Đước xanh - Trị đái tháo đường

Đước xanh mọc phổ biến ở bờ biển có rừng ngập mặn, nơi có bùn cứng, từ Quảng Ninh tới Khánh Hoà. Cũng phân bố ở các vùng nhiệt đới. Thường dùng để nhuộm lưới và thuộc da, Vỏ được dùng làm thuốc cầm máu và trị ỉa chảy. Ở Ân Độ, được dùng trong điều trị bệnh đái đường. Để biết được công dụng trong y học của cây Đước xanh mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.

Đước xanh - Trị đái tháo đường

Đước xanh, Đước nhọn, Đưng - Rhizophora mucronata Poirel, thuộc họ Đước - Rhizophora- ceae.

1. Mô tả

Cây gỗ có nhiều rễ phụ. Lá hình bầu dục, gần tròn hay tù ở hai đầu, có cạnh lồi ở dưới, ít rõ ở trên, dài 7 - 13cm, rộng 4 - 6cm. Hoa vàng, thành xim lưỡng phân, phân nhánh nhiều lần, dài hơn cuống lá. Quả một ô chứa 1 hạt, dai, bao bởi đài hoa gập xuống ở phía gốc; trụ mầm dài 30 - 90cm.

Hoa tháng 5 - 6.

2. Bộ phận dùng

Vỏ cây - Cortex Rhizophorae Mucronatae

3. Nơi sống và thu hái

Cây mọc phổ biến ở bờ biển có rừng ngập mặn, nơi có bùn cứng, từ Quảng Ninh tới Khánh Hoà. Cũng phân bố ở các vùng nhiệt đới.

4. Thành phần hoá học

Có tanin với hàm lượng thay đổi từ 8 đến 40%. Vỏ chứa một tỷ lệ cao pentosan và furfurol. Tro vỏ chứa chủ yếu là sắt (18%) carbonat calcium (70%).

5. Tính vị, tác dụng

Cây có vị chát, có tác dụng làm săn da.

6. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Thường dùng để nhuộm lưới và thuộc da. Vỏ được dùng làm thuốc cầm máu và trị ỉa chảy. Ở Ân Độ, được dùng trong điều trị bệnh đái đường. Tro vỏ cây có thể dùng làm phân lót.

7. Ghi chú

Loài Đước chăng - Rhizophora stylosa Grifl có vỏ chứa ít tanin cũng được sử dụng như loài trên.

Trên đây là một số thông tin về cây Đước xanh mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính tham khảo. eLib.VN không khuyến khích bạn đọc tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.

Ngày:30/10/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM