Luật Y tế - Sức khỏe

Chuyên mục Luật Y tế - Sức khỏe được eLib chia sẻ sau đây tổng hợp các Luật, Nghị định, Nghị quyết, Thông tư,... của cơ quan nhà nước về lĩnh vực khám chữa bệnh, dược, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,... Mời các bạn cùng tham khảo.

1. Tổng quan về Luật Y tế - Sức khỏe

1.1 Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; sai sót chuyên môn kỹ thuật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:

  • Bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh.
  • Tôn trọng quyền của người bệnh; giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án.
  • Kịp thời và tuân thủ đúng quy định chuyên môn kỹ thuật.
  • Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai.
  • Bảo đảm đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề.
  • Tôn trọng, hợp tác và bảo vệ người hành nghề khi làm nhiệm vụ.

Chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh:

  • Ưu tiên bố trí ngân sách nhằm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cơ bản của nhân dân. Quan tâm dành ngân sách cho việc chăm sóc sức khỏe đối với người có công với cách mạng, trẻ em, người nghèo, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
  • Tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là nguồn nhân lực y tế ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến trên xuống tuyến dưới, từ vùng có điều kiện kinh tế – xã hội không khó khăn đến vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
  • Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
  • Khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong khám bệnh, chữa bệnh.

1.2 Luật Bảo hiểm xã hội

Luật Bảo hiểm xã hội quy định chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động; cơ quan bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Đối tượng áp dụng của Luật Bảo hiểm xã hội:

- Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

  • Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
  • Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
  • Cán bộ, công chức, viên chức;
  • Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
  • Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
  • Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
  • Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
  • Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

- Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

- Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

- Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội.

1.3 Luật Bảo hiểm y tế

Luật Bảo hiểm y tế quy định về chế độ, chính sách bảo hiểm y tế, bao gồm đối tượng, mức đóng, trách nhiệm và phương thức đóng bảo hiểm y tế; thẻ bảo hiểm y tế; phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế; tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế; thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; quỹ bảo hiểm y tế; quyền và trách nhiệm của các bên liên quan đến bảo hiểm y tế.

Luật Bảo hiểm y tế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến bảo hiểm y tế.

Luật Bảo hiểm y tế không áp dụng đối với bảo hiểm y tế mang tính kinh doanh.

Nguyên tắc bảo hiểm y tế:

  • Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế.
  • Mức đóng bảo hiểm y tế được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương tối thiểu của khu vực hành chính (sau đây gọi chung là mức lương tối thiểu).
  • Mức hưởng bảo hiểm y tế theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
  • Chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm y tế và người tham gia bảo hiểm y tế cùng chi trả.
  • Quỹ bảo hiểm y tế được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm cân đối thu, chi và được Nhà nước bảo hộ.

Chính sách của Nhà nước về bảo hiểm y tế:

  • Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế cho người có công với cách mạng và một số nhóm đối tượng xã hội.
  • Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm y tế để bảo toàn và tăng trưởng quỹ. Nguồn thu của quỹ và số tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm y tế được miễn thuế.
  • Nhà nước tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm y tế hoặc đóng bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng.
  • Nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến trong quản lý bảo hiểm y tế.

1.4 Luật Dược

Luật này quy định về chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; hành nghề dược; kinh doanh dược; đăng ký, lưu hành, thu hồi thuốc và nguyên liệu làm thuốc; dược liệu và thuốc cổ truyền; đơn thuốc và sử dụng thuốc; thông tin thuốc, cảnh giác dược và quảng cáo thuốc; dược lâm sàng; quản lý thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thử thuốc trên lâm sàng và thử tương đương sinh học của thuốc; quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc và quản lý giá thuốc.

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động dược tại Việt Nam.

Chính sách của Nhà nước về dược:

- Bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, giá hợp lý cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của Nhân dân, phù hợp với cơ cấu bệnh tật và yêu cầu quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và thuốc hiếm.

- Bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; ưu tiên phát triển hoạt động dược lâm sàng và cảnh giác dược.

- Ưu đãi đầu tư sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thuốc thiết yếu, thuốc phòng, chống bệnh xã hội, vắc xin, sinh phẩm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc hiếm; ưu đãi nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới.

- Đối với thuốc mua từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập thực hiện như sau:

  • Không chào thầu thuốc nhập khẩu thuộc danh Mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành trên cơ sở nhóm tiêu chí kỹ thuật khi thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về Điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp.
    Ưu tiên mua thuốc generic, sinh phẩm tương tự đầu tiên sản xuất trong nước được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam; thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước; thuốc có sử dụng dược chất, tá dược, vỏ nang hoặc bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc được sản xuất bởi cơ sở trong nước đáp ứng Thực hành tốt sản xuất; dược liệu tươi; thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được sản xuất trên cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ hoặc cấp tỉnh;
  • Không chào thầu dược liệu nhập khẩu thuộc danh Mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành khi dược liệu được nuôi trồng, thu hái trong nước đáp ứng yêu cầu về Điều trị và khả năng cung cấp, giá hợp lý.
    Chính phủ quy định về giá hợp lý tại Điểm này;
  • Ưu tiên mua thuốc thuộc Danh Mục sản phẩm quốc gia.

- Tạo Điều kiện thuận lợi về trình tự, thủ tục nộp đơn đăng ký lưu hành thuốc generic sắp hết hạn bằng sáng chế hoặc độc quyền có liên quan, sinh phẩm tương tự đầu tiên; ưu tiên về trình tự, thủ tục đăng ký lưu hành, cấp phép nhập khẩu thuốc hiếm, vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới tiền thẩm định.

- Kết hợp đầu tư ngân sách nhà nước với huy động các nguồn lực khác cho phát triển công nghiệp sản xuất vắc xin, sinh phẩm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc sắp hết hạn bằng sáng chế hoặc độc quyền có liên quan; nuôi trồng, sản xuất dược liệu; phát hiện, bảo tồn và ứng dụng khoa học, công nghệ trong nghiên cứu, phát triển nguồn gen dược liệu quý, hiếm, đặc hữu.

- Hỗ trợ, tạo Điều kiện phát hiện, thử lâm sàng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có liên quan, đăng ký lưu hành và kế thừa đối với thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu có đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ hoặc cấp tỉnh đã được nghiệm thu; tìm kiếm, khai thác, sử dụng dược liệu mới; xuất khẩu dược liệu nuôi trồng; di thực dược liệu; khai thác dược liệu thiên nhiên hợp lý; nghiên cứu, khảo sát, Điều tra loài dược liệu phù hợp để nuôi trồng tại địa phương; phát triển các vùng nuôi trồng dược liệu; hiện đại hóa sản xuất dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

- Có chính sách bảo vệ bí mật trong bào chế, chế biến và dữ liệu thử nghiệm lâm sàng thuốc cổ truyền; đãi ngộ hợp lý đối với người hiến tặng cho Nhà nước bài thuốc cổ truyền quý; tạo Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề y, dược cổ truyền cho người sở hữu bài thuốc gia truyền được Bộ Y tế công nhận.

- Khuyến khích chuyển giao công nghệ trong sản xuất thuốc; phát triển mạng lưới lưu thông phân phối, chuỗi nhà thuốc, bảo quản và cung ứng thuốc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả, bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc có chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của Nhân dân; khuyến khích nhà thuốc, quầy thuốc hoạt động 24/24 giờ.

Ưu đãi đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ thống cung ứng thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc lưu động cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo, vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Huy động cơ sở y tế thuộc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia cung ứng thuốc và nuôi trồng dược liệu nhằm đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của Nhân dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Có chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dược; ưu tiên trong hành nghề dược đối với người được cấp Chứng chỉ hành nghề dược theo hình thức thi theo quy định của Chính phủ.

2. Nghị định về Y tế - Sức khỏe

2.1 Khái niệm Nghị định

Nghị định là loại văn bản thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam. Theo đó, Nghị định là văn bản do chính phủ ban hành dùng để hướng dẫn luật hoặc quy định những việc phát sinh mà chưa có luật hoặc pháp lệnh nào điều chỉnh. Chính phủ ban hành nghị định để quy định những quyền lợi và nghĩa vụ của người dân theo Hiến pháp và Luật do Quốc hội ban hành.

Chính phủ ban hành nghị định để quy định:

  • Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;
  • Các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; các biện pháp để thực hiện chính sách kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, tài chính, tiền tệ, ngân sách, thuế, dân tộc, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, đối ngoại, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức, quyền, nghĩa vụ của công dân và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ; những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của từ hai bộ, cơ quan ngang bộ trở lên; nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ;
  • Vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh, tế, quản lý xã hội. Trước khi ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

VD: Quốc hội ban hành Luật hộ tịch 2014, sau đó Chính phủ sẽ ban hành Nghị định 123/2015/NĐ-CP để quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch. 

2.2 Nghị định Y tế - Sức khỏe mới nhất

  • Nghị định 176/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế
  • Nghị định 58/2020/NĐ-CP về Quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
  • Nghị định 143/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam
  • Nghị định 44/2017/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
  • Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế
  • Nghị định 89/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới
  • Nghị định 169/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế
  • ...

3. Nghị quyết về Y tế - Sức khỏe

3.1 Khái niệm Nghị quyết

Nghị quyết là Hình thức văn bản quyết định về những vấn đề cơ bản sau khi được hội nghị bàn bạc, thông qua bằng biểu quyết theo đa số, biểu thị ý kiến hay ý định của một cơ quan, tổ chức về một vấn đề nhất định.

Hiến pháp đã quy định nghị quyết là hình thức văn bản của Quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội, Chính phủ, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp...

Nghị quyết có thể được chia thành các nhóm sau:

– Nghị quyết được ban hành để quyết định nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phân bố ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước và điều chỉnh ngân sách Nhà nước.

– Nghị quyết sử dụng để ổn định chế độ công tác Quốc hội, các cơ quan trực thuộc Quốc hội, hội đồng Dân tộc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban Quốc hội.

– Nghị quyết sử dụng để phê chuẩn điều ước Quốc tế mà Việt Nam tiến hành tham gia.

– Nghị quyết sử dụng để quyết định các vấn đề khác nằm trong thẩm quyền của Quốc hội.

3.2 Nghị quyết Y tế - Sức khỏe mới nhất

  • Nghị quyết 287/2020/NQ-HĐND về hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV chưa có thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
  • Nghị quyết 102/NQ-CP năm 2020 về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế do Chính phủ ban hành
  • Nghị quyết 19/2019/NQ-HĐND về Chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế tỉnh An Giang giai đoạn 2020-2025
  • Nghị quyết 27/2019/NQ-HĐND về hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
  • Nghị quyết 33/NQ-CP năm 2019 về thí điểm tự chủ của 04 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế do Chính phủ ban hành
  • Nghị quyết 15/2019/NQ-HĐND quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh
  • Nghị quyết 156/2019/NQ-HĐND về mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế và mức giá dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thực hiện tại các cơ sở y tế công lập thuộc tỉnh Lâm Đồng quản lý
  • ...

4. Thông tư về Y tế - Sức khỏe

4.1 Khái niệm Thông tư

Thông tư là hình thức văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành để hướng dẫn thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

Thông tư thường là văn bản hướng dẫn nghị định của Chính phủ, liên quan đến ngành hay lĩnh vực do bộ, ngành quản lí. Thông tư có hai loại: thông tư do một bộ, ngành ban hành và thông tư liên tịch do hai hay nhiều bộ, ngành ban hành để hướng dẫn nghị định của chính phủ có liên quan đến các lĩnh vực do các bộ, ngành đó quản lí.

Thông tư bao gồm:

  • Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao được ban hành để thực hiện việc quản lý các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự về tổ chức và những vấn đề khác được Luật tổ chức Tòa án nhân dân và luật khác có liên quan giao.
  • Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được ban hành để quy định, những vấn đề được Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và luật khác có liên quan giao.
  • Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ
  • Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
  • Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thông tư liên tịch để quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng.

4.2 Thông tư Y tế - Sức khỏe mới nhất

  • Thông tư 14/2020/TT-BYT quy định về nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
  • Thông tư 37/2019/TT-BYT quy định về chế độ báo cáo thống kê ngành Y tế do Bộ Y tế ban hành
  • Thông tư 22/2020/TT-BYT quy định về quản lý thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế do Bộ Y tế ban hành
  • Thông tư 13/2020/TT-BYT sửa đổi Thông tư 35/2016/TT-BYT về Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
  • Thông tư 33/2019/TT-BYT bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, liên tịch ban hành
  • Thông tư 29/2019/TT-BYT quy định việc xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật về y tế do Bộ Y tế ban hành
  • Thông tư 28/2019/TT-BYT hướng dẫn việc thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế biên giới do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
  • ...

Trên đây là các thông tin về Luật Y tế - Sức khỏe, Nghị định, Nghị quyết, Thông tư về Y tế - Sức khỏe mà bạn cần hiểu và nắm rõ. Ngoài ra, eLib còn giới thiệu đến bạn các Nghị định, Nghị quyết, Thông tư về việc thực hiện, chấp hành quy định của pháp luật về Y tế - Sức khỏe mới nhất hiện nay, mời các bạn cùng tham khảo.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM