Nhục đậu khấu - Làm thuốc trị lỵ, tiêu chảy

Nhục đậu khấu là cây to, có vị cay, đắng hơi chát, mùi thơm, giúp điều hòa, làm săn da, dùng làm thuốc trị lỵ, tiêu chảy, đau dạ dày, sốt rét, thấp khớp,... Bài viết dưới đây của eLib.VN sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn chi tiết hơn về những lợi ích và cách sử dụng của loại cây này, mời bạn đọc tham khảo.

Nhục đậu khấu - Làm thuốc trị lỵ, tiêu chảy

Nhục đậu khấu - Myristica fragrans Houtt., thuộc họ Nhục đậu khấu - Myristicaceae.

1. Mô tả

Cây to, cao 8 - 10m, thân nhẵn. Lá mọc so le, màu xanh đậm, cuống dài, phiến lá hình mác rộng hay hình trái xoan dài 5 - 15cm, rộng 3 - 7cm, mép nguyên; cuống dài 7 - 10mm. Hoa khác gốc, màu vàng trắng, mọc thành xim dạng tán ở nách lá. Quả mọng, thõng xuống, hình cầu hay hình quả lê, đường kính 5cm, mở theo chiều dài thành 2 van. Hạt có vỏ dày, cứng, nội nhũ bị gặm sâu và bao bởi một áo hạt xẻ tua màu hồng.

2. Bộ phận dùng

Hạt - Semen Myristicae, thường gọi là Nhục đậu khấu. Có khi người ta dùng quả và gỗ.

3. Nơi sống và thu hái

Cây có nguồn gốc từ các đảo Ceram và các đảo khác của Nam quần đảo Moluques được đưa vào trồng ở các vùng nóng và đã được thuần hoá. Ở miền Nam nước ta và ở Campuchia cũng có trồng nhưng tương đối hiếm.

Trồng được 7 năm thì có quả. Cây cho quả trong vòng 60 - 70 năm. Mỗi năm thu hoạch hai lần vào tháng 5 - 6 và 11 - 12. Sau khi hái quả, bỏ vỏ, lấy riêng áo hạt ngâm nước rồi phơi, sấy khô, dùng làm thuốc với tên là Nhục quả y hay Ngọc quả hoa. Hạt đem sấy ở nhiệt độ 80o cho đến khi lắc nghe tiếng lọc sọc thì có thể đem đập lấy nhân Nhục đậu khấu.

4. Thành phần hoá học

Hạt chín khô chứa 5 - 10% dầu bay hơi và 25 - 40% dầu cố định. Nhân hạt chứa 23 - 27% một chất béo, gọi là bơ Nhục đậu khấu màu vàng đỏ, vị đắng, 2 - 3% dầu bay hơi, acid myristic và tinh bột. Bơ chứa 10 - 12% nhiều chất béo trong đó myristin khi savon hoá sẽ cho glycerin và acid myristic. Dầu bay hơi không màu, có mùi nồng, đậm và có tính nhớt. Áo hạt chứa 8% tinh dầu, chất nhựa và chất pectin, cũng chứa các chất béo tương tự như ở hạt. Lá chứa 0,41 - 0,62% tinh dầu; lá khô chứa 1,50% tinh dầu bao gồm 80% ũ-pinen và 10% myristicin.

5. Tính vị, tác dụng

Nhục đậu khấu có vị cay, đắng hơi chát, mùi thơm, tính ấm, hơi độc; có tác dụng kích thích chung, lợi trung tiện, giúp điều hoà, làm săn da và kích dục. Dầu từ nhân hạt khô giúp ăn ngon, lợi trung tiện.

6. Công dụng

Được dùng làm thuốc và dùng trong thuốc tễ dẻo ngọt trị lỵ, ỉa chảy mất trương lực, đau dạ dày, đầy hơi, buồn nôn, mửa, suy mòn, sốt rét, thấp khớp, đau thần kinh toạ và giai đoạn đầu của bệnh phong. Dùng dưới dạng bột hay dạng thuốc viên. Ngày uống 0,25 - 0,50g, có thể dùng từ 2 - 4g. Nhưng dùng liều cao, dễ bị ngộ độc, gây say.

Bơ Đậu khấu, dùng xoa bóp ngoài chữa tê thấp mạn tính, đau người.

Ở Thái Lan, gỗ được dùng làm thuốc hạ nhiệt, bổ phổi và gan; hạt dùng bổ, lợi trung tiện, dùng chống co tử cung, trị ỉa chảy; áo hạt làm thuốc bổ máu.

7. Đơn thuốc

Chữa bệnh kém ăn, ăn uống kém tiêu: Nhục đậu khấu 0,50g, Nhục quế 0,50g, Đinh hương 0,20g, tất cả tán thành bột, trộn với đường sữa 1g. Chia làm 3 gói, ngày uống 3 lần, mỗi lần một gói.

Chữa tỳ vị hư hàn, đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy: Nhục đậu khấu 4g nướng qua, Nhục quế 4g mài với nước hay với rượu cho uống hay sắc uống.

Trên đây là một số thông tin về cây Nhục đậu khấu mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. eLib.VN không khuyến khích tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.

Ngày:20/10/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM