Mẫu hợp đồng nguyên tắc trong xây dựng mới nhất

Hợp đồng nguyên tắc trong xây dựng được quy định là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Để hiểu rõ hơn về Hợp đồng nguyên tắc trong xây dựng như thế nào mời các bạn cùng eLib tham khảo bài viết dưới đây nhé!

Mẫu hợp đồng nguyên tắc trong xây dựng mới nhất

1. Hợp đồng nguyên tắc trong xây dựng là gì?

Theo quy định tại Điều 138 Luật Xây dựng 2014 và khoản 1 Điều 2 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, Hợp đồng trong xây dựng được quy định là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Dựa theo tính chất, nội dung công việc thực hiện, hợp đồng xây dựng gồm:

Hợp đồng tư vấn xây dựng là hợp đồng để thực hiện một, một số hay toàn bộ công việc tư vấn trong hoạt động đầu tư xây dựng;

Hợp đồng thi công xây dựng công trình: là hợp đồng để thực hiện việc thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình hoặc phần việc xây dựng theo thiết kế xây dựng công trình; hợp đồng tổng thầu thi công xây dựng công trình là hợp đồng thi công xây dựng để thực hiện tất cả các công trình của một dự án đầu tư;

Hợp đồng cung cấp thiết bị lắp đặt vào công trình xây dựng;

Hợp đồng thiết kế – mua sắm vật tư, thiết bị – thi công xây dựng;

Hợp đồng chìa khóa trao tay;

Hợp đồng cung cấp nhân lực, máy và thiết bị thi công ;…

Dựa theo hình thức giá hợp đồng áp dụng, hợp đồng xây dựng gồm các loại sau:

Trọn gói (đơn giá không đổi);

Theo đơn giá cố định;

Theo đơn giá điều chỉnh;

Theo thời gian;

Theo chi phí cộng phí;

Theo giá kết hợp;

Hợp đồng xây dựng khác;

2. Nội dung cơ bản của hợp đồng

Khi soạn thảo hợp đồng, cần đảm bảo các nội dung sau:

Căn cứ pháp lý áp dụng;

Ngôn ngữ áp dụng;

Nội dung và khối lượng công việc;

Chất lượng, yêu cầu kỹ thuật của công việc, nghiệm thu và bàn giao;

Thời gian và tiến độ thực hiện hợp đồng;

Giá hợp đồng, tạm ứng, đồng tiền sử dụng trong thanh toán và thanh toán hợp đồng xây dựng;

Bảo đảm thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng hợp đồng;

Điều chỉnh hợp đồng xây dựng;

Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng xây dựng;

Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, thưởng và phạt vi phạm hợp đồng;

Tạm ngừng và chấm dứt hợp đồng xây dựng;

Giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng;

Rủi ro và bất khả kháng;

Quyết toán và thanh lý hợp đồng xây dựng;

Các nội dung khác.

3. Lưu ý khi soạn hợp đồng nguyên tắc trong xây dựng

Căn cứ pháp lý áp dụng

Hợp đồng xây dựng phải áp dụng hệ thống pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tuân thủ các quy định về chuyên ngành xây dựng như:

Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014;

Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng;

Các nghị định, thông tư khác quy định cụ thể trong lĩnh vực xây dựng,…

Nội dung và khối lượng công việc

Tùy theo loại hợp đồng xây dựng cụ thể, phạm vi công việc thực hiện được xác định như sau:

Hợp đồng tư vấn xây dựng (Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Thông tư 08/2016/TT-BXD): Là việc lập quy hoạch; lập dự án đầu tư xây dựng; thiết kế; khảo sát; quản lý dự án; quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng; giám sát thi công xây dựng; thẩm tra thiết kế, dự toán và các công việc tư vấn khác trong hoạt động đầu tư xây dựng;

Hợp đồng thi công xây dựng (Điều 2 Thông tư 09/2016/TT-BXD): Là việc cung cấp vật liệu xây dựng, nhân lực, máy và thiết bị thi công và thi công xây dựng công trình theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt.

Hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ: Là việc cung cấp thiết bị; hướng dẫn lắp đặt, sử dụng, vận hành thử, vận hành, đào tạo và chuyển giao công nghệ (nếu có) theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt.

Hợp đồng EPC (Điều 7 Thông tư 30/2016/TT-BXD): Là việc thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị và thi công xây dựng công trình; đào tạo và hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa; chuyển giao công nghệ; vận hành thử không tải và có tải; những công việc khác theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt.

Hợp đồng chìa khóa trao tay: Nội dung chủ yếu là việc lập dự án đầu tư xây dựng; thiết kế; cung cấp thiết bị và thi công xây dựng công trình; đào tạo và hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa; chuyển giao công nghệ; vận hành thử không tải và có tải; bàn giao công trình sẵn sàng đi vào hoạt động cho bên giao thầu và những công việc khác theo đúng dự án được phê duyệt.

Yêu cầu chất lượng sản phẩm và nghiệm thu, bàn giao sản phẩm

Phải thỏa thuận trong hợp đồng về quy chuẩn, tiêu chuẩn (tiêu chuẩn và quy chuẩn Quốc gia), chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng cho sản phẩm của hợp đồng xây dựng, quy định về nguồn gốc, xuất xứ.

Các bên chỉ được nghiệm thu, bàn giao các sản phẩm đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Đối với các sản phẩm sai sót (chưa bảo đảm yêu cầu của hợp đồng) thì phải được sửa chữa, không sửa chữa được thì phải loại bỏ.

Bên nào gây ra sai sót thì bên đó phải chịu toàn bộ chi phí liên quan đến sửa chữa, kiểm định lại và các chi phí khác liên quan.

Thời hạn thực hiện

Thời gian thực hiện dựa theo yêu cầu cụ thể của chủ đầu tư đối với gói thầu. Có thể phân chia theo từng khoảng thời gian dựa vào điều khoản nội dung công việc hai bên đã cam kết.

Giá hợp đồng xây dựng

Giá hợp đồng xây dựng có các hình thức sau:

Giá hợp đồng trọn gói: là giá hợp đồng không đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng đối với khối lượng các công việc thuộc phạm vi hợp đồng đã ký kết.

Giá hợp đồng theo đơn giá cố định: dựa trên cơ sở đơn giá cố định cho các công việc nhân với khối lượng công việc tương ứng.

Giá hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh: dựa trên cơ sở đơn giá đã điều chỉnh do trượt giá theo các thỏa thuận trong hợp đồng nhân với khối lượng công việc tương ứng được điều chỉnh giá.

Giá hợp đồng theo thời gian: dựa trên cơ sở mức thù lao cho chuyên gia, các khoản chi phí ngoài mức thù lao cho chuyên gia và thời gian làm việc (khối lượng) tính theo tháng, tuần, ngày, giờ.

Giá hợp đồng theo giá kết hợp: là loại giá hợp đồng được sử dụng kết hợp các loại giá hợp đồng nêu trên.

Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng xây dựng

Khi soạn thảo điều khoản này, cần đảm bảo theo quy định tại mục 4 chương 2 Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015.

Điều chỉnh hợp đồng xây dựng

Khối lượng công việc phát sinh: phải thỏa thuận cụ thể các trường hợp được điều chỉnh khối lượng, phạm vi và trình tự, thủ tục để điều chỉnh khối lượng:

Đối với hợp đồng trọn gói: khi điều chỉnh khối lượng không làm vượt giá gói thầu được phê duyệt thì chủ đầu tư và nhà thầu tính toán, thỏa thuận và ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng;

Nếu vượt giá gói thầu được phê duyệt thì phải được người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định;

Nếu thỏa thuận không được thì khối lượng các công việc phát sinh đó sẽ hình thành gói thầu mới, việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện gói thầu này theo quy định hiện hành.

Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định và đơn giá điều chỉnh: nếu điều chỉnh không làm vượt giá gói thầu được phê duyệt thì chủ đầu tư và nhà thầu tính toán, thỏa thuận và ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng;

Nếu vượt giá gói thầu được phê duyệt thì phải được người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định;

Điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng xây dựng: phải thỏa thuận cụ thể các trường hợp được điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng xây dựng; trình tự, phạm vi, phương pháp và căn cứ điều chỉnh giá hợp đồng; phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng phải phù hợp với loại giá hợp đồng, tính chất công việc trong hợp đồng xây dựng.

Ngoài ra, cần phải thỏa thuận về các trường hợp được điều chỉnh tiến độ, các bên phải xác định rõ trách nhiệm đối với những thiệt hại do chậm tiến độ gây ra.

Mức thưởng, phạt, cơ chế giải quyết tranh chấp

Khi tiến hành soạn thảo hợp đồng nguyên tắc, cần  chú ý các điều khoản như:

Nếu hoàn thành từng loại công việc trước thời hạn sẽ được thưởng bao nhiêu phần trăm giá trị phần việc thực hiện.

Nêu rõ giới hạn về trách nhiệm và định mức bồi thường thiệt hại của các bên để hạn chế tối đa hậu quả.

Nếu vi phạm hợp đồng về chất lượng, số lượng, thời hạn hoàn công, thời hạn thanh toán,… Hai bên thống nhất áp dụng các văn bản pháp luật hiện hành của Nhà nước để xử lý.

Bên thua kiện sẽ chịu toàn bộ chi phí phát sinh trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Rủi ro và bất khả kháng

Các bên phải quy định trách nhiệm của mỗi bên về quản lý và xử lý rủi ro của mình; trách nhiệm khắc phục hậu quả của mỗi bên trong trường hợp gặp rủi ro.

Trong hợp đồng các bên phải thỏa thuận về việc xử lý bất khả kháng như:

Thông báo về bất khả kháng: Khi một bên bị rơi vào tình trạng bất khả kháng, thì phải thông báo bằng văn bản cho bên kia trong thời gian sớm nhất có thể.

Trách nhiệm của các bên đối với bất khả kháng;

Chấm dứt và thanh toán hợp đồng xây dựng trong trường hợp bất khả kháng (nếu có).

4. Mẫu hợp đồng nguyên tắc trong xây dựng tham khảo

Mẫu hợp đồng nguyên tắc trong xây dựng

Mời các bạn bấm nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ Hợp đồng nguyên tắc trong xây dựng!

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM