Nghị luận hiện tượng đời sống về vấn đề Biến đổi khí hậu và thiên tai

Bài văn mẫu dưới đây sẽ cung cấp cho các em những kiến thức cần thiết của đời sống xã hội, cụ thể là vấn đề biến đổi khí hậu và thiên tai. Từ đó, các em sẽ ý thức hơn trong việc chung tay ngăn chặn những biến đổi đó. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Nghị luận hiện tượng đời sống về vấn đề Biến đổi khí hậu và thiên tai

1. Dàn ý nghị luận xã hội về vấn đề biến đổi khí hậu và thiên tai

- Mở bài: Dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: Điều mà toàn xã hội phải quan tâm nhất hiện nay, là tiếng chuông báo động lớn nhất, chính là vấn đề biến đổi khí hậu.

- Thân bài:

+ Giải thích:

  • Biến đổi khí hậu Trái Đất: là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm.
  • Bao gồm: nóng lên toàn cầu, băng tan, nhiệt độ thay đổi, hiện tượng nhà kính,…

+ Thực trạng:

  • Theo thống kê, số cơn bão trên biển Đông ảnh hưởng đến nước ta với cường độ mạnh có chiều hướng tăng lên, mùa bão kết thúc muộn, quỹ đạo của bão trở nên dị thường và số cơn bão ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung bộ, Nam bộ ngày càng tăng.
  • Ở Mỹ trong năm vừa qua đón những cơn lũ lụt kinh hoàng trong lịch sử khiến nhiều người dân thương vong và ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế quốc dân.
  • Biến đổi khí hậu đang tác động rộng lớn trên toàn thế giới. Từ vài năm trở lại đây nhân loại phải đứng trước những đe dọa của thiên nhiên, thiên tai và dịch bệnh gây nguy hại cho đời sống con người. Băng tan hai cực, sóng thần,... lần lượt các thảm họa thiên tai diễn ra trên diện rộng trên nhiều quốc gia. Ngay như ở Việt Nam, bão lũ cũng xảy ra với tần suất cao và cường độ mạnh, ngày càng có nhiều làng "ung thư" xuất hiện,...
  • Biến đổi khí hậu không phải là vấn đề của riêng ai. Quan tâm và chung tay hành động, chúng ta sẽ giúp cho Trái Đất ngày một xanh tươi, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.Ở nước ta đã có 12 tỉnh công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn.
  • Sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Biểu hiện rõ nhất là sự nóng lên của trái đất, là băng tan, nước biển dâng cao; là các hiện tượng thời tiết bất thường, bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán và giá rét kéo dài,... dẫn đến thiếu lương thực, thực phẩm và xuất hiện hàng loạt dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm.

+ Nguyên nhân:

  • Do tự nhiên.
  • Chủ yếu do hoạt động của con người: chặt phá rừng bừa bãi, khói thải công nghiệp, xả thải nước trực tiếp ra biển, phá hỏng tầng ozon.

+ Hậu quả:

  • Rừng bị khai thác quá đà gây ra lụt lội, nhiều động vật mất nhà, con người phải chịu cảnh lũ lụt thường xuyên, môi trường khói bụi không có cây lọc khí CO2.
  • Băng tan ở hai cực gây ra sóng thần, đời sống người dân cực khổ.
  • Ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên.
  • Đất nước rơi vào tình trạng khó khăn.
  • Gây tình trạng hạn hán kéo dài ảnh hưởng tới vấn đề cây trồng vật nuôi.
  • Biến đổi khí hậu còn gây nên tình trạng lũ lụt, thiên tai...
  • Ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, thiếu nước sinh hoạt hoặc ô nhiễm nguồn nước.
  • Kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
  • Ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nông dân.

+ Giải pháp:

  • Chủ động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
  • Có những chính sách khai thác phù hợp. 
  • Kêu gọi mọi người trên toàn thế giới chung tay góp sức bảo vệ trái đất.

- Kết bài: Khẳng định lại vấn đề nghị luận.

+ Trái đất là ngôi nhà của chúng ta, vì thế bảo vệ trái đất không bị phá huỷ bởi ô nhiễm môi trường ta phải chung tay góp sức ngăn chặn hiện tượng này.

+ Hãy tham gia trồng cây, bảo vệ rừng và biển.

+ Hãy tham gia và tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường. Những hoạt động tình nguyện của các cá nhân, tập thể có ý nghĩa thiêt thực và góp phần phát triển cộng đồng bền vững.

2. Viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn đề biến đổi khí hậu và thiên tai

Hiện nay có rất nhiều vấn đề đang ảnh hưởng rất lớn đến xã hội và con người, nó gây ra những hiểm họa khôn lường. Những vấn đề này có mối tương tác lẫn nhau và đều ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống con người cũng như sự phát triển của xã hội. Trong đó, dù ở mức độ quốc gia hay toàn cầu thì biến đổi khí hậu và thiên tai luôn được xem là vấn đề môi trường nóng bỏng nhất và hơn thế nữa còn được coi là một vấn đề quan trọng tác động tới tiến trình phát triển bền vững hiện nay trên toàn thế giới. Sau cuộc tranh luận kéo dài hơn 30 năm, cho đến nay, các nhà khoa học đã có sự nhất trí cao và cho rằng trong những thập kỷ gần đây, những hoạt động phát triển kinh tế – xã hội với nhịp điệu ngày một cao trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp, giao thông, nông – lâm nghiệp và sinh hoạt đã làm tăng nồng độ các khí gây hiệu ứng nhà kính (N2O, CH4, H2S và nhất là CO2) trong khí quyển, làm Trái đất nóng lên, làm biến đổi hệ thống khí hậu và ảnh hưởng tới môi trường toàn cầu. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Khi nhiệt độ, tính biến động và dị thường của thời tiết và khí hậu tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt. Sự bất thường của chu kỳ sinh khí hậu nông nghiệp không những dẫn tới sự tăng dịch bệnh, dịch hại, giảm sút năng suất mùa màng, mà còn có thể gây ra các rủi ro nghiêm trọng khác. Trong thời gian qua, ở nhiều địa phương, mùa màng đã bị mất trắng do thiên tai (lũ lụt và hạn hán). Biến đổi khí hậu và thiên tai là một vấn đề phức hợp, vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính lâu dài, tác động tới tất cả các lĩnh vực, từ tự nhiên đến kinh tế – xã hội trên phạm vi toàn cầu. Biến đổi khí hậu và thiên tai, thực chất là vấn đề phát triển bền vững. Vì vậy, ứng phó với biến đổi khí hậu cần phải được tiến hành trong một chương trình/ kế hoạch quốc gia thống nhất và trong sự hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, để cùng bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta - trái đất mà trên đó con người là vốn quý nhất.

3. Viết bài văn nghị luận về về vấn đề biến đổi khí hậu và thiên tai

Không chỉ riêng bất kì một nước nào, một cá nhân nào mà cả nhân loại đều đang đứng trước nguy cơ bị diệt vong do tác động của nạn ô nhiễm môi trường dẫn đến "sự biến đổi khí hậu và những thiên tai gần đây như động đất, sóng thần, núi lửa... đang gây nên những hiểm họa khôn lường cho nhân loại". Chúng ta cần ngăn chặn vấn đề này một cách nhanh nhất có thể.

Từ vài năm trở lại đây nhân loại phải đứng trước những đe dọa của thiên nhiên, thiên tai và dịch bệnh gây nguy hại cho đời sống con người. Còn nhớ năm 2005, sóng thần đã cuốn trôi hàng chục ngàn người ở Thái Lan và Indonesia. Năm 2008, động đất làm tan hoang Tứ Xuyên (Trung Quốc). Và mới đây nhất, tháng 3/2011, động đất và sóng thần đã làm cho Nhật Bản trở thành vùng đất chết. Hơn hai mươi ngàn người chết, cơ sở vật chất kinh tế bị tàn phá nặng nề. Ngoài những biến cố về động đất, sóng thần, ta còn gặp những hiện tượng thời tiết lạ như: El-Nino đã gây hạn hán ở Australia và lụt lội ở Nam Mỹ (2006-2007). Hiện tượng băng tan ở Bắc cực, lụt lội ở Thái Lan, Việt Nam (2010). Ngày càng nhiều làng "Ung thư" xuất hiện ở Việt Nam và thế giới... đây là những con số đáng báo động, cho thấy sự nổi giận của thiên nhiên trước những sai lầm của con người.

Biến đổi khí hậu và thiên tai chính là quá trình thay đổi của thời tiết, khí hậu, có thể là do con người hoặc thiên nhiên gây ra. Những biểu hiện cụ thể mà chúng ta vẫn thường nghe đến chính là hiện tượng trái đất không ngừng nóng lên, hiệu ứng nhà kính, hiện tượng băng tan...

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu và thiên tai. Có thể là do sự thay đổi của môi trường tự nhiên, các lớp hóa thạch, đất đá bị rạn nứt hay hiện tượng núi lửa phun trào cũng làm tác động nên phù sa của các con sông. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do các hoạt động của con người. Với nhu cầu ăn ở, tiêu dùng nhà cửa tăng nhanh, con người sẵn sàng phá hủy rừng xanh để làm nơi cứ trú. Khối lượng các nhà máy, khu công nghiệp nở rộ đồng nghĩa với lượng khí CO2, N20 thải vào trong không khí nhiều lên mỗi ngày làm cho tầng ozone của chúng ta dần bị thủng to hơn, dẫn đến nền nhiệt không khí tăng lên. Hiện trạng lượng rác thải sinh hoạt, sử dụng túi bóng nilon cả năm bị chôn vùi dưới đất cũng không bí phân hủy cũng là nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu.

Việt Nam là một nước dễ bị thiên tai và đặc biệt bị ảnh hưởng bởi các rủi ro liên quan đến khí hậu nên cần có những biện pháp để làm thay đổi những biến đổi khí hậu. Dự án phủ xanh đồi trọc được đưa ra và triển khai trên nhiều vùng miền đất nước. Ngoài ra, Việt Nam cũng đưa ra nhiều biện pháp, chính sách nhằm bảo vệ các loại động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng chính là ý thức của người dân. Chúng ta cần nâng cao nhận thức của mọi người về biến đổi khí hậu đồng thời tuyên truyền các biện pháp để cải thiện và bảo vệ môi trường.

Để ngăn chặn cũng như làm chậm hơn quá trình biến đổi khí hậu và thiên tai, mỗi người chúng ta cần phải có ý thức bảo vệ trái đất, bảo vệ môi trường sống xung quanh. Mỗi một người chỉ cần có ý thức, sẽ giúp cho trái đất hàng ngày không phải gánh chịu những tổn hại nặng nề thêm nữa. Ngoài ra nhà nước, các cơ quan chức năng, ban ngành cần phải có biện pháp cứng rắn, trừng phạt thích đáng những kẻ chuyên chặt phá rừng, xả chất thải gây hại cho môi trường không khí, môi trường nước. Tuyên truyền, vận động mỗi cá nhân tích cực hơn, có ý thức bảo vệ môi trường sống, để giảm thiểu tối đa những tác hại đến thiên nhiên.

Thật vậy, có thể thấy biến đổi khí hậu và thiên tai không còn là vấn đề của riêng mỗi người, mà là của toàn xã hội, toàn thế giới. Chúng ta hãy cùng nhau chung tay xây dựng, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống, vì một tương lai tươi đẹp ở phía trước.

 

Ngày:18/09/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM