Hợp đồng mua bán

Hợp đồng mua bán hàng hóa là thỏa thuận giữa các bên theo đó bên bán chuyển hàng hóa cùng quyền sở hữu đối với hàng hóa đó cho bên mua, bên mua hàng có trách nhiệm nhận hàng hóa và có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán hàng, việc giao hàng, thanh toán phải thực hiện theo thời gian, địa điểm, phương thức được thỏa thuận trong hợp đồng. Dưới đây là các hợp đồng mua bán được sử dụng nhiều nhất mà eLib muốn chia sẻ đến bạn. Mời các bạn cùng tham khảo.

1. Hợp đồng mua bán là gì?

Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa người mua và người bán, theo đó người bán có nghĩa vụ giao hàng hóa cho người mua và nhận tiền thanh toán, còn người mua mua có nghĩa vụ nhận hàng hóa và thanh toán tiền hàng cho người bán.

2. Cơ sở pháp lý của Hợp đồng mua bán

Theo quy định của pháp luật hiện nay, hợp đồng mua bán hàng hóa được quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại năm 2005.

Theo quy định tại Điều 430 Bộ luật dân sự 2015: "Hợp đồng mua bán tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán".

Còn theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Luật thương mại 2005: "Mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận".

Như vậy hiện nay liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa có sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự 2015 và Luật thương mại 2005, để phân biệt hai loại hợp đồng này phải căn cứ vào các nội dung cơ bản sau:

Hợp đồng mua bán hàng hóa do Luật thương mại 2005 điều chỉnh có mục đích sinh lợi, còn hợp đồng mua bán tài sản trong Bộ luật dân sự 2015 chỉ mục đính tiêu dùng.

3. Đặc điểm của Hợp đồng mua bán

Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hoá chủ yếu là thương nhân

Các bên chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hoá phải là thương nhân hoặc trong một số trường hợp chỉ cần bên bán là thương nhân (vì bên bán thực hiện hoạt động bán hàng mang tính chất nghề nghiệp). Những cá nhân có hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng kí kinh doanh vẫn có thể giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá trong thương mại với tư cách là bên mua.

Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hoá là hàng hoá

Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa là sản phẩm hữu hình, có tính lưu thông, có tính thương mại và được chuyển giao quyền sở hữu khi thực hiện giao dịch mua bán hàng hoá. Hàng hoá trong các giao dịch này không phải là những hàng hoá thương mại thông thường mà phải là những loại hàng hoá nằm trong danh mục hàng hoá giao dịch tại Sở giao dịch do Bộ Công Thương quy định.

Mục đích chủ yếu của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hoá là sinh lợi

Mục đích chủ yếu của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hoá là sinh lợi, tuy nhiên, trong một số trường hợp, một bên của hợp đồng mua bán hàng hoá không có mục đích sinh lời. Những hợp đồng được thiết lập giữa bên không nhằm mục đích sinh lợi với thương nhân thực hiện trên lãnh thồ Việt Nam, về nguyên tắc, không chịu sự điều chỉnh cùa Luật Thương mại trừ khi bên không nhằm mục đích sinh lợi đó lựa chọn áp dụng Luật Thương mại.

Lưu ý về hợp đồng mua bán hàng hóa mà đối tượng là quyền sử dụng đất, nhà và công trình gắn liền với đất đai

Đất đai không được coi là hàng hoá trong thương mại. Quyền sử dụng đất cũng được chuyển nhượng nhưng giao dịch này do Luật Đất đai điều chỉnh. Hợp đồng mua bán hàng hoá là nhà, công trình gắn liền với đất đai không chỉ chịu sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự, Luật thương mại mà còn chịu sự điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai. Đây cũng là một vấn đề phức tạp trong việc áp dụng pháp luật đối với việc mua bán hàng hoá là vật gắn liền với đất đai.

4. Điều kiện để hợp đồng mua bán có hiệu lực

Trên thực tế, có những hợp đồng bị vô hiệu dẫn đến việc tranh chấp hợp đồng không được giải quyết thông qua tòa án cũng như các cơ quan pháp luât khác. Khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa, bạn cần lưu ý cần đảm bảo các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực như sau:

Điều kiện về chủ thể của hợp đồng

Chủ thể tham gia hợp đồng phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi.

Khi chủ thể của hợp đồng là thương nhân thì thương nhân phải có đăng ký kinh doanh với ngành nghề liên quan tới đối tượng hợp đồng. Trong trường hợp hàng hóa là mặt hàng kinh doanh có điều kiện thì thương nhân cũng phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh hàng hóa đó.

Điều kiện về đại diện của các bên ký kết hợp đồng

Người đại diện ký kết hợp đồng phải là người có thẩm quyền ký kết hợp đồng, có thể là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc là người đại diện theo ủy quyền.

Điều kiện về đối tượng, mục đích và nội dung của hợp đồng

Đối tượng, mục đích và nội dung của hợp đồng không được vi phạm các điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không phải là hàng cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Điều kiện về nguyên tắc giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa

Hợp đồng phải được ký kết trên cơ sở tự do giao kết, tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, trung thực và không lừa dối.

Nếu vi phạm một trong các điều kiện trên thì hợp đồng sẽ trở nên vô hiệu toàn phần hay một phần, do vậy sẽ dẫn tới rất nhiều hạn chế khi yêu cầu Tòa án xét xử tranh chấp hợp đồng.

5. Các điều khoản của hợp đồng mua bán

Các điều khoản cơ bản của hợp đồng mua bán hàng hóa là những điều khoản không thể thiếu được. Nếu không thoả thuận được những điều khoản đó thì hợp đồng mua bán hàng hóa không thể giao kết được.

Ngoài ra, có những điều khoản không phải là điều khoản cơ bản đối với hợp đồng mua bán hàng hóa nhưng các bên thấy cần phải thoả thuận được điều khoản đó mới giao kết hợp đồng thì những điều khoản này cũng trở thành điều khoản cơ bản của hợp đồng đó.

5.1 Các điều khoản cơ bản của hợp đồng mua bán

Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa

Các bên thỏa thuận về tính hợp pháp của loại hàng hóa mà mình chuẩn bị mua bán. Bởi không phải mọi loại hàng hóa đều được đưa vào kinh doanh, mua bán. Có những hàng hóa bị cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện. Đối với loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật mới được thực hiện việc mua bán. Đây là bước nền tảng để thực hiện việc mua bán hàng hóa.

Các điều kiện về số lượng, chất lượng, cách thức bảo quản, đóng gói… hàng hóa do các bên thỏa thuận lúc xác lập hợp đồng mua bán hàng hóa. Hầu hết hàng hóa đưa vào mua bán trong thị trường phải có nhãn hàng hóa. Nội dung phải thể hiện trên nhãn hàng hóa bao gồm: tên hàng, tên và địa chỉ của người chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, tùy theo từng loại hàng hóa mà có những nội dung cụ thể như: hạn sử dụng, thành phần định lượng, thông số kĩ thuật, thông tin hệ số an toàn… Nhãn hàng hóa phải được đặt ở vị trí dễ quan sát, bảo đảm thông tin ghi trên nhãn hàng hóa là chính xác.

Hàng hóa không phù hợp với hợp đồng

Hợp đồng cần quy định rõ về tiêu chuẩn hàng hóa như trên để khi xẩy ra trường hợp hàng hóa không như thỏa thuận thì hợp đồng là căn cứ để bên mua từ chối mua hàng.

Trường hợp hợp đồng không có những quy định cụ thể về hàng hóa thì giải quyết theo quy định của pháp luật, theo đó hàng hóa không phù hợp với hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau:

  • hàng hóa không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của hàng hóa cùng chủng loại
  • hàng hóa không phù hợp với mục đích mà bên mua đã yêu cầu
  • hàng hóa không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hóa đó…

Hàng hóa khiếm khuyết

Bên bán phải chịu trách nhiệm về khiếm khuyết của hàng hóa có trước thời điểm hàng hóa đã được giao cho bên mua, kể cả khi khiếm khuyết đó được phát hiện sau khi bên mua đã nhận hàng.

Trường hợp trong lúc kí hợp đồng, bên mua đã biết về những khiếm khuyết của hàng hóa nhưng vẫn chấp nhận kí thì bên bán không chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hóa.

Nếu như sau khi bên mua nhận hàng về mà khiếm khuyết của hàng hóa mới phát sinh trong quá trình sử dụng do lỗi của bên bán thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán chịu trách nhiệm.

Giá trong hợp đồng mua bán hàng hóa

Cần ghi rõ tổng giá trị của hợp đồng. Doanh nghiệp cần lưu ý đồng tiền thanh toán là Việt Nam đồng, trừ một số trường hợp được Nhà nước cho phép sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra một điều khoản mà các chủ thể hay bỏ qua đó là cách xác định giá khi có biến động, khi có sự kiện bất khả kháng. Điều khoản này rất quan trọng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Phương thức và thời gian thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hóa

Các bên cần ghi rõ phương thức thanh toán (chuyển khoản hay tiền mặt) và thời gian thanh toán cụ thể với số tiền thanh toán của từng đợt. Để đảm bảo an toàn, các bên có thể mở LC hoặc sử dụng các biện pháp bảo lãnh tại ngân hàng cho việc thanh toán.

Giao nhận hàng hóa

- Thời điểm giao hàng:

Đối với bên mua, cần quy định rõ thời điểm cụ thể phải giao hàng hóa. Bên bán phải giao hàng vào đúng thời điểm giao hàng đã thỏa thuận trong hợp đồng. Bên mua có nghĩa vụ nhận hàng theo thỏa thuận và thực hiện những công việc hợp lý để giúp bên bán giao hàng. Một số hợp đồng không quy định về thời điểm giao hàng, hoặc ghi thời hạn giao hàng chung chung, gây khó khăn cho bên bán cũng như bên mua trong việc giao nhận hàng. Ví dụ như, trong hợp đồng ghi thời hạn giao hàng vào tháng 11/2012. Trường hợp này, bên bán có quyền giao hàng vào bất kì thời điểm nào trong tháng 11 và thông báo trước với bên mua.

Nếu như bên bán giao hàng trước thỏa thuận thì bên mua có quyền chấp nhận hoặc từ chối nhận hàng. Do đó, việc giao hàng cần phải có thỏa thuận giữa các bên và và phương án giải quyết khi giao hàng không đúng hạn.

- Địa điểm giao hàng:

Về địa điểm giao hàng, người bán có nghĩa vụ giao hàng đúng địa điểm thỏa thuận. Tuy nhiên, một số hợp đồng lại không có thỏa thuận về vấn đề này. Theo quy định pháp luật địa điểm giao hàng được thỏa thuận như sau:

  • Nếu như quá trình vận chuyển hàng hóa từ bên bán đến bên mua qua nhiều trung gian vận chuyển thì bên bán phải giao hàng cho bên trung gian vận chuyển đầu tiên đúng thỏa thuận. Và sau khi bên bán giao hàng cho bên vận chuyển đầu tiên, mặc dù bên mua chưa nhận được hàng nhưng nghĩa vụ giao hàng của bên bán đã thực hiện xong và mọi trách nhiệm sự hư hỏng hàng hóa sẽ do bên trung gian gánh vác.
  • Nếu như lúc kí hợp đồng, bên bán biết địa điểm kho chứa hàng, địa điểm xếp hàng hoặc nơi sản xuất, chế tạo hàng hóa của bên mua thì bên bán phải giao hàng đến địa điểm đó. Trên thực tế bên bán thường vi phạm nội dung này, cho rằng trong hợp đồng không ghi rõ địa điểm giao hàng nên bên bán vẫn trữ hàng tại kho của mình và yêu cầu bên mua đến nhận.
  • Nếu không thuộc hai trường hợp trên, bên mua phải đến địa điểm kinh doanh của bên bán, nếu không có địa điểm kinh doanh thì đến nơi cư trú của bên bán lúc kí hợp đồng để lấy hàng. Trường hợp này, bên mua chịu rủi ro cao hơn do phải bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển từ nơi giao hàng của bên bán về kho, địa điểm kinh doanh của bên mua.

Kiểm tra hàng hóa, nghiệm thu, bàn giao

Kiểm tra hàng hóa là một khâu quan trọng trong quá trình mua bán hàng hóa. Bước này được thực hiện trước khi giao hàng nhằm bảo đảm hàng hóa giao đúng hợp đồng, hạn chế được tranh chấp phát sinh. Bên bán phải tạo điều kiện, bảo đảm cho bên mua tiến hành kiểm tra hàng hóa. Nếu như hợp đồng có quy định về vận chuyển hàng hóa, thì việc kiểm tra hàng hóa tiến hành khi hàng hóa được chuyển tới địa điểm đến. Sau khi kiểm tra, bên mua phải thông báo về tình trạng hàng hóa, về các khiếm khuyết của hàng hóa mà bên mua biết. Nếu như bên mua không thông báo thì bên bán không phải chịu trách nhiệm đối với những khiếm khuyết này. Tuy nhiên, có những khiếm khuyết bên mua không thể phát hiện được trong quá trình kiểm tra thông thường. Trường hợp này, bên bán vẫn phải chịu trách nhiệm.

Nếu như bên mua không thực hiện việc kiểm tra hàng hóa trước khi bên bán giao hàng theo thỏa thuận thì bên bán có quyền giao hàng và bên mua phải nhận hàng theo hợp đồng.

Nếu như bên bán giao hàng thiếu so với hợp đồng nhưng vẫn còn thời hạn giao hàng thì bên bán vẫn có thể giao phần hàng còn thiếu trong thời hạn còn lại. Trường hợp bên bán giao thừa hàng thì bên mua có quyền từ chối hoặc chấp nhận số hàng thừa đó và phải thanh toán theo giá thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo giá khác do các bên thỏa thuận.

Đối với một số hàng hóa có chứng từ đi kèm, thì bên bán có nghĩa vụ giao đầy đủ chứng từ liên quan đến hàng hóa cho bên mua. Chứng từ có thể gửi kèm hàng hóa hoặc gửi riêng tùy theo thỏa thuận giữa các bên.

Quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên

Các bên cần chi tiết hóa các nghĩa vụ trong giai đoạn trước, trong và sau khi thực hiện hợp đồng cũng như thời điểm chấm dứt cụ thể.

Để hiểu rõ hơn, bạn hãy đọc bài viết của chúng tôi về Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa.

Ràng buộc trách nhiệm

Các bên có thể dự trù các tình huống đối phương có thể vận dụng để không thực hiện hợp đồng mà soạn thảo những điều khoản thích hợp, như trách nhiệm của bên mua khi không thanh toán, hoặc trách nhiệm của bên bán khi không chuyển giao hàng hóa của hợp đồng.

Thời hạn thực hiện hợp đồng

Trong hợp đồng cần quy định rõ thời điểm bắt đầu có hiệu lực và chấm dứt, hoặc những căn cứ phát sinh dẫn đến hợp đồng chấm dứt hiệu lực.

5.2 Các điều khoản thông thường của hợp đồng mua bán

Các điều khoản thông thường của hợp đồng mua bán hàng hóa là những điều khoản được pháp luật quy định trước. Nếu khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, các bên không thoả thuận những điều khoản này thì vẫn coi như hai bên đã mặc nhiên thoả thuận và được thực hiện như pháp luật quy định.

Các điều khoản thông thường của hợp đồng mua bán hàng hóa có thể là:

  • Điều khoản về các trường hợp bất khả kháng
  • Điều khoản chấm dứt hợp đồng
  • Điều khoản về giải quyết tranh chấp
  • Điều khoản về hiệu lực hợp đồng
  • Điều khoản phạt vi phạm: các bên có thể cân nhắc thỏa thuận các chế tài khi vi phạm hợp đồng. Bạn có thể đọc bài viết Các chế tài thương mại của chúng tôi.

5.3 Các điều khoản tùy nghi của hợp đồng mua bán

Khi tiến hành giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, các bên còn có thể thoả thuận thêm một số điều khoản khác nhằm làm cho nội dung của hợp đồng được đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Các điều khoản thông thường của hợp đồng mua bán hàng hóa có thể là:

  • Điều khoản về quyền sở hữu trí tuệ
  • Điều khoản về bảo mật thông tin
  • Điều khoản về chuyển giao, chuyển nhượng hợp đồng
  • Điều khoản về cách thức thông báo giữa các bên trong hợp đồng liên quan tới hợp đồng
  • ...

6. Mẫu Hợp đồng mua bán hàng hóa

Mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa

7. Lưu ý khi soạn thảo hợp đồng mua bán

Điều khoản về vấn đề thanh toán

Thông thường bên bán hàng hóa chỉ quy định đơn giản là đưa ra giá, phương thức thanh toán là chuyển khoản hay tiền mặt. Để tránh những tranh chấp không đáng có, bên bán nên quy định cụ thể từng nội dung này trong hợp đồng mua bán hàng hóa như:

  • Phương thức thanh toán: loại tiền thanh toán, phí ngân hàng chuyển khoản do bên nào chịu, số tài khoản giao dịch, lãi suất trả chậm…
  • Giá của từng loại hàng hóa, giá này đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu hay các loại phí, lệ phí khác hay không…;

Điều khoản về việc đảm bảo chất lượng hàng hoá theo hợp đồng

Với những giao dịch đưa ra những điều kiện về chất lượng hàng hóa, các thỏa thuận này phải nêu được chi tiết và đối chiếu với các quy định pháp luật ứng với từng sản phẩm cụ thể về hợp chuẩn, hợp quy.

Ngoài ra, trong mục tiêu chuẩn chất lượng, doanh nghiệp nên tạo ra một phụ lục riêng, trong đó nêu rõ từng đặc điểm hàng hóa bao gồm: tên, số hiệu, thành phần, định lượng. cấu tạo, ngày sản xuất, nơi sản xuất,…

Điều khoản hủy bỏ hợp đồng do những vi phạm giao hàng

Trong trường hợp phải giao hàng nhiều lần, bên bán nên lưu ý nếu vi phạm giao hàng ở một lần nhất định, thì bên mua có thể hủy bỏ phần hợp đồng có liên quan đến lần vi phạm đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

  • Khi giao hàng dư số lượng, bên bán có thể gặp rủi ro khi bên mua không nhận phần dư đó, và phải mất chi phí đưa hàng về. Nếu bên mua nhận hàng thì bên bán sẽ được thanh toán phần dư ra theo giá hợp đồng.
  • Bên cạnh đó, nếu giao hàng không đúng chủng loại hàng hóa, bên bán sẽ chịu rủi ro bên mua có thể hủy bỏ hợp đồng mua bán hàng hóa và yêu cầu bồi thường hợp đồng. Trường hợp hàng hóa gồm nhiều chủng loại, bên bán không giao đúng thỏa thuận một hoặc một số loại, thì bên mua có thể hủy bỏ phần hợp đồng này có liên quan đến loại hàng hóa đó.
  • Khi giao thiếu số lượng hàng hóa, bên bán phải có nghĩa vụ giao tiếp phần còn thiếu theo thời hạn do bên mua yêu cầu. Mặt khác, bên bán phải chịu rủi ro hơn nếu bên mua hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
  • Khi giao hàng không đồng bộ, bên bán sẽ phải thay thế số hàng hóa không đồng bộ cho bên mua. Trường hợp bên bán đã nhận tiền hàng, bên bán sẽ phải trả lãi đối với số tiền đã nhận trong thời gian giao hàng thay thế, và phải bồi thường nếu bên mua yêu cầu.

Điều khoản về chi phí vận chuyển và chi phí liên quan khác

Các bên phải nêu rõ thời điểm chuyển giao chi phí trong quá trình giao hàng như: khi giao hàng cho công ty vận chuyển đầu tiên, hoặc khi hàng hóa đã được giao cho bên mua….

Nếu trường hợp trong hợp đồng không quy định, các bên sẽ phải chịu rủi ro về việc xác định theo chi phí đã được công bố của cơ quan nhà nước, hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề cũng như theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hàng hóa.

Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa

  • Điều kiện về năng lực dân sự của chủ thể giao kết hợp đồng
  • Việc giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa phải dựa trên sự tự nguyện, bình đằng không bị ép buộc, lừa dối.
  • Điều kiện về nội dung hợp đồng mua bán hàng hóa không trái quy định pháp luật, thuần phong mỹ tục, hàng hóa mua bán không thuộc trường hợp pháp luật cấm kinh doanh.

Điều khoản về hướng dẫn sử dụng của hàng hóa

Theo Bộ luật dân sự 2015 bổ sung thêm cụm từ “trong một thời gian hợp lý”, nhằm để xác định khoảng thời gian bên bán phải thực hiện trách nhiệm hướng dẫn sử dụng cho bên mua. Bên bán sẽ chịu rủi ro nếu không thực hiện vì bên mua có thể hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại. Đây chính là cơ sở pháp lý để hai bên thỏa thuận thêm điều khoản này vào hợp đồng để đảm bảo việc sử dụng hàng hóa của bên mua.

Hợp đồng mua bán rất đa dạng và tương đối phức tạp, nó không chỉ đói hỏi về kiến thức, kỹ năng, mà còn kinh nghiệm đàm phán, soạn thảo và thực thi hợp đồng. Hiểu được điều đó, eLib chia sẻ đến bạn chuyên mục Hợp đồng mua bán với những hướng dẫn cụ thể về việc lập Hợp đồng mua bán tài sản, Hợp đồng mua bán hàng hóa,... Hi vọng đây sẽ là tư liệu hữu ích hỗ trợ cho quá trình mua bán, giao dịch của bạn nhằm hạn chế các tranh chấp về sau. Mời các bạn cùng tham khảo.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM