Nghị luận hiện tượng đời sống về ý thức chào hỏi của học sinh hiện nay

Bài văn mẫu dưới đây sẽ cung cấp cho các em hiện tượng xã hội về lời chào hỏi của học sinh hiện nay. Từ đó, các em sẽ biết cách chào hỏi mọi người xung quanh, lời chào hỏi là biểu hiện của một người văn minh. Chúc các em học tập thật tốt!

Nghị luận hiện tượng đời sống về ý thức chào hỏi của học sinh hiện nay

1. Dàn ý nghị luận về lời chào hỏi của học sinh hiện nay

- Mở bài:

+ Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: "ý thức chào hỏi của học sinh hiện nay".

+ Ví dụ mở bài: Để có thể trưởng thành thì mỗi người không chỉ cần học tập mà còn phải rèn luyện tu dưỡng đạo đức. Từ xa xưa dân tộc ta đã có truyền thống tôn sự trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, thật vậy chúng ta phải luôn biết ơn và tôn trọng, lễ phép với những người lớn tuổi hơn và với cả những người có công dạy dỗ với mình. Thế nhưng hiện nay truyền thống tôn sự trọng đạo của một số bộ phận học sinh không được phát huy và nó đặc biệt thể hiện ở ý thức chào hỏi của học sinh hiện nay.

- Thân bài:

+ Giải thích khái niệm: ý thức chào hỏi.

+ Vai trò, ý nghĩa của việc chào hỏi đối với học sinh.

+ Phân tích, lấy ví dụ về ý thức chào hỏi của học sinh hiện nay.

+ Mở rộng vấn đề:

  • Không phải ai cũng quên lời chào hỏi.
  • Lời chào hỏi qua loa, chào cho có.

+ Bài học bản thân:

  • Lên án những người không biết chào hỏi.
  • Luôn luôn chào hỏi mọi người bằng sự tôn trọng tuyệt đối.

- Kết bài:

+ Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận.

+ Ví dụ kết bài: Nếu như lời chào không có tác dụng tuyệt vời của nó thì tại sao khi đi phỏng vấn chúng ta cần phải cất lời chào lịch sự, ánh nhìn thân thiện để gây cảm tình cho người phỏng vấn mình? Tại sao khi các cô gái đi dự thi hoa hậu thế giới thường phải nói lời chào bằng tiếng anh trước nhân dân của nước đăng cai tổ chức? Người ngoại quốc sang Việt Nam, không biết nói tiếng ta mà chỉ cần nói được câu chào thì người nghe là ta đã thấy vui sướng trong lòng. Hơn nữa, chào hỏi lẫn nhau còn là lịch sự, duyên dáng, văn minh của con người trong cách ứng xử và cũng là nét đẹp trong thuần phong mỹ tục của Việt Nam và toàn thế giới…

2. Viết bài văn nghị luận về ý thức chào hỏi của học sinh hiện nay

Nhân dân ta từ xưa đến nay luôn xem trọng truyền thống "lời chào cao hơn mâm cỗ". Khi gặp gỡ một ai đó chúng ta thường chào họ để họ biết mình nhận ra họ mà khi chúng ta chào thường đi kèm với hỏi thăm. Như vậy, điều đó thể hiện chúng ta là một người lịch sự, có văn hóa. Đôi khi những lời chào hỏi còn làm cho các mối quan hệ của con người trở lên gần gũi hơn. Nhưng không phải ai cũng làm được điều đơn giản này, đặc biệt là đối với thế hệ học sinh bây giờ, dường như những lời chào hỏi nó trở nên khá khó khăn.

Có nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi nghi vấn với bản thân mình rằng “Thế nào là chào hỏi không?” hay “Chào hỏi có lợi ích gì?”. Thực ra những câu hỏi này rất đơn giản nhưng chúng ta luôn bỏ qua nó. Vì thế, khi mà xã hội càng phát triển thì nó lại càng bị lãng quên hơn đối với các thế hệ học sinh bây giờ. Vậy chúng ta cùng xem lại định nghĩa như thế nào là chào hỏi để hoàn thiện bản thân hơn. Chào hỏi chính là một hình thức giao tiếp giữa hai người hoặc nhiều người với nhau, họ có thể chào hỏi nhau bằng lời nói, cử chỉ hay hành động. Và ở từng hoàn cảnh khác nhau chúng ta nên lựa chọn những hình thức khác nhau cho phù hợp. Những lời chào hỏi này dù được lựa chọn bằng hình thức nào nhưng nó vẫn có tác dụng rất lớn bởi nó còn thể hiện ý thức, bản cách của mỗi người và hơn cả nó còn thể hiện nề nếp, gia phong và cách dạy dỗ con cái của mỗi gia đình.

Chúng ta sẽ thấy rất rõ một người có ý thức chào hỏi thì người đó luôn nhận được sự quan tâm và yêu quý của mọi người. Chào hỏi tuy chỉ là một câu nói, một hành động rất nhỏ thế nhưng nó lại thể hiện được ý thức của con người. Chào hỏi người khác giúp ta tạo được ấn tượng ban đầu tốt với mọi người là cơ sở tồn tại của mọi mối quan hệ. Chào hỏi còn thể hiện lối sống văn minh lịch sự, thể hiện bản thân là một người lễ phép, hòa đồng, biết tôn ti phép tắc. Chào hỏi đem lại nhiều lợi ích cho chúng ta và chẳng phải là việc làm khó khăn gì tại sao nhiều bạn học sinh lại khó để mở miệng ra chào một câu đến thế?

Thế nhưng, điều đáng buồn thay đó chính là một bộ phận học sinh trong xã hội hiện nay đều không có ý thức chào hỏi. Nếu đa số học sinh không chào hỏi mà một bạn học sinh trong đám đó bỗng nhiên chào người lớn hay thầy cô đi qua thì ngay lập tức những bạn bên cạnh sẽ rỉ tai nhau rằng đứa kia giả tạo, nịnh bợ rồi đạo đức giả. Điều đó thật tệ đúng không nào, chẳng ai mong muốn mình bị bàn tán, rồi họ cũng sợ vì lý do nhỏ nhoi như thế mà bị cô lập, quãng thời gian học tập rồi sẽ cô độc một mình, nghĩ đến đây ai chẳng giật mình sợ hãi. Vậy là các bạn có ý thức chào hỏi cũng sẽ dần bị đồng hóa trở thành những người không có ý thức chào hỏi.

Các bạn nên nhớ rằng một người văn minh là phải chào hỏi. Không chào hỏi là một hành động tự biến mình thành một người vô lễ, không biết cách chào hỏi biến mình thành một người không biết cách tôn trọng người khác. Hậu quả của nó không chỉ dừng ở đó, mà việc không chào hỏi hay không biết cách chào hỏi sẽ làm rạn nứt tình cảm vốn có của hai bên. Đành rằng chào hỏi mình không được gì, nhưng nếu không chào hỏi mình sẽ mất nhiều thứ. Chúng ta có thể đánh mất niềm tin của mọi người đặt vào chúng ta, việc có niềm tin của mọi người là vô cùng khó. Không những vậy chúng ta còn đánh mất đi bản chất vốn có của mình đó là sự tôn trọng người khác, cũng như tôn trọng bản thân mình. Tại sao giới trẻ bây giờ lại quên mất văn hóa chào hỏi như vậy?

Lời chào hỏi rất cần thiết và quan trọng trong cuộc sống này. Thế nên, mỗi người nhất là giới trẻ những chủ nhân tương lai của đất nước chúng ta cần tự tạo cho mình một kỹ năng chào hỏi. Để nó là hành trang bên mình khi còn là học sinh, lời chào có thể xây dựng nên một tình bạn đẹp, tình thầy trò gắn bó. Khi ra ngoài xã hội sẽ được mọi người tôn trọng. Chẳng gì tuyệt vời hơn khi chúng ta là một người có văn hóa, có lịch sự, chúng ta được mọi người yêu mến kính trọng.

Lời chào hỏi không có gì là khó khăn cả nhưng nó lại mang một ý nghĩa to lớn. Sẽ chẳng có gì phải ngại ngần khi nói ra lời chào của chính bạn, bởi một chào được nói ra bạn sẽ có thêm rất nhiều thứ. Hy vọng trong tương lai khi nền kinh tế nước ta phát triển hơn nữa thì văn hóa của nước ta, đặc biệt là văn hóa chào hỏi, sẽ không bị lãng quên, bị bóp méo, xô lệch.

3. Viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ về lời chào hỏi

Hiện nay, lời chào hỏi đang ngày càng kiệm lời đi, nhất là đối với các em học sinh. Câu chuyện về ý thức chào hỏi đã trở thành vấn đề bàn tán và đáng lo ngại với mọi người. Nào là gặp người lớn không chào, tỏ thái độ với người lớn tuổi, không tôn trọng người khác, không biết cư xử chừng mực, học sinh vô lễ với giáo viên đã trở thành những đề tài quen thuộc với mọi người. Mặc cho những bài học, những lời răn dạy của người lớn, của cha mẹ, thầy cô thế nhưng nghe xong rồi cũng đâu vào đấy. Học sinh vẫn cứ tụm năm tụm ba ngồi tán với nhau nhưng thấy giáo viên đi qua thì lại không chào, học sinh gặp người lớn trên đường không chào, bạn bè suồng sã chửi bới nhau thậm chí đánh nhau. Đạo đức và nề nếp của một bộ phận thuộc tầng lớp học sinh đang đi xuống nghiêm trọng và cần phải có biện pháp để khắc phục. Ý thức chào hỏi của học sinh không chỉ hiểu đơn giản là ở trong cuộc sống thực mà nó cũng nên được hiểu trong khía cạnh trên mạng xã hội. Hiện nay hầu hết các bạn học sinh đề sử dụng mạng xã hội, nó đã trở thành một phần không thể thiếu của giới trẻ. Cũng chính từ mạng xã hội mà học sinh học được cách nói năng vô lễ, nói tục chửi bậy dường như đã không xa lạ gì khi chúng ta xem mạng xã hội bây giờ. Nhờ vào sự phổ biến và lan truyền của mạng xã hội mà nhiều từ mới mang nghĩa tiêu cực được lan truyền rộng rãi hơn, thậm chí việc sử dụng tiếng lóng đã trở thành trào lưu với đông đảo giới học sinh. Là bạn bè với nhau nhưng thay vì chào hỏi nhau thật thân thiện thì lại có những hành động suồng sã, không tôn trọng nhau và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến rạn nứt của tình bạn. Chào hỏi, một hành động đơn giản như thế thôi nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Là một học sinh ngoài nghĩa vụ học hành thì chúng ta cũng cần phải tự tu dưỡng đạo đức cá nhân để trở thành một con người hoàn thiện hơn, xứng đáng trở thành chủ nhân tương lai của đất nước đưa đất nước ngày càng phát triển.

Ngày:25/09/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM