Thuốc trợ tim không phải digitalis

Thuốc trợ tim không phải digitalis được dùng cho suy tim cấp tính, và đợt cấp tính của suy tim mạn, biểu hiện bằng cơn khó thở nặng, phù ngoại biên hoặc phù phổi. Cùng eLib.VN tìm hiểu thông tin về loại thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.

Thuốc trợ tim không phải digitalis

1. Thuốc làm tăng AMPv

Thuốc loại này được dùng cho suy tim cấp tính và đợt cấp tính của suy tim mạn, biểu hiện bằng cơn khó thở nặng, phù ngoại biên hoặc phù phổi. Việc điều trị trước tiên là phải làm giảm gánh nặng cho tim bằng thuốc giãn mạch, thuốc lợi niệu (xin xem phần tương ứng); sau đó là dùng thuốc làm tăng sức co bóp của cơ tim. Các thuốc loại này đều là thuốc tiêm và bệnh nhân thường phải nằm viện.

Thuốc tăng co bóp tim loại digitalis, không được dùng trong shock vì có nhiều tác dụng phụ, càng dễ xảy ra khi có tăng catecholamin nội sinh (stress), thiếu ox y, acid huyết. Thường xảy ra loạn nhịp.

Hiện ưa dùng loại làm tăng AMPv ở màng tế bào cơ tim, tác dụng làm mở kênh calci nên làm tăng co bóp tim:

Thuốc kích thích adenylcyclase, enzym tổng hợp AMPv, và ức chế phosphodiesterase, enzym giáng hoá AMPv, đều có tác dụng làm tăng AMPv (sơ đồ). Các thuốc này làm tăng biên độ co bóp của cơ tim, tốc độ co bóp nhanh và thời gian co ngắn lại, có tác dụng tốt trong điều trị suy tim cấp, sốc. Các glycosid tim cũng làm tăng biên độ co bóp của cơ tim, nhưng tốc độ co bóp chỉ tăng vừa phải và thời g ian co bóp lại kéo dài, có tác dụng cải thiện được tình trạng suy tim mạn

2. Các thuốc cường β adrenergic

Isoprenalin

Tác dụng dược lý:

Cường β1: tác dụng lên cả 4 tính chất của tim, làm tim đập mạnh, đập nhanh, tăng tĩnh dẫn truyền và tính chịu kích thích. Do làm tim đập nhanh, làm tăng nhu cầu oxy của cơ tim. Lưu lượng tim tăng, huyết áp tối đa tăng.

Cường β2: làm giãn khí quản, giãn mạch (giảm sức cản ngoại biên, giảm hậu gánh). Huyết áp tối thiểu giảm.

Lưu lượng tim tăng và giãn mạch là 2 tác dụng quan trọng làm cải thiện được sự tưới máu, đặc biệt là cho vùng tạng nơi chịu ảnh hưởng nhiều của shock.

Ngoài tác dụng tim mạch, isoprenalin còn làm tăng đường huyết, tăng huỷ lipid và do đó sinh năng lượng.

Tác dụng không mong muốn và độc tính:

Hạ huyết áp, loạn nhịp, đau vùng trước tim, nhồi máu cơ tim. Cần theo dõi bằng điện tim.

Không dùng cùng thuốc mê như cyclopropan, fluothan, làm tăng độc tính với tim.

Chỉ định chính:

Shock có hạ huyết áp, cản trở máu tới các mạch do co mạch ngoại biên và thiểu năng tim, thể hiện bằng tăng áp lực tĩnh mạch trung tâm.

Ngừng tim, kết hợp với xoa bóp tim ngoài lồng ngực.

Chế phẩm:

Isoprenalin clohydrat (Isuprel).

Isoprenalin sulfat (Aleudrine).

Ống 1ml = 0,2mg.

Truyền tĩnh mạch 2-6 ống trong 250- 500ml huyết thanh ngọt đẳng trương, không có base. Khi ngừng tim tiêm 2 ống vào tim.

Dobutamin

Tác dụng chọn lọc chỉ trên β1 receptor.

Đặc điểm tác dụng trên hệ tim - mạch:

Trên tim: làm tăng co bóp cơ tim, đặc biệt là với liều làm tăng biên độ như isoprenalin thì dobutamin chỉ làm tăng nhịp tim rất ít, do đó chỉ làm tăng ít nhu cầu sử dụng oxy của cơ tim, tuy đã làm tăng được lưu lượng của tim.

Làm giảm nhẹ sức cản ngoại vi và áp lực mao mạch phổi.

Chỉ định:

Shock - tim, nhất là sau mổ tim với tuần hoàn ngoài cơ thể.

Các suy tim nặng, không bù trừ, không đáp ứng với các cách điều trị khác.

Chế phẩm:

Dobutrex lọ 20ml = 250mg.

Pha trong dung dịch glucose hoặc muối đẳng trương, không có base, truyền tĩnh mạch với tốc độ 2 - 15 mg/ kg/ phút, tuỳ tình trạng bệnh vì t/2 = 2 - 3phút. Khi xuất hiện nhịp tim nhanh và loạn nhịp, cần giảm liều.

3. Dopamin

Dopamin là chất tiền thân của noradrenalin và là chất dẫn truyền thần kinh của hệ dopaminergic. Trên tim mạch, tác dụng phụ thuộc vào liều (xin xem “Thuốc cường hệ adrenergic”). Tuy nhiên, ngay cả với liều trung bình (2 - 5 µg/ kg/ phút - liều kích thích β1), dopamin đã làm nhịp tim nhanh nên dễ gây thiếu máu cơ tim, nhất là trên bệnh nhân đã có bệnh mạch vành. Cần cân nhắc khi chỉ định.

4. Các thuốc phong tỏa phosphodiesterase

Nhóm thuốc mới phong tỏa phosphodiesterase có ưu điểm hơn nhóm thuốc cổ điển (nhóm xantin) là:

Tác dụng chủ yếu trên isoenzym F typ III của phosphodiesterase có nhiều ở màng tế bào
cơ tim.

Không kích thích thần kinh trung ương.

Dẫn xuất bipyridin

Amrinon (Inocor) và milrinon (Primacor)

Làm tăng co bóp cơ tim, tăng lưu lượng tim.

Làm giãn mạch nên làm giảm tiền gánh và hậu gánh.

Tác dụng phụ: ít. Có thể gặp sốt, nhức đầu, rối loạn tiêu hoá, giảm vị giác và khứu giác. Giảm tiểu cầu, ngừng thuốc sẽ khỏi, hiếm gặp với milrinon.

Chỉ dùng thuốc cho bệnh nhân nằm viện.

Cách dùng:

  • Amrinon (Inocor) ống 20mL có 100mg amrinon lactat pha trong dung dịch muối đẳng trương dùng ngay trong ngày. Tiêm tĩnh mạch liều tấn công 0,5 µg/kg, sau đó truyền với tốc độ 2-20 µg/kg/phút; t/2 = 2-3giờ.
  • Milrinon (Primacor) 5mg/mL. Ống tiêm tĩnh mạch. Khoảng 10 lần mạnh hơn amrinon. Liều tấn công 50µg/kg tiêm tĩnh mạch, sau đó truyền với tốc độ 0,25 - 1,0µg /kg/ phút; t/2 = 30-60phút. Đang là thuốc được lựa chọn vì ức chế đặc hiệu PDE III.

Dẫn xuất benzimidazol

Là các dẫn xuất ức chế PDE III đang được nghiên cứu:

  • Pimobendan: ngoài cơ chế ức chế PDE III còn có cơ chế làm mẫn cảm các yếu tố co thắt của cơ tim với Ca++ nội bào.
  • Vesnarinon: Là quinolinon tác dụng theo đường uống làm tăng lực co bóp tim mạch và giãn mạch theo nhiều cơ chế: ức chế PDE III, tăng nhập Ca ++, kéo dài điện thế hoạt động, làm chậm nhịp tim. Tuy nhiên phạm vi an toàn hẹp, nhiều nước đã không dùng nữa.

5. Các thuốc khác

Spartein

Alcaloid chiết xuất từ hoa cây Kim tước (Spartium junceum L.), thường dùng spartein sulfat. Làm tim đập mạnh đều, và chậm lại.

Chỉ định:

Đe dọa trụy tim mạch do chấn thương nhiễm độc.

Đánh trống ngực, nhói vùng tim (không phải hội chứng động mạch vành).

Trợ tim giữa hai đợt dùng digitalis hay strophanthus.

Có thể phối hợp với morphin, scopolamin trong tiền mê; spartein còn ức chế bài tiết catecholamin. Nên dùng, nếu gây mê bằng cloroform.

Thúc đẻ: làm tử cung co bóp mạnh và đề u.

Liều lượng: uống hay tiêm dưới da 0,05g/ lần, 1 -3 lần/ ngày.

Long não

Làm nhịp tim đập mạnh, đều, kích thích hô hấp, gây tiết mồ hôi và hạ nhiệt (rất ít).

Chỉ định:

Trụy tim mạch.

Nhiễm khuẩn, nhiễm độc.

Liều lượng:

Dung dịch dầu 10%: tiêm dưới da 2- 5 mL.

Long não tan trong nước (natri camphosulfonat): dung dịch 10%. Tiêm dưới da 1 - 10 mL.

Hai thuốc trên ngày càng ít dùng vì tác dụng không mạnh.

Amino- 2- methyl- 6 heptaminol- 6.

Làm tăng cung lượng động mạch vành, cung lượng tim, lợi niệu, tăng huyết áp. Ít độc. Thường dùng cùng digitalis chữa suy tim. Được chỉ định trong trụy tim mạch, biến chứng tim trong phẫu thuật, viêm cơ tim cấp, nhiễm khuẩn, nhồi máu cơ tim.

Uống mỗi ngày 0,3- 0,5g.

Tiêm bắp, tĩnh mạch: 0,05- 0,1g (dung dịch 5%).

Trên đây là một số thông tin về thuốc trợ tim không phải digitalis mà eLib.VN đã tổng hợp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn. 

Ngày:05/10/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM