Những điều cần biết về bệnh viêm gan B

Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan B gây ra. Tùy theo mức độ, bệnh có thể chỉ kéo dài nhẹ vài tuần cho đến trở thành một bệnh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng suốt đời của người bệnh. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do viêm gan B được cảnh báo ở mức cao so với các nước trong khu vực. Chính vì vậy, việc tìm hiểu viêm gan B là gì và phương pháp phòng tránh viêm gan B hiệu quả là điều vô cùng cần thiết.

Những điều cần biết về bệnh viêm gan B

1. Bệnh viêm gan B là gì?

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động của gan, có thể gây nhiễm trùng gan thậm chí đe dọa đến tính mạng. Hiện nay, virus viêm gan B vẫn là mối đe dọa lớn đến sức khỏe toàn cầu. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 400 triệu người trên thế giới mắc viêm gan B mãn tính. Ở Việt Nam hiện nay số người nhiễm virus viêm gan B chiếm khoảng 20% dân số.

Viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan. Viêm gan B có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Nếu bệnh xảy ra ở người lớn vẫn có thể điều trị để loại bỏ virus viêm gan B dễ dàng. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn nhiễm virus nhưng không thể điều trị khỏi hoàn toàn.

2. Những triệu chứng nhận biết bệnh viêm gan B

Viêm gan B có triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh rất khó nhận biết. Thậm chí có rất nhiều người bị nhiễm viêm gan B mà không hề hay biết. Tuy nhiên, kể cả khi không có triệu chứng bệnh gì thì virus viêm gan B vẫn có thể gây tổn hại nặng nề đến gan sau một thời gian phát triển âm ỉ. Do đó, khi tìm hiểu bệnh viêm gan B là gì cần lưu ý những triệu chứng nhận biết bệnh như sau:

  • Cơ thể mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng.
  • Đau nhức xương khớp.
  • Thường xuyên buồn nôn, ói mửa.
  • Nước tiểu có màu vàng sẫm.
  • Đau bụng.
  • Phân màu xanh xám, sẫm màu.
  • Thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa.
  • Vàng da, vàng mắt.
  • Có hiện tượng xuất huyết dưới da.
  • Đau hạ sườn phải.
  • Sưng bụng, chướng bụng.

Viêm gan B nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể phát triển thành suy gan, xơ gan cổ trướng rất nguy hiểm đến sức khỏe.

3. Nguyên nhân gây bệnh viêm gan B 

Viêm gan B gây ra do virus HBV (Hepatitis B Virus). Đây là loại virus có hình cầu, vỏ bao quanh của HBV là lipoprotein có chứa kháng nguyên bề mặt HBsAg. Cho đến nay, virus HBV được xác định có 8 tuýp kháng nguyên khác nhau.

Virus HBV có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 tháng. Giai đoạn đầu hoạt động, virus gây bệnh viêm gan B cấp tính. Sau 6 tháng, nếu cơ thể không thể tự miễn dịch được với virus, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính, nguy cơ cao đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan và có thể chịu nhiều gánh nặng bệnh tật suốt đời.

4. Virus viêm gan B lây qua đường nào?

Các nhà nghiên cứu đã phân chia những con đường lây nhiễm virus viêm gan B thành hai nhóm chính, bao gồm:

- Lây nhiễm theo chiều dọc

  • Virus truyền từ mẹ sang con là dạng lây nhiễm theo chiều dọc, đồng thời cũng là phương thức lây nhiễm virus viêm gan B phổ biến nhất. Tình trạng này thường phát sinh vào thời kỳ chu sinh hoặc khoảng thời gian đầu sau khi sinh.
  • Do đó, một trong những điều quan trọng mẹ bầu cần lưu ý là chích ngừa viêm gan B đầy đủ. Đồng thời, bạn cũng nên làm các xét nghiệm, chẳng hạn như HBsAg, theo chỉ định từ bác sĩ đúng hạn nhằm hạn chế tối đa rủi ro trên.
  • Tuy nhiên, đôi khi trẻ sơ sinh vẫn có nguy cơ mắc bệnh viêm gan siêu vi B, kể cả khi mẹ có HBsAg âm tính. Chính vì vậy, trẻ sẽ cần được tiêm phòng virus trong vòng 24 giờ kể từ lúc chào đời.

- Lây nhiễm theo chiều ngang

  • Virus viêm gan B chủ yếu “đóng quân” trong máu. Vì vậy, bạn chắc chắn sẽ không tiếp xúc với chủng vi sinh vật này qua đường ăn uống hay tiếp xúc thông thường.
  • Tuy vậy, tỷ lệ mắc bệnh của bạn là 100% nếu vô tình tiếp xúc với máu từ người đang nhiễm virus. Do đó, những yếu tố sau đây sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho virus tấn công bạn bằng đường máu, chẳng hạn như:
  • Quan hệ tình dục thô bạo và không an toàn
  • Sử dụng chung kim tiêm, ví dụ như châm cứu, xăm, chích ngừa…
  • Dùng chung vật dụng cá nhân dễ dính máu, bao gồm dao cạo râu hay bàn chải đánh răng…
  • Mặt khác, thực tế, virus gây viêm gan siêu vi B còn có thể cư ngụ ở nhiều dịch cơ thể khác, chẳng hạn như nước bọt, nước tiểu, mồ hôi, sữa mẹ… Tuy nhiên, do hàm lượng ADN của vi sinh vật tại các dịch cơ thể trên rất thấp, nên khả năng lây nhiễm bằng con đường này cũng không cao.

5. Chẩn đoán và điều trị viêm gan B

Bệnh viêm gan B không thể chữa khỏi nhưng có thuốc để khống chế siêu vi. Thuốc có thể giảm sự hủy hoại của gan và nguy cơ ung thư gan. Nó cũng giúp gan tự chữa lành. Bác sĩ chuyên khoa Gan mật sẽ báo cho bạn biết bạn có cần uống thuốc hay không. Đó là lý do tại sao việc gặp bác sĩ đều đặn là điều quan trọng.

5.1 Chẩn đoán viêm gan virus B cấp 

Chẩn đoán xác định

- Thể vàng da điển hình:

  • Có tiền sử truyền máu hay các chế phẩm của máu, tiêm chích, quan hệ tình dục không an toàn trong khoảng từ 4 tuần đến 6 tháng.
  • Lâm sàng: có thể có các triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, vàng da, tiểu ít sẫm màu, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, phân bạc màu...

- Xét nghiệm:

  • AST, ALT tăng cao (thường tăng trên 5 lần so với giá trị bình thường).
  • Bilirubin tăng cao, chủ yếu là Bilirubin trực tiếp.
  • HBsAg (+) hoặc (-) và anti-HBc IgM (+)

- Một số thể lâm sàng khác:

+ Thể không vàng da:

  • Lâm sàng: có thể có mệt mỏi, chán ăn, đau cơ.
  • Xét nghiệm: AST, ALT tăng cao, anti-HBc IgM (+) và HBsAg (+/-).

+ Thể vàng da kéo dài:

  • Lâm sàng: Có các triệu chứng lâm sàng giống như thể điển hình, kèm theo có ngứa. Tình trạng vàng da thường kéo dài trên 6 tuần, có khi 3-4 tháng.
  • Xét nghiệm: AST, ALT tăng cao, Bilirubin tăng cao, chủ yếu là Bilirubin trực tiếp, HBsAg (+) hoặc (-) và anti-HBc IgM (+).

Thể viêm gan tối cấp:

Lâm sàng: Người bệnh có biểu hiện suy gan cấp kèm theo các biểu hiện của bệnh lý não gan.
Xét nghiệm: AST, ALT tăng cao, Bilirubin tăng cao, chủ yếu là Bilirubin trực tiếp, HBsAg (+) hoặc (-) và anti-HBc IgM (+),thời gian đông máu kéo dài, giảm tiêu cầu.

- Chẩn đoán phân biệt:

Cần phân biệt với các loại viêm gan khác như: viêm gan nhiễm độc, viêm gan do virus khác (viêm gan A, viêm gan E, viêm gan C),viêm gan tự miễn, viêm gan do rượu…
Các nguyên nhân gây vàng da khác: Vàng da trong một số bệnh nhiễm khuẩn (Bệnh do Leptospira, sốt rét, sốt xuất huyết...),vàng da do tắc mật cơ học (u đầu tụy, u đường mật, sỏi đường mật,…)

5.2 Điều trị viêm gan virus B cấp 

Chủ yếu là hỗ trợ:

Nghỉ ngơi tuyệt đối trong thời kỳ có triệu chứng lâm sàng.
Hạn chế ăn chất béo, kiêng rượu bia, tránh sử dụng các thuốc chuyển hóa qua gan.
Xem xét nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch nếu cần thiết. Có thể sử dụng các thuốc bổ trợ gan.
Riêng đối với thể viêm gan tối cấp: Cần điều trị hồi sức nội khoa tích cực. Có thể cân nhắc sử dụng thuốc kháng vi rút đường uống.

Chẩn đoán và điều trị viêm gan virus B mạn

Chẩn đoán xác định:

HBsAg (+) > 6 tháng hoặc HBsAg (+) và Anti HBc IgG (+).
AST, ALT tăng từng đợt hoặc liên tục trên 6 tháng.
Có bằng chứng tổn thương mô bệnh học tiến triển, xơ gan (được xác định bằng sinh thiết gan hoặc đo độ đàn hồi gan hoặc Fibrotest hoặc chỉ số APRI) mà không do căn nguyên khác.

- Điều trị:

Chỉ định điều trị khi:

ALT tăng trên 2 lần giá trị bình thường hoặc có bằng chứng xác nhận có xơ hóa gan tiến triển/xơ gan bất kể ALT ở mức nào.

VÀ:

HBV-DNA ≥ 105 copies/ml (20.000 IU/ml) nếu HBeAg (+) hoặc HBV-DNA ≥ 104 copies/ml (2.000 IU/ml) nếu HBeAg (-).

6. Phòng ngừa viêm gan B

Tiêm chủng là biện pháp bảo vệ tốt nhất trước căn bệnh viêm gan B

Viêm gan siêu vi B là một trong những bệnh lý có thể được phòng ngừa bằng vắc xin. Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện tại, biện pháp tiêm phòng viêm gan B cũng là lựa chọn bảo vệ hiệu quả nhất.

Tất cả mọi người đều là đối tượng cần được chích ngừa viêm gan B. Điều này còn đặc biệt quan trọng đối với những người có bạn tình hoặc người thân trong gia đình mắc bệnh.

Ngoài việc tiêm vắc xin, một số thói quen tốt dưới đây cũng có khả năng hỗ trợ bạn hạn chế rủi ro nhiễm virus viêm gan B, chẳng hạn như:

Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sau khi tiếp xúc với máu. Nếu kỹ tính hơn, bạn có thể muốn thử dùng đến dung dịch tiệt trùng chứa cồn 70º.

  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu hay bất cứ chất dịch cơ thể nào.
  • Dùng thuốc tẩy làm sạch vết máu dính vào quần áo.
  • Băng bó vết thương hở miệng cẩn thận.
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân, đặc biệt những thứ dễ dính máu như dao cạo râu, đồ bấm móng tay, khuyên tai, bàn chải đánh răng…
  • Đối với phụ nữ, cần quấn kỹ băng vệ sinh đã dùng trước khi bỏ vào thùng rác.
  • Không tiêm, chích thuốc bừa bãi.
  • Đảm bảo kim tiêm còn mới, vô trùng trước khi sử dụng.

Virus viêm gan B là một chủng vi sinh vật nguy hiểm và chỉ có thể phát hiện thông qua các xét nghiệm chẩn đoán. Do đó, để phòng ngừa chúng tấn công cơ thể, ngoài việc tiêm phòng theo chỉ định, bạn cũng nên tập một số thói quen giữ gìn vệ sinh tay cũng như dùng riêng các vật dụng cá nhân.

Trên đây là một số thông tin về bệnh viêm gan B, hy vọng sẽ giúp các bạn có thêm hiểu biết để có cách phòng tránh và điều trị bệnh phù hợp!

 

Ngày:28/07/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM