Tóm tắt truyện trung đại Con hổ có nghĩa

Nội dung bài văn mẫu dưới đây nhằm giúp các em hiểu được ý nghĩa của truyện "Con hổ có nghĩa". Từ đó, các em có thái độ sống nhân nghĩa hơn với mọi người xung quanh. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tóm tắt truyện trung đại Con hổ có nghĩa

1. Dàn ý tóm tắt truyện Con hổ có nghĩa

a. Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về truyện trung đại Việt Nam (khái niệm, thời gian ra đời, đặc trưng thể loại,…).

- Giới thiệu về truyện “Con hổ có nghĩa” (tóm tắt, khái quát giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật,…).

b. Thân bài:

- Câu chuyện của con hổ với bà Trần:

+ Hổ cái sắp sinh con.

+ Hổ đực đi tìm bà đỡ Trần.

+ Hố đực lao tới cõng bà, chạy như bay xuyên qua bụi rậm, gai góc. Hổ luôn luôn bảo vệ sự an toàn cho bà đỡ.

-> Hành động khẩn trương, quyết liệt, thể hiện tình cảm, sự lo lắng của hổ đối với người thân.

+ Thái độ của bà Trần: lúc đầu bà rất sợ, sau đó bà đồng ý đỡ đẻ cho hổ cái.

+ Cách trả ơn, đáp nghĩa của hổ đực: cung kính, lưu luyến, tặng bà một bọc bạc để bà sống qua năm mất mùa, đói kém.

-> Hổ thủy chung, biết ơn và đền đáp ơn nghĩa cho người đã giúp đỡ mình.

- Câu chuyện của hổ với bác tiều phu:

+ Hổ bị hóc xương, đau đớn, bất lực.

+ Bác tiều phu thò tay vào cổ, lấy xương ra cho hổ.

-> Sự can đảm và lòng yêu thương loài vật.

+ Hành động trả ơn của hổ: Khi bác còn sống: mang nai đến trả ơn; Khi bác mất: hổ tỏ lòng thương xót, đến dụi đầu vào quan tài, từ đó, đến ngày giỗ bác, hồ mang dê, lợn đến tế.

-> Đề cao ân nghĩa thủy chung.

c. Kết bài:

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản:

+ Nội dung: Truyện “Con hổ có nghĩa” thuộc loại truyện hư cấu, truyện nhằm đề cao ân nghĩa trong đạo lí làm người.

+ Nghệ thuật: mượn chuyện loài vật để nói chuyện con người, nhân hóa,…

- Bài học cho bản thân: biết ơn những người đã giúp đỡ mình.

2. Em hãy tóm tắt tác phẩm Con hổ có nghĩa - Bài văn mẫu số 1

Truyện ngắn Con hổ có nghĩa là câu chuyện cảm động về bài học đền ơn đáp nghĩa chốn nhân sinh. Qua đó ta có thể thấy, dù là người hay vật thì đừng bao giờ quên ơn những người đã giúp đỡ mình.

Con hổ có nghĩa nói về chuyện bà đỡ Trần và bác tiều phu gặp hổ, và đã được hổ đền ơn đáp nghĩa. Truyện đề cao đạo lí ân nghĩa thuỷ chung ở đời. Truyện gồm có hai phần, phần nào cũng tinh giản mà kì thú, ý nghĩa.

Ở đây ta nói về mẩu chuyện bà đỡ Trần gặp hổ. Tình huống li kì hồi hộp: đêm, nghe tiếng gõ cửa, bà đỡ ra mở cửa, rồi bị con hổ lao tới cõng bà đi. Bị hổ bắt làm sao mà sống được? Bà đỡ, ban đầu sợ đến chết khiếp. Hổ dùng một chân ôm lấy bà chạy như bay, hễ gặp bụi rậm, gai góc thì dùng tay rẽ lối chạy vào rừng sâu. Phải chăng hổ bắt được mồi, nên vội vã tha mồi về hang?. Nhưng cái cử chỉ một chân ôm lấy bà, một tay rẽ lối của hổ thì có vẻ như nương nhẹ, cẩn trọng? Một tình tiết hồi hộp, hấp dẫn.

Cốt truyện của hai truyện đều giống nhau. Thoạt đầu là con hổ gặp nạn. Một con hổ cái đẻ khó, một con hổ hóc xương. Tiếp theo là người cứu hổ. Con hổ cái được bà đỡ Trần cho uống thuốc và xoa bóp, để được mẹ tròn con vuông. Con hổ hóc xương được bác Tiều thò tay vào họng hổ móc xương ra. Cuối cùng là hai con hổ tỏ lòng biết ơn. Một con hổ trả một cục bạc hơn mười lạng. Con hổ kia thì đem nai bắt được đến biếu, khi bác Tiều chết, con hố lại còn đến đưa ma và nhớ ngày giỗ bác Tiều. Cốt truyện biểu dương người làm ơn, nhưng chủ yếu là biểu dương con hổ biết ơn.

Câu chuyện thật hay, thật hồi hộp cảm động. Người đỡ đẻ, giúp hổ cái mẹ tròn con vuông. Hổ đền ơn người một cục bạc, nhờ món quà ấy mà bà đỡ sống qua được năm mất mùa đói kém. Chuyện cũng là chuyện người. Bài học đền ơn đáp nghĩa thật kỳ thú mà vô cùng ý nghĩa, cảm động.

3. Tóm tắt truyện Con hổ có nghĩa - Bài văn mẫu số 2

Truyện Con hổ có nghĩa có hai đoạn, mỗi đoạn là một truyện ngắn độc lập. Có thể gọi đây là một truyện kép, vì nó gồm có hai truyện độc lập.

Mỗi truyện có nhân vật riêng, có cốt truyện riêng, hai truyện có hai con hổ khác nhau. Hai chuyện được ghép lại với nhau là do chúng có một chủ đề thống nhất: Con hổ có nghĩa. “Nghĩa” trong bài này là tình nghĩa, ân nghĩa. “Con hổ có nghĩa” là con hổ có tình, có lòng biết ơn. Con hổ ở hai mẫu truyện ngắn đều thể hiện lòng biết ơn.

Hổ đực rất tình cảm và có nghĩa. Nó vui mừng đùa giỡn với con. Nó quỳ xuống bên một gốc cây, lấy tay đào lên một cục bạc để tặng bà đỡ. Nó đứng dậy đi, quay nhìn bà để ra hiệu đưa tiễn bà về. Nghe bà đỡ nói: Xin chúa rừng quay về, nó cúi đầu vẫy đuôi, rồi gầm lên một tiếng. Cảnh tiễn biệt đầy lưu luyến và sâu nặng tình nghĩa biết bao!

Con hổ là giống vật ăn thịt, là loài thú hung dữ bậc nhất trong các loài thú dữ. Người ta nói dữ như cọp. Người ta thường đem hổ ra mà dọa nhau. Ấy thế mà con hổ còn có tình, có nghĩa, có lòng biết ơn, điều đó đáng làm cho những con người vô tình, vô ơn phải hổ thẹn.

Con hổ có tình, có lòng biết ơn, có nghĩa là con hổ có tính người. Loài thú dữ mà còn có tính người như thế đáng làm cho những con người mất tính người phải xấu hổ. Đó là ý nghĩa giáo dục đạo đức của truyện. Truyện ngắn thời trung đại thường có mục đích giáo dục rõ rệt như vậy. Cốt truyện ở đây cũng có quan hệ nhân quả rất rõ rệt. Người kể chuyện tin rằng làm việc tốt tất được báo đáp tốt, làm việc xấu tất có kết cục xấu. Niềm tin ấy nâng đỡ người ta sống đẹp.

Ngày:28/11/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM