Văn miêu tả lớp 6

Văn mẫu lớp 6 là tài liệu hữu ích dành cho các em học sinh lớp 6, tất cả các bài văn mẫu về tả cảnh và tả người đã được eLib biên soạn một cách đầy đủ và hay nhất, giúp các em dễ dàng tìm kiếm, tham khảo và áp dụng vào bài làm văn miêu tả của mình. Chúc các em học tốt!

1. Giới thiệu bài văn miêu tả lớp 6

Có thể nói chương trình Ngữ văn lớp 6 khó hơn rất nhiều so với các lớp trước, những văn bản các em được học chứa một lượng kiến thức rất lớn. Bên cạnh đó, yêu cầu về nội dung bài học cũng đòi hỏi các em những kiến thức thuộc mức vận dụng nâng cao để viết bài văn. Chính vì vậy, eLib đã tổng hợp và biện soạn hệ thống bài văn mẫu về dạng văn miêu tả đầy đủ và hay nhất gửi đến các em nhằm giúp các em học tập, vận dụng viết bài văn miêu tả tốt hơn. Những bài văn mẫu dưới đây đã được đội ngũ dày dặn kinh nghiệm của eLib biên soạn, hy vọng đây sẽ là những tài liệu bổ ích nhằm giúp các em định hướng làm bài, cách viết một bài văn miêu tả. Từ đó, các em sẽ rèn luyện được những kĩ năng vào viết bài tốt và hiệu quả. Mời các em tham khảo nội dung từng bài văn mẫu chi tiết ở Menu bên trái đối với PC và Menu ở trên đối với Mobile.

2. Những kĩ năng cần có khi làm bài văn miêu tả lớp 6

2.1. Kĩ năng quan sát, ghi chép

- Đối tượng của văn miêu tả là những sự vật, sự việc, là thế giới thiên nhiên, là con người và cuộc sống của con người. Có thể coi đó là một thế giới hết sức đa dạng, phức tạp và sống động đang diễn ra quanh ta, thay đổi từng ngày từng giờ. Tuy vậy, không phải tự nhiên mà ta hiểu và nắm vững được đặc điểm của từng sự việc, từng sự vật, từng con người để miêu tả đúng bản chất của nó. Vì vậy, phải quan sát, ghi chép.

- Đối với các nhà văn, kĩ năng quan sát đóng một vị trí hết sức quan trọng, thậm chí được coi là yếu tố khơi nguồn cho cảm hứng sáng tác cũng như quyết định cho sự thành công của quá trình miêu tả hiện thực cuộc sống. Không thể ngồi trong bốn bức tường, chỉ dùng trí tưởng tượng để mà dựng lại những bức tranh về thiên nhiên, loài vật và con người. Trí tưởng tượng dù có phong phú đến bao nhiêu cũng không thể nào sánh được với hiện thực cuộc sống. Ngay cả những câu chuyện thần thoại – sản phẩm được tạo nên bằng trí tưởng tượng của người xưa – suy cho cụng cũng bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, mang bóng dáng và hơi thở của cuộc sống.

- Đối với các em học sinh, khi làm văn miêu tả, kĩ năng quan sát và ghi chép cũng rất cần thiết. Tất nhiên, các em không thể có ngay được kĩ năng ấy và sử dụng nó thành thạo như các nhà văn vẫn làm. Tất cả đều mới ở bước đầu tập dượt: tập quan sát, tập ghi chép, tập phát hiện ra những đặc điểm của các sự vật, hiện tượng quanh mình. Từ đó cỏ vốn để làm văn miêu tả. Nhưng trong thực tế, các em hay bỏ qua kĩ năng này. Thông thường, các em làm văn ở lớp (rất ít bài làm ở nhà). Ngồi giữa bốn bức tường của lớp học, xung quanh chỉ có thầy cô giáo, bạn bè, bảng đen, bàn ghế mà phải làm những bài văn tả cảnh biển, cảnh cánh đồng lúa chín, cảnh một buổi lao, động,… thì quả là không có gì để quan sát trực tiếp. Thế mới xảy ra tình trạng bịa đặt hình ảnh trong bài làm, khiến cho những hình ảnh miêu tả ấy thiếu tính chân thực, thậm chí hết sức vô lí.

- Vậy chúng ta có thể quan sát lúc nào? Cách quan sát và ghi chép sao cho hợp lí? Qua tập hợp, khảo sát một số đề tập làm văn mà giáo viên trung học cơ sở thường sử dụng, ta có thể thấy rằng số đề bài đề cập tới những hình ảnh miêu tả xa lạ với cuộc sống của các em rất ít (ví dụ như yêu cầu học sinh miêu tả một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước trong khi không phải em học sinh nào cũng có điều kiện được đi tham quan ở những nơi đó, nhất là học sinh ở nông thôn, miền núi; hoặc yêu cầu học sinh nông thôn tả cảnh hoạt động của một nhà máy, yêu cầu học sinh thành phố tả những công việc đồng áng ngày mùa,…). Đa số đối tượng miêu tả trong các bài văn mà giáo viên yêu cầu các em viết thường là những hình ảnh quen thuộc, gần gũi trong cuộc sống: hình ảnh cô giáo, hình ảnh một bạn học sinh, không khí giờ ra chơi, con đường tới trường, buổi bình minh,… Tuy vậy, các em học sinh vẫn tỏ ra lúng túng khi làm bài. Và kết quả cho ra đời những bài văn nghèo nàn về nội dung ý nghĩa, thiếu sức thuyết phục. Nguyên nhân là do các em ít quan sát, không có thói quen để ý các sự vật, sự việc, hiện tượng quanh mình. Nói đúng hơn là có nhìn mà không thấy, có nghe mà không cảm nhận. Muốn khắc phục tình trạng này, các em học sinh phải tập thói quen quan sát hằng ngày.

- Quan sát và tự đặt ra những câu hỏi để giải đáp, nhằm tìm hiểu và khắc sâu vào trí nhớ những hình ảnh về cuộc sống xung quanh. Hãy xem hai bên đường ta đi học có những gì? Cây cối, cảnh vật ra sao? Cảnh về mùa đông khác với cảnh về mùa hè, cảnh buổi sáng khác với cảnh buổi chiều ở chỗ nào? Hay hãy quan sát em bé tập đi mà xem: Nó độ bao nhiêu tháng tuổi? Gương mặt và hình dáng như thế nào? Từng động tác tập đi ra sao?… Tất cả những điều ta quan sát và ghi nhận được cần phải chép lại vào một cuốn sổ tay. Không cần ốhép dài dòng, chỉ điểm qua những nét chính, ngắn gọn. Sẽ rất thành công nếu khi quan sát chúng ta có được những phát hiện bất ngờ. Những phát hiện này sẽ là điều kiện giúp cho bài làm của các em thêm sáng tạo và độc đáo.

2.2. Kĩ năng tưởng tượng

- Có thể khẳng định rằng nếu không có kĩ năng tưởng tượng thì bài văn miêu tả chắc chắn sẽ không thể hay được, dù là văn tả thực. Làm nghệ thuật nói chung và viết văn miêu tả nói riêng không thể chấp nhận kiểu sao chép hiện thực cuộc sống một cách máy móc, khô cứng. Nếu chỉ quan sát và ghi chép vào bài làm đúng y nguyên những điều đã quan sát thì bức tranh được, miêu tả trong bài văn sẽ quá trần trụi, thiếu sức hấp dẫn. Vì vậy, cần tưởng tượng và sáng tạo thêm để bổ sung những hình ảnh phù hợp, làm cho bức tranh miêu tả trở nên phong phú và sinh động hơn.

- Không có trí tưởng tượng, chắc chắn nhà văn Tô Hoài không thể xây dựng được một bức tranh phong phú về thế giới loài vật như trong tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí.

- Không có trí tưởng tượng, chắc chắn nhà văn Vũ Tú Nam không thể viết được trang văn miêu tả cảnh thay đổi kì diệu của màu nước biển trong Biển đẹp.

- Vậy khi làm văn miêu tả, trí tưởng tượng được dùng với vai trò gì? Có thể nói rằng vai trò của trí tưởng tượng rất lớn. Nó không chỉ là yếu tố tạo nên sự phong phú cho các hình ảnh trong bức tranh miêu tả mà còn giúp cho người làm văn miêu tả tìm được những từ ngữ và các biện pháp nghệ thuật phù hợp để bài văn miêu tả hấp dẫn hơn.

2.3. Kĩ năng so sánh

- So sánh là hệ quả của quá trình liên tưởng, tưởng tượng. Khi quan sát một đối tượng nào đó, hình ảnh của đối tượng ấy (từ màu sắc tới hình dáng, từ kích thước tới trạng thái) thường gợi cho người quan sát nghĩ tới những hình ảnh khác có cùng một nét tương đồng nào đấy. Chính sự liên tưởng, so sánh này làm cho trang văn miêu tả hay hơn, và đối tượng miêu tả hiện lên rõ hơn, đẹp hơn, hấp dẫn hơn.

- Nếu xét về đối tượng, hiện tượng so sánh trong văn miêu tả hết sức đa dạng và phong phú:

+ Có thể so sánh người với người.

+ Có thể so sánh người với các con vật (hình dáng, tính cách).

+ Có thể so sánh người với cây cối.

+ Có thể so sánh người với các hiện tượng tự nhiên.

+ Có thể so sánh vật với vật, cảnh với cảnh.

+ Có thể so sánh vật với con người.

- Nếu xét về cách thức so sánh thì có những hiện tượng so sánh sau:

+ So sánh theo hướng thu nhỏ lại.

+ So sánh theo hướng phóng đại lên.

+ So sánh theo hướng cụ thể hoá.

+ So sánh theo hướng trừu tượng hoá.

- Tuy nhiên, khi sử dụng kĩ năng so sánh, cần lưu ý là phải biết sáng tạo, biết tìm điểm mới, điểm riêng. Không nên lặp đi lặp lại những hình ảnh so sánh đã quá cũ.

2.4. Kĩ năng nhận xét

- Viết văn miêu tả, bao giờ người viết cũng để lại dấu ấn chủ quan của mình. Dấu ấn chủ quan ấy chính là sự cảm nhận riêng của mỗi người, là cách biểu lộ thái độ, tình cảm riêng của mỗi người đối với đối tượng được miêu tả. Một nhà văn Pháp có nói: “Một trăm thân cây bạch dương giống nhau cả trăm, một trăm ánh lửa giống nhau cả trăm. Mới nhìn tưởng thế, nhưng nhìn kĩ thì thân cây bạch dương nào cũng khác nhau, ngọn lửa nào cũng khác nhau. Trong đời ta gặp bao nhiêu người, phải thấy ra mỗi người mỗi khác nhau, không một ai giống ai”.

- Không phải chỉ các nhà văn, mà ngay cả học sinh khi làm văn miêu tả cũng nên ý thức rõ điều này. Chúng ta có thể hiểu cụ thể thêm nữa, rằng thiên nhiên và con người xung quanh chúng ta luôn trong trạng thái vận động và thay đổi không ngừng – thật vô cùng thú vị và hấp dẫn. Đâu phải chỉ có ngọn lửa này khác ngọn lửa kia, thân cây bạch dương này khác thân cây bạch dương kia mà ngay cùng một sự vật, hiện tượng ấy cũng từng phút, từng giờ thay đổi liên tục. Cũng một con đường từ nhà đến trường, nhưng sáng hôm nay ta thấy nó như thế này, sáng mai đã có thể đổi khác. Cũng một cây bàng, chiều hôm trước còn trơ trui lá cành, mà chỉ sau mấy hôm đã đâm chồi nảy lộc, tràn đầy sức sống. Cũng một bãi biển, nhưng khi ta buồn ta sẽ cảm nhận nó khác khi ta đang vui… Có thể nói rằng, đối tượng miêu tả sẽ xuất hiện và đi vào bài văn tuỳ thuộc vào điểm nhìn, thái độ, tình cảm, tâm trạng cũng như tình huống tiếp xúc của người viết. Đây chính là cơ sở tạo nên dấu ấp chủ quan của người viết trong văn miêu tả. Nó đòi hỏi người viết phải bộc lộ trong tác phẩm của mình những lời nhận xét, những suy nghĩ, những cảm nhận riêng về đối tượng.

- Vấn đề là phải dùng cách nhận xét như thế nào để tạo sự hấp dẫn cho bài văn miêu tả:

+ Trước hết có thể nhận xét trực tiếp bằng những lời bình, những câu cảm thán, nhũng hình ảnh so sánh.

+ Và cũng có thể bộc lộ một cách kín đáo qua việc lựa chọn hình ảnh miêu tả.

3. Các dạng bài văn miêu tả lớp 6

3.1. Dạng bài văn tả cảnh

- Đối tượng miêu tả bao gồm cảnh thiên nhiên và cảnh sinh hoạt. Có thể coi đây là những bức tranh bằng ngôn ngữ dựng lại một khung cảnh nào đó, một hoạt động nào đó của thiên nhiên, của con người (một phiên chợ tết, một bến đò hoặc ga tàu đông khách, một cuộc thi thả diều, một cánh rừng, một dòng sông, một làng quê yên tĩnh,…). Nội dung của kiểu bài này không nghèo nàn, thậm chí rất phong phú nhưng do kinh nghiệm quan sát của học sinh còn yếu, kiến thức nghèo nàn, trình độ sắp xếp ý còn hạn chế nên bài làm thường có bố cục lộn xộn, thiếu cân đối.

- Khi làm kiểu bài văn này cần lưu ý một số vấn đề sau:

+ Đối với văn tả cảnh thiên nhiên, người viết có thể chọn một trong số các trình tự tả : theo trình tự thời gian, không gian, số lượng cảnh,… Bức tranh thiên nhiên không bao giờ ở dạng tĩnh mà luôn có sự thay đổi, vì vậy khi tả phải làm nổi bật được sự thay đổi này (mùa này khác mùa kia, buổi này khác buổi kia, thời điểm này khác thời điểm kia,…).

+ Ngoài việc tả bao quát toàn cảnh, người tả cần tìm được một số hình ảnh tiêu biểu để tập trung tả chi tiết, cụ thể. Đặc biệt là khi tả cảnh thiên nhiên cần chú trọng dùng nhiều từ láy tượng hình, tượng thanh. Dù cảnh thiên nhiên nào thì cũng phải đặt nó trong một không gian, thời gian cụ thể, và phải có mối quan hệ mật thiết với các hiện tượng tự nhiên như gió, nắng,… Các biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hoá nên được vận dụng nhiều để góp phần làm cho bài văn miêu tả sinh động hơn.

+ Đối với văn tả cảnh sinh hoạt thì cần chú trọng chọn tả theo trình tự thời gian và trình tự hoạt động của các đối tượng. Ngoài việc tả chung, nhìn bao quát toàn cảnh và liệt kê các hoạt động, người viết phải tập trung vào một số cảnh chính, tiêu biểu. Ưu tiên dùng nhiều từ láy tượng hình, tượng thanh, nghệ thuật so sánh, về câu văn, tuỳ theo nội dung miêu tả mà lựa chọn kiểu câu ngắn hay câu dài, câu đặc biệt hay câu bình thường, câu đảo ngữ hay câu tỉnh lược,… Đặc biệt cần chú ý làm nổi bật mối quan hệ tình cảm giữa các đối tượng xuất hiện trong các bức tranh cảnh này. Nếu cần thiết vẫn có thể đưa một số mẩu đối thoại, một số câu văn tự sự, một số câu văn nêu nhận xét, cảm nghĩ vào văn tả cảnh sinh hoạt.

3.2. Dạng bài văn tả người

- Kiểu bài văn này khá thông dụng, được dùng phổ biến, trong cuộc sống hằng ngày. Nhược điểm thường thấy là các em học sinh hay tả người theo một số hình ảnh ước lệ, có tính rập khuôn nhất định, đọc lên nghe quá nhàm, thiếu nét riêng, thiếu sự sáng tạo. Hơn nữa, dưới ngòi bút của các em, các nhân vật thường được lí tưởng hoá, đẹp hơn, đáng yêu hơn, nhưng lại thiếu tính chân thực (ví như hình ảnh mẹ hay cô giáo đều có dáng đi mềm mại, thướt tha„ mũi dọc dừa, bàn tay đẹp với những ngón thon như tháp bút,… Tức là vô tình người tả biến họ thành những cô văn công trên sân khấu).

- Khi làm kiểu bài văn này cần lưu ý mấy điểm sau:

+ Phải xác định rõ đối tượng được miêu tả (tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính) để trên cơ sở đó chọn hình ảnh tả cho phù hợp. Chẳng hạn như người phụ nữ làm nghề dạy học sẽ có trang phục, diện mạo, cử chỉ khác hẳn người phụ nữ là công nhân làm đường.

+ Bên cạnh đó, phải xác định yêu cầu cụ thể của từng đề nữa. Nếu tả người nói chung thì phải làm nổi bật đặc điểm ngoại hình và tính cách ; nếu tả người trong trạng thái hoạt động thì phải tập trung vào cử chỉ, động tác. Ngay cả việc tìm những nét về ngoại hình, tính cách của nhân vật để miêu tả cũng phải gắn kết với hoạt động đang diễn ra (chẳng hạn, tả chú công nhân đang xây nhà thì phải tập trung vào cử động của đôi bàn tay, gương mặt; tả cầu thủ bóng đá thì chú ý động tác của đôi chân, tả cô giáo đang giảng bài thì chú ý dáng đi, giọng nói, gương mặt, thái độ,…).

+ Đối với văn tả người cũng phải chú trọng nhiều tới ngôn ngữ tượng hình, tượng thanh, nghệ thuật so sánh. Đặc biệt, người viết phải bộc lộ tình cảm đối với người được tả ngay trong quá trình làm văn (trực tiếp qua những câu bình phẩm, nhận xét, những câu cảm thán; gián tiếp qua việc lựa chọn hình ảnh, từ ngữ và sắp xếp trật tự miêu tả).

4. Những cách để đạt điểm cao trong bài văn miêu tả lớp 6

4.1. Cách dùng từ ngữ, hình ảnh

- Việc lựa chọn từ ngữ trong văn miêu tả là yêu cầu quan trọng, đòi hỏi phải được đặt ra một cách nghiêm túc. Muốn làm tốt yêu cầu này thì người viết văn miêu tả trước hết phải có một vốn từ phong phú. Vấn đề tích luỹ vốn từ cần được tiến hành thường xuyên và dưới nhiều hình thức: thông qua các giờ học Văn - Tiếng Việt trong nhà trường; thông qua giao tiếp hằng ngày, thông qua quá trình đọc sách, đọc tài liệu tham khảo có liên quan tới văn miêu tả.

- Tất nhiên, có vốn từ phong phú chưạ hẳn đã là thành công mà điều quan trọng là người viết bài phải có sự lựa chọn tinh tường, sao cho giữa một hệ thống các từ đồng nghĩa, gần nghĩa, có thể lẩy ra được một vài từ phù hợp nhất, chính xác nhất.

- Điều cần lưu ý là phải luôn có thói quen tìm từ gợi hình, biểu cảm và phải chọn từ ngữ phù hợp với đối tượng, với văn cảnh. Muốn làm nổi bật hình ảnh của đối tượng thì chú ý nhiều tới hệ thống từ tượng hình (tả màu sắc, hình dáng, trạng thái,…); muốn làm nổi bật không khí của cảnh thì dùng hệ thống của từ tượng thanh (mô phỏng các. tiếng động). Bài văn miêu tả thiếu đi các từ ngữ có sức tạo hình, gợi cảm thì chắc chắn sẽ không thể hay. Nhưng cũng cần ý thức được rằng nếu dùng từ ngữ, hình ảnh tuỳ tiện hoặc khuôn sáo, bắt chước một cách lộ liễu thì cách miêu tả cũng không có sức thuyết phục.

- Bên cạnh việc lựa chọn từ ngữ, vấn đề tạo hình ảnh trong văn miêu tả cũng không kém phần quan trọng. Có thể thấy rõ câu văn miêu tả giàu hình ảnh bao nhiêu thì sức gợi cảm của nó sẽ lớn bấy nhiêu. Việc tạo hình ảnh cho câu văn miêu tả có thể thực hiện bằng nhiều cách: hoặc là bằng từ ngữ tượng hình, tượng thanh.Tuy nhiên, khi sử dụng các biện pháp nghệ thuật trên trong bài văn miêu tá, chúng ta cần lưu ý rằng những nghệ thuật ấy chỉ thực sự có tác dụng nếu được dùng đúng lúc, đúng chỗ, hợp văn cảnh. Ngược lại, nếu dùng những biện pháp nghệ thuật ấy một cách máy móc, sáo mòn thì nó làm giảm giá trị của bài văn miêu tả rất nhiều.

4.2. Cách đặt câu, dựng đoạn trong văn miêu tả

- Cũng như văn tự sự, cách đặt câu trong văn miêu tả đòi hỏi người viết phải linh hoạt và công phu. Có thể là câu dài với đầy đủ các thành phần chính phụ, có nhiều tầng ý nối tiếp nhau. Cũng có thể là những câu ngắn (câu đặc biệt hoặc câu tỉnh lược). Vấn đề đặt ra ở đây là phải biết chọn kiểu câu phù hợp với hoàn cảnh, với tình huống, nội dung miêu tả, và cả với cảm xúc của người miêu tả nữa.

- Sau đây là một số trường hợp lựa chọn kiểu câu thường gặp :

+ Kiểu câu dài, nhiều tầng ý, nhiều vế nối nhau thường phù hợp với việc miêu tả khung cảnh thiên nhiên êm đềm, yến ả, hoặc những hoạt động diễn ra nhẹ nhàng, liên tiếp nối nhau; hoặc khi cảm xúc của con người đang dâng tràn, tuôn chảy,…

+ Kiểu câu ngắn (câu đặc biệt, câu tỉnh lược) với các dấu câu (dấu chấm than, dấu chấm hỏi, dấu chấm lửng,…) thường dùng để diễn tả những cảm xúc mạnh, những hoạt động nặng, diễn ra nhanh gọn, liên tục; những tình huống bất ngờ…

+ Kiểu câu đảo ngữ: thường dùng trong những trường hợp cần nhấn mạnh một đặc điểm, một trạng thái nào đó của đối tượng được miêu tả.

- Một điều cần lưu ý là trong cùng một bài văn miêu tả phải biết dùng đan xen nhiều kiểu câu khác nhau. Có câu dài xen câu ngắn. Có câu bình thường xen câu đặc biệt. Như vậy mới tạo được sự phong phú, đa dạng cho cách diễn đạt.

- Ngoài việc đặt câu, cách dựng đoạn và liên kết giữa các đoạn trong một bài văn miêu tả cũng rất cần được quan tâm. Thông thường, khi làm văn, học sinh chia bài làm thành ba phần: Mở bài, thân bài, kết bài. Do đó, ứng với ba phần thường là ba đoạn văn. Mở bài và Kết luận ngắn, Thân bài thì dài. Dù nội dung bài văn nghèo nàn hay phong phú, dù dung lượng bài văn ngắn hay dài, dù đối tượng miêu tả ít hay nhiều, phần thân bài cũng chỉ có một đoạn. Đây là hạn chế đáng tiếc mà ta có thể bắt gặp trong bài làm của học sinh.

4.3. Luyện tập viết nhiều

Để viết văn tốt, tiến bộ nhanh thì học sinh phải thường xuyên luyện tập, viết nhiều, đọc nhiều sẽ giúp tăng vốn từ cũng như khả năng diễn đạt, kết hợp các phương pháp làm văn thuần thục hơn. Đặc biệt, trong quá trình viết, các em cũng thấy được những hạn chế của bản thân để khắc phục, triển khai bài tốt hơn trong các bài viết sau.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM