. Từ đó, các em có thái độ trân trọng, yêu quý thơ văn của Bác. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Vi hành (trích) Ngữ văn 11

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Nguyễn Ái Quốc (1890 - 1969) là một trong những bút danh của Hồ Chí Minh - nhà cách mạng, vĩ lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những người đặt nền móng và lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam trong thế kỷ XX, một chiến sĩ cộng sản quốc tế.

- Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân ta một sự nghiệp văn chương lớn lao về tầm vóc, phong phú, đa dạng về thể loại và đặc sắc về phong cách sáng tác. Có thể xếp tác phẩm của Người vào ba thể loại: Văn chính luận, truyện và kí, thơ ca. Mỗi thể loại có một đặc sắc riêng và đều có tác phẩm thành công. Văn chính luận có "Tuyên ngôn Độc lập", Truyện kí có "Vi hành", thơ có "Nhật kí trong tù".

1.2. Tác phẩm

- "Vi hành" là truyện ngắn xuất sắc của Hồ Chí Minh, được viết bằng tiếng Pháp, đăng trên báo Nhân đạo - cơ quan của đảng Cộng sản Pháp - số ra ngày 19 - 2 - 1923, vào đúng dịp vua Khải Định được chính phủ Pháp đưa sang dự cuộc đấu xảo thuộc địa tổ chức ở Macxây.

- Tác phẩm đã sử dụng bút pháp hiện thực phê phán trào phúng, hướng đến mục đích chính trị để cho nhân dân Pháp và nhân dân thế giới thấy rõ sự vô dụng của Khải Định, một tên vua bù nhìn, ngu dốt, không phải là kẻ đại diện chân chính cho nhân dân Việt Nam; đồng thời vạch trần bộ mặt xảo trá của những kẻ thực dân.

- Tóm tắt nội dung chính của tác phẩm: Trên chuyến xe điện ngầm, đôi trai gái người Pháp nhìn thấy nhân vật tôi, người kể chuyện, là một người An Nam nên tưởng đó là Khải Định. Họ bàn luận nhận xét về Khải Định và coi hắn như một tên hề, một trò giải trí rẻ tiền. Đôi trai gái xuống tàu, người kể chuyện nhớ về ngày ấu thơ, về câu chuyện vi hành của Vua Pie, vua Thuấn rồi liên hệ, bình luận về cuộc "vi hành" mờ ám vì mục đích riêng của Khải Định. Tác giả cũng kể về sự nhầm lẫn của người Pháp, của chính quyền thực dân. Qua đó châm biếm cách đối xử của thực dân Pháp đối với người Việt Nam yêu nước.

- Có thể chia đoạn trích "Vi hành" thành ba phần như sau:

+ Phần 1: từ đầu đến “Nghe nói ông bầu Nhà hát múa rối có định kí giao kèo thuê đấy...” -> tình huống nhầm lẫn.

+ Phần 2: từ “Tàu đỗ, cặp trai gái bước xuống...” đến “... nếm thử cuộc đời của các cậu công tử bé?” -> chân dung vua Khải Định.

+ Phần 3: đoạn còn lại -> Thái độ của chính phủ Pháp.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Tình huống nhầm lẫn

- Câu chuyện triển khai trên cơ sở tác giả tạo tình huống nhầm lẫn độc đáo, cụ thể là đôi nam nữ người Pháp nhận nhầm tác giả chính là vua Khải Định. Cùng với đó, là hàng loạt những nhầm lẫn khác: người Pháp cũng nhìn nhầm tác giả là vua Khải Định, chính phủ Pháp cũng nhầm lẫn, mật thám Pháp cũng nhầm nốt.

=> Câu chuyện nhầm lẫn như thế đúng là chuyện đùa, chuyện bịa. Nhưng nói đến một sự thật, chính là bản chất và hành vi ám muội của Khải Định trên đất nước Pháp, thái độ của chính phủ Pháp với Khải Định.

- Tình huống xoay quanh một vấn đề và đặt ra hai câu hỏi: Khải Định vi hành để làm gì? Tại sao chính phủ Pháp không nhận ra Khải Định?

=> Tác giả hướng đến hai đối tượng đả kích chính là Khải Định và chính phủ Pháp.

2.2. Chân dung vua Khải Định

- Bản chất bù nhìn của Khải Định: với người Pháp, Khải Định chỉ là thứ đồ chơi hiếm hoi qua việc miêu tả chân dung Khải Định:

+ Mặt mũi: Vô duyên (mũi tẹt, mắt xếch, da bủng).

+ Trang phục: lố lăng, kệch cỡm, khoa trương (chụp đèn, lụa là, hạt cườm, nhẫn,...).

+ Điệu bộ cử chỉ: Lấm lét, lúng túng.

+ Hành động: Lén lút vi hành.

+ Trò hề của người Pháp, một trò hề rẻ tiền.

+ Là một kẻ bất tài, bù nhìn.

- Bản chất của vua Khải Định hiện ra rõ hơn qua hành vi "vi hành" một cách lén lút, ám muội, không xứng đáng là một vị hoàng đế, đặt ra một câu hỏi nghi vấn và nêu bật lên bản chất của vua Khải Định:

+ So sánh vua Khải Định với vua Thuấn, vua Pie -> là một kẻ bất tài, vô dụng.

+ Thực trạng cuộc sống của người dân An Nam đói khổ -> sự bù nhìn, vô dụng của vua Khải Định.

+ Bản chất ăn chơi xa hoa của vua Khải Định.

-> Khải Định chỉ là tay sai của thực dân Pháp -> thái độ coi thường, căm phẫn.

=> Không trực tiếp xuất hiện, chân dung Khải Định hiện lên một cách đầy đủ trong mọi trường hợp: một thằng hề mua vui, một con rối, một công cụ rẻ tiền dưới sự điều khiển của thực dân Pháp. Sự đánh giá khách quan nhất của người dân Pháp. Hắn dần dần bị hạ thấp: Từ một ông vua - thằng hề - một con rối - và cuối cùng là một đứa con nít.

2.3. Thái độ của chính phủ Pháp

- Không ai coi vị hoàng đế An Nam ra gì, dựng lên một vị vua bù nhìn, bất tài vô dụng để lừa bịp, xuyên tạc.

- Tính kì thị dân tộc.

- Pháp cho người bao vây, theo dõi những người Việt Nam yêu nước.

=> Chính phủ Pháp nhìn bất cứ người An Nam nào cũng đều cho là một vị hoàng đế. Thậm chí chính phủ còn cho người theo dõi “bám sát đế giày tôi”.

3. Tổng kết

- Về nội dung: "Vi hành" là truyện ngắn tiêu biểu cho bút pháp văn xuôi hiện đại của Nguyễn Ái Quốc, thể hiện tài châm biếm sâu sắc của tác giả về hoàng đế An Nam và triều đình nhà Nguyễn. Qua đó, thể hiện thá độ cảu người dân và chính phủ “bảo hộ” đối với Việt Nam và vị hoàng đế này.

- Về nghệ thuật:

+ Tạo tình huống độc đáo, mang tính khách quan của các đánh giá, kết hợp tính hài hước, hấp dẫn.

+ Cách kể chuyện hóm hỉnh, kết hợp giữa kể, tả, viết thư.

+ Chuyển đổi giọng điệu linh hoạt: trần thuật, tâm tình, châm biếm,...

+ Đa nghĩa, hướng vào nhiều đối tượng đả kích.

4. Luyện tập

Câu 1: Nêu suy nghĩ của em về đoạn trích "Vi hành".

Gợi ý trả lời:

Sau khi tìm hiểu đoạn trích của Nguyễn Ái Quốc viết về vua Khải Định thì chúng ta có thể nhận thấy "Vi hành" là một truyện ngắn nhằm châm biếm sâu cay về vua Khải Định và chính phủ Pháp. Nguyễn Ái Quốc đã dựng lên một tình huống truyện độc đáo, khách quan, với hai góc nhìn của người dân Pháp và của người dân An Nam, rõ ràng nhân vật Khải Định đã hiện lên một cách sắc nét và chân thực. Khải Định trở thành một nhân vật tiêu biểu nhất đại diện cho cả chính quyền phong kiến lạc hậu, thối nát, sẵn sàng bán nước để cầu vinh hoa cho bản thân. Một kẻ đã quên hết liêm sỉ, tự tôn dân tộc, mang đủ trong mình sự đê hèn, nhục nhã nhưng vẫn sống sót nhờ sự "bảo hộ" của mẫu quốc, trở thành nhân vật khó quên trong nền văn học trào phúng hiện đại.

Câu 2: Em hãy phân tích sự so sánh của tác giả khi nói về vua Khải Định.

Gợi ý trả lời:

Sau khi phân tích đoạn trích "Vi hành" của Nguyễn Ái Quốc, có thể thấy tác giả đã có sự so sánh giữa các ông vua thời trước với vua Khải Định nhằm phê phán, chế giễu vua Khải Định bất tài vô dụng. Từ cảnh "vi hành" đầy lố bịch của vua Khải Định, tác giả đã có sự so sánh rất hay về sự vi hành của một số vị vua nổi tiếng trong lịch sử nước ngoài. Đó là vua Thuấn của Trung Quốc cải trang làm dân cày đi dò la ý kiến của dân, vua Pi-e nước Nga đi làm thợ ở công trường nước Anh để hiểu thêm về cuộc sống của nhân dân mình. Thế nhưng ở Khải Định thì sao, ta thấy điều gì đây? Một ông vua lấy cái cớ "vi hành" để thỏa mãn thú vui chơi, đã vi hành thì buộc phải kín đáo và bình thường nhất có thể, nhưng không Khải Định đã hoàn toàn làm ngược lại, phô trương và hợm hĩnh. Đặc biệt cái sự "vi hành" của Khải Định chẳng đem lại một lợi ích cao cả nào cho nhân dân xứ An Nam mà cốt chỉ là để thỏa mãn cái lòng ham chơi của mình. Vậy thử hỏi Khải Định có xứng với vai trò của bậc cửu ngũ chí tôn hay không?

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu hơn về tác giả Nguyễn Ái Quốc.

- Giới thiệu một truyện ngắn đặc sắc của một phong cách nghệ thuật độc đáo.

- Giúp học sinh hiểu được giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

- Rèn kỹ năng đọc và tóm tắt truyện.

Ngày:09/10/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM