Bến quê Ngữ văn 9

Tài liệu dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được triết lí về cuộc đời con người mà tác giả đã gửi gắm trong truyện ngắn "Bến quê". Hy vọng rằng tài liệu này sẽ hữu ích với các em. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Bến quê Ngữ văn 9

1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả:

- Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989).

- Quê: Quỳnh Lưu - Nghệ An.

- Ông là nhà văn quân đội, nổi tiếng từ hồi kháng chiến chống Pháp.

- Từ sau 1975, nhất là từ đầu những năm 80- thế kỉ XX, ông đã trăn trở đổi mới mạnh mẽ về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần đổi mới văn học nước nhà.

- Năm 2000, ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

b. Tác phẩm:

- “Bến quê” in trong tập truyện cùng tên của Nguyễn Minh Châu xuất bản năm 1985.

- Bố cục được tìm hiểu theo mạch nội dung của truyện.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Tình huống truyện

- Hoàn cảnh được nhà văn xây dựng bằng cách nói về nhân vật Nhĩ vốn đã từng đặt chân khắp mọi nơi trên trái đất, lúc cuối đời lại ngã bệnh và nằm mãi trên giường bệnh, nhưng chính trong hoàn cảnh đó, nhân vật mới có thể nhận ra những vẻ đẹp và giá trị truyền thống hết sức bình dị, gần gũi trong cuộc đời.

- Tình huống truyện chính là ở cái điều trớ trêu như một nghịch lí:

+ Nhĩ từng đi khắp nơi trên thế giới, thế mà giờ đây muốn nhích người đến bên cửa sổ thì việc ấy khó khăn như phải đi hết một vòng trái đất.

+ Nhĩ phát hiện ra vẻ đẹp bãi bồi bên kia sông ngay trước cửa sổ nhà mình, anh muốn nhờ cậy con trai thay mình sang bên kia sông nhưng cậu ta lại sà vào đám chơi cờ thế trên hè phố và có thể lỡ chuyến đ̣ò sang duy nhất trong ngày.

=> Tình huống được xây dựng như vậy nhằm giúp người đọc có ý thức hơn về những gì đang diễn ra xung quanh cuộc sống của mình, cuộc đời và số phận con người chứa đầy những điều bất thường, những nghịch lí, ngẫu nhiên, vượt ra ngoài những dự định và ước muốn toan tính của người ta.

2.2. Cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật Nhĩ

- Hoàn cảnh của nhân vật Nhĩ là bị bệnh liệt toàn thân cho nên chỉ có thể nằm trên giường bệnh mà không di chuyển đi đâu được, bên cạnh đó căn bệnh hiểm nghèo ấy khiến anh hầu như không thể tự di chuyển, dù chỉ là nhúc nhích đôi chút trên giường. Mọi sinh hoạt của anh đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác, mà chủ yếu là chị Liên, vợ anh.

- Cảnh vật thiên nhiên qua cái nhìn của Nhĩ:

+ Những bông hoa bằng lăng cuối mùa thưa thớt nhưng lại đậm sắc hơn.

+ Con sông Hồng đỏ nhạt, mặt sông như rộng hơn.

+ Bãi bồi bên kia sông: vàng thau xen xanh non.

- Nhĩ đã từng đi nhiều nơi trên thế giới nhưng đối với cảnh đẹp của quê hương mình lại vô cùng xa lạ, như lần đầu nhìn thấy. Không gian và những cảnh sắc ấy vốn quen thuộc, gần gũi, nhưng hầu như rất mới mẻ đối với Nhĩ, Nhĩ đã tưởng chừng như lần đầu tiên trong đời, anh cảm nhận được vẻ đẹp phong phú của nó. Từ hoàn cảnh cụ thể của mình, Nhĩ đã quan sát, suy ngẫm để rút ra quy luật giống như một nghịch lí của đời người.

- Cảm nhận của Nhĩ về Liên lần đầu tiên Nhĩ để ý thấy Liên đang mặc áo vá, những ngón tay gầy guộc…

-> Nhận ra tình yêu thương, sự tần tảo và đức hi sinh thầm lặng của vợ.

- Trong những ngày nằm liệt trên  giường bệnh và phát hiện được vẻ đẹp của quê hương mình, Nhĩ có một khao khát mãnh liệt là muốn được đặt chân sang bãi bồi bên kia sông, cụ thể là vào buổi sáng hôm ấy, khi nhận ra vẻ đẹp bình dị, gần gũi của cảnh vật qua ô cửa sổ, đồng thời cũng hiểu rằng mình sắp phải giã biệt cõi đời, trong tâm thức Nhĩ bừng dậy một khát khao vô vọng là được đặt chân một lần lên cái bãi bồi bên kia sông, đối với nhân vật Nhĩ điều ước muốn ấy chính là sự thức tỉnh về những giá trị bền vững của những điều bình thường và sâu sắc của cuộc sống thường bị người ta bỏ qua hoặc lãng quên, nhất là thời còn trẻ, khi những ham muốn xa vời, hão huyền đang lôi cuốn con người tìm đến.

=> Sự thức tỉnh này chỉ đến với người ta ở cái tuổi đã từng trải, với Nhĩ thì đó là thời gian cuối đời, lại phải nằm liệt trên giường bệnh, bởi thế sự thức tỉnh của anh xen lẫn niềm ân hận, xót xa, họa chăng chỉ có anh đã từng trải, đã từng in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia.

2.3. Thông điệp của tác phẩm

- Tác giả đã gửi gắm qua nhân vật Nhĩ:

+ Qua nhân vật Nhĩ tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc rằng trong cuộc sống chúng ta cần phải biết yêu quý và trân trọng những vẻ đẹp giản dị của quê hương, đất nước quanh ta như bến quê, bãi bồi, vên sông, gia đình, hàng xóm… để khỏi ân hận, xót xa khi sắp từ giã cuộc đời.

+ Cuộc sống và số phận con người chứa đầy những nghịch lí, những ngẫu nhiên vượt ra ngoài những dự tính, ước muốn và thật khó tránh những điều vòng vèo hoặc chùng chình.

+ Những chiêm nghiệm và triết lí về cuộc đời được nhà văn gửi gắm qua thế giới nội tâm của người sắp từ giã cõi đời và nhiều hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Qua nhân vật Nhĩ nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm những thông điệp ý nghĩa cùng với những suy ngẫm, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời, thức tỉnh ở mọi người sự trân trọng những vẻ đẹp và giá trị bình dị, gần gũi của gia đình, quê hương.

- Về nghệ thuật:

+ Xây dựng những tình huống đầy nghịch lí.

+ Miêu tả tâm lí tinh tế.

+ Ngôn ngữ giàu hình ảnh biểu tượng.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy liệt kê những hình ảnh biểu tượng trong văn bản "Bến quê" của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Gợi ý trả lời:

- Hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng:

+ Cuộc sống của Nhĩ gần đến ngày cuối cùng được tác giả thể hiện qua những hình ảnh biểu tượng sâu sắc đó là các bông hoa bằng lăng cuối mùa, tiếng những tảng đất lở ở bờ sông bên này khi con nước đầu nguồn đã dồn về, đổ ụp vào trong giấc ngủ của Nhĩ lúc gần sáng.

+ Bãi bồi, bến sông và khung cảnh thiên nhiên gợi vẻ đẹp của đời sống trong những cái gần gũi, bình dị quen thuộc.

+ Chi tiết: đứa con trai sa vào một đám người chơi cờ thế bên lề đường, gợi những điều chùng chình, vòng vèo trên đường đời người ta khó tránh khỏi.

Câu 2: Viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về văn bản "Bến quê" của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Gợi ý trả lời:

Qua văn bản "Bến quê" của nhà văn Nguyễn Minh Châu đã giúp người đọc hiểu hơn về những triết lí của đời người, để rồi chúng ta sống cần phải có nhận thức đúng đắn hơn, con người cần phải tự ý thức để nhận ra và trân trong những vẻ đẹp bình dị nhưng thiêng liêng bền vững của cuộc sống, của quê hương gia đình. Bên cạnh đó tác giả rất thành cồn ở cách xây dựng tình huống, nhân vật đặc sắc hấp dẫn. Ông như một ngôi sao vút qua bâu trời sáng lòa rồi tan biến vào cõi vĩnh hằng.Nhưng với di sản văn học của ông để lại cho đời, đặc biệt là truyện ngắn trên cũng đáng cho chúng ta tự hào. Truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu còn chứa đựng những suy ngẫm, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời, thức tỉnh mọi người sự trân trọng vẻ đẹp và giá trị của những điều bình dị, gần gũi của gia đình, quê hương. Triết lí trong Bến quê sâu sắc, mang tính trải nghiệm, có ý nghĩa tổng kết của một con người sắp giá từ cuộc sống.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nhận ra được tình huống của truyện, ý nghĩa của tình huống.

- Bước đầu cảm nhận được ý nghĩa triết lí mang tính trải nghiệm về cuộc đời con người.

- Thấy được đặc sắc trong nghệ thuật tạo tình huống của truyện.

- Củng cố kĩ năng đọc, tóm tắt, phân tích tác phẩm tự sự.

- Giáo dục học sinh ý thức học tập, giáo dục khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước.

Ngày:06/01/2021 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM