Luận án Tiến sĩ Kiến trúc

Chuyên mục Luận án Tiến sĩ Kiến trúc tổng hợp các bài luận án về Kiến trúc, Thiết kế, Kỹ thuật xây dựng, Kết cấu bê tông cốt thép, Xây dựng dân dụng và CN... dành cho các bạn sinh viên chuyên ngành Kiến trúc làm tài liệu tham khảo cho các môn học của mình một cách đầy đủ nhất. Mời các bạn cùng tham khảo!

1. Luận án Tiến sĩ Kiến trúc là gì?

Luận án tiến sĩ Kiến trúc là kết quả nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh, trong đó chứa đựng những đóng góp mới về lý luận và thực tiễn ở lĩnh vực chuyên môn về Kiến trúc, có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học và giải quyết trọn vẹn vấn đề đặt ra của đề tài luận án.

Luận án tiến sĩ Kiến trúc là văn bản gốc thể hiện năng lực tiến hành nghiên cứu độc lập của nghiên cứu sinh (dưới sự hướng dẫn của người hướng dẫn khoa học) và khả năng phân tích, truyền đạt kết quả có ý nghĩa của công trình đó. Vì thế, luận án phải được trình bày thận trọng bằng ngôn ngữ khoa học sao cho những người không trực tiếp tham gia nghiên cứu có thể hiểu, tiếp tục và thậm chí lặp lại công trình đó.

Điều sâu xa của luận án tiến sĩ là tạo nên trình độ nghiên cứu khoa học cao, thông qua việc sáng tạo ra những kết quả để hoàn thành luận án tiến sĩ. Phẩm chất trí tuệ đó có thể đào tạo được và có thể vươn tới được. Nghiên cứu hoàn thành luận án tiến sĩ là một công việc có nhiều rủi ro, vì đẳng cấp sáng tạo ở trình độ cao của luận án. Một số lượng lớn nghiên cứu sinh quá hạn vẫn không hoàn thành luận án tiến sĩ được. Điều đó đòi hỏi phải vạch ra được thực chất của luận án tiến sĩ là gì, và làm thế nào để giảm được sự rủi ro không hoàn thành được luận án.

2. Cách viết đề cương luận án Tiến sĩ Kiến trúc

Đề cương luận án Tiến sĩ là một phác thảo nghiên cứu được thiết kế để:

- Xác định một (hay nhiều) câu hỏi nghiên cứu rõ ràng và một (hay nhiều) phương pháp nghiên cứu để trả lời.

- Đánh dấu tính chất sáng tạo, ý nghĩa quan trọng của nghiên cứu.

- Giải thích làm thế nào kết quả nghiên cứu sẽ thêm vào và phát triển (hoặc thách thức) kiến thức khoa học hiện có trong lãnh vực mà NCS sẽ nghiên cứu.

- Thuyết phục Hội đồng khoa học về tầm quan trọng của nghiên cứu, và lý do tại sao NCS là người thích hợp để thực hiện nghiên cứu đó.

Một đề cương tốt cần bao hàm đầy đủ 4 câu hỏi chính:

- Tôi sẽ làm gì trong nghiên cứu của mình? (What)

- Ai đã nghiên cứu cùng một nội dung và họ đã làm được gì? (Who)

- Làm thế nào để tôi thực hiện được nghiên cứu này? (How)

- Tại sao nghiên cứu nầy là quan trọng đối với cộng đồng khoa học? (Why)

2.1 Cấu trúc của đề cương luận án Tiến sĩ Kiến trúc

Các nội dung sau đây là cần thiết trong một đề cương nghiên cứu:

(Trang bìa): Ghi các nội dung:

- Trường Đại học/Cao đẳng (font 14, in đậm)

- Tên đơn vị đào tạo chuyên ngành (font 14, in đậm)

- Đề cương luận án Tiến sĩ (font 14, in đậm)

- Tên luận án  Tên luận án cần bảo đảm có bao gồm những "từ chủ yếu" (key words) có liên quan đến luận án (nội dung nghiên cứu). Phải chắc chắn rằng tên luận án biểu thị được phương pháp nghiên cứu hoặc những nội dung nghiên cứu chủ yếu. (font 16, in đậm)

- Chuyên ngành, Mã số ngành (font 13, in đậm)

- Tên họ NCS và đơn vị công tác (font 14, in đậm)

- Tên họ Người hướng dẫn (Ghi rõ học hàm, học vị) và  đơn vị công tác (font 14, in đậm)

- Năm (font 13, in đậm)

(Từ trang 1 trở đi)

1. Giới thiệu (4-7 trang)

1.1 Đặt vấn đề  Nêu lý do/sự cần thiết để thực hiện đề tài nghiên cứu của luận án.

1.2 Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu:  Mục tiêu là để mô tả những gì sẽ làm, làm thế nào để thực hiện và những kết quả gì được mong đợi. Phạm vi nghiên cứu là giới hạn của nghiên cứu, kết quả nghiên cứu có thể áp dụng ở cấp độ nào?

1.3 Ý nghĩa nghiên cứu:  Ý nghĩa cụ thể trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, sản xuất, trong các lãnh vực khác,…Cần cho thấy tính mới, sáng tạo (tính mới không phải là nội dung nghiên cứu đã được thực hiện ở nước ngoài bây giờ nghiên cứu áp dụng lại trong điều kiện Việt Nam).

1.4 Giả thuyết nghiên cứu:  Giả thuyết nghiên cứu đặt ra phải dựa trên quan sát hay cơ sở lý thuyết hiện tại (có thể từ kiến thức kinh nghiệm của NCS, từ kết quả nghiên cứu trước đây, hoặc dựa vào nguồn tài liệu tham khảo). Ý tưởng trong giả thuyết là phần lý thuyết chưa được chấp nhận, có tính tiên đoán cần được chứng minh đúng hay sai.

1.5 Câu hỏi nghiên cứu: Nếu có, tối đa là 3 câu hỏi. Các câu hỏi nghiên cứu được đặt ra để được trả lời bằng các nghiên cứu cụ thể nhằm giải quyết mục tiêu nghiên cứu hay/và chứng minh giả thuyết. Các câu hỏi nghiên cứu phải có tính hệ thống chặt chẽ.

1.6 Nội dung nghiên cứu Nêu ngắn gọn các chương của nội dung nghiên cứu chính mà luận án sẽ thực hiện.

1.7 Thời gian thực hiện Ghi rõ tháng, năm.

2. Cơ sở lý thuyết (Khoảng 10 -25 trang, có 2 nội dung chính cần lưu ý)

Tổng quan về tính phù hợp của đề tài nghiên cứu   

Định vị nghiên cứu

3. Phương pháp nghiên cứu (Khoảng 7-15 trang)

3.1 Cách tiếp cận

NCS cần cho biết luận án dùng phương pháp tiếp cận nào: qui nạp (định tính) hay suy diễn (định lượng), hoặc dùng cả hai.

3.2 Phương pháp

NCS cần trình bày các phương pháp cụ thể, không phải phương pháp chung chung; nêu lý do và cơ sở hợp lý cho việc áp dụng những phương pháp này. NCS cần ghi rõ các nội dung thông tin cần điều tra và nguồn thông tin thứ cấp và sơ cấp để có được thông tin cần thiết. Cách thức xác định kích thước mẫu và phương pháp chọn đối tượng vào mẫu cũng cần được mô tả chi tiết. Cần chú ý tính hệ thống, trình tự khi áp dụng các phương pháp nghiên cứu.

NCS cần thuyết phục rằng phương pháp nghiên cứu được chọn là phương pháp phù hợp nhất.

3.3 Xử lý số liệu

Trình bày cụ thể phương pháp xử lý số liệu, thí dụ, phân tích phương sai, so sánh giá trị trung bình, phân tích tương quan, hồi quy,...Có thể ghi rõ phần mềm thống kê sẽ sử dụng.

4. Tiến độ thực hiện

Thiết kế ngắn gọn về nội dung thực hiện, dự kiến kết quả và giới hạn thời gian.

5. Tài liệu tham khảo

Tài liệu tham khảo của NCS cần cung cấp cho người đọc về ý thức nắm bắt tài liệu của NCS. Phải chắc chắn các tài liệu tham khảo sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nghiên cứu của NCS. Hãy nhớ rằng, đây không phải chỉ đơn giản là một danh sách thư mục các tài liệu có liên quan. Thay vào đó, tài liệu tham khảo sẽ phản ánh quan trọng việc lựa chọn các tài liệu thích hợp.

Tài liệu tham khảo và trích dẫn phải được trình bày đúng theo chuẩn mực APA hoặc Havard hay Tài liệu Hướng dẫn của Khoa Sau Đại học.

2.2 Quy định của đề cương luận án Tiến sĩ Kiến trúc

- Số trang của đề cương 30-50 trang, cỡ giấy A4.

- Cỡ chữ 13, Times New Roman.

- Giãn dòng 1,5 lines, lề phải 3 cm, lề trái 2 cm, Top: 2 cm, Bottom: 1,5 cm.

- Số trang đánh ở giữa, bên dưới.

- Đóng thành cuốn, bìa mềm.

- Nộp 6 quyển đề cương cho Hội đồng ít nhất là 10 ngày trước khi bảo vệ.

3. Bố cục luận án Tiến sĩ Kiến trúc

Số chương của mỗi luận án tùy thuộc vào từng chuyên ngành và đề tài cụ thể, nhưng thông thường bao gồm những phần và chương sau:

Phần Mở đầu trình bày lí do chọn đề tài, mục đích nghiên cứu, nhiệm vụ nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu, phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu, giả thuyết khoa học, câu hỏi nghiên cứu, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài, cấu trúc của luận án.

Phần Tổng quan: phân tích, đánh giá các công trình nghiên cứu đã có của các tác giả trong nước và ngoài nước liên quan mật thiết đến đề tài luận án; nêu những vấn đề còn tồn tại; chỉ ra những vấn đề mà đề tài luận án cần tập trung nghiên cứu, giải quyết. (Phần Tổng quan nên chuyển thành Chương 1 của luận án).

Phần Nội dung (gồm một hoặc nhiều chương) trình bày nội dung và kết quả nghiên cứu.

Phần Kết luận: trình bày những phát hiện mới, những kết luận rút ra từ kết quả nghiên cứu; kiến nghị về những nghiên cứu tiếp theo.

Danh mục Công trình của tác giả: liệt kê các bài báo, công trình đã công bố của tác giả về nội dung của đề tài luận án theo trình tự thời gian công bố.

Danh mục Tài liệu tham khảo: chỉ bao gồm các tài liệu được trích dẫn, sử dụng và đề cập tới trong luận án.

Mục lục: Mục lục phản ánh khái quát nội dung của luận án. Trong phần mục lục cần ghi rõ tên chương, tên mục và tiểu mục của chương có trong luận án. Các tên này phải đúng như vốn có trong luận án. Thứ tự của chúng là thứ tự xuất hiện trong luận án.

Phụ lục.

(Xem minh họa dưới đây về bố cục của luận án qua trang Mục lục)

MỤC LỤC

Trang

Trang phụ bìa

 

Lời cam đoan

 

Mục lục

 

Danh mục các ký hiệu, các chữ viết tắt

 

Danh mục các bảng

 

Danh mục các hình vẽ, biểu đồ, sơ đồ

 

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5. Giả thuyết khoa học và Câu hỏi nghiên cứu

7. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

8. Cấu trúc của Luận án

 

Chương 1: TỔNG QUAN

 

1.1. ...

 

1.2 ...

 

Chương 2: ………………………..

 

2.1. ...

 

2.1.1. ...

 

2.1.2. ...

 

2.2. ...

 

Chương 3: ………………

 

Chương 4: ……………..

 

KẾT LUẬN

 

DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

PHỤ LỤC

 

(Chú ý: nên sắp xếp sao cho mục lục của luận án gọn trong một trang giấy).

4. Hình thức trình bày của luận án Tiến sĩ Kiến trúc

Luận án phải được trình bày đúng quy cách; đảm bảo các tiêu chí khoa học rõ ràng, mạch lạc, không tẩy xóa; có đánh số trang, đánh số bảng biểu, hình vẽ, đồ thị. Tác giả luận án phải có lời cam đoan danh dự về công trình khoa học của mình.

Luận án được đóng bìa cứng, in chữ nhũ đủ dấu tiếng Việt (theo mẫu).

Trang phụ bìa (trang title): đây trang thứ nhất của luận án, không đánh thứ tự trang. Trên trang này ghi như ở trang bìa, ngoài ra còn thêm tên chuyên ngành, mã số (quy định của Bộ GD- ĐT) và tên thầy hướng dẫn (theo mẫu).

4.1 Soạn thảo văn bản luận án Tiến sĩ Kiến trúc

Luận án sử dụng chữ (font) thuộc mã UNICODE, kiểu chữ chân phương, dễ đọc. Đối với phần nội dung (văn bản), dùng cỡ 13 hoặc 14 của loại chữ VN Times hoặc Times New Roman; mật độ chữ bình thường, không được nén hoặc kéo dãn khoảng cách giữa các chữ; dãn dòng đặt ở chế độ 1,5 lines; lề trên 3cm; lề dưới 3cm; lề trái 3,5cm; lề phải 2cm. Số trang đánh ở giữa, phía cuối mỗi trang.

Luận án được in vi tính trên một mặt giấy trắng khổ A4 (210 x 297mm), độ dài không quá 150 trang tính từ phần Mở đầu đến hết phần Kết luận, không kể tài liệu tham khảo và các phụ lục (nếu có).

4.2 Tiểu mục 

Tên chương, mục và tiểu mục cần được viết thống nhất cho mỗi loại về kiểu chữ, khổ chữ và độ đậm nhạt... Sự thống nhất này được thực hiện trong suốt luận án. Tên chương được viết trên đầu trang mới, dưới tên chương nên để trống 2 dòng. Không để tên mục, tiểu mục ở cuối chân trang.

Các tiểu mục của luận án được trình bày và đánh số thành nhóm chữ số, nhiều nhất gồm bốn chữ số với số thứ nhất chỉ số chương (ví dụ 4.1.2.1 chỉ tiểu mục 1 nhóm tiểu mục 2 mục 1 chương 4). Tại mỗi nhóm tiểu mục phải có ít nhất hai tiểu mục (nghĩa là không thể có tiểu mục 2.1.1 mà không có tiểu mục 2.1.2 tiếp theo).

Cách trình bày và đánh số thự tự chương, mục và tiểu mục: Chỉ sử dụng hệ thống số Ả-rập, đánh theo luỹ tiến (không dùng số La Mã, không dùng ký tự A,B,C...).

4.3 Bảng biểu, hình vẽ, sơ đồ, phương trình

Số của bảng biểu, hình vẽ, sơ đồ, phương trình phải gắn với số chương.

Mọi đồ thị, bảng biểu lấy từ các nguồn khác phải được trích dẫn đầy đủ, nguồn được trích dẫn phải được liệt kê chính xác trong danh mục Tài liệu tham khảo. 

Các bảng rộng có thể trình bày theo chiều đứng của trang giấy (297mm), chiều rộng của trang giấy có thể lớn hơn 210mm.

Trong luận án các hình vẽ phải sạch sẽ, rõ ràng, bằng mực đen để có thể sao chụp; cỡ chữ giống cỡ chữ sử dụng trong chính văn luận án. Khi đề cập đến các bảng biểu, hình vẽ, sơ đồ phải nêu rõ số của hình, bảng biểu và sơ đồ đó. 

4.4 Viết tắt

Không lạm dụng viết tắt trong luận án. Chữ cần viết tắt khi xuất hiện lần đầu trong luận án được viết đầy đủ và liền đó đặt ký hiệu viết tắt của chữ đó trong ngoặc đơn

Ví dụ: Nghiên cứu khoa học (NCKH)

Chú ý: Không viết tắt trong mục lục, đề mục; không viết tắt trong phần đặt vấn đề và kết luận; không viết tắt những cụm từ dài, những mệnh đề; không viết tắt những cụm từ ít xuất hiện trong luận án

4.5 Danh mục tài liệu tham khảo

Tài liệu tham khảo được xếp riêng theo từng ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung, Nhật...).

Tài liệu tham khảo xếp theo thứ tự ABC họ tên tác giả theo thông lệ của từng nước

Nếu luận án trích dẫn văn bản quy phạm pháp luật thì các văn bản này cần liệt kê trong một mục riêng (đặt tên là Các văn bản quy phạm pháp luật; xếp sau phần Tài liệu tham khảo (bằng các thứ tiếng); sắp xếp theo loại văn bản (Hiến pháp, Luật, Nghị định, Quyết định. Thông tư, ...) và trong từng loại sắp xếp theo thứ tự thời gian công bố.

Tài liệu tham khảo là sách, luận văn, báo cáo phải ghi đủ các thông tin

Tài liệu tham khảo là báo cáo, tin trong tạp chí, bài trong một cuốn sách... ghi đầy đủ các thông tin

4.6 Cách ghi trích dẫn

Mọi ý kiến, khái niệm có ý nghĩa, mang tính chất gợi ý không phải của riêng tác giả và mọi tham khảo khác phải được trích dẫn và ghi rõ nguồn trong danh mục Tài liệu tham khảo của luận án. 

Nếu không có điều kiện tiếp cận được một tài liệu gốc mà phải trích dẫn thông qua một tài liệu khác thì phải nêu rõ cách trích dẫn này, đồng thời tài liệu gốc đó không được liệt kê trong danh mục Tài liệu tham khảo của luận án.

Đối với phần được trích dẫn từ nhiều tài liệu khác nhau, số của từng tài liệu được đặt độc lập trong từng ngoặc vuông, theo thứ tự tăng dần, ví dụ [6, tr. ], [12, tr. ], [27, tr. ].

4.7 Phụ lục của luận án

 Phần này bao gồm những nội dung cần thiết nhằm minh họa hoặc bổ trợ cho nội dung luận án như số liệu, biểu mẫu, tranh ảnh… Nếu luận án sử dụng những câu trả lời cho một bản câu hỏi thì bản câu hỏi mẫu này phải được đưa vào phần Phụ lục ở dạng nguyên bản đã dùng để điều tra, thăm dò ý kiến; không được tóm tắt hoặc sửa đổi. Các tính toán mẫu trình bày tóm tắt trong các bảng biểu cũng cần nêu trong Phụ lục của luận án. Phụ lục không được dày hơn phần chính của luận án.

5. Một số đề tài luận án tiến sĩ Kiến trúc tham khảo

Kiến trúc

  • Tổ chức không gian kiến trúc chợ đầu mối nông sản thực phẩm phù hợp với đô thị Hà Nội
  • Tổ chức môi trường ở nông thôn vùng đồng bằng sông hồng theo hướng hiện đại và phát huy giá trị truyền thống
  • Quản lý kiến trúc cảnh quan thôn bản truyền thống phục vụ phát triển du lịch ở tỉnh Lào Cai
  • Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan thành phố bắc giang hướng tới đô thị xanh
  • Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc khu phố Pháp tại thành phố SavannakhetLào
  • Diễn giải truyền thống trong kiến trúc Việt Nam đương đại

Thiết kế

  • Sự hòa nhập của kiến trúc thuộc địa pháp với các thuộc tính đô thị Huế
  • Nghiên cứu tác dụng giảm sóng của rừng cây ngập mặn ven biển bắc bộ phục vụ quy hoạch và thiết kế đê biển
  • Đánh giá nghệ thuật kiến trúc và kỹ thuật xây dựng tháp chăm nhằm phục vụ công tác bảo tồn
  • Quản lý không gian xanh thành phố Huế

Kỹ sư xây dựng

  • Ảnh hưởng của tường chèn tới phản ứng của hệ khung bê tông cốt thép chịu động đất
  • Nghiên cứu khả năng tháo qua tràn piano khi kể đến ảnh hưởng của mực nước hạ lưu

Kết cấu bê tông cốt thép

  • Đánh giá độ bền thấm nước và khuếch tán ion clorua của bê tông có xét đến yếu tố ứng suất nén, ứng dụng trong kết cấu cầu
  • Phân tích kết cấu liên hợp thép - bê tông trong điều kiện cháy có xét đến quá trinh tăng nhiệt và giảm nhiệt
  • Nghiên cứu nâng cao cường độ chịu kéo khi uốn và khả năng chống mài mòn của bê tông cát mịn đối với mặt đường bê tông xi măng
  • Nghiên cứu sử dụng Metakaolin Việt Nam để chế tạo bê tông trang trí
  • Nghiên cứu hoàn thiện quản lý hợp đồng bảo trì công trình đường bộ Việt Nam
  • Nghiên cứu giải pháp huy động và sử dụng vốn cho bảo trì đường bộ
  • Nghiên cứu ứng dụng hình thức đối tác công tư trong quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị

Xây dựng dân dụng và CN

  • Nghiên cứu cơ sở khoa học kết hợp mô hình mô phỏng – tối ưu – trí tuệ nhân tạo
  • Tổ chức không gian kiến trúc nhà ở nông thôn tiểu vùng nam đồng bằng sông hồng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
  • Xác định các tham số trong bài toán chẩn đoán kết cấu bằng phương pháp động để cải tiến công tác quản lý công trình cầu
  • Quản lý cấp nước các đô thị tỉnh bình thuận trong điều kiện biến đổi khí hậu
  • Giải pháp thu hút vốn đầu tư phát triển giao thông đường bộ Việt Nam
  • Nghiên cứu ổn định và độ bền của khối phủ rakuna-iv xếp rối trên đê chắn sóng đá đổ
  • Nghiên cứu thành phần, tính chất cơ học và khả năng sử dụng bitum epoxy làm chất kết dính cho hỗn hợp asphalt tại Việt Nam
  • Nghiên cứu phương pháp xác định chỉ số an toàn và độ tin cậy yêu cầu cho hệ thống đê vùng đồng bằng sông hồng theo lý thuyết độ tin cậy và phân tích rủi ro.

Trên đây là một số thông tin hướng dẫn giúp bạn hoàn thành luận án của mình theo đúng quy định. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các mẫu luận án Tiến sí Kiến trúc  được chia sẻ trên eLib làm tư liệu học tập cho môn học của mình. Cùng tham khảo ngay nhé!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM