Luật Doanh nghiệp

Luật doanh nghiệp là văn bản luật chứa đựng có hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về những điều kiện, trình tự thành lập, tổ chức và hoạt động của công tỉ trách nhiệm hữu hạn, công ti cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. eLib tổng hợp và chia sẻ đến bạn các văn bản pháp luật về Luật Doanh nghiệp mới nhất, mời các bạn cùng tham khảo.

1. Luật Doanh nghiệp là gì?

Luật doanh nghiệp là văn bản luật chứa đựng có hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về những điều kiện, trình tự thành lập, tổ chức và hoạt động của công tỉ trách nhiệm hữu hạn, công ti cổ phần, công ti hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.

Luật doanh nghiệp được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá X, kì họp thứ 5 thông qua ngày 12.6.1999, thay thế Luật công ty năm 1990 và Luật doanh nghiệp tư nhân năm 1990, được sửa đổi, bổ sung năm 1994.

Đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật là việc thành lập, tổ chức quản lí và hoạt động của các loại hình doanh nghiệp: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Đối với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội khi được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần thì được điều chỉnh theo Luật này. Về nguyên tắc, việc thành lập, tổ chức quản lí và hoạt động của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam áp dụng theo các quy định của Luật doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan. Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật doanh nghiệp và Luật chuyên ngành về cùng một vấn đề, thì áp dụng theo quy định của Luật chuyên ngành.

Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân được Quốc hội Khoá VIII thông qua vào cuối năm 1990 (sửa đổi năm 1994) là dấu mốc quan trọng trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới về kinh tế ở Việt Nam. Sau hơn 8 năm tồn tại, Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân đã có những đóng góp tích cực vào thành công của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước yêu cầu tiếp tục cải cách, huy động nội lực để phát triển kinh tế và hôi nhập quốc tế, việc ban hành luật mới là rất cấp bách, trong đó, một số vấn đề liên quan đến thành lập, tổ chức quản lí, chuyển đổi cơ cấu của các hình thức tổ chức kinh doanh và mối liên hệ giữa các bên có liên quan trong hình thức tổ chức kinh doanh đó nhằm tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư lựa chọn cần phải được pháp luật quan tâm điều chỉnh và quy định rõ.

2. Quá trình sửa đổi Luật Doanh nghiệp

Ngày 26/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp năm 2014 (Luật số: 68/2014/QH13), có hiệu lực kể từ 01/7/2015; Luật này quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty.

So với Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 có 10 chương, 213 điều, tăng 41 điều; Chương IV quy định về Doanh nghiệp nhà nước với 22 điều là chương mới hoàn toàn; Điều 10 quy định về tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội cũng mới hoàn toàn.

Ngày 17/6/2020, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Doanh nghiệp 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, trong đó có một số điểm mới nổi bật như:

Thứ nhất, về thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp:

Theo quy định hiện hành thì trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Luật mới không quy định thủ tục thông báo mẫu dấu với Cơ quan đăng ký kinh doanh

Thứ hai, về hộ kinh doanh:

Sẽ bỏ quy định về chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Đồng thời, để bảo đảm tính liên tục cho đến khi ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, cần thiết giao Chính phủ hướng dẫn đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh (khoản 4 Điều 217 quy định về điều khoản thi hành).

Thứ 3, sửa đổi, định nghĩa lại về doanh nghiệp nhà nước

Tại luật mới, doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc phân chia các loại doanh nghiệp có sở hữu nhà nước theo mức độ sở hữu khác nhau. Cụ thể như sau:

Điều 88. Doanh nghiệp nhà nước

1. Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:

a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

b) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

2. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;

b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

3. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;

b) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Thứ 4, tại điều 17 Luật DN 2020 bổ sung thêm đối tượng là tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam gồm:

- Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

- Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

- Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

- Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

- Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự. (đối tượng này được bổ sung mới)

3. Luật Doanh nghiệp Việt Nam mới nhất

Ngày 17 tháng 6 năm 2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2020. Các quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020 được coi là có nhiều điểm mới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong giai đoạn gia nhập thị trường nói riêng và trong quá trình đầu tư, kinh doanh nói chung.

Trước tiên, chúng ta không thể phủ nhận được những tác động tích cực của Luật Doanh Nghiệp 2014 với bằng chứng là những con số, số liệu thống kê đáng nể. Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.478.101 tỷ đồng tăng gấp 1,75 về số lượng và 3,4 lần về số vốn đăng ký so với năm 2014. Luật Doanh nghiệp 2014 và các nghị định hướng dẫn thi hành đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, thúc đẩy hoạt động thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy vậy, trong thời kỳ phát triển mới, một số nội dung của Luật Doanh nghiệp 2014 đã không còn phù hợp và thậm chí còn tạo gánh nặng về chi phí, về thời gian trong quá trình tuân thủ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số quy định cần được sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp với các luật ban hành gần đây, để nâng cấp môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ, nâng cao chất lượng hoạt động doanh nghiệp đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

Một số điểm mới của Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020:

Quy định về thông báo mẫu dấu

Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020 không còn quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh nữa.

  • Theo đó, khi thực hiện đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp không cần đăng tải mẫu con dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nữa.
  • Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ doanh nghiệp hoặc quy chế do doanh nghiệp hoặc đơn vị của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch hành chính và dân sự theo quy định của pháp luật có liên quan.
  • Doanh nghiệp được toàn quyền quyết định loại dấu; số lượng, hình thức và nội dung con dấu của của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác.

Quy định về hộ kinh doanh

Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020 không còn quy định về hộ kinh doanh mà sẽ ban hành một Luật riêng để điều chỉnh.

Hộ kinh doanh trước trước đây được quy định tại Chương VIIa Luật Doanh nghiệp 2014. Xuất phát từ thực tế số hộ kinh doanh ở Việt Nam là rất lớn so với các doanh nghiệp, bên cạnh đó bản chất, cách thức và quy mô hoạt động của hộ kinh doanh cũng rất khác so với doanh nghiệp. Do vậy, việc xây dựng một luật riêng điều chỉnh hoạt động của hộ kinh doanh là rất cần thiết.

Trong thời gian chưa có luật riêng điều chỉnh cho hộ kinh doanh, Chính phủ sẽ đưa ra các hướng dẫn liên quan đến thủ tục đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh.

Quy định về đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020 quy định một một số đối tương bị cấm thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.

Theo khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2020, tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

  • Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
  • Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của luật về cán bộ, công chức, viên chức;
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
  • Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
  • Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
  • Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng, thuế;
  • Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
  • Như vậy, so với Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020 bổ sung thêm 01 đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp là “Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự”.

Quy định về tỷ lệ vốn trong doanh nghiệp Nhà nước

Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020 sửa đổi quy định liên quan đến thay đổi tỷ lệ vốn góp trong doanh nghiệp Nhà nước.

Theo khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2020: “Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật này”.

Cụ thể, Điều 88 Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020 quy định khái niệm doanh nghiệp Nhà nước theo các loại doanh nghiệp có sở hữu Nhà nước với các mức độ sở hữu khác nhau:

“1. Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:

a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
b) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên, trừ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.”

Theo đó, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết bao gồm:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ tập đoàn kinh tế, tổng công ty hoặc trong nhóm công ty mẹ – công ty con.
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Quy định về thời hạn sở hữu cổ phần phổ thông

Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020 bỏ quy định liên quan đến thời hạn sở hữu cổ phần phổ thông.

Theo đó, so với Luật Doanh nghiệp 2014, không còn quy định rằng cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng để bảo đảm việc thực hiện các quyền của cổ đông không làm ảnh hưởng đến việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Cụ thể, theo khoản 2 Điều 115 Doanh nghiệp sửa đổi 2020, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên (thay vì 10% so với Luật Doanh nghiệp 2014) hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền sau đây:

  • Xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty;
  • Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong một số trường hợp;
  • Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết;
  • Các quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020 và Điều lệ công ty.

- Mặc dù chưa hoàn thành hết được các mục tiêu đã đề ra trong quá trình soạn thảo, Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020 được đánh giá là một thành công trong công tác hoàn thiện khung thể chế và pháp luật của Việt Nam nói chung cũng như pháp luật về Doanh nghiệp nói riêng.

- Dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020 hứa hẹn sẽ đem lại nhiều thành tựu trong quá trình thực thi pháp luật.

4. Tác động của Luật Doanh nghiệp

Tác động tích cực sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời

Luật Doanh nghiệp chính thức đi vào thực hành từ năm 2000 mang lại nhiều thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp tư nhân. Tác động đầu tiên của nó chính là vô hiệu hóa hàng loại các loại giấy phép, con dấu các loại, giảm nhiêu khê và công sức của doanh nghiệp trong các hoạt động của mình. Khi Luật đi vào hoạt động, chính phủ của thủ tướng Phan Văn Khải tiếp tục tìm cách xóa bỏ bớt những loại giấy phép còn tồn đọng. Đến năm 2003, có khoảng 500 loại giấy phép "thừa" được thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định bãi bỏ. Hệ quả là môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Sau 3 năm đi vào hoạt động, Việt Nam tăng được 2 bậc trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Tuy vẫn bị đánh giá rất thấp (hơn Thái Lan và Trung Quốc nhiều), nhưng đây là sự cải thiện rõ ràng. Khối kinh tế tư nhân cũng phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2000 đến năm 2002 có 55.793 doanh nghiệp mới được thành lập, trong khi 9 năm trước đó 1991-1999 chỉ có 45.000.

Luật Doanh nghiệp ra đời còn giảm thái độ cửa quyền, nhũng nhiễu của các cơ quan công quyền, hải quan, thuế quan, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động dễ dàng hơn, và tốn ít chi phí bôi trơn hơn. Luật Doanh nghiệp tiếp tục được hoàn thiện và áp dụng cho cả doanh nghiệp tư nhân và nhà nước đã phần nào đưa các loại hình doanh nghiệp vào một sân chơi chung, hứa hẹn giảm tải sự tham gia của nhà nước vào kinh doanh, thúc đẩy tự do và phát triển kinh tế.

Đến nay tuy vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, việc thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam đã rất nhanh và dễ dàng so với trước khi có luật. Ở những trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng v.v..., đã xuất hiện nhiều dịch vụ tư nhân hỗ trợ thành lập doanh nghiệp với chi phí khá thấp. Riêng trong năm 2013, Việt Nam có 76.955 doanh nghiệp mới được thành lập.

Những biến chuyển trong việc thực thi Luật Doanh nghiệp từ thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tuy đã rất cố gắng, thủ tướng Phan Văn Khải cùng Tổ công tác của ông cũng không trừ bỏ được vấn nạn giấy phép. Các loại giấy phép kinh doanh cứ liên tục "mọc lên" và vẫn là rào cản rất lớn cho sự phát triển lành mạnh của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. "Sân chơi công bằng" vẫn tiếp tục là điều xa vời khi các công ty nhà nước vẫn được ưu tiên quá nhiều, nắm giữ những nguồn tài nguyên, vốn của đất nước cùng các loại đặc quyền đặc lợi thành văn và bất thành văn khác. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với chủ trương lớn kinh tế tập đoàn của mình, nhìn chung đã đi ngược lại tinh thần của Luật Doanh nghiệp và chính phủ của thủ tướng Phan Văn Khải khi lạm dụng việc điều hành kinh tế bằng những chỉ thị, nghị quyết và công văn mà không sử dụng luật. Việc nhà nước tiếp tục tham dự sâu vào sân chơi kinh tế khiến cho các loại giấy phép lại sinh sôi nẩy nở, tình trạng lãng phí và tham nhũng lại diễn ra nặng nề hơn. Việt Nam đã hình thành nền kinh tế cánh hẩu cùng các nhóm lợi ích liên quan đến các quan chức nhà nước. Kết quả là giảm tính cạnh tranh, năng suất lao động và hiệu quả lao động của cả nền kinh tế. Rất nhiều nhà khoa học và chuyên gia kinh tế, trong cũng như ngoài nước đang lo sợ sự trì trệ và suy giảm kinh tế sẽ diễn ra trong tương lai gần nếu không có sự thay đổi.

5. Tại sao phải am hiểu Luật Doanh nghiệp?

Luật doanh nghiệp là một phần trong luật kinh tế, chính vì lẽ đó, mỗi thành phần của nền kinh tế này đều ảnh hưởng trực tiếp từ luật doanh nghiệp, không chỉ đơn thuần các tổ chức doanh nghiệp, các chủ đầu tư hay các cổ đông của doanh nghiệp với phải am hiểu về luật mà tất các các thành phần khác như ngân hàng, các ban ngành và cả khách hàng, đại chúng cũng đều phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhằm đảm bảo được tuân thủ luật pháp, tạo tính công bằng, đảm bảo quyền lợi cũng như thúc đẩy sự phát triển, cạnh tranh một cách lành mạnh. Quan trọng nhất của một doanh nghiệp chính là tạo ra được lợi nhuận, nhưng để làm được điều đó cũng chính một phần phụ thuộc vào pháp luật doanh nghiệp, chúng như một cơ sở cho doanh nghiệp có những phương hướng đúng đắn, là nguyên tắc để các cơ quan kiểm tra kiểm soát tiến hành công việc, cũng như là những phép tắc để doanh nghiệp hoạt động. 

Có thể nói mọi công ty chính thống được thành lập đều phải tuân thủ theo pháp luật, đặc biệt là luật doanh nghiệp để có thể phát triển và cạnh tranh một cách lành mạnh. Chính vì lẽ đó, các tổ chức doanh nghiệp, các ngân hàng cũng như mọi người đều phải có quyền và trách nhiệm nghiên cứu về pháp luật doanh nghiệp. Vì thế, eLib phát triển chuyên mục Luật Doanh nghiệp hi vọng sẽ giúp bạn tìm kiếm và tra cứu thông tin liên quan đến Luật Doanh nghiệp một cách nhanh nhất phục vụ cho quá trình quản lý, phát triển doanh nghiệp của bạn. Mời các bạn cùng tham khảo.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM