Soạn bài Quê hương Ngữ văn 8 đầy đủ

Nội dung bài soạn dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được bức tranh thiên nhiên cùng cuộc sống sinh hoạt của con người ở một làng quê thuộc vùng biển. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Soạn bài Quê hương Ngữ văn 8 đầy đủ

1. Soạn câu 1 trang 18 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

- Tác giả đã khắc họa sinh động cảnh dân chài bơi thuyền ra khơi:

+ Chi tiết "Trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng" → cảnh buổi sớm mai đẹp trời, trong lành.

+ Chi tiết "Dân trai tráng bơi thuyền" → hình ảnh trung tâm khỏe khoắn, tràn đầy sức sống.

+ Chi tiết "Đoàn thuyền như con tuấn mã" (hăng, phăng, vượt) → diễn tả sức mạnh mang màu sắc huyền thoại, cổ tích.

+ Chi tiết "Cánh buồm (rướn thân trắng) như mảnh hồn làng" → ẩn dụ biểu trưng cho hồn cốt, thần thái của người dân miền biển. Vẻ đẹp mang tầm vóc, ý nghĩa lớn lao.

→ Tác giả đã mở ra một bức tranh thiên nhiên với những khung cảnh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, hài hòa, đó còn là bức tranh lao động đầy sức sống và hứng khởi của người dân vùng biển.

- Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về bến: tươi vui, vẻ vang:

+ Không khí đón ghe về: tấp nập, ồn ào, đông vui.

+ Hình ảnh người dân chài: làn da ngăm dám nắng, thân hình nồng thở vị xa xăm → vẻ đẹp rắn chắc, khỏe khoắn mang phong vị người dân miền biển.

+ "Cá đầy ghe" vui mừng, biết ơn "biển lặng" mang cho họ những thành quả ngọt ngào.

+ Hình ảnh con thuyền: im, mỏi trở về nằm/ chất muối thấm dần thớ vỏ → con thuyền vô tri trở nên có hồn, trong sự mệt mỏi say sưa (lời Hoài Thanh) vẫn lắng nghe, cảm nhận tinh tế được phong vị cuộc sống.

→ Tác giả Tế Hanh còn diễn ta những tâm trạng đầy háo hức, tươi vui khi đoàn thuyền đánh cá đã trở về với thu hoạch cá đầy ghe, được cảm nhận bằng hồn thơ tinh tế có tình cảm sâu lắng, am hiểu tường tận cuộc sống lao động vất vả đầy thi vị.

2. Soạn câu 2 trang 18 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

Phân tích những câu thơ:

"Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió"

- Cánh buồm được tác giả Tế Hanh khắc họa một cách rõ nét bằng hàng loạt những động từ mạnh như là giương to, rướn thân, góp gió - hình ảnh cánh buồm thân thuộc được tả thực trong sự quan sát tinh tế.

- So sánh ẩn dụ: cái vô hình được gọi tên, cụ thể hóa bằng hình ảnh "cánh buồm" rõ ràng đường nét, hình khối, màu sắc.

- "Rướn thân trắng bao la thâu góp gió"- sự khoáng đạt, hiên ngang mạnh mẽ như chính tính cách của người dân miền biển, sẵn sàng đương đầu với thử thách.

- Cánh buồm mang ý nghĩa tượng trưng cho hồn cốt, thần thái, tình cảm của người dân chài, nay đi vào thơ trở nên bay bổng, lãng mạn.

"Dân chài lưới làn da ngăm dám nắng

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm"

- Câu thơ đã mang đến cho người đọc những hình ảnh vô cùng chân thực về cuộc sống của người dân làng chài. Hình ảnh tả thực "làn da ngăm dám nắng" - vẻ đẹp rắn rỏi, chắc khỏe nói lên sự từng trải trong cuộc sống lao động vất vả nắng gió của người đi biển.

- "Thân hình nồng thở vị xa xăm" → hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, "thân hình" nay được cảm nhận bằng xúc giác - "mặn".

- Sự mặn mòi của biển cả ngấm vào từng hơi thở trong cuộc sống, sự hòa quyện giữa con người với biển cả- nơi ngọn nguồn nuôi dưỡng.

→ Tác giả đã sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật đặc sắc, trong đó nổi bật nhất là chính là thủ pháp nghệ thuật tu từ ẩn dụ, không chỉ xây dựng hình tượng người dân miền biển khỏe khoắn, từng trải mà còn làm nổi bật sự hòa quyện bền chặt giữa con người với tự nhiên.

3. Soạn câu 3 trang 18 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

Nhận xét tình cảm của tác giả:

- Tác giả Tế Hanh đã thể hiện tình yêu quê hương, đất nước một cách thấm thía và sâu đậm, tình cảm ấy được thể hiện một cách thấm đượm trong từng câu chữ, xuyên suốt chiều dài của tác phẩm.

- Hình ảnh quê hương miền biển luôn in đậm trong tâm trí của tác giả tạo nên mạch cảm xúc dâng trào thể hiện qua những hình ảnh thân thương: con thuyền, buồm vôi, biển, cá bạc…

- Nỗi nhớ quê tha thiết, tình cảm luôn hướng về quê hương nên từ đầu đến cuối vị mặn của biển ám ảnh khôn nguôi trong tâm trí nhà thơ.

→ Tình yêu quê hương tha thiết, sâu nặng.

4. Soạn câu 4 trang 18 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

Nhận xét về nghệ thuật của bài thơ "Quê hương":

- Nét đặc sắc nghệ thuật nổi bật nhất của bài thơ này là sự sáng tạo các hình ảnh thơ. Bài thơ cho thấy một sự quan sát tinh tế, một sự cảm nhận và miêu tả sắc sảo. Hình ảnh thơ phong phú, vừa chân thực lại vừa bay bổng và lãng mạn khiến cho cả bài thơ rất có hồn và tràn đầy thi vị.

- Bài thơ sử dụng kết hợp phương thức miêu tả và biểu cảm. Nhưng yếu tố miêu tả chủ yếu nhằm phục vụ cho biểu cảm, trữ tình. Nhờ sự kết hợp này mà hình ảnh thơ vừa lột tả được chân thực, tinh tế cảnh vật và con người của cuộc sống miền biển vừa thể hiện sâu sắc những rung động của tâm hồn nhà thơ.

5. Soạn câu luyện tập trang 18 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

Sưu tầm, chép lại một số câu thơ, đoạn thơ về tình cảm quê hương mà em yêu thích nhất:

- "Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà".

(Tràng giang - Huy Cận)

- "Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường

Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ".

(Quê hương - Giang Nam)

- "Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi".

(Quê hương - Đỗ Trung Quân)

Ngày:22/12/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM