Bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tắc tĩnh mạch võng mạc xảy ra do cục máu đông hoặc dịch tích tụ trong tĩnh mạch làm suy yếu chức năng võng mạc, ảnh hưởng thị lực. Để biết rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Võng mạc có nhiệm vụ chuyển đổi ánh sáng và hình ảnh thánh tín hiệu thần kinh và gửi chúng đến não thông qua dây thần kinh thị giác. Bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc xảy ra khi sự tắc nghẽn do cục máu đông hoặc dịch tích tụ trong tĩnh mạch làm suy yếu chức năng của võng mạc, ảnh hưởng đến thị lực. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất thị lực phụ thuộc vào loại tĩnh mạch nào bị tắc.

Tĩnh mạch có hai loại: tĩnh mạch trung tâm và các tĩnh mạch nhánh nhỏ hơn. Tương tự, tắc tĩnh mạch võng mạc có hai loại: tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc và tắc tĩnh mạch nhánh.

2. Triệu chứng

Các triệu chứng tắc tĩnh mạch võng mạc chủ yếu là mờ mắt và mất thị lực. Điều này thường xảy ra đột ngột và chỉ ở một bên mắt. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng mờ mắt và mất thị lực sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong vài giờ hoặc vài ngày.

Đôi khi, bạn sẽ nhìn thấy những đốm đen hoặc đám mây đen nổi. Trong trường hợp nghiêm trọng, tắc nghẽn tĩnh mạch sẽ tích tụ áp lực và gây đau mắt.

Nếu bạn có các triệu chứng trên, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ vì tắc nghẽn tĩnh mạch võng mạc có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác.

3. Nguyên nhân

Tắc tĩnh mạch võng mạc thường xảy ra do các động mạch cứng lại và gây ra cục máu đông, giống như đột quỵ.

Tình trạng tắc nghẽn phổ biến hơn ở những người bị hẹp hoặc tổn thương mạch máu hoặc người mắc bệnh mạn tính, như:

  • Xơ vữa động mạch;
  • Tăng nhãn áp;
  • Phù hoàng điểm – tình trạng dịch chảy vào hoàng điểm hoặc trung tâp võng mạc;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Tăng huyết áp;
  • Cholesterol cao;
  • Rối loạn máu ảnh hưởng đến đông máu trên 60 tuổi;
  • Người hút thuốc lá.

4. Nguy cơ mắc phải

Những người mắc các bệnh lý sau có nguy cơ cao bị tắc tĩnh mạch võng mạc:

  • Đái tháo đường;
  • Tăng huyết áp;
  • Rối loạn lipid máu;
  • Các bệnh lý liên quan đến mạch máu;
  • Tăng nhãn áp.

5. Chẩn đoán và điều trị

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán tắc tĩnh mạch võng mạc?

Ban đầu, bác sĩ sẽ kiểm tra mắt và hỏi bệnh sử của bạn. Họ sẽ nhỏ thuốc giãn đồng tử cho mắt bạn và dùng kính soi đáy mắt để kiểm tra võng mạc có dấu hiệu tắc nghẽn hoặc chảy máu không.

Một số xét nghiệm khác cũng được dùng để chẩn đoán tắc tĩnh mạch võng mạc như:

Chụp cắt lớp quang học giúp bác sĩ quan sát rõ hình ảnh võng mạc Soi đáy mắt Chụp mạch huỳnh quang

Bác sĩ cũng có thể đề nghị xét nghiệm máu để kiểm tra tiểu đường, cholesterol cao và các rối loạn đông máu.

Những phương pháp nào giúp điều trị tắc tĩnh mạch võng mạc?

Tình trạng tắc nghẽn tĩnh mạch võng mạc không thể chữa khỏi. Việc điều trị chỉ tập trung giải quyết các vấn đề phát sinh từ tắc nghẽn, chẳng hạn như:

  • Thuốc: tiêm thuốc vào mắt để giảm phù hoàng điểm và cải thiện thị lực;
  • Laser: laser quang đông võng mạc làm hạn chế các biến chứng nguy hiểm như tăng nhãn áp, xuất huyết dịch kính nếu cần thiết;
  • Điều trị các bệnh lý toàn thân: điều trị các bệnh lý bạn đang có như tăng nhãn áp, đái tháo đường, tăng huyết áp hay các nguyên nhân khác.

6. Phòng ngừa tắc tĩnh mạch võng mạc

Thông thường, tắc tĩnh mạch võng mạc do các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn gây ra. Do đó, điều quan trọng là bạn cần duy trì huyết áp, cholesterol và mức đường huyết trong phạm vi cho phép.

Nếu bị tiểu đường, bạn nên kiểm tra mắt định kỳ. Nếu đang dùng thuốc tránh thai, hãy nói chuyện với bác sĩ. Trong những trường hợp rất hiếm, các thuốc này có thể dẫn đến tắc tĩnh mạch võng mạc.

Khả năng hồi phục của bệnh phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Nhiều người có thể phục hồi và lấy lại phần lớn thị lực, nhưng một số người sẽ mất thị lực vĩnh viễn.

Những người có các tình trạng mắt khác hoặc các biến chứng từ vấn đề mắt sẽ không thể hồi phục thị lực hoàn toàn. Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên khám mắt để bảo vệ sức khỏe mắt và phòng ngừa các vấn đề khác.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến hội chứng Tắc tĩnh mạch võng mạc, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:11/09/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM