Nghị luận xã hội lớp 10

Lớp 10 là lớp mở đầu cho chương trình học cấp 3. Vì vậy, để các em có thể học tốt hơn, tránh bỡ ngỡ với những kiến thức nâng cao hơn một bậc của chương trình Ngữ văn 10. eLib xin gửi đến các em hệ thống bài văn mẫu Nghị luận xã hội đã được đội ngũ dày dặn kinh nghiệm của eLib thực hiện. Với những bài văn mẫu dưới đây, eLib hy vọng rằng các em sẽ có nguồn tài liệu viết bài văn nghị luận xã hội hiệu quả nhất. Mời các em cùng tham khảo nhé!

1. Giới thiệu văn mẫu Nghị luận xã hội lớp 10

Lớp 10 mở đầu cho chương trình học cấp 3, chắc hẳn sẽ có một số em học sinh cảm thấy bỡ ngỡ với chương trình học Ngữ văn 10 này. Để giúp các em có thể học tập môn Ngữ văn một cách dễ dàng hơn, eLib xin gửi đến các em hệ thống những bài văn mẫu Nghị luận xã hội lớp 10, với những bài văn mẫu dưới đây, eLib hy vọng rằng đây sẽ là những tài liệu bổ ích giúp các em có thể làm một bài văn Nghị luận xã hội đạt yêu cầu, đồng thời các em sẽ có thể trau dồi, nâng cao thêm vốn từ cho bản thân. Từ đó các em sẽ có những hành trang để học tập môn văn một cách dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, những bài văn mẫu này sẽ giúp các em biết cách lập dàn ý cho bài văn Nghị luận xã hội của mình, đồng thời nó còn cung cấp cho các em những kiến thức về thực tiễn xã hội, để từ đó các em có thể vận dụng một cách linh hoạt vào bài văn của mình. Mời các em tham khảo nội dung từng bài văn chi tiết ở Menu bên trái đối với PC và Menu ở trên đối với Mobile.

2. Cách làm bài văn Nghị luận xã hội lớp 10

2.1. Kiểu bài Nghị luận về một hiện tượng đời sống

- Mở bài:

+ Giới thiệu về vấn đề, hiện tượng đời sống mà đề cần bàn luận.

+ Mở ra hướng giải quyết vấn đề cần bàn trong bài, thường là trình bày suy nghĩ của bản thân. Sau đó dẫn dắt đến phần thân bài một cách ấn tượng.

- Thân bài:

+ Giải thích, nêu thực trạng về hiện tượng, đời sống mà đề đã cho.

  • Tìm và giải thích nghĩa của các từ được coi là từ khóa mà đề bài đưa ra. Tuy nhiên không phải sự việc nào cũng cần giải thích vì có những khái niệm phổ biến mà ai cũng biết như tai nạn giao thông, nói tục chửi thề,... Chỉ giải thích những từ khóa có vấn đề.
  • Thực trạng: Nêu thực trạng của hiện tượng, đời sống đó từ thực tế cuộc sống, cần nêu dẫn chứng cụ thể từ đời sống, lấy thông tin trên các phương tiện truyền thông.
  • Dựa vào thực tế đời sống để trả lời các câu hỏi sự việc, hiện tượng này xuất hiện ở đâu, xuất hiện vào thời gian nào, diễn ra ở quy mô nào, đối tượng của sự việc hiện tượng là ai, mức độ ảnh hưởng ra sao,...
  • Làm nổi bật được các vấn đề cần bàn bạc trong bài.

+ Nêu nguyên nhân và lí giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng, đời sống mà đề yêu cầu:

  • Nguyên nhân khách quan: thiếu vắng mối quan tâm, sự giáo dục của gia đình và nhà trường. Những ảnh hưởng của phim ảnh, intrernet, sự tràn lan của lối sống cá nhân thích làm nổi, thích gây sốc để nhiều người biết đến,...
  • Chủ quan: Nhiều thanh thiếu niên tuy được sinh ra và lớn lên ở môi trường giáo dục tốt nhưng lại có suy nghĩ và hành động lệch lạc, bởi họ không có ý thức hoàn thiện mình cũng như tự bồi đắp tâm hồn mình bằng những cách cư xử có văn hóa.

=> Các em cần lập luận theo hai hướng nguyên nhân khách quan (tác động từ bên ngoài như pháp luật, nhà nước, xã hội,...) và nguyên nhân chủ quan (do nhận thức, ý thức, thói quen của con người,...).

 + Nêu hậu quả của hiện tượng:

  • Gây xôn xao, bất bình trong dư luận, làm tổn thương, xúc phạm đến những giá trị đạo đức, đi ngược lại truyền thống đạo lí tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn"..., tác động không tốt đến giới trẻ.
  • Bản thân người trong cuộc phải gánh chịu những lên án, bất bình của dư luận xã hội,...

=> Các em cần khẳng định dù là hiện tượng tích cực hay tiêu cực thì đều dẫn đến một kết quả hay hậu quả tương ứng. Nếu đó là hiện tượng xấu thì cần nhấn mạnh khía cạnh đạo đức, nâng cao nhận thức, ý thức của con người để giảm thiểu, loại bỏ hiện tượng đó khỏi đời sống xã hội.

+ Giải pháp khắc phục:

  • Nâng cao nhận thức ở giới trẻ: nhà trường và đoàn thanh niên cần thường xuyên tổ chức các diễn đàn để tuyên truyền, giáo dục thanh niên về lối sống đẹp.
  • Những hình ảnh phản cảm cần được dư luận phê phán quyết liệt, gia đình và nhà trường phải nghiêm khác, nhắc nhở,...
  • Lưu ý các em cần đưa dẫn chứng thực tế để chứng minh.

=> Dựa vào phần đánh giá hậu quả/ kết quả để đưa ra giải pháp phù hợp. Đối với hậu quả thì phải đưa ra giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn; nếu là kết quả thì phải khuyến khích, cổ vũ, khích lệ và phát triển.

- Kết bài: Bày tỏ ý kiến riêng về hiện tượng, đời sống mà đề yêu cầu.

  • Thấy rõ sự cần thiết phải tích cực trau dồi nhân cách, bồi đắp nững giá trị đạo đức, văn hóa, đặc biệt là đạo lí của lối sống đẹp và nhân văn.
  • Kiên quyết lên án và ngăn chặn những biểu hiện của lối sống vô cảm, thiếu văn hóa để xã hội lành mạnh, tiến bộ hơn.

2.2. Kiểu bài văn Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí

- Mở bài:

+ Dẫn dắt, giới thiệu vào vấn đề tư tưởng, đạo lý cần bàn luận mà đề đã cho.

+ Tiếp tục dẫn dắt vấn đề từ phần mở bài đến phần thân bài một cách ấn tượng nhất.

- Thân bài:

  •  Giải thích những nội dung, từ khóa quan trọng:
  •  Giải thích tư tư tưởng, đạo lí là gì?
  •  Cần giải thích những từ trọng tâm, sau đó giải thích cả câu nói: giải thích các từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm, nghĩa đen, nghĩa bóng (nếu có); rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng, đạo lý; quan điểm của tác giả qua câu nói về tư tưởng, đạo lí đã cho.

=> Nhìn chung, phần này thường trả lời cho câu hỏi là gì, như thế nào... Trước hết, người viết cần tìm và giải thích nghĩa của các từ được coi là từ khóa; nếu đặt nó vào hoàn cảnh cụ thể trong cả câu nói thì nó biểu hiện ý nghĩa gì. Qua đó rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng đạo lý, quan điểm của tác giả thể hiện thế nào qua câu nói.

 + Bàn luận về vấn đề tư tưởng, đạo lí mà đề đã cho:

  • Phân tích và chứng minh các mặt đúng của tư tưởng, đạo lý (thường trả lời câu hỏi tại sao nói như thế? Dùng dẫn chứng cuộc sống xã hội để chứng minh. Từ đó chỉ ra tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lý đối với đời sống xã hội).
  • Bác bỏ (phê phán) những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề: bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến tư tưởng, đạo lý vì có những tư tưởng, đạo lý đúng trong thời đại này nhưng còn hạn chế trong thời đại khác, đúng trong hoàn cảnh này nhưng chưa thích hợp trong hoàn cảnh khác; dẫn chứng minh họa.

=> Tóm lại, học sinh trả lời câu hỏi tại sao vấn đề này lại đúng hoặc không đúng, không phù hợp, đồng thời dùng dẫn chứng thực tiễn để chứng minh lập luận của mình, giúp phần bàn luận sâu sắc và thuyết phục người đọc, người chấm thi.

+ Mở rộng vấn đề về tư tưởng, đạo lí mà đề đã cho như sau:

  •  Mở rộng bằng cách giải thích và chứng minh.
  •  Mở rộng bằng cách đào sâu thêm vấn đề.
  •  Mở rộng bằng cách lật ngược vấn đề.
  • Người tham gia nghị luận đưa ra mặt trái của vấn đề, phủ nhận nó là công nhận cái đúng, ngược lại, nếu vấn đề bình luận là sai hãy lật ngược bằng cách đưa ra vấn đề đúng, bảo vệ cái đúng cũng có nghĩa là phủ định cái sai.
  • Trong các bước mở rộng, tuỳ vào từng trường hợp và khả năng của mình mà áp dụng cho tốt, không nên cứng nhắc.

=> Cần lưu ý khi: Đánh giá xem vấn đề đó đúng hay sai, còn phù hợp với thời đại ngày nay hay không, có tác động thế nào đến cá nhân người viết, ảnh hưởng thế nào đến xã hội nói chung.

+ Bài học nhận thức và hành động:

  • Phải là bài học nhận thức và hành động theo hướng tích cực.
  • Đầu tiên là bài học rút ra cho bản thân người viết (rút ra bài học gì, bản thân đã làm được chưa, nếu chưa thì cần làm gì để đạt được...). Tiếp theo, đối với gia đình, những người xung quanh và xã hội thì bài học nhận thức là gì, thuyết phục mọi người cùng áp dụng và hành động.
  • Bài học phải được rút ra từ chính tư tưởng đạo lý mà đề yêu cầu, phải hướng tới tuổi trẻ, phù hợp và thiết thực với tuổi trẻ, tránh chung chung, trừu tượng.
  • Nên rút ra hai bài học, một về nhận thức, một về hành động.
  • Bài học cần được nêu chân thành, giản dị, tránh hô khẩu hiệu.

=> Tóm lại, các em cần: Tuân thủ các bước, thẳng thắn nhìn nhận vấn đề và đưa ra dẫn chứng thực tế, kết hợp sử dụng thêm câu châm ngôn, tục ngữ, ca dao để cho thấy kinh nghiệm sống phong phú, có hiểu biết sâu rộng cả trong quá khứ và hiện tại, bài viết của các em sẽ được đánh giá tốt và đạt điểm cao.

- Kết bài:

+ Đánh giá ngắn gọn, khái quát về tư tưởng, đạo lý đã bàn luận.

+ Phát triển, liên tưởng, mở rộng, nâng cao vấn đề.

3. Những lưu ý trong cách làm bài văn nghị luận xã hội

3.1. Cần nắm vững yêu cầu của đề

- Trước khi làm bài, học sinh cần đọc kỹ đề bài, phải chú ý từng từ ngữ, hiểu ý nghĩa của từng từ, từng câu; học sinh chú ý cả những dấu chấm hay ngắt câu trong đề bài để nắm rõ yêu cầu của đề bài.

- Đối với đề bài văn nghị luận xã hội lấy kiến thức, thông tin và cả những kinh nghiệm có trong cuộc sống để minh chứng cho lý lẽ của mình. Do vậy đòi hỏi học sinh cần có một kiến thức sống khá phong phú; có sự tinh tế và nhạy bén trong nhận định một vấn đề. Để làm tốt, học sinh phải thường xuyên thu nhận thông tin hàng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ghi chép lại những thông tin cần thiết làm tài liệu cho riêng mình (chú ý phải ghi nguồn xuất xứ thông tin để chú thích khi trích dẫn vào bài làm). Tất nhiên khi đưa dẫn chứng vào bài làm, học sinh phải sàng lọc chi tiết có liên quan, tránh dẫn chứng tràn lan, đi lệch hay đi quá xa vấn đề cần phân tích hay chứng minh. Đối với đề bài văn nghị luận văn học, dạng đề này đòi hỏi học sinh phải lấy kiến thức đã được truyền thụ tại lớp học; những tư liệu có từ các bài đọc thêm hay sách vở; tư liệu sưu tầm từ các nguồn khác để minh chứng cho lập luận mà mình cần chứng minh hay phân tích. Nguồn kiến thức này tuyệt đối không được sai, không được tự sáng tác; tránh lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

3.2. Phương pháp làm bài

- Sau khi nhận đề học sinh tuyệt đối không nên làm bài ngay, sẽ dễ bị lạc đề. Điều trước tiên là các em dùng bút (nên dùng bút chì) gạch dưới những từ ngữ quan trọng có trong đề bài để trên cơ sở đó bám sát yêu cầu của đề trong quá trình làm bài và tránh được lạc đề. Hiểu rõ và đúng nghĩa các từ này. Sau khi nắm vững yêu cầu của đề, các em tập trung cho công việc lập dàn bài chi tiết. Đọc đi đọc lại dàn bài để tìm xem có còn thiếu sót để bổ sung thêm. Tiếp theo tìm dẫn chứng để minh họa hoặc lồng ghép các minh chứng có liên quan vào các lý lẽ phân tích của mình. Dẫn chứng càng phong phú (có chọn lọc, tránh tham lam) và độc đáo sẽ nâng chất lượng bài làm của mình lên. Tránh viết lan man và quá dài gây nhàm chán, lạc lõng dễ đi đến việc phân tích không sát chủ đề. Những bài làm như thế này chắc chắn không thể đạt điểm trung bình, nếu không nói là điểm kém.

Ngoài ra, phong cách thể hiện (là văn phong của mỗi học sinh) là điều vô cùng quan trọng, các em cần thể hiện sự sáng tạo trong bài làm. Cách viết hay cách thể hiện khác lạ dễ gây chú ý giám khảo, nếu sự khác lạ đó độc đáo chắc chắn các em sẽ đạt điểm cao.

- Với bài văn nghị luận xã hội, học sinh khi sử dụng ngôn ngữ cần chọn những từ ngữ súc tích có tính hình tượng cao và lúc thể hiện cũng cần phải ngắn gọn nhưng phải đảm bảo đầy đủ ý và tránh giáo điều, khô khan. Tính liên kết giữa các câu và giữa các ý với nhau là điều bắt buộc để tránh sự rời rạc. Một bài văn bất cứ thể loại nào cũng luôn cần yếu tố lôi cuốn và văn phong nhẹ nhàng, có như vậy mới hấp dẫn. Một bài văn nghị luận văn học thường dài hơn một bài văn nghị luận xã hội. Bài văn nghị luận xã hội không đòi hỏi phải viết thật dài mà cần những dẫn chứng thật sắc sảo và thuyết phục. Một bài viết sâu sắc luôn cuốn hút người đọc và rất dễ đi vào lòng người. Mỗi bài văn nghị luận, thời gian thường dành khoảng từ 90 đến120 phút ở lớp học và 150 phút ở các kỳ thi. Vì vậy, các em phải biết phân bổ thời gian thật khoa học.

- Tuy nhiên để đạt điểm tốt bài làm văn của mình, các em phải thường xuyên rèn kỹ năng viết bằng nhiều cách như: tự ra đề và làm bài, sau đó nhờ anh chị hay thầy cô xem lại và góp ý; tập viết văn những khi có thời gian rỗi,… Nhưng trên hết, các em cần nhận rõ vẻ đẹp của ngôn ngữ; thấy được giá trị của văn học; đặc biệt có tâm hồn với văn học, yêu văn học. Có được những yếu tố trên, chắc chắn các em luôn đạt điểm cao môn văn, trong đó có điểm bài làm văn nghị luận.

3.3. Hình thức đoạn văn

- Đoạn văn phải đảm bảo đúng dung lượng theo yêu cầu của đề bài, thông thường là 200 chữ (khoảng 20 tới 23 dòng), tránh viết quá dài hoặc quá ngắn. Đoạn văn có thể tùy ý lựa chọn các cấu trúc: song hành, móc xích, quy nạp, diễn dịch hay tổng phân hợp,... nhưng phải đúng cấu trúc đoạn văn: Không xuống dòng giữa đoạn; đoạn văn bắt đầu bằng chữ cái viết hoa và lùi vào một chữ ở đầu dòng và kết thúc bằng dấu ngắt câu - có thể là dấu chấm, chấm than, ba chấm hoặc chấm hỏi tùy theo kiểu câu phù hợp với nội dung kết đoạn.

3.4. Nội dung đoạn văn

- Để xác định đúng nội dung nghị luận, các em cần phân biệt bài văn nghị luận xã hội với đoạn văn nghị luận xã hội. Nếu bài văn nghị luận về một vấn đề (chủ đề - ý lớn) trong cuộc sống xã hội thì đoạn văn chỉ nghị luận trọn vẹn một khía cạnh của vấn đề (tiểu chủ đề - ý nhỏ). Điều các em cần lưu ý là tuyệt đối không triển khai hệ thống ý nghị luận của tổng thể vấn đề khiến đoạn văn trở thành bài văn thu nhỏ.

- Tuy chỉ nghị luận về một khía cạnh, một bình diện nhỏ trong vấn đề lớn, để nội dung nghị luận trong đoạn văn mạch lạc, khúc chiết, bản thân bình diện (tiểu chủ đề) ấy cũng phải được triển khai thành hệ thống ý nhỏ hơn. Sau đây là một số gợi ý về việc triển khai hệ thống ý trong đoạn văn mà các em có thể tham khảo:

- Nếu đề yêu cầu luận về nguyên nhân của quan niệm/ hiện tượng..., có thể triển khai theo các hệ thống ý sau: Thứ nhất là nguyên nhân chủ quan/ nguyên nhân khách quan; thứ hai là các nguyên nhân từ gia đình/ nhà trường/ xã hội/ bản thân; thứ ba có thể nguyên nhân từ bản thân mỗi cá nhân với nhận thức, tâm lý, công việc, hoàn cảnh sống...

- Nếu đề yêu cầu luận về sự chi phối của một cách sống/ cách nghĩ/ hiện tượng xã hội... (tùy theo tính tích cực hay tiêu cực mà câu lệnh có thể dùng từ "ý nghĩa" hay "hậu quả")... (Đề thi THPT Quốc gia năm 2017 - "ý nghĩa" sự thấu cảm, đề thi THPT Quốc gia năm 2019 - "sức mạnh" của ý chí, hai đề tham khảo năm 2020 - lần một thiếu từ "ý nghĩa" hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường. Lần hai "sự cần thiết" phải tôn trọng quan điểm của người khác)..., các em có thể triển khai theo các hệ thống ý sau: Thứ nhất là sự chi phối với cá nhân/ cộng đồng xã hội; thứ hai là sự chi phối với tâm lý, tính cách, thân phận con người...; thứ ba là sự chi phối theo thời gian hiện tại và tương lai...

- Nếu đề yêu cầu luận về giải pháp thực hiện một cách sống, cách nghĩ,... các em có thể triển khai theo các hệ thống ý sau: giải pháp từ cá nhân tới cộng đồng; giải pháp xuất phát từ nhận thức đến hành động; giải pháp trước mắt và lâu dài.

- Nếu đề yêu cầu trình bày nhiệm vụ/ sứ mệnh/ bài học cho bản thân từ nội dung vấn đề của tư tưởng đạo lý hoặc hiện tượng xã hội,... có thể triển khai theo hai ý cơ bản sau: Ý thức - hành động (Ví dụ đáp án đề Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018).

- Tóm lại, để viết một đoạn văn nghị luận xã hội đúng và hay, trước hết, các em cần xác định chính xác nội dung nghị luận, đó là một khía cạnh của vấn đề trong phần Đọc hiểu, cũng là vấn đề được thể hiện ngay trong cụm từ ngữ phía sau bình diện nghị luận theo yêu cầu, ví dụ: "... viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống" (đề năm 2017) thì "sự thấu cảm" là vấn đề, còn "ý nghĩa" là khía cạnh cần nghị luận trong đoạn văn đó. Tiếp theo, phải nghị luận theo hệ thống ý nhỏ hơn rành mạch, khúc chiết; sử dụng văn phong giản dị, trong sáng, cách lập luận chặt chẽ và thuyết phục.

4. Cách làm bài văn nghị luận xã hội đạt điểm cao

4.1. Cần nắm được dạng bài nghị luận xã hội

- Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn ra đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn theo hướng mở nhằm đánh giá được năng lực và phân loại trình độ của học sinh, nhất là ở mảng câu hỏi nghị luận xã hội. Điều này cũng giúp học sinh có khả năng vận dụng được những hiểu biết thực tế vào bài viết của mình. Tuy nhiên, nhiều năm qua, vẫn có hiện tượng thí sinh làm xa đề, lạc đề, lan man,… Vì vậy, việc xác định kiểu dạng đề thi nghị luận là rất cần thiết, tránh cho thí sinh đi lạc hướng và làm sai đề. Muốn vậy, mỗi thí sinh phải đọc kỹ đề bài, chú ý những từ ngữ để nhận kiểu, dạng bài văn. Thông thường, ta dễ bắt gặp 2 kiểu, dạng đề đó là: nghị luận về một tư tưởng, đạo lý và nghị luận về một hiện tượng đời sống xã hội.

4.2. Lập dàn ý theo bố cục của từng dạng đề nghị luận

- Sau khi xác định được kiểu, dạng đề nghị luận, chúng ta cần bắt tay nhanh vào việc lập dàn ý. Tuy nhiên, muốn lập dàn ý đầy đủ thì ta phải nắm được bố cục chung của từng kiểu bài văn nghị luận xã hội. Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý thường đề cập tới những vấn đề về đạo đức, lối sống, quan điểm sống của các nhà tư tưởng lỗi lạc hay các danh nhân nổi tiếng. Dấu hiệu để nhận biết kiểu đề này thường là những câu nói trực tiếp để trong ngoặc kép của các nhà tư tưởng, các danh nhân nổi tiếng hay là một câu thơ, một ý kiến trích dẫn trong tác phẩm văn học,…

- Về bố cục, trước hết phần mở bài, ta phải giới thiệu khái quát tư tưởng, đạo lý cần nghị luận. Phần thân bài cần giải thích các từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm. Sau đó, ta phân tích và chứng minh mặt đúng - sai của tư tưởng, đạo lý đó. Từ đó chỉ ra tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lý đối với đời sống xã hội. Cuối cùng, ta cần phải bình luận mở rộng vấn đề: có thể là bác bỏ những biểu hiện sai lệch, khẳng định tính đúng đắn. Tất cả những bước trên ta phải có dẫn chứng đi kèm nhằm tăng tính thuyết phục cho người nghe, người đọc. Phần kết bài cần đánh giá khái quát ý nghĩa tư tưởng đạo lý đã nghị luận và rút ra bài học nhận thức và hành động về tư tưởng đạo lý đó.

- Đối với dạng đề nghị luận về một hiện tượng đời sống xã hội thường đề cập tới nhiều vấn đề trong cuộc sống hằng ngày và mang tính chất thời sự, thu hút sự quan tâm của nhiều người như: gian lận trong thi cử, vấn đề tai nạn giao thông, bạo lực học đường, quan điểm về sống thử, văn hóa thần tượng,… Có thể nói, đây là dạng chung mà nhiều năm gần đây Bộ Giáo dục đã hướng đến để học sinh tiếp cận. Để làm dạng bài này đạt kết quả cao, đòi hỏi thí sinh phải có vốn hiểu biết nhất định về đời sống xã hội để vận dụng vào bài làm. Phần mở bài, cần giới thiệu hiện tượng đời sống cần nghị luận. Phần thân bài, cần triển khai các điểm sau: nêu thực trạng của hiện tượng đời sống: hệ quả tác động (tích cực, tiêu cực) của hiện tượng, thái độ của con người và xã hội đối với hiện tượng, lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đó (nguyên nhân chủ quan, khách quan), đưa ra giải pháp để giải quyết hiện tượng đời sống. Phần kết bài cần khái quát lại vấn đề đang nghị luận đồng thời bày tỏ thái độ của bản thân về hiện tượng đời sống cần nghị luận. 

4.3. Tích lũy kiến thức xã hội và nắm bắt thông tin

- Nhiều giáo viên khi chấm bài làm của thí sinh đều cho rằng số rất ít thí sinh làm bài tốt ở câu nghị luận xã hội. Bởi lẽ, ở trường học, các em còn quá lệ thuộc vào cách học khuôn mẫu, thiếu tư duy, sáng tạo. Do vậy để đạt điểm cao, ngoài kiến thức được học tại trường, các em phải có lượng hiểu biết về xã hội. Thí sinh có thể ủng hộ hay phản đối một quan niệm nào đó song phải có khả năng lập luận sắc bén và cách hành văn trôi chảy, có sức thuyết phục. Văn nghị luận xã hội khác với nghị luận văn học ở chỗ nó là những kiến thức được tích lũy và lấy ra từ cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, bạn cần sự tìm kiếm, học hỏi và nắm bắt thông tin nhanh chóng. Muốn vậy, cần khai thác thông tin trên đài, báo, truyền hình hàng ngày; ghi chép lại những nhân chứng, bài học, tình huống hay và có ý nghĩa trong cuộc sốngđể làm tư liệu, dẫn chứng cho bài làm.

4.4. Chú ý về thời gian

- Một bài nghị luận xã hội thường có yêu cầu về số lượng câu chữ nên thí sinh cần phân phối lượng thời gian làm bài sao cho phù hợp, tránh viết dài dòng, sa vào kể lể, giải thích vấn đề không cần thiết. Trên cơ sở dàn ý, chúng ta cần luyện cách viết và trình bày sao cho ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu và có tính thuyết phục cao.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM