Bệnh răng miệng

Các bệnh lý về răng miệng đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam gây ảnh hưởng không nhỏ đến các vấn đề ăn nhai, thẩm mĩ, sức khỏe,... của người bệnh. Ngoài các tác nhân bên ngoài, các bệnh lý về răng miệng có thể xuất phát từ cách vệ sinh răng miệng, thói quen ăn uống,... đặc biệt là nhận thức về vấn đề chăm sóc và bảo vệ răng miệng cũng chưa thực sự được coi trọng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn một số thông tin tổng quan về bệnh răng miệng, mời các bạn tham khảo!

1. Những nguyên nhân dẫn đến các bệnh về răng miệng

Nhiều nguyên nhân dẫn đến các bệnh về răng miệng của người Việt Nam nhưng phổ biến nhất là 3 thói quen không đúng cách sau đây:

  • Chải răng không đúng cách: Chải răng là một hoạt động vệ sinh răng miệng phổ biến hằng ngày mà hầu hết mọi người đều biết và thực hiện. Nhưng do thói quen chưa đúng từ nhỏ nên nhiều người vẫn chải răng sai cách. Rất nhiều người chỉ thực hiện một ngày một lần vào buổi sáng, hoặc chải răng qua loa không đủ thời gian 3 phút theo yêu cầu của nha sĩ, chải răng theo chiều ngang thay vì chải theo chiều dọc. Ít nguời biết rằng chải răng không đúng cách sau một thời gian dài sẽ dẫn đến mòn men răng, ngà răng, viêm nướu, tụt nướu và dễ mắc các bệnh nha chu. Hậu quả của những bệnh này có thể trầm trọng hơn, thậm chí mất răng nếu để quá lâu.
  • Sử dụng tăm xỉa răng thay cho chỉ nha khoa: Việc dùng tăm hay các vật nhọn xỉa răng lâu ngày làm cho các kẽ răng bị hở, làm trầy nướu răng và gây tụt nướu ở các kẽ răng. Ngoài ra, dùng tăm xỉa răng cũng không bảo đảm an toàn về vệ sinh. Khái niệm về chỉ nha khoa không còn xa lạ với người Việt Nam nhưng do không có thói quen dùng chỉ nha khoa và chi phí cho sản phẩm này khá cao nên đa số người dân ngại sử dụng.
  • Không dùng nước súc miệng: Điều này hạn chế hiệu quả chăm sóc răng miệng, cụ thể là khoang miệng chưa sạch hoàn toàn, vẫn còn tồn tại nhiều vi khuẩn và mảng bám. Việc chải răng thông thường là chưa đủ vì chỉ có thể chải sạch một số bề mặt răng (chủ yếu là mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai), vi khuẩn gây bệnh răng miệng vẫn còn tồn tại ở những nơi khác như kẽ răng, lưỡi và vòm miệng. Hiện tại, chỉ một bộ phận nhỏ người dân ở thành thị với điều kiện kinh tế khá và ý thức cao mới sử dụng nuớc súc miệng để bảo vệ sức khỏe răng miệng toàn diện.

2. Một số bệnh răng miệng thường gặp

Bệnh sâu răng

Sâu răng là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất trên thế giới trong đó có nước ta. Sâu răng có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào nhưng rất thường gặp ở trẻ em do vệ sinh răng không tốt, thường xuyên ăn vặt và uống đồ uống có đường…. Nếu không được điều trị sâu răng có thể gây ra đau răng nặng, nhiễm trùng, mất răng và các biến chứng khác.

Sâu răng gây đau răng, gây nhói khi ăn hoặc uống nóng lạnh, đau khi cắn xuống, có mủ quanh răng, nhìn thấy lỗ ở răng… Các biến chứng có thể bao gồm: áp xe răng, mất răng, bị hỏng răng. Vì vậy, nếu thấy các triệu chứng như sưng nướu, chảy máu, mủ quanh răng, hơi thở có mùi hôi… cần tới bác sĩ nha khoa để được khám và điều trị thích hợp.

Bệnh hôi miệng

Có nhiều nguyên nhân gây ra hôi miệng như: do thức ăn (thức ăn dắt vào răng không được lấy ra), thực phẩm (một số thực phẩm có mùi như hành, tỏi…), các vấn đề về nha khoa như vệ sinh răng miệng kém và bệnh nha chu, do dùng thuốc, do bệnh lý (viêm mũi, họng), hút thuốc lá…

Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây hôi miệng. Bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên, cần chú ý tới một số biện pháp có thể khắc phục chứng hôi miệng như vệ sinh răng miệng hàng ngày (đánh răng sau khi ăn ít nhất hai lần/ngày), hoặc dùng chỉ nha khoa đúng cách loại bỏ thức ăn và mảng bám giữa các răng ít nhất một lần một ngày và uống nhiều nước. Tránh những thực phẩm và đồ uống khác có thể gây hơi thở hôi và thường xuyên kiểm tra răng miệng (ít nhất hai lần một năm)…

 Bệnh viêm lợi
Viêm lợi là bệnh gây tổn thương đến mô bao quanh và nâng đỡ răng. Lợi của người bệnh sẽ bị sưng đỏ, dễ chảy máu, đặc biệt là khi đánh răng.
Bệnh viêm lợi tiến triển nặng có thể dẫn đến bệnh nặng hơn như viêm quanh răng, mất răng; một số bệnh nguy hiểm như bệnh tim mạch, đột quỵ ,viêm phổi …
Nguyên nhân: Bệnh viêm lợi là do vi khuẩn ở trong mảng bám răng hoặc cao răng rồn tại lâu trên răng.
Điều trị: Viêm lợi được điều trị bằng cách làm sạch bề mặt răng, loại bỏ các mảng bám trên răng, vệ sinh răng miệng tốt.

 Bệnh vôi hóa tuyến nước bọt
Vôi hóa tuyến nước bọt là bệnh phổ biến trong miệng, rất dễ phát hiện nhưng thường bị mọi người bỏ qua.
Nguyên nhân: Vôi hóa tuyến nước bọt là bệnh do canxi trong nước bọt lắng đọng quanh khối viêm lâu ngày tạo thành sỏi. Viên sỏi này chắn ngang tuyến nước bọt, khi nhai thức ăn sẽ làm tuyến nước bọt bị kích thích và sưng phồng.
Khi sỏi tắc nghẽn lâu sẽ gây viêm tấy, áp xe tại vùng tuyến như sưng, nóng, đau tại góc hàm, dưới hàm, thậm chí có thể gây tổn thương tới hệ thần kinh chi phối hoạt động của cơ mặt, gây liệt mặt
Điều trị: Hiện nay, phương pháp điều trị bệnh vôi hóa tuyến nước bọt khá đơn giản, chỉ cần phẫu thuật lấy sỏi. Nếu sỏi lớn thì phải cắt cả tuyến nước bọt.

Bệnh nhiệt miệng

Nhiệt miệng là một vết loét nhỏ, nông, phát triển ở những mô mềm bên trong má hoặc môi, bên dưới lưỡi hoặc trên nướu của bạn. Nó còn được gọi là loét áp-tơ (aphthous ulcer).Thường các vết loét kéo dài 7-10 ngày và tự lành mà không để lại vết sẹo. Nếu nhiệt miệng kéo dài hơn hai tuần thì bạn cần đi khám bác sĩ.

3. Các biện pháp chăm sóc răng miệng hiệu quả

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ: là điều quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh về răng miệng. Việc làm đó phải giải quyết trong từng bữa ăn, rồi sau khi ăn xong, nên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng, đánh răng hàng ngày với kem đánh răng có chứa fluoride và sử dụng bàn chải mềm. Không được phép sử dụng tăm để xỉa răng vì tăm sẽ dễ gây tổn thương nướu, sưng nướu đau răng thứ phát không kiểm soát .
  • Dùng loại nước súc miệng: Natri Clorid 0,9%  muối súc miệng lành tính, nước súc miệng có chất phòng ngừa sâu răng sodium florie, nước súc miệng có hoạt chất bổ sung tái tạo men răng, làm tan các mảng bám như zin lactate,… sẽ giúp làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng.
  • Khám răng định kỳ: ngay cả khi cảm thấy răng miệng bình thường thì cũng nên khám định kỳ 6 tháng/lần. Nha sĩ sẽ giúp phát hiện sớm những bất ổn về răng miệng vì lợi được xem là tín hiệu báo trước những vấn đề về sức khỏe.
  • Chế độ dinh dưỡng : Trong chế độ ăn hàng ngày cần bổ sung vitamin C và B12, hạn chế ăn những thức ăn quá ngọt và nước giải khát có ga như coca, pepsi...

Trên đây là những thông tin tổng quan về bệnh răng miệng, hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn trong việc tìm hiểu và có kiến thức bảo vệ sức khỏe răng miệng của mình và người thân. Chúc các bạn nhiều sức khỏe!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM